5 lưu ý quan trọng khi mua và sử dụng thực phẩm chức năng
1. Trả lời câu hỏi: “Vì sao bạn cần nó”?
Trước khi quyết định cần mua bất cứ loại thực phẩm chức năng nào bạn nên trả lời câu hỏi vì sao bạn nên mua chúng hay bạn mua chúng vì mục đích gì? Và tốt nhất là nên tham vấn ý kiến của chuyên gia ý tế đang theo dõi sức khỏe cho bạn. Vì như bạn đang trong giai đoạn cần tăng cường năng lượng để luyện tập, thi đấu hay làm việc thì bạn cần bổ sung thêm cho cơ thể một số loại vi chất nào? Bạn đang gặp phải những rắc rối sức khỏe như lượng cholesterol trong cơ thể quá cao, bạn bị béo phì và đang muốn giảm cân… vì nên lựa chọn những sản phẩm chứa hoạt chất gì sẽ phù hợp?
Nếu trả lời chính xác những câu hỏi này, sau đó, bạn sẽ chắc chắn rằng việc đầu tư một khoản tiền nhất định cho loại thực phẩm chức năng bạn chọn mua là sự lựa chọn sáng suốt. Nó phục vụ đúng cho mục đích sử dụng của bạn và sẽ mang đến những lợi ích sức khỏe, nhan sắc.
2. Đánh giá chính xác giá trị của thực phẩm chức năng
Những lời quảng cáo đường mật, hấp dẫn của các loại thực phẩm chức năng rất dễ lôi cuốn bạn. Tuy nhiên, để tránh lãng phí và không sử dụng sai mục đích bạn cần tỉnh táo khi lựa chọn mua bất cứ loại sản phẩm nào.
Để nắm bắt được những thông tin thực tế về sản phẩm bạn nên đọc kỹ nhãn mác về thành phần, công dụng in trên bao bì hoặc tờ hướng dẫn sử dụng kèm theo. Đáng tin nhất là những sản phẩm có ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, nơi sản xuất, khuyến cáo sử dụng. Đặc biệt, với công dụng của sản phẩm, nên có những tiêu chuẩn nhất định kèm theo hoặc hãy chắc chắn đây là sản phẩm đã được kiểm duyệt khắt khe bởi những tổ chức uy tín, và là sản phẩm hợp pháp về tiêu chuẩn được chính phủ cho phép lưu thông. Một lưu ý nữa là bạn cần quan tâm đến giá cả sản phẩm. Không phải cứ đắt là sẽ tốt. (Thậm chí, một số người kinh doanh còn lợi dụng tâm lý “đắt sắt ra miếng” này để đẩy giá). Giá cả của sản phẩm phải tương đương với những giá trị mà bạn có thể thẩm định được, đồng thời, cũng cần phải hợp với điều kiện kinh tế, vì việc sử dụng thực phẩm chức năng cần có quá trình lâu dài, chứ không chỉ ngày một ngày hai.
3. Kiểm tra kỹ thành phần
91% những người được phỏng vấn đều cho rằng họ rất hài lòng và không khắt khe khi quyết định mua những loại thực phẩm và đồ uống được cho rằng có khả năng “cải thiện năng lượng hoặc tăng cường thể trạng sức khỏe cho cơ thể”. Tuy nhiên, đối với các chuyên gia sức khỏe và dinh dưỡng, yếu tố này chưa đủ để bạn quyết định mua sản phẩm đó, thậm chí nếu vội vã mua loại sản phẩm đó có thể bạn còn là “nạn nhân” của nhiều rắc rối. (Theo nghiêu cứu của Tổ chức Thực phẩm Quốc tế) Bạn cần đọc kỹ từng thông số của sản phẩm, đặc biệt là thành phần của nó. Thành phần cấu thành nên thực phẩm chức năng sẽ có những ảnh hưởng trực tiếp đến thể trạng sức khỏe của bạn. Nó có thể là tác động tích cực nhưng không hiếm những trường hợp là những hệ lụy không mong muốn.
Ví như vitamin nhóm B là các loại vi chất cần thiết giúp cơ thể tận thu nguồn năng lượng từ thực phẩm bạn thu nạp vào cơ thể. Điều này thực sự rất “có ý nghĩa” với những người đang bị thiếu hụt hàm lượng vitamin B trong cơ thể. Tuy nhiên, tình trạng thừa một số loại vitamin nhóm B có thể dẫn đến các hệ lụy cho sức khỏe. Ví dụ vitamin B6 là co-enzyme trong chuyển hóa acid amin, tham gia vào quá trình tạo máu, tái tạo tổ chức biểu mô; Đồng thời, tham gia chuyển hóa trytophan thành serotonin, một chất quan trọng của hệ thần kinh. Tuy nhiên, việc dùng liều cao hoặc dùng kéo dài nhiều tháng có thể gây thừa vitamin B6, biểu hiện bằng viêm đa dây thần kinh, giảm sút trí nhớ, tăng men gan… Hay vitamin B12 là co-enzyme tham gia tổng hợp acid nucleic và myelin nên có vai trò trong cấu tạo và hoạt động của hệ thần kinh, tạo máu, tái tạo nhu mô gan nhưng thừa vitamin B12 có thể gây hoạt hóa hệ đông máu làm tăng đông, gây tắc mạch.
4. So sánh chế độ ăn uống và việc sử dụng sản phẩm
Những thành phần dinh dưỡng có trong thực phẩm chức năng thực chất nó cũng có mặt trong đại đa số những loại thực phẩm tự nhiên hàng ngày. Ví như một loại thực phẩm chức năng nào đó quảng cáo rằng đó là nguồn dinh dưỡng lý tưởng bổ sung cho cơ thể chất béo omega-3. Đây là loại chất béo mà cơ thể không có khả năng tổng hợp được, nó cần được thu nạp từ bên ngoài. Thế nhưng chất béo này lại có nhiều trong cá và các loại tinh dầu thực vật. Vậy nên, nếu trong chế độ ăn uống của bạn thường xuyên có mặt những nhóm thực phẩm như cá, tinh dầu thực vật thì bạn không cần bổ sung thêm loại thực phẩm chức năng này nữa. Thế nhưng, nếu bạn là người “ghét” ăn cá và trong chế độ ăn uống của bạn thường xuyên “vắng bóng” những thực phẩm có chứa nhiều omega-3 thì đây là lựa chọn lý tưởng dành cho bạn. Đây là lời khuyến cáo của chuyên gia Christine Gerbstat – người đứng đầu của Hiệp hội Dinh dưỡng Hoa Kỳ giúp bạn có được sự cân nhắc tốt hơn trước khi chọn mua thực phẩm chức năng. Nói tóm lại, đa phần các chất dinh dưỡng trong thực phẩm chức năng đều có thể tìm thấy trong thức ăn hàng ngày. Vậy nên, một chế độ ăn dinh dưỡng, đầy đủ và đa dạng sẽ khiến cơ thể có được những nhu cầu cần thiết. Lúc này, hãy cân nhắc bổ sung các sản phẩm thực phẩm chức năng có giá trị hơn, ví dụ như sản phẩm có chứa các hoạt chất sinh học, giúp tăng cường hệ miễn dịch, tăng cường trao đổi chất – hấp thu và hỗ trợ phòng ngừa hoặc điều trị một số loại bệnh.
5. Loại bỏ suy nghĩ “cứ là thực phẩm chức năng sẽ tốt toàn diện”
Nhiều người cho rằng đã là thực phẩm chức năng thì chỉ có lợi một cách tuyệt đối mà sẽ không có bất cứ hệ lụy nào. Hơn thế nữa, với các kiểu quảng cáo hoa mĩ đầy hứa hẹn về những tác dụng thần kỳ của sản phẩm, như giúp hỗ trợ điều trị tất cả các bệnh mà con người mắc phải, người tiêu dùng ngày càng bị dẫn dắt, thuyết phục và dẫn đến việc có nhận thức sai lệch về công dụng thực sự của các sản phẩm thực phẩm chức năng.
Để trở thành người tiêu dùng thông thái đối với thực phẩm chức năng, bạn cần nhận thức rõ: Thực phẩm chức năng khác với thuốc chữa bệnh, chúng không có tác dụng điều trị bệnh một cách trực tiếp như thuốc. Trong bất kì trường hợp nào, thực phẩm chức năng cũng chưa thể thay thế được thuốc chữa bệnh. Với những đối tượng mắc bệnh, đặc biệt là những căn bệnh nguy hiểm và mạn tính không nên tin rằng thực phẩm chức năng sẽ là “khắc tinh” của bệnh mà cần được bác sĩ thăm khám để có hướng điều trị rõ ràng. Trong quá trình này, thực phẩm chức năng nên được dùng như một phương pháp hỗ trợ điều trị nhằm mang lại kết quả tích cực và nhanh chóng hơn.