Những phương pháp phòng ngừa bệnh sởi ở phụ nữ mang thai
Phụ nữ mang thai có hệ miễn dịch suy yếu nên rất dễ mắc phải các bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh sởi. Trong trường hợp phụ nữ mang thai bị bệnh sởi nhưng không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và sự phát triển thai nhi đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ.
Nguyên nhân mắc bệnh sởi ở phụ nữ mang thai
- Ở phụ nữ mang thai, sự thay đổi nội tiết làm cho hệ thống miễn dịch suy giảm khiến cơ thể khó chống chọi lại với virus sởi. Mặc dù phụ nữ có thai trước đó có sử dụng mũi tiêm phòng sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng nhưng sau khoảng 3 – 5 năm, các kháng thể này yếu dần và không đủ sức để tạo ra hàng rào miễn dịch bảo vệ cho cả mẹ và bé.
- Ngoài ra, còn do tình trạng thiếu chất ở bà bầu trong thời kỳ ốm nghén. Đây là nguyên nhân khiến virus Paramyxoviridae dễ dàng xâm nhập và gây bệnh.
Phụ nữ mang thai dễ mắc bệnh sởi do hệ miễn dịch suy giảm
Dấu hiệu nhận biết
Bệnh sởi ở phụ nữ mang thai có thời gian ủ bệnh từ 7 – 21 ngày, tùy từng giai đoạn mà biểu hiện của bệnh sởi phụ nữ mang thai sẽ khác nhau:
- Giai đoạn khởi phát
- Sốt cao 39 – 400C, mệt mỏi, chán ăn, đau đầu
- Viêm long đường hô hấp trên: ngạt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi…
- Bị khản tiếng do viêm thanh quản
- Bề mặt niêm mạc má xuất hiện các hạt Koplik có kích thước 0,5 – 1mm màu trắng/xám có quầng ban đỏ nổi gồ lên trên.
- Giai đoạn toàn phát
- Có triệu chứng phát ban sau khi sốt cao 3 – 4 ngày, ban hồng dát sần
- Ban xuất hiện theo thứ tự từ sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ rồi lan dần đến thân mình và tứ chi, gan bàn chân và lòng bàn tay. Tình trạng sốt giảm dần khi ban mọc hết toàn thân.
- Giai đoạn hồi phục
- Những nốt ban sẽ nhạt màu dần rồi chuyển sang màu xám, bong vảy và để lại vết thâm vằn da hổ, sau đó biến mất dần dần theo thứ tự
- Tình trạng ho vẫn tiếp tục và kéo dài 1 – 2 tuần sau khi hết ban
Phương pháp phòng ngừa bệnh
Bệnh sởi sẽ ảnh hưởng tới thai nhi tuỳ theo thời điểm mà người mẹ nhiễm sởi khi mang thai:
- Trong 3 tháng đầu: nguy cơ thai nhi dị dạng hoặc sẩy thai rất cao, sinh con nhẹ cân hoặc thậm chí dị tật.
- Trong 3 tháng giữa: nguy cơ dị dạng thai ít hơn, nhưng vẫn có thể gây thai lưu, sẩy thai.
- 3 tháng cuối: nguy cơ gây dị dạng thai không cao nhưng có thể khiến mẹ bầu phải đẻ non hoặc thai chết lưu.
Hiện nay, cách tốt nhất để phòng ngừa sởi ở phụ nữ mang thai là tiêm vắc-xin phòng bệnh.
- Phụ nữ cần tiêm ngừa vắc-xin phòng sởi khi chuẩn bị có kế hoạch mang thai, tốt nhất nên tiêm trước khi mang thai 3 tháng, để vừa giúp cơ thể có đủ thời gian sinh ra kháng thể phòng bệnh, vừa không ảnh hưởng đến thai nhi.
- Vắc-xin MMR là vắc-xin để phòng ngừa bệnh sởi, quai bị, rubella. Đây là vắc xin sống, giảm độc lực, được điều chế từ virus sởi chủng Edmonston, virus quai bị chủng Jeryl Lynn và virus Rubella chủng Wistar RA 27/3 sống, giảm độc lực. Virus rubella được nuôi cấy trên nguyên bào sợi lưỡng bội ở phổi người (WI 38), còn virus sởi và quai bị được nuôi cấy trên tế bào phôi thai gà.
- Sau khi tiêm vắc-xin ngừa sởi, cần tránh thai ít nhất 4 tuần. Đặc biệt, phụ nữ đang mang thai không được tiêm ngừa sởi. Mẹ bầu nên trì hoãn việc tiêm sởi đến khi kết thúc thai kỳ.
Tiêm vaccin sởi trước khi mang thai 3 tháng là phương pháp ngừa sởi hiệu quả nhất
Ngoài ra, khi mang thai cần:
- Thận trọng khi tiếp xúc đám đông, nên đeo khẩu trang khi ra ngoài, sát trùng mũi họng bằng nước muối sinh lý, rửa tay bằng xà phòng.
- Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin C tăng sức đề kháng.
- Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát.
- Khi bị sốt hay phát ban cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và theo dõi.