Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Bệnh tay chân miệng là gì? Tổng quan về bệnh tay chân miệng
Theo cập nhật từ Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 10.196 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, các tỉnh khu vực phía Nam ghi nhận trên 7.500 ca, chiếm 74,1% tổng số ca mắc tay chân miệng của cả nước. Miền Bắc ghi nhận trên 1.300 ca, miền Trung khoảng 1.000 ca; khu vực Tây Nguyên ghi nhận ít nhất với 200 ca mắc. Vậy bệnh tay chân miệng là gì? Đâu là nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết của bệnh tay chân miệng thì ngay bây giờ hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nhé.
Bệnh tay chân miệng là gì?
Bệnh tay chân miệng (Hand, Foot, Mouth Disease – HFMD) là một bệnh truyền nhiễm phổ biến xảy ra thường xuyên nhất ở trẻ em, nhưng cũng có thể xảy ra ở thanh thiếu niên và đôi khi ở người lớn.
Phần lớn bệnh ở mức độ nhẹ với các triệu chứng thông thường bao gồm sốt, đau nhức ở miệng và phát ban có mụn nước ở tay, chân và mông.
Triệu chứng bệnh tay chân miệng
Triệu chứng lâm sàng rõ ràng nhất của tay chân miệng ở trẻ sơ sinh là các nốt phồng rộp trên da. Tuy nhiên, trước khi những nốt ban phỏng nước xuất hiện, trẻ sẽ bị đau họng, sốt và đau bụng. Sau một vài ngày sẽ xuất hiện các triệu chứng như:
- Miệng: Xuất hiện những đốm đỏ trên lưỡi và bên trong miệng của trẻ. Những đốm này sẽ nhanh chóng chuyển thành mụn nước lớn, màu vàng xám có viền đỏ. Các bé mắc bệnh có thể kém ăn hoặc bỏ bú vì những mụn nước trong miệng gây sưng đau, khó chịu.
- Tay và chân: Xuất hiện những đốm nhỏ màu đỏ nổi trên ngón tay, lưng hoặc lòng bàn tay, lòng bàn chân của bé. Đốm nhỏ này sẽ gây đau và ngứa, sau đó chuyển thành những mụn nước có màu xám ở giữa.
Nguyên nhân
Enterovirus là nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng, lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, chất nhầy, dịch từ mụn nước và phân của người nhiễm bệnh; hoặc gián tiếp khi người nhiễm bệnh chạm vào đồ vật và bề mặt mà sau đó người khác chạm vào.
Đối tượng nguy cơ
- Mọi người đều có thể bị nhiễm Enterovirus và mắc bệnh tay chân miệng.
- Đối tượng dễ mắc bệnh nhất là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vì những đối tượng này không được bảo vệ từ sự phơi nhiễm virus trước đó. Đặc biệt, bệnh dễ trở nặng ở trẻ dưới một tuổi.
Một người có khả năng bị nhiễm Enterovirus khi vô tình tiếp xúc với các loại dịch tiết chứa mầm bệnh thông qua các hoạt động:
- Bắt tay trực tiếp với người bệnh.
- Đứng gần người bị nhiễm virus khi họ hắt hơi, ho.
- Chạm tay vào bề mặt của đồ vật dính dịch hoặc nước bọt của người bị nhiễm
- Thay tã cho trẻ bị nhiễm virus.
- Ăn thực phẩm có nhiễm virus.
Chẩn đoán
Việc chẩn đoán Enterovirus này chủ yếu là lâm sàng, xét nghiệm trong phòng thí nghiệm hầu như không quan trọng. Tuy nhiên, có thể tìm virus thông qua xét nghiệm PCR.
Phòng ngừa bệnh
Hiện tại, vẫn chưa có vaccine phòng ngừa bệnh tay chân miệng. Vì thế, để phòng ngừa bệnh tay chân miệng cần phải:
- Giữ vệ sinh ăn uống và vệ sinh cá nhân thật tốt.
- Rửa tay bằng xà phòng (nhất là sau khi thay quần áo, tã lót, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt).
- Rửa sạch đồ chơi, sàn nhà bằng Cloramin B hoặc nước Javel.
- Trong thời gian nhiễm virus, người bệnh cần được cách ly thích hợp. Cách ly trẻ bệnh trong vòng 7 – 10 ngày kể từ ngày khởi bệnh
Cách điều trị bệnh tay chân miệng
Vì chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên bệnh tay chân miệng điều trị triệu chứng là chủ yếu, bao gồm:
- Giảm đau miệng và hạ sốt bằng cách lau mình bằng nước ấm, dùng thuốc hạ sốt Paracetamol (liều 10 – 15mg/kg/lần, mỗi lần cách nhau từ 4 – 6h), có thể phối hợp thêm Ibuprofen nếu không hạ sốt khi có chỉ định của các bác sĩ. Tuyệt đối không sử dụng Aspirin để hạ sốt, giảm đau cho trẻ.
- Có thể sử dụng Antacid dạng gel chấm vào sang thương ở miệng giúp trẻ giảm đau, ăn uống dễ dàng hơn. Giảm ngứa bằng các thuốc kháng Histamin thông thường như Chlorpheniramin, Alimemazin (Theralen)… theo chỉ định của bác sĩ.
- Bổ sung nhiều nước cho trẻ, nhất là các loại nước ép trái cây chứa nhiều vitamin.
- Chế độ ăn hàng ngày cần đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng.
- Đối với trẻ bú mẹ cần tăng cường cho bé bú thành nhiều lần trong ngày.
- Cần kiêng cho trẻ ăn các loại thức ăn có thể khiến trẻ đau rát, tổn thương miệng như thức ăn nóng, đặc.
- Cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện nếu thấy trẻ có một trong những biểu hiện sau:
- Trẻ sốt cao liên tục 39 độ C không hạ sau khi đã hạ sốt tích cực.
- Trẻ giật mình chới với, hốt hoảng, thất thần.
- Trẻ có biểu hiện run tay chân (khi đưa đồ chơi cho trẻ cầm), yếu chân tay, trẻ đi đứng loạng choạng.
- Trẻ đảo mắt bất thường, nôn ói nhiều, quấy khóc (dỗ không nín), co giật, thở mệt…
Bệnh tay chân miệng là do virus gây ra nên người bệnh tuyệt đối không dùng thuốc kháng sinh để điều trị vì kháng sinh chỉ có tác dụng với bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn mà thôi. Không những thế, việc tự ý dùng kháng sinh còn đẩy người bệnh đứng trước nguy cơ gặp một loạt tác dụng phụ không tốt cho sức khỏe.
Hy vọng với những thông tin mà chúng tôi chia sẻ trên sẽ giúp cho bạn đọc nhận biết được dấu hiệu và cách phòng tránh bệnh tay chân miệng nhé.