Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Hẹp bao quy đầu: Những điều cần biết về bệnh
Hẹp bao quy đầu là tình trạng bất thường tại bao quy đầu khá phổ biến. Trong y học gọi tên tình trạng này là Phimosis – tức là chỉ những trường hợp bao da quy đầu không thể tuột hoàn toàn khỏi quy đầu được mà cần có tác động bên ngoài như dùng tay. Hẹp bao quy đầu tuy chỉ là một bất thường nhỏ về cấu tạo sinh lý nhưng lại có thể gây nên biết bao phiền toái cho cánh mày râu. Vậy hẹp bao quy đầu là gì? Triệu chứng, nguyên nhân và cách chẩn đoán ra sao? Chúng ta cùng tìm hiểu bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan chung
Hẹp bao quy đầu (Phimosis) là tình trạng da bao quy đầu không thể tuột lên hoàn toàn khỏi quy đầu. Hiện nay, hẹp bao quy đầu thường được chẩn đoán một cách dễ dãi, do không phân biệt được hẹp bao quy đầu sinh lý và hẹp bao quy đầu bệnh lý.
- Hẹp bao quy đầu sinh lý: Bao quy đầu không tuột trong suốt của quá trình phát triển sinh lý bình thường.
- Hẹp bao quy đầu bệnh lý: Đây là trường hợp xảy ra do các bệnh lý như bệnh sừng hóa gây xơ teo bao quy đầu, viêm quy đầu bạch sản xơ hóa, sẹo do dùng sức để tuột bao quy đầu lên trước đó…
80% trường hợp hẹp bao quy đầu có thể tự khỏi khi lớn lên và không cần xử trí trước 6 tuổi. Trong các trường hợp này, bao quy đầu được coi là bình thường hay còn gọi là hẹp bao quy đầu sinh lý. Ở tuổi lớn hơn, nếu bao quy đầu vẫn còn hẹp, tức là hẹp thật sự hay hẹp bệnh lý thì cần phải xử trí.
Đôi khi, có một số trường hợp bị hẹp nghẹt bao quy đầu. Khi đó, bao quy đầu tuột lên trên quy đầu một cách khó khăn và bị nghẹt, không thể đưa về lại vị trí bình thường được. Bao quy đầu tạo thành một vòng thắt siết chặt lấy quy đầu, làm cho bao quy đầu sưng nề và rất đau. Trường hợp này, người bệnh cần được xử lý ngay, nếu không sẽ gây hoại tử hoặc các biến chứng nghiêm trọng khác.
Triệu chứng
Dấu hiệu nhận biết của bệnh lý hẹp bao quy đầu:
Hẹp bao quy đầu ở trẻ nhỏ
Bao quy đầu không tuột khỏi quy đầu, không để lộ quy đầu khi dương vật cương cứng hoặc khi tiểu tiện. So với các bé trai khác thì trẻ mắc hẹp bao quy đầu có tia nước tiểu rất nhỏ và yếu, bé khó tiểu, tiểu đau nên rất dễ khóc. Khi chất cặn bã tích lại nhiều có thể khiến bao quy đầu sưng phồng, viêm tấy, đau đớn.
Hẹp bao quy đầu ở nam giới trưởng thành
Nam giới trưởng thành thường da bao quy đầu sẽ tự tuột xuống khỏi quy đầu khi dương vật cương cứng nhưng với những trường hợp nam giới mắc hẹp bao quy đầu thì lại không hề vậy. Hẹp bao quy đầu khiến cho bao quy đầu luôn ôm trọn lấy quy đầu, quy đầu chỉ lộ ra được một phần hoặc bán phần hoặc khi tuột ra được rồi bao quy đầu không trở lại như cũ được hoặc bao quy đầu dính vào quy đầu. Mỗi khi dùng tay để tuột bao quy đầu sẽ gây cho nam giới cảm giác đau đớn.
Nguyên nhân
Hẹp bao quy đầu là tình trạng bình thường đối với trẻ sơ sinh. Đây không phải là một tình trạng bệnh lý trừ khi nó gây ra các biến chứng sớm cho trẻ như viêm tấy, viêm mủ, viêm tiết niệu,…
Tuy nhiên, với nam giới ở độ tuổi trưởng thành do không được lộn đúng cách lúc nhỏ có thể dẫn đến hậu quả gây ra sẹo xơ dính bao quy đầu. Do vậy khuyến cáo các gia đình không nên cố gắng lộn bao quy đầu của con mình thô bạo khi không có hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa vì nó có thể gây tình trạng đau và làm tổn thương nặng nề hơn bao quy đầu của trẻ.
Đối tượng nguy cơ
Những yếu tố nguy cơ dẫn đến bao gồm:
- Không cắt bao quy đầu.
- Mắc bệnh đái tháo đường.
- Trẻ sơ sinh thường xuyên bị hăm tã.
- Vệ sinh cá nhân kém.
- Nhỏ tuổi (hẹp bao quy đầu sinh lý).
Chẩn đoán
Các dấu hiệu giúp chẩn đoán xác định hẹp bao quy đầu:
- Không thể lộn được bao da quy đầu, miệng bao quy đầu nhỏ.
- Chỉ lộn bao quy đầu được một phần quy đầu dương vật.
- Khi cương cứng, bao quy đầu không trượt được về phía gốc dương vật và gây đau.
- Bao quy đầu sưng phồng khi đi tiểu tia nước tiểu nhỏ, phụt mạnh và xa
- Khó quan sát thấy lỗ niệu đạo ngoài.
Phòng ngừa bệnh
Người bệnh hẹp bao quy đầu nếu không có biện pháp can thiệp phù hợp sẽ phải đối mặt với các biến chứng nặng như hoại tử quy đầu, ung thư dương vật… Hẹp bao quy đầu là tình trạng rất khó phòng ngừa. Tuy nhiên, vẫn có một số biện pháp giúp nam giới hạn chế bệnh tiến triển nặng như:
Giữ vệ sinh sạch sẽ
- Với trường hợp chưa cắt bao quy đầu, nam giới nên thường xuyên vệ sinh sạch sẽ cơ thể, đặc biệt là bộ phận sinh dục. Thói quen tốt này sẽ giúp phòng ngừa sự sinh sản của các vi nấm, vi sinh vật, gây viêm nhiễm.
- Khi tắm hay sau khi đi vệ sinh, bạn nên lộn ngược bao ra sau để vệ sinh cả mặt dưới với nước ấm. Nam giới nên nhẹ nhàng vệ sinh dương vật, hạn chế dùng lực mạnh vì bao quy đầu rất mỏng, dễ bị tổn thương. Ngoài ra, bạn không nên sử dụng các loại xà phòng có chất tẩy rửa mạnh, vì có thể gây kích ứng và đau rát vùng da ở khu vực này.
Điều trị nhiễm khuẩn
- Dương vật nhiễm khuẩn rất dễ gây viêm. Tình trạng này khiến người bệnh bị đau buốt khó chịu, giảm chất lượng cuộc sống. Vì thế, bạn nên ngăn chặn và điều trị kịp thời các dấu hiệu hẹp bao quy đầu do nhiễm khuẩn, qua đó ngăn chặn bệnh tiến triển nặng.
Không tự ý lộn bao quy đầu
- Nam giới ở độ tuổi 2- 6 tuổi thường có bao quy đầu dính chặt vào dương vật. Trong độ tuổi này, bố mẹ không nên cố gắng lộn ngược bao quy đầu của trẻ vì điều này sẽ khiến tình trạng hẹp bao quy đầu trầm trọng hơn và khiến con bị đau. Nếu hẹp bao quy đầu ảnh hưởng tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh, bác sĩ có thể chỉ định can thiệp phẫu thuật, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.
Điều trị
Tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ và mức độ nghiêm trọng, các điều trị có thể bao gồm:
- Lộn bao quy đầu nhẹ nhàng hàng ngày.
- Bôi thuốc mỡ corticosteroid tại chỗ.
- Nong bao quy đầu.
- Cắt bao quy đầu.
Lộn bao quy đầu
- Thường được chỉ định cho trẻ nhỏ, bao quy đầu không có vòng xơ.
- Khi bé 5 – 6 tháng tuổi, mỗi lần tắm cho con, bố mẹ có thể dùng tay nhẹ nhàng kéo lộn phần da quy đầu xuống, cứ thế mỗi lần một chút có thể hỗ trợ bao quy đầu rộng dần và trở về bình thường.
Bôi thuốc mỡ corticosteroid tại chỗ
- Sau khi lộn một thời gian nếu không có kết quả chúng ta có thể chuyển sang kết hợp bôi thuốc mỡ corticoid. Đây là một phương pháp hiệu quả với hầu hết các bé trai.
- Dùng thuốc mỡ chứa steroid bôi vào da quy đầu kết hợp với lộn quy đầu ngày 2 lần. Thuốc có tác dụng chống viêm làm cho quy đầu giãn ra hỗ trợ cho động tác lộn. Phương pháp này có thể tự làm mà không cần phải bác sĩ.
- Phương pháp có tỷ lệ thành công cao (85 – 95%) và có thể tự làm không cần phải bác sĩ. Ưu điểm là không gây đau hay sang chấn tinh thần cho trẻ.
Nong bao quy đầu
- Thường được chỉ định cho trẻ sau khi đã dùng biện pháp lộn bằng tay không kết quả.
- Phương pháp: Dùng panh nong rộng bao quy đầu mỗi ngày, kết hợp với bôi thuốc steroid chống viêm và tránh sẹo. Điều trị này gây đau và sang chấn nhiều hơn so với biện pháp lộn bao quy đầu. Thời gian điều trị thường kéo dài vài tuần.
Cắt bao quy đầu
Là phương pháp xâm lấn, điều trị triệt để và được chỉ định trong các trường hợp:
- Hẹp bao quy đầu bệnh lý.
- Viêm da quy đầu nặng hoặc tái phát, thất bại với điều trị thuốc bôi tại chỗ.
- Nghẹt bao quy đầu, không thể tuột lên về bình thường.
- Nhiễm trùng tiểu tái phát do hẹp bao quy đầu.
Hi vọng với những chia sẻ trên giúp các bạn hiểu hơn về hẹp bao quy đầu, các triệu chứng, nguyên và cách phòng ngừa bệnh.