10 tác dụng tuyệt vời của cây măng tây đối với sức khỏe
Cây măng tây có tác dụng gì? Chắc hẳn nhiều người chưa biết hết về tác dụng của cây măng tây. Các chất dinh dưỡng có trong măng tây góp phần hỗ trợ sức khỏe tim mạch và xương khớp, đặc biệt folate và sắt có trong loại thực phẩm này rất có lợi trong thời kỳ mang thai. Hãy tìm hiểu thêm về giá trị dinh dưỡng cũng như lợi ích sức khỏe của măng tây qua bài viết sau:
Măng tây có nhiều lợi ích đối với sức khỏe
Tìm hiểu chung về cây măng tây
- Tên thường gọi: Măng tây
- Tên gọi khác: Rau mùa xuân, rau hoàng đế.
- Tên khoa học: Asparagus officinalis L.
- Phân họ: Thuộc họ Thiên môn (Asparagaceae).
Cây măng tây có dạng cây thân thảo, thân mọc ngầm trong đất, còn gọi là thân rễ. Thân rễ khá dày và có nhiều rễ dài, đường kính 5 – 6mm, màu nâu sáng xốp. Các thân đứng mọc khỏi mặt đất và có các vết sẹo lởm chởm của những nhánh đã rụng. Các thân này mang những vòng cành chuyển đổi thành lá dạng hình kim. Lá thật đã tiêu biến.
Hoa của cây măng tây rất nhỏ, dạng hình chuông, có màu lục, dài độ 6mm, tập hợp khoảng 4 – 6 cái thành nhóm ở nách lá. Quả có hình cầu, dày và màu đỏ.
Người ta phân biệt giữa hai loại măng tây trắng và xanh. Tùy thuộc vào khu vực trồng, cây được thu hoạch ở châu Âu khoảng từ tháng 3 đến tháng 6, được đánh giá cao như một loại rau.
Đây là loại cây bản địa ở châu Âu, Bắc Phi và Tây Á. Hiện nay, đọt non của cây được trồng ở nhiều nơi và dùng trong ẩm thực như một loại rau, ở nước ta cũng nhiều nơi trồng được như Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng,…
Giá trị dinh dưỡng của cây măng tây
Trước khi tìm hiểu tác dụng của cây măng tây, hãy cùng xem qua những thành phần dinh dưỡng của loại thực phẩm này nhé.
Theo FoodData Central Search Results, trong khoảng 100g cây măng tây đã được chế biến có chứa:
- Năng lượng: 20 kcal
- Chất béo: 0,12 gam
- Carbohydrate: 3,88 gam
- Natri: 2 mg
- Protein: 2,2 gam
- Chất xơ: 2,1 gam
- Đường: 1,88 gam
- Vitamin và khoáng chất: như vitamin K, vitamin B12, vitamin B6, vitamin A, kẽm, kali,…
Cây măng tây có dạng cây thân thảo, thân mọc ngầm trong đất
Tác dụng của cây măng tây đối với sức khỏe
Một số tác dụng của cây măng tây đối với sức khỏe có thể kể đến như sau:
Chống lão hóa, kéo dài tuổi xuân
Phân tích thành phần hóa học của cây măng tây, các nhà dinh dưỡng đã phát hiện ra một chất có tên gọi là glutathione. Hợp chất này có tác dụng chống oxy hóa, bảo vệ da khỏi các tác hại của tia cực tím có trong ánh nắng mặt trời, đồng thời giúp cải thiện các dấu hiệu lão hóa da ở phụ nữ tuổi trung niên như xuất hiện vết nhăn, tàn nhang, đồi mồi,…
Do đó, thay vì sử dụng các loại mỹ phẩm được pha trộn hóa chất độc hại, chị em có thể tăng cường ăn măng tây để giúp níu giữ tuổi xuân và cải thiện sức khỏe tổng thể.
Tốt cho sức khỏe mẹ bầu và thai nhi
Cây măng tây có tác dụng gì? Loại thực phẩm này có chứa nhiều folate (vitamin B9) giúp cho thai kỳ khỏe mạnh, làm giảm nguy cơ trẻ bị dị tật ống thần kinh, chẳng hạn như nứt đốt sống.
Trong 100 gam măng tây cung cấp 52 mcg, đáp ứng khoảng 22% nhu cầu folate hằng ngày của phụ nữ mang thai. Việc thiếu folate trong thời kỳ mang thai có thể sẽ dẫn nhiều biến chứng cho trẻ, như dị tật về thể chất, mất kiểm soát nhu động ruột và bàng quang, trẻ gặp khó khăn trong việc học.
Măng tây tốt cho sức khỏe mẹ bầu và thai nhi
Ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu
Trong cây măng tây có chứa hàm lượng cao axit amin asparagine, làm cho nó trở thành loại thuốc lợi tiểu tự nhiên. Nói theo một cách khác, việc ăn nhiều măng tây có thể giúp thải chất lỏng và muối dư thừa ra khỏi cơ thể, từ đó giúp ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu.
Khi phụ nữ đi tiểu không đủ, họ có thể bị nhiễm trùng đường niệu. Chế độ ăn nhiều măng tây có thể giúp ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng gây đau đớn này phát triển, bởi đi vệ sinh thường xuyên hơn sẽ có thể giúp loại bỏ vi khuẩn xấu ra khỏi đường tiết niệu.
Ngăn ngừa bệnh béo phì
Hiện nay, tỷ lệ béo phì đang ngày một gia tăng trên toàn thế giới, dẫn đến các vấn đề về sức khỏe lớn như bệnh đái tháo đường type 2, thiếu máu cơ tim, đột quỵ và ung thư. Do đó, cần phải điều trị béo phì bằng cách can thiệp lối sống hoặc dùng thuốc. Tuy nhiên, việc điều trị bằng thuốc hay can thiệp phẫu thuật không phải lúc nào cũng thích hợp.
Việc sử dụng măng tây giúp thay đổi trọng lượng cơ thể, giúp phân bố lượng mỡ trong cơ thể, tỉ lệ vòng eo hông và ức chế cảm giác thèm ăn. Hơn nữa, theo nghiên cứu, cây măng tây không có tác dụng phụ đáng kể nào so với nhóm đối chứng được đề cập, ngoài ra cũng không có trường hợp tử vong nào được báo cáo.
Măng tây có tác dụng gì với huyết áp?
Cây măng tây có chứa nhiều kali. Việc bổ sung kali có thể giúp giảm huyết áp bởi nó làm giãn thành động mạch, giúp cải thiện tuần hoàn máu và giúp tăng bài tiết natri từ thận.
Hơn nữa, măng tây còn chứa vitamin A, vitamin C và các chất chống oxy hóa mạnh, giúp loại bỏ gốc tự do lưu thông trong máu, giúp làm giảm nguy cơ mắc các vấn đề gây tổn thương hệ tuần hoàn, bao gồm tim mạch và xơ vữa động mạch.
Cây măng tây giúp ngăn ngừa bệnh ung thư
Quá nhiều gốc tự do trong cơ thể sẽ dẫn đến thương tổn các tế bào và có thể dẫn đến ung thư. Hiện nay chưa có nghiên cứu nào chứng minh tác dụng ngăn ngừa bệnh ung thư của măng tây. Tuy nhiên, trong măng tây chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp loại bỏ các gốc tự do này, vì vậy có thể phòng ngừa ung thư.
Chất xơ có trong măng tây có khả năng giúp ngăn ngừa ung thư đại trực tràng. Theo một thử nghiệm sàng lọc được công bố năm 2015, những người có chế độ ăn giàu chất xơ sẽ ít có khả năng phát triển ung thư đại trực tràng hơn so với những người ăn ít chất xơ.
Chống trầm cảm và giúp cải thiện tâm trạng
Cây măng tây sở hữu hàm lượng cao các chất folate và vitamin B12. Chúng sẽ giúp ngăn ngừa các nguy cơ trầm cảm ở một số người do thiếu hụt các chất dinh dưỡng này.
Đặc biệt hơn, măng tây còn cung cấp tryptophan – đây là một loại axit có ảnh hưởng tích cực đến tâm trạng cũng như tinh thần, từ đó giúp bạn ngủ ngon hơn.
Hỗ trợ cải thiện sức khỏe đường ruột
Chất xơ rất tốt cho hệ tiêu hóa. Măng tây lại có chứa tới 2,1g chất xơ trong 100g, đáp ứng đến 7% nhu cầu hàng ngày của cơ thể.
Cây măng tây có tác dụng gì đối với sức khỏe đường ruột? Loại thực phẩm này có chứa nhiều chất xơ không hòa tan có thể giúp nhu động ruột hoạt động trơn tru và đều đặn hơn. Nó cũng chứa một lượng nhỏ chất xơ hòa tan có thể hòa tan trong nước và tạo thành một chất như gel trong đường tiêu hóa. Chất xơ hòa tan cung cấp thức ăn cho các vi khuẩn thân thiện trong ruột, chẳng hạn Lactobacillus và Bifidobacteria.
Việc tăng số lượng lợi khuẩn trong đường ruột sẽ góp phần giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và quá trình sản xuất chất dinh dưỡng thiết yếu như vitamin B12 và K2.
Cải thiện sức khỏe tình dục
Măng tây được ví như thần dược đối với sức khỏe tình dục cho cả nam và nữ. Thực phẩm này giúp bổ sung vitamin E, sắt, kẽm, kali giúp điều tiết hormone sinh dục, kích thích ham muốn, làm tăng cảm giác hưng phấn khi yêu.
Đối với các quý ông đang bị vô sinh hiếm muộn bởi các vấn đề liên quan đến tinh trùng thì việc thường xuyên ăn măng tây sẽ giúp cải thiện số lượng, chất lượng tinh binh, và giúp nâng cao khả năng thụ thai.
Giảm viêm, chống oxy hóa, giải độc
Măng tây là loại thực phẩm có đặc tính chống oxy hóa, chống viêm và giúp giảm độc tố đáng kể.
Theo các phát hiện khoa học gần đây, cây măng tây có khả năng giúp giảm đáng kể men gan trong huyết thanh. Điều này còn được lý giải là do trong cây có chất bảo vệ gan chống lại các tổn thương, giúp phục hồi các tổn thương mô gan.
Ngoài ra, việc sử dụng măng tây đã cải thiện sự thay đổi mô bệnh học ở thận và các chỉ số chức năng thận. Hơn thế nữa, một nghiên cứu cũng đã chứng minh rằng sự cải thiện là do giảm quá trình peroxy hóa lipid và tăng khả năng chống oxy hóa. Đặc tính chống oxy hóa này của măng tây nhờ các hoạt chất flavonoid và polyphenol.
Kết luận: Hy vọng những thông tin trên đã giúp độc giả giải đáp được thắc mắc: “cây măng tây có tác dụng gì?”. Măng có chứa nhiều dưỡng chất và nếu biết chế biến đúng cách, sử dụng cho đúng đối tượng thì loại thực phẩm này sẽ rất có ích cho sức khỏe tổng thể của bạn.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.