Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Sỏi bùn túi mật là gì? Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị sỏi bùn túi mật
Sỏi bùn túi mật không phải là vấn đề thường gặp nhưng có nguy cơ để lại biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau với triệu chứng không rõ ràng, rất khó nhận biết. Do đó, người bệnh cần chủ động theo dõi sát sao để liên hệ ngay với bác sĩ khi nghi ngờ.
Tổng quan chung sỏi bùn túi mật
Sỏi bùn túi mật, hay cặn bùn túi mật là các chất tích tụ bên trong túi mật do sự lắng đọng lâu ngày của cholesterol, muối canxi, hoặc bilirubin. Về bản chất, cặn bùn túi mật không phải là một vấn đề y tế nhưng có nguy cơ dẫn đến các tình trạng bệnh lý, điển hình như sỏi mật, viêm tụy. Nhiều trường hợp, sỏi bùn cũng có thể tự biến mất theo thời gian. Hầu hết người bệnh đều được phát hiện tình trạng này trong quá trình siêu âm.
Triệu chứng sỏi bùn túi mật
Thống kê cho thấy, có đến 80% các trường hợp bị sỏi bùn túi mật nhưng không nhận thấy triệu chứng. Một số người chỉ phát hiện được trong quá trình chẩn đoán các bệnh liên quan như viêm tụy cấp tính. Dưới đây là một số dấu hiệu có thể nhận thấy khi bị sỏi:
- Đau bụng: Cơn đau ở vùng bụng trên, đặc biệt là bên phải, thường xuất hiện ngay sau bữa ăn, có thể là biểu hiện của các vấn đề về túi mật, bao gồm cả sỏi.
- Đau ngực: Mặc dù cơn đau liên quan đến túi mật thường xuất hiện chủ ở vùng bụng, nhưng hiện tượng đau dưới xương ức (ngực), đau vai phải cũng có thể liên quan đến sỏi bùn.
- Nôn và buồn nôn.
- Phân mỡ, hoặc phân xám đen.
Tuy nhiên, những triệu chứng này cũng có thể là cảnh báo của nhiều tình trạng bệnh lý khác. Do đó, người bệnh cần đến gặp bác sĩ thăm khám để được chẩn đoán chính xác. Không phải tất cả những trường hợp có sỏi bùn túi mật đều có triệu chứng rõ ràng. Khi cặn bùn hình thành bởi một số yếu tố, chẳng hạn như mang thai, cặn bùn cũng thường biến mất khi thai kỳ kết thúc.
Nguyên nhân sỏi bùn túi mật
Sỏi bùn túi mật thường xuất hiện do các nguyên nhân điển hình sau:
- Lạm dụng rượu.
- Mắc các bệnh liên quan đến túi mật, gan.
- Có tiền sử bị sỏi mật hoặc bùn mật.
- Giảm cân đột ngột (ở người đang bị thừa cân).
- Phẫu thuật dạ dày.
- Cấy ghép nội tạng
- Nhịn ăn lâu ngày, chỉ truyền dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch đơn thuần.
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc
- Mắc các bệnh nghiêm trọng (như suy cơ quan)
- Chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt
- Mang thai (tác nhân gây stress cho túi mật, dẫn đến hình thành cặn bùn túi mật nhưng tình trạng này thường tự khỏi khi thai kỳ kết thúc).
Đối tượng nguy cơ sỏi bùn túi mật
Sỏi bùn túi mật không phải là vấn đề phổ biến, tuy nhiên, những đối tượng thuộc các nhóm sau thường có nguy cơ mắc cao hơn:
- Nữ giới (thường có xu hướng mắc các bệnh về túi mật cao hơn nam giới).
- Những người bị bệnh nặng.
- Người bị bệnh tiểu đường.
- Người thừa cân sau đó thực hiện giảm cân nhanh chóng.
- Người từng cấy ghép nội tạng.
Chẩn đoán sỏi bùn túi mật
Nếu nghi ngờ đau bụng do sỏi bùn trong túi mật, bác sĩ sẽ đặt một số câu hỏi liên quan đến bệnh sử và triệu chứng cụ thể. Sau đó, bác sĩ tiến hành thăm khám, ấn các điểm đau trên thành bụng. Ngoài ra, một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh cũng có thể được chỉ định thực hiện bao gồm:
- Siêu âm: Nếu bác sĩ nghi ngờ túi mật là căn nguyên của cơn đau, siêu âm bụng sẽ được tiến hành thực hiện nhằm phát hiện chính xác vị trí của sỏi. Sau khi xác định sỏi mật hoặc sỏi bùn, người bệnh có thể cần thực hiện thêm một số xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán nguyên nhân.
- Xét nghiệm máu: Phương pháp xét nghiệm máu được chỉ định để kiểm tra tình trạng nhiễm trùng, mức cholesterol, bilirubin trong máu, men gan, men tụy.
- Chụp MRI, chụp CT: Những xét nghiệm hình ảnh này cũng có thể được thực hiện trong chẩn đoán sỏi bùn túi mật.
Phòng ngừa sỏi bùn túi mật
Sỏi bùn túi mật có thể được ngăn ngừa hiệu quả thông qua một số phương pháp:
- Duy trì chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh với nhóm thực phẩm giàu chất xơ (trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, rau, các loại đậu…) và chất béo lành mạnh (dầu cá, dầu oliu…)
- Tránh hoàn toàn hoặc cắt giảm lượng carb tinh chế, đường, đồ chiên rán, chất béo không lành mạnh trong chế độ ăn hằng ngày
- Tránh tăng hoặc giảm cân một cách đột ngột, nhanh chóng
- Hạn chế uống rượu, tốt nhất là kiêng tuyệt đối
Điều trị sỏi bùn túi mật như thế nào?
Tùy vào mức độ nghiêm trọng của sỏi bùn túi mật, bác sĩ sẽ chỉ định lựa chọn điều trị phù hợp. Một số phương pháp phổ biến thường được áp dụng bao gồm:
Xây dựng lối sống và chế độ ăn uống lành mạnh
Các biện pháp liên quan đến thay đổi lối sống và chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp ngăn ngừa sỏi bùn túi mật tái phát. Cụ thể như sau:
- Tránh lạm dụng rượu, tốt nhất là kiêng rượu hoàn toàn.
- Duy trì một chế độ ăn ít chất béo.
- Tránh tăng hoặc giảm cân đột ngột, nhanh chóng.
- Tập trung điều trị các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn để nâng cao sức khỏe tổng quát.
Trong một số trường hợp, sỏi bùn túi mật cũng có thể tan nhờ sử dụng thuốc điều trị. Người bệnh nên trao đổi kỹ với bác sĩ để có lựa chọn hợp lý.
Nội soi mật tuỵ ngược dòng
(Endoscopic retrograde cholangiopancreatography – ERCP)
Nội soi mật tuỵ ngược dòng (ERCP) là một thủ thuật xâm lấn tối thiểu được chỉ định thực hiện đối với tình trạng sỏi kẹt ống mật chủ. Theo đó, bác sĩ sẽ dùng ống nội soi mềm đưa qua đường miệng, đến tá tràng để tiếp cận ống mật chủ và tiến hành gắp sỏi. Trong quá trình này, máy chụp X-quang có thể được sử dụng kết hợp để giúp loại bỏ sỏi trong đường mật một cách triệt để.
Với thủ thuật nội soi mật tuỵ ngược dòng (ERCP), người bệnh có thể sẽ phải nhịn ăn vài giờ trước khi thực hiện và cần thay đổi chế độ dinh dưỡng về sau.
Phẫu thuật
Nếu người bệnh bị đau dữ dội liên quan đến sỏi bùn túi mật hoặc sỏi mật đã hình thành, gây ra hàng loạt các triệu chứng nghiêm trọng khác, phẫu thuật cắt bỏ túi mật sẽ được chỉ định. Phương pháp này thường ưu tiên với những người có tình trạng sức khỏe tốt. Phẫu thuật sẽ yêu cầu gây mê toàn thân, người bệnh ở trong trạng thái ngủ hoàn toàn trong quá trình thực hiện.