5+ cách lấy ráy tai sâu bên trong đang bị khô cứng an toàn, dễ dàng!
Ráy tai khô cứng tích tụ sâu bên trong có thể gây ra nhiều phiền toái, thậm chí ảnh hưởng đến khả năng nghe và sức khỏe tai. Để giải quyết vấn đề này một cách an toàn và hiệu quả, việc nắm rõ cách lấy ráy tai sâu bên trong là điều rất quan trọng. Sau đây, Pharmacity sẽ cung cấp những phương pháp đơn giản, dễ dàng và an toàn.
Ráy tai là gì?
Ráy tai là một chất được sản xuất tự nhiên bên trong ống tai, nó là sự kết hợp của bã nhờn (tế bào da chết), lông tơ và một số chất khác như chất sừng và axit béo. Ráy tai đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe của đôi tai, với chức năng kháng khuẩn, chống lại vi trùng xâm nhập và giữ cho da trong ống tai luôn sạch sẽ. Nhờ có ráy tai, tai của chúng ta được bảo vệ khỏi các tác nhân gây hại từ môi trường bên ngoài.
Mặc dù ráy tai có vai trò quan trọng, nhưng khi sản xuất quá nhiều và không được làm sạch thường xuyên, nó có thể gây ra một số vấn đề. Ráy tai tích tụ lâu ngày sẽ khô cứng lại và gây tắc nghẽn ống tai, có thể dẫn đến nhiều triệu chứng khó chịu như:
- Đau tai.
- Ngứa hoặc khó chịu.
- Nhiễm trùng tai.
- Bít tắc lỗ tai, làm giảm thính lực.
- Ù tai.
- Chóng mặt.
Các cách lấy ráy tai sâu bên trong đang bị khô cứng
Hiện nay, có nhiều cách lấy ráy tai bị khô cứng hiệu quả, cùng điểm qua một số phương pháp sau đây:
Dùng dầu ô liu/dầu dừa
Dầu ô liu và dầu dừa, với thành phần giàu dưỡng chất và khả năng kháng viêm tốt, rất hữu hiệu để làm mềm và loại bỏ ráy tai khô cứng. Cơ chế hoạt động của chúng khá đơn giản: Dầu sẽ thấm sâu vào trong tai, làm mềm lớp ráy cứng, giúp chúng dễ dàng bong ra và theo dầu chảy ra ngoài.
Chuẩn bị:
- Dầu ô liu/dầu dừa.
- Bông gòn.
- Khăn mềm.
Cách làm:
- Bước 1: Nghiêng đầu sang một bên và nhỏ vài giọt dầu ô liu hoặc dầu dừa vào tai, dùng miếng bông gòn để nhẹ nhàng che tai lại, sau đó nằm yên trong khoảng 5 phút.
- Bước 2: Sau khi đủ thời gian, tháo bông gòn ra và nghiêng đầu về phía đối diện để dầu cùng ráy tai có thể chảy ra ngoài.
- Bước 3: Dùng khăn mềm lau sạch tai, rồi lặp lại quy trình cho tai bên kia.
Sử dụng dầu khoáng
Dầu khoáng là một giải pháp hiệu quả để làm mềm ráy tai khô cứng, với khả năng chống viêm, kháng khuẩn và làm mềm da, dầu khoáng giúp loại bỏ ráy tai dễ dàng hơn.
Chuẩn bị:
- Dầu khoáng.
- Khăn mềm.
Cách làm:
- Bước 1: Hơi nghiêng đầu sang một bên và nhẹ nhàng nhỏ vài giọt dầu khoáng vào trong tai, giữ nguyên tư thế và thư giãn trong khoảng 10 phút.
- Bước 2: Xoay đầu sang bên đối diện để dầu và ráy tai có thể chảy ra ngoài.
- Bước 3: Dùng khăn mềm để lau sạch tai, sau đó thực hiện tương tự với tai còn lại.
Lấy ráy tai bằng thuốc nhỏ tai
Thuốc nhỏ tai không chỉ giúp chống viêm tai hiệu quả mà còn được đánh giá là an toàn cho cả trẻ em và người lớn. Sản phẩm này còn được nhiều người tin dùng để làm sạch ráy tai, giá cả khá đa dạng, phụ thuộc vào thương hiệu và thành phần, nhưng nhìn chung đều phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng.
Chuẩn bị:
- 1 chai thuốc nhỏ tai.
- Khăn mềm.
Cách làm:
- Bước 1: Nghiêng đầu về một phía, sau đó nhỏ 1 – 2 giọt thuốc nhỏ tai vào lỗ tai.
- Bước 2: Đặt nhẹ đầu ngón tay vào lỗ tai và xoay nhẹ nhàng. Giữ tư thế này trong khoảng 1 phút để thuốc thấm, rồi nghiêng đầu sang phía đối diện để cho thuốc và ráy tai chảy ra ngoài.
- Bước 3: Dùng khăn mềm để lau sạch lỗ tai, rồi lặp lại quá trình tương tự cho tai còn lại.
Sử dụng nước muối sinh lý
Nước muối sinh lý được xem là một giải pháp an toàn và hiệu quả cho việc chăm sóc sức khỏe tai mũi họng, đặc biệt là đối với trẻ em và người lớn. Phương pháp này không chỉ đơn giản mà còn giúp loại bỏ ráy tai một cách nhẹ nhàng, tránh gây tổn thương cho ống tai, giảm thiểu cảm giác khó chịu và nguy cơ viêm nhiễm.
Chuẩn bị:
- 1 chai nước muối sinh lý.
- Bông gòn.
- Khăn mềm.
Cách làm:
- Bước 1: Ngâm miếng bông cho thấm đẫm nước muối, rồi nằm nghiêng đầu sang một bên thoải mái, rồi nhẹ nhàng vắt bông để từng giọt nước muối nhỏ vào trong tai.
- Bước 2: Khi nước muối đã vào, dùng tay nhẹ nhàng xoa quanh khu vực ống tai, giúp nước thấm đều và bắt đầu làm mềm ráy tai, nằm yên trong khoảng 5 phút để nước muối phát huy tác dụng.
- Bước 3: Sau đó, nghiêng đầu ngược lại, để nước muối và ráy tai chảy tự nhiên ra ngoài, rồi lau nhẹ nhàng tai bằng khăn mềm, lặp lại các bước tương tự với tai còn lại.
Nước muối sinh lý được xem là một giải pháp an toàn và hiệu quả
Lấy ráy tai bằng nước ấm
Dùng nước ấm là một phương pháp đơn giản và hiệu quả để làm mềm và loại bỏ ráy tai khô cứng, đặc biệt phù hợp với cả người lớn và trẻ em. Nước ấm giúp làm tan các mảng ráy tai bám chặt vào thành ống tai, dễ dàng loại bỏ chúng ra ngoài một cách nhẹ nhàng.
Chuẩn bị:
- 200ml nước lọc.
- Bông gòn.
- Khăn mềm.
Cách làm:
- Bước 1: Đun nước sôi, sau đó để nguội đến khi nước chỉ còn hơi ấm, nằm nghiêng sao cho lỗ tai cần làm sạch hướng lên trời. Lấy một miếng bông gòn, nhúng vào nước ấm cho thấm đều.
- Bước 2: Nhẹ nhàng vắt vài giọt nước ấm vào lỗ tai, sau đó giữ nguyên tư thế nằm trong 5 phút.
- Bước 3: Đổi tư thế nằm nghiêng sang bên còn lại để nước và ráy tai tự chảy ra ngoài, dùng khăn mềm lau sạch tai, rồi lặp lại quy trình với tai còn lại.
Dùng oxy gà – Cách lấy ráy tai sâu bên trong
Oxy già (hydrogen peroxide) là một chất sát trùng hiệu quả, thường được dùng để làm sạch vết thương và làm mềm ráy tai. Tuy nhiên, khi nhỏ vào tai, bạn có thể cảm thấy hơi rát, đặc biệt nếu có vết thương hở, nhưng cảm giác này sẽ giảm dần sau một lúc.
Chuẩn bị:
- 1 chai oxy già.
- Nước ấm.
- Khăn mềm.
Cách làm:
- Bước 1: Nằm nghiêng đầu sao cho tai cần vệ sinh hướng lên trên, nhỏ 1 – 2 giọt oxy già vào tai.
- Bước 2: Giữ nguyên tư thế và nằm yên trong khoảng 5 phút để oxy già làm mềm ráy tai, rồi nghiêng đầu sang bên ngược lại để oxy già và ráy tai chảy ra ngoài.
- Bước 3: Nhỏ vài giọt nước ấm vào tai, nhẹ nhàng xoa phần tai ngoài, rồi nghiêng đầu để nước và chất bẩn chảy ra. Dùng khăn mềm lau khô tai, thực hiện lại các bước trên cho tai còn lại.
Lưu ý để giúp ráy tai của bạn không bị khô cứng
Để bảo vệ đôi tai luôn khỏe mạnh và sạch sẽ, bên cạnh việc biết cách xử lý khi ráy tai đã tích tụ, bạn nên lưu ý những điểm sau để ráy tai không bị khô cứng:
- Tránh dùng tăm bông và vật cứng để ngoáy tai: Đây là thói quen rất phổ biến nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Việc ngoáy sâu vào tai bằng tăm bông có thể đẩy ráy tai vào sâu bên trong, gây tắc nghẽn hoặc làm tổn thương màng nhĩ.
- Dùng dụng cụ chuyên dụng: Khi ráy tai đã quá nhiều, bạn có thể sử dụng các dụng cụ lấy ráy tai chuyên dụng được bán tại các nhà thuốc. Tuy nhiên, nên sử dụng chúng một cách nhẹ nhàng và cẩn thận để tránh làm tổn thương tai.
- Vệ sinh tai cho trẻ nhỏ: Da của trẻ nhỏ rất mỏng manh và nhạy cảm, vì vậy cần hết sức cẩn thận khi vệ sinh tai cho bé. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được hướng dẫn cách vệ sinh tai đúng cách cho trẻ.
- Không vệ sinh tai quá thường xuyên: Việc vệ sinh tai quá thường xuyên có thể làm mất đi lớp ráy tai tự nhiên có tác dụng bảo vệ tai, ráy tai sẽ tự động di chuyển theo cử động của hàm khi chúng ta nói, nhai hoặc nuốt.
- Cần đến gặp bác sĩ khi có dấu hiệu bất thường: Nếu bạn gặp phải các triệu chứng như đau tai, ngứa tai, nghe kém, ù tai hoặc chảy dịch từ tai, hãy đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Việc lấy ráy tai, đặc biệt khi ráy tai đã khô cứng, đòi hỏi sự cẩn thận và kiên nhẫn để tránh gây tổn thương cho tai. Hy vọng qua những cách được chia sẻ trong bài viết, bạn có thể áp dụng hiệu quả để chăm sóc tai của mình một cách an toàn.