Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Bệnh cúm là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Tổng quan chung về bệnh cúm
Bệnh cúm là gì?
Cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp gây ra do virus cúm (Influenza virus) với các biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Bệnh cúm nguy hiểm là do tính lây lan nhanh và gây thành dịch. Bệnh có thể xảy ra dưới nhiều mức độ khác nhau: đại dịch, dịch, dịch nhỏ địa phương và các trường hợp tản phát.
Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, hàng năm thế giới có khoảng 5-10% người lớn và 20-30% trẻ em bị nhiễm cúm, trong đó, có khoảng nửa triệu người tử vong do những vấn đề sức khỏe liên quan đến bệnh cúm.
Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận 1-1.8 triệu người mắc cúm mùa. Trước đây, cúm dễ gặp vào mùa lạnh, mùa đông xuân, nhưng hiện nay tại Việt Nam, cúm đã xuất hiện quanh năm và có thể gây ra những ổ dịch rải rác tại các địa phương.
Triệu chứng bệnh cúm
Cúm có khả năng gây ra các triệu chứng từ nhẹ tới nặng.
Triệu chứng thường gặp đầu tiên là sốt cao từ 39 đến 41 độ C (trẻ em thường sẽ sốt cao hơn so với người lớn), 1 số triệu chứng khác:
- Cảm thấy ớn lạnh, đổ mồ hôi
- Ho khan
- Viêm họng
- Nghẹt mũi, chảy nước mũi
- Đau đầu
- Mệt mỏi, khó thở
- Nôn mửa, tiêu chảy (thường gặp ở trẻ em hơn người lớn)
Bệnh cúm dễ nhầm lẫn với cảm lạnh bởi các biểu hiện ban đầu như sổ mũi, hắt hơi và đau họng. Tuy nhiên cảm lạnh thường diễn biến chậm trong khi cúm lại phát triển nhanh, đột ngột. Bạn có thể bắt đầu nhận thấy các dấu hiệu bệnh trong khoảng 1-7 ngày thông thường là 48-72h sau khi tiếp xúc với virus cúm.
Hầu hết các triệu chứng của bệnh cúm sẽ dần biến mất sau khoảng 4-7 ngày. Ho khan, mệt mỏi phần lớn kéo dài hàng tuần bên cạnh việc bị sốt đi sốt trở lại.
Cần tới các cơ sở khám chữa bệnh nếu các triệu chứng cúm dần trở nên nặng hơn hoặc dai dẳng, không có dấu hiệu giảm bớt sau 1 tuần – sốt kéo dài hơn 3 ngày. Nguy hiểm hơn là khi người bệnh cảm thấy khó thở, tức ngực, mất ý thức, co giật, có dấu hiệu mất nước (như tiểu ít, không tiểu) – lúc này cần đưa người bệnh đi cấp cứu ngay lập tức. Đây là những dấu hiệu cảnh báo cho thấy cúm có thể đang chuyển biến thành bệnh lý nghiêm trọng hơn như viêm phổi.
Nguyên nhân bệnh cúm
Virus cúm (Influenza virus) chính là nguyên nhân gây bệnh cúm ở người, virus cúm tấn công vào hệ hô hấp của người bệnh, bao gồm mũi, cổ họng và phổi. Virus cúm tồn tại trong không khí và có thể xâm nhập vào cơ thể khi chúng ta chạm tay vào mắt, mũi, miệng.
Tại Việt Nam, bệnh cúm thường gây ra bởi 3 chủng virus cúm A, B và C. Trong đó, chủng A và B là 2 chủng phổ biến nhất ở người.
Con đường lây truyền bệnh cúm
Bệnh cúm là bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và lây truyền nhanh, có thể gây dịch và đại dịch. Bệnh lây truyền nhanh chóng từ người sang người chủ yếu qua 2 đường:
- Lây qua dịch tiết đường hô hấp: Triệu chứng phổ biến ở những người nhiễm cúm là ho và hắt xì. Tuy nhiên, khi hắt xì và ho, người bệnh sẽ tạo điều kiện cho virus trong cơ thể bắn ra ngoài theo tuyến nước bọt và phát tán rộng trong không khí với phạm vi 2m. Do đó, người khỏe mạnh khi tiếp xúc gần, trò chuyện trực tiếp với người bệnh sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh.
- Lây qua bề mặt tiếp xúc: Khi bệnh nhân ho hoặc hắt xì sẽ khiến cho các dịch tiết bắn ra ngoài và bám lên các đồ vật. Nếu bạn chạm phải đồ vật đó và vô tình đưa tay trực tiếp lên mũi, miệng thì nguy cơ cao virus sẽ xâm nhập và tấn công cơ thể.
Đối tượng nguy cơ
Bất cứ ai cũng có thể nhiễm cúm đặc biệt nguy cơ cao với những người có sức đề kháng kém bao gồm:
- Trẻ em và người lớn tuổi: Cúm mùa thường có xu hướng xảy ra nhiều ở trẻ em từ 6 tháng tuổi đến 5 tuổi và người già từ 65 tuổi trở lên.
- Người béo phì: Những người có chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể) từ 40 trở lên có nguy cơ dễ mắc cúm cao hơn so với người có cân nặng khỏe mạnh.
- Người bị suy yếu miễn dịch: gồm các đối tượng đang điều trị ung thư, dùng thuốc chống thải ghép, sử dụng steroid trong thời gian dài; gặp phải các vấn đến như cấy ghép nội tạng, mắc ung thư máu, nhiễm HIV/AIDS,….
- Người mắc bệnh mạn tính: bao gồm các bệnh về phổi (như hen suyễn), tiểu đường, tim mạch, thần kinh, rối loạn tiêu hóa, các bất thường về thận, gan hoặc rối loạn máu,…
- Phụ nữ mang thai và sau sinh: đặc biệt trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ 2, 3; và phụ nữ trong thời điểm 2 tuần sau sinh
Chẩn đoán bệnh cúm
Dựa vào các triệu chứng lâm sàng đặc trưng, tuy nhiên rất khó để phân biệt dấu hiệu bị cúm với các bệnh do các tác nhân gây bệnh đường hô hấp khác.
Để chẩn đoán phân biệt cần dựa vào các các xét nghiệm virus học như nuôi cấy virus, phát hiện acid nucleic (PCR, RT-PCR) hay huyết thanh chẩn đoán. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện chụp X-quang phổi để đánh giá mức độ tổn thương do virus cúm gây ra.
Phòng ngừa bệnh cúm
- Tiêm phòng vaccin: Cách tốt nhất để phòng ngừa cúm chính là thực hiện tiêm ngừa cúm hằng năm. Do virus cúm biến đổi liên tục nên mỗi năm đều có loại vaccine chủng ngừa mới được sản xuất dựa theo nghiên cứu từ các nhà khoa học về khả năng gây bệnh của virus.
- Duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh:
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, che miệng khi hắt hơi, rửa tay sạch với xà phòng đồng thời vệ sinh mũi, họng bằng nước muối thường xuyên.
- Luôn giữ ấm cơ thể, xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ chất dinh dưỡng kết hợp với luyện tập thể thao nâng cao thể trạng.
- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân mắc cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ nếu không thật sự cần thiết.
Người dân không nên tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng virus (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
Điều trị bệnh cúm
Hiện tại vẫn chưa có cách điều trị cúm triệt để, chỉ có các phương pháp giúp giảm nhẹ các triệu chứng bệnh, giúp người bệnh thoải mái và dễ chịu hơn. Đối với các trường hợp nhẹ, người bệnh có thể tự điều trị tại nhà (nên thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ). Đối với những trường hợp nặng bệnh nhân phải nhập viện để được điều trị và chăm sóc đề phòng nhiễm khuẩn thứ phát.
Phương pháp không dùng thuốc: nghỉ ngơi, uống nhiều nước, không dùng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,…để tránh làm cơ thể mệt mỏi. Ăn uống lành mạnh, bổ sung đủ dinh dưỡng, các loại rau và trái cây có màu xanh đậm, đỏ và vàng để nâng cao hệ miễn dịch, hỗ trợ hồi phục sức khỏe nhanh chóng.
Dùng thuốc:
- Thuốc giảm đau, hạ sốt: có thể sử dụng một số loại thuốc không kê đơn như Acetaminophen hoặc Ibuprofen nhưng phải cân nhắc với một số đối tượng như trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, phụ nữ mang bầu và người mắc bệnh nền hoặc có tiền sử dị ứng thuốc. Không dùng thuốc nhóm salicylate như aspirin để hạ sốt trong bệnh cúm vì có nguy cơ gây hội chứng Reye nguy hiểm với bệnh nhân.
- Người bệnh cúm có thể sử dụng các loại thuốc trị cảm, thuốc nhỏ hoặc thuốc xịt không kê đơn để giảm bớt một số triệu chứng cúm khó chịu như ho, sổ mũi, nhức đầu,…
- Thuốc kháng virus như: Oseltamivir (Tamiflu) hoặc Zanamivir (Relenza) có công dụng làm giảm triệu chứng của cúm và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng
- Thuốc kháng sinh: không có tác dụng diệt virus mà để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.