Ăn xong buồn nôn là dấu hiệu của bệnh gì? Mẹo tránh buồn nôn sau khi ăn
Bạn có cảm thấy mệt mỏi, chán ăn và buồn nôn sau khi ăn? Đó có thể là dấu hiệu của một số vấn đề về tiêu hóa. Ăn xong buồn nôn không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn. Bài viết sau của Pharmacity sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân cũng như cách phòng ngừa tình trạng này, giúp bạn tận hưởng bữa ăn ngon miệng hơn.
Ăn xong buồn nôn nguyên nhân do đâu?
Cảm giác buồn nôn sau khi ăn có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến:
Do không dung nạp thực phẩm
Bạn có thể ăn xong buồn nôn do tình trạng không dung nạp thực phẩm. Nguyên nhân cụ thể gồm:
- Không dung nạp thực phẩm có chứa lactose như các sản phẩm từ sữa.
- Không dung nạp gluten, ví dụ ngũ cốc,…
- Ăn nhiều thực phẩm dễ gây đầy hơi, chướng bụng như bắp cải hoặc đậu.
Dị ứng thức ăn do cơ thể phản ứng và đẩy thức ăn ra ngoài vì nhầm tưởng các protein có trong một số loại thực phẩm là “mối nguy hại”, gây các triệu chứng buồn nôn sau khi ăn khoảng vài phút, đôi khi sẽ kèm theo tình trạng sưng môi, mặt, khó thở, tiêu chảy, đau bụng, ngứa, nổi mẩn đỏ,…
Do thói quen ăn uống không điều độ
Nguyên nhân phổ biến khiến nhiều người ăn xong buồn nôn là do thói quen bỏ bữa hoặc tình trạng ăn uống không đúng giờ. Nếu khoảng cách giữa các bữa ăn quá dài, lượng axit dư thừa tích tụ trong dạ dày có thể sẽ “tấn công” ngược lại niêm mạc dạ dày, dẫn đến trào ngược thực quản và gây ra các triệu chứng như chướng bụng, đầy hơi, buồn nôn sau khi ăn.
Bệnh dạ dày
Ăn xong buồn nôn cũng là dấu hiệu cho biết hệ tiêu hóa của bạn đang gặp vấn đề. Buồn nôn và nôn ói sau khi ăn xong có thể là do chức năng tiêu hóa bị suy giảm, niêm mạc dạ dày dễ kích thích do một số loại bệnh như trào ngược dạ dày, viêm loét dạ dày,… Ngoài ra, buồn nôn kèm theo một số triệu chứng khác như chướng bụng, ợ nóng, đầy hơi, ợ hơi, nóng rát vùng ngực, bụng thì có thể bạn đang mắc bệnh trào ngược dạ dày.
Các bệnh về túi mật
Một trong những nguyên nhân bị nôn sau ăn là do các bệnh về túi mật. Túi mật nằm phía trên bên phải của bụng, có chức năng tiết mật để hỗ trợ tiêu hóa chất béo. Do bị sỏi, bị viêm khiến cho túi mật bị tắc nghẽn và làm cản trở hoạt động tiêu hóa bình thường. Triệu chứng đặc trưng của các bệnh về túi mật bao gồm buồn nôn và đau bụng trên bên phải sau khi ăn nhiều chất béo.
Buồn nôn sau khi ăn có thể do mang thai
Ăn xong buồn nôn có thể là dấu hiệu sớm của việc mang thai và nguyên nhân thường do sự thay đổi về nội tiết tố. Bạn có thể nghi ngờ mình đang mang thai nếu buồn nôn đi cùng các triệu chứng mang thai khác như ngực nhạy cảm, mệt mỏi, trễ kinh,…
Ăn vào buồn nôn do mang thai có thể xảy ra ở bất cứ lúc nào trong ngày. Đa số các mẹ bầu sẽ bị buồn nôn và nôn khi mang thai 2 tháng. Tình trạng này sẽ không gây hại cho mẹ và bé và thường hết vào tháng thứ 3 – 5 của thai kỳ.
Do ngộ độc thực phẩm
Tình trạng ăn xong buồn nôn có thể là do bạn do ăn phải các thực phẩm không bảo quản đúng, không được nấu chín kỹ dẫn đến tình trạng nhiễm các vi sinh vật. Một nguyên nhân khác gây buồn nôn sau khi ăn là có thể là triệu chứng của viêm gan A, đây là một tình trạng dạ dày bị viêm do nhiễm virus.
Triệu chứng buồn nôn thường kéo dài khoảng vài tiếng, đi cùng với các triệu chứng như tiêu chảy, đau bụng, sốt nhẹ.
Một số nguyên nhân khác
Ngoài các nguyên nhân kể trên thì triệu chứng ăn xong buồn nôn có thể là do:
- Hội chứng đau nửa đầu: Hội chứng này có thể gây buồn nôn sau khi ăn, cùng với đó là một số triệu chứng như đau bụng dữ dội, nôn mửa và chóng mặt.
- Lo lắng, trầm cảm hoặc căng thẳng dữ dội: Có thể sẽ dẫn đến chán ăn và buồn nôn. Bạn thường mệt mỏi, giảm ham muốn, các vấn đề về giấc ngủ…
- Dùng thuốc: Ăn xong buồn nôn là tác dụng phụ thường gặp của một số loại thuốc như thuốc kháng sinh, thuốc hóa trị, thuốc giảm đau,…
- Nguyên nhân khác: Bệnh đái tháo đường, tăng áp lực nội sọ, dùng nhiều rượu bia. Tuy nhiên, tình trạng buồn nôn chỉ là triệu chứng đi kèm và có thể sẽ xuất hiện bất kỳ thời điểm nào trong ngày chứ không chỉ riêng sau bữa ăn.
Mẹo tránh buồn nôn sau khi ăn
Dưới đây là một số mẹo giúp bạn tránh tình trạng ăn xong buồn nôn:
- Duy trì thói quen ăn uống lành mạnh như ăn đúng giờ, đủ bữa, ăn chậm, nhai kỹ, có thể chia thành nhiều bữa nhỏ thay vì 3 bữa lớn.
- Tránh ăn các thực phẩm không hợp vệ sinh, lựa chọn và chế biến các thực phẩm cẩn thận.
- Nếu bạn mắc chứng không dung nạp lactose, gluten hoặc dị ứng thức ăn, hãy tránh các loại thực phẩm từ sữa, ngũ cốc và các thực phẩm dễ gây dị ứng.
- Tránh ăn thực phẩm chiên xào nhiều dầu mỡ hoặc cay nóng.
- Chú ý nghỉ ngơi và tránh làm việc quá căng thẳng, có thể tập thiền hoặc yoga.
Trường hợp nôn sau ăn cần đi khám bác sĩ
Triệu chứng ăn xong buồn nôn là tương đối phổ biến, có thể không do bệnh lý nguy hiểm khiến người bệnh chủ quan. Tuy nhiên, nếu buồn nôn kèm theo một số triệu chứng sau thì người bệnh cần đến khám tại các trung tâm y tế càng sớm càng tốt:
- Nôn ra dịch cà phê hoặc nôn ra máu
- Tức ngực và đau bụng
- Sốt cao và nổi ban
- Đau đầu hoặc mỏi cổ, đau cổ
- Mệt mỏi, căng thẳng, mất ngủ nhiều ngày
- Dấu hiệu mất nước: Tình trạng mệt mỏi, lờ đờ, tiểu ít, môi khô, chuột rút,…
- Đi cầu ra máu hoặc đi cầu ra chất màu giống nước trà
Ăn xong buồn nôn có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý nghiêm trọng. Nếu bạn thường xuyên cảm thấy buồn nôn, hãy đến gặp bác sĩ để được khám và tư vấn. Việc chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giúp bạn tránh được những biến chứng nguy hiểm.