Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD): Nguyên nhân và triệu chứng
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ ba trên toàn thế giới với 3,23 triệu ca tử vong vào năm 2019 và là nguyên nhân đứng thứ bảy gây ra tình trạng sức khỏe kém trên toàn thế giới (được tính bằng số năm sống tùy theo tình trạng bệnh). Vây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có nguy hiểm không?
Tổng quan chung
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là gì?
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là một bệnh viêm phổi mạn tính do sự tắc nghẽn luồng khí thở ra không hồi phục hoàn toàn, sự cản trở thông khí này thường tiến triển từ từ và liên quan đến phản ứng viêm bất thường của phổi với các phân tử hoặc khí độc hại.
Bệnh có 2 thể: khí phế thũng và viêm phế quản mạn tính. Trong đó:
- Khí phế thũng: là tình trạng các phế nang của người COPD bị căng giãn trong một thời gian dài gây giãn phế nang, lâu dần hình thành nên các kén khí khiến cho việc trao đổi khí trong phổi ngày càng suy giảm.
- Viêm phế quản mạn tính: thường có biểu hiện ho khạc ra đờm trong ít nhất 3 tháng liên tục và kéo dài trong tối thiểu hai năm, đặc trưng của tình trạng này là đờm nhầy trong phế quản tiết ra rất nhiều so với lúc bình thường.
Ở những người bị COPD, phổi có thể bị tổn thương hoặc bị tắc do đờm. Các triệu chứng bao gồm ho, đôi khi có đờm, khó thở, thở khò khè và mệt mỏi.
Hút thuốc và ô nhiễm không khí là nguyên nhân phổ biến nhất của COPD. Những người mắc bệnh COPD có nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe khác cao hơn.
COPD không thể hồi phục hoàn toàn nhưng các triệu chứng có thể cải thiện nếu người bệnh tránh hút thuốc , hạn chế tiếp xúc với ô nhiễm không khí và tiêm vắc-xin như vắc xin cúm, ho gà và phế cầu để ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp. Bệnh cũng có thể được điều trị bằng thuốc, và phục hồi chức năng phổi.
Triệu chứng bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)
Các triệu chứng phổ biến nhất của COPD là khó thở, ho khò khè (đôi khi có đờm) và cảm thấy mệt mỏi.
- Khó thở: đặc biệt là khi hoạt động thể chất. Người bệnh có thể cảm thấy như việc thở cần gắng sức nhiều hơn hoặc đang thở hổn hển.
- Ho liên tục hoặc ho có nhiều chất nhầy, đôi khi được gọi là ho do hút thuốc. Đây thường là triệu chứng đầu tiên của COPD.
- Thở khò khè hoặc có tiếng huýt sáo hoặc cót két khi bệnh nhân thở
- Tức ngực hoặc nặng nề có thể khiến người bệnh cảm thấy khó thở sâu hoặc đau khi thở.
- Mệt mỏi làm giảm lượng oxy cung cấp cho cơ thể.
Các triệu chứng COPD có thể trở nên tồi tệ nhanh chóng. Những triệu chứng này thường kéo dài trong vài ngày và thường cần dùng thêm thuốc. Tuy nhiên, không phải tất cả những người có những triệu chứng này đều mắc bệnh COPD và không phải ai bị COPD cũng có những triệu chứng này. Một số triệu chứng của COPD xuất hiện giống với triệu chứng của các bệnh và tình trạng khác. Vậy nên, khi có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, người bệnh nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là kết quả của sự tương tác phức tạp giữa gen và môi trường. Theo Sáng kiến Toàn cầu về Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (GOLD), có nhiều nguyên nhân gây ra COPD, có thể bao gồm:
- Hút thuốc lá: cả hút thuốc chủ động và tiếp xúc thụ động với việc hút thuốc. Mặc dù hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ COPD được nghiên cứu kỹ lưỡng nhất, nhưng đây không phải là yếu tố nguy cơ duy nhất và có bằng chứng nhất quán từ các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy những người không hút thuốc cũng có thể bị tắc nghẽn lưu thông khí mãn tính.
- Yếu tố môi trường: làm việc hoặc sinh sống ở nơi có bụi, khí, hóa chất và khói, khói hoặc ô nhiễm không khí.
- Yếu tố di truyền: một số ít người mắc bệnh khí thũng do rối loạn protein gọi là thiếu hụt alpha-1 antitrypsin (AATD). Đây là lúc cơ thể gặp khó khăn trong việc sản xuất một trong các protein (Alpha-1 antitrypsin) thường bảo vệ phổi. Việc thiếu protein này có thể khiến một người dễ mắc các bệnh về phổi như COPD.
- Các yếu tố tăng trưởng và phát triển phổi: bất kỳ yếu tố nào ảnh hưởng đến sự phát triển của phổi trong thời kỳ mang thai và thời thơ ấu đều có khả năng làm tăng nguy cơ phát triển COPD của một cá nhân, chẳng hạn như nhẹ cân, nhiễm trùng phổi ở trẻ nhỏ, tăng trưởng và phát triển phổi bất thường..
- Các bệnh mãn tính khác: chẳng hạn như hen suyễn và viêm phế quản mãn tính, có liên quan đến việc tăng khả năng phát triển bệnh COPD (GOLD 2020).
Đối tượng nguy cơ
Đối tượng ngoài 40 tuổi, có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào hoặc tiếp xúc khói bụi kéo dài.
Chẩn đoán
Bác sĩ chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính dựa vào các yếu tố: Bệnh sử, triệu chứng, khám lâm sàng và cận lâm sàng.
Bệnh sử và triệu chứng: Khai thác kỹ tiền sử tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ gây bệnh.
Bệnh hay gặp ở nam giới trên 40 tuổi.
- Tiền sử: Hút thuốc lá, thuốc lào (bao gồm cả hút thuốc chủ động và thụ động). Ô nhiễm môi trường trong và ngoài nhà: khói bếp, khói chất đốt, bụi nghề nghiệp (bụi hữu cơ, vô cơ), hơi, khí độc. Nhiễm khuẩn hô hấp tái diễn, di chứng lao phổi,… Tăng tính phản ứng đường thở (hen phế quản hoặc viêm phế quản co thắt).
- Ho khạc đờm mạn tính có thể đạt mức chẩn đoán viêm phế quản mạn: Ho kéo dài ít nhất 3 tháng trong 1-2 năm liên tiếp; ho khan hoặc ho có đờm, thường khạc đờm về buổi sáng. Ho đờm mủ là một trong các dấu hiệu của đợt cấp do bội nhiễm.
- Khó thở: Xuất hiện từ từ, lúc đầu chỉ khó thở khi gắng sức, sau đó trở thành thường xuyên; có thể kèm khò khè, đặc biệt khi gắng sức.
- Bệnh nhân đến khám ở giai đoạn muộn có thể có biểu hiện mệt mỏi, biếng ăn, sụt cân, yếu hoặc teo cơ.
Khám lâm sàng:
- Giai đoạn sớm của bệnh khám phổi có thể bình thường. Nếu bệnh nhân có khí phế thũng có thể thấy lồng ngực hình thùng, gõ vang, rì rào phế nang giảm.
- Giai đoạn nặng hơn hoặc trong đợt cấp khám phổi thấy rì rào phế nang giảm, có thể có ran rít, ran ngáy.
- Giai đoạn muộn có thể thấy những biểu hiện của suy hô hấp mạn tính: tím môi, tím đầu chi, thở nhanh, co kéo cơ hô hấp phụ, biểu hiện của suy tim phải (tĩnh mạch cổ nổi, phù 2 chân, gan to, phản hồi gan tĩnh mạch cổ dương tính).
Bảng 1. Bảng câu hỏi tầm soát COPD ở cộng đồng (theo GOLD)
Câu hỏi |
Chọn câu trả lời | ||
1 | Ông/bà có ho vài lần trong ngày ở hầu hết các ngày |
Có |
Không |
2 | Ông/bà có khạc đờm ở hầu hết các ngày |
Có |
Không |
3 | Ông/bà có dễ bị khó thở hơn những người cùng tuổi |
Có |
Không |
4 | Ông/bà có trên 40 tuổi |
Có |
Không |
5 | Ông/bà vẫn còn hút thuốc lá hoặc đã từng hút thuốc la | Có |
Không |
Khi có từ 3 triệu chứng trở lên bạn nên đến cơ sở y tế để được kiểm tra kỹ hơn.
Cận lâm sàng:
- Hô hấp ký: FEV1, FVC, VC, FEV1/ FVC giúp chẩn đoán xác định tắc nghẽn và mức độ tắc nghẽn.
- X quang ngực: X-quang có vai trò chủ yếu là để loại trừ chẩn đoán khác. CT scan ngực hữu ích trong chẩn đoán khí phế thủng.
- Xét nghiệm khác để lượng giá biến chứng tâm phế mạn: ECG, siêu âm tim.
- Xét nghiệm kiểm tra về việc thiếu α1-antitrypsin giúp chẩn đoán nguyên nhân trên các trường hợp COPD người trẻ.
Điều trị như thế nào?
Biện pháp điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính chung:
- Ngừng tiếp xúc với yếu tố nguy cơ: khói thuốc lá, thuốc lào, bụi, khói bếp rơm, củi, than, khí độc…
- Cai nghiện thuốc lá, thuốc lào: Cai thuốc lá là biện pháp rất quan trọng ngăn chặn bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tiến triển nặng lên.
- Tiêm Vắc xin phòng nhiễm trùng đường hô hấp.
- Phục hồi chức năng hô hấp.
- Vệ sinh mũi họng thường xuyên.
- Giữ ấm cổ ngực về mùa lạnh.
- Phát hiện sớm và điều trị kịp thời các nhiễm trùng tai mũi họng, răng hàm mặt.
- Phát hiện và điều trị các bệnh đồng mắc.
Các thuốc điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính:
- Thuốc giãn phế quản được coi là nền tảng trong điều trị triệu chứng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Ưu tiên các loại thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài, dùng đường phun hít hoặc khí dung.
- Liều lượng và đường dùng của các thuốc này tùy thuộc vào mức độ và giai đoạn bệnh (tham khảo phụ lục thuốc điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính).
- Kháng sinh: Thuốc kháng sinh không được khuyến cáo để điều trị dự phòng COPD, chỉ được chỉ định trong một số trường hợp tái phát đợt cấp do nhiễm khuẩn ở phế quản phổi. Tuy nhiên, việc dùng kháng sinh điều trị nhiều lần có thể dẫn đến tình trạng đề kháng kháng sinh.
Thở oxy dài hạn tại nhà
Mục tiêu:
- Làm giảm khó thở và giảm công hô hấp do giảm kháng lực đường thở và giảm thông khí phút.
- Giảm tình trạng tăng áp động mạch phổi và tỷ lệ tâm phế mạn do cải thiện tình trạng thiếu oxy máu mạn tính, giảm hematocrite, cải thiện huyết động học phổi.
Nội soi can thiệp và phẫu thuật:
- Bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính bị khí phế thũng nặng, nội soi can thiệp giảm thể tích phổi cải thiện khả năng gắng sức, chất lượng cuộc sống và chức năng phổi 6-12 tháng sau can thiệp. Có thể lựa chọn : Đặt van một chiều, đặt coil hoặc đốt nhiệt.
- Phẫu thuật giảm thể tích phổi có thể chỉ định ở bệnh nhân ứ khí thùy trên.
- Ghép phổi được chỉ định cho bệnh nhân BPTNMT rất nặng.
Theo dõi và thăm khám định kỳ:
- Tái khám định kỳ 1 tháng 1 lần và cần đánh giá phân loại lại mức độ nặng để điều chỉnh phác đồ điều trị phù hợp.
- Đo chức năng hô hấp mỗi 3 đến 6 tháng.
- Chụp XQ tim phổi mỗi 6 tháng hoặc khi có các dấu hiệu của đợt cấp hoặc viêm phổi.
- Đánh giá triệu chứng: ho khạc đờm, khó thở, mệt mỏi, khả năng hoạt động, chất lượng giấc ngủ.
- Làm thêm một số xét nghiệm thường quy như công thức máu, sinh hóa máu,… để phát hiện, điều trị các biến chứng và các bệnh đồng mắc phối hợp (bệnh tim mạch, ung thư phổi, loãng xương, đái tháo đường…).
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.