Những ảnh hưởng của việc ngủ không đủ giấc đối với sức khỏe người cao tuổi
Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe thể chất lẫn tinh thần ở mọi độ tuổi, trong đó có người cao tuổi. Chứng mất ngủ không ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng nhưng có thể gây ra nhiều hệ lụy về sức khỏe, tiềm ẩn nguy cơ rút ngắn tuổi thọ. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về tình trạng này.
Tổng quan về chứng mất ngủ ở người cao tuổi
Theo khuyến nghị, người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) tốt nhất vẫn cần ngủ sâu từ 7 – 9 giờ mỗi đêm. Tuy nhiên, nhu cầu về giấc ngủ ở mỗi người không giống nhau. Một số người (trong đó có người cao tuổi) chỉ cần ngủ sâu giấc khoảng 5, 6 giờ nhưng những người khác cần ngủ nhiều hơn để có thể đảm bảo đủ thời gian tái tạo năng lượng cho cơ thể.
Trên thực tế, người lớn tuổi thường có xu hướng ngủ ít hơn, họ đi ngủ và thức dậy sớm hơn giới trẻ. Nhiều người cao tuổi cũng dễ gặp các vấn đề về giấc ngủ, trong đó bệnh mất ngủ ở người già thường chiếm đa số.
Thực tế cho thấy rằng, có khoảng hơn một nửa người cao tuổi thường xuyên bị mất ngủ, đây là tình trạng rối loạn giấc ngủ, ngủ không đủ giấc hoặc bị tỉnh dậy giữa đêm.
Đây có thể là tình trạng phổ biến khi về già, là một phần của sự lão hóa. Tuy nhiên, bệnh mất ngủ ở người già có thể còn do nhiều nguyên nhân khác gây ra. Tình trạng này kéo dài có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, khiến người cao tuổi có cảm giác mệt mỏi, khó khăn trong việc tập trung vào công việc, giảm trí nhớ…
Vì vậy, cần điều trị bệnh mất ngủ ở người già càng sớm càng tốt để giúp người bệnh có giấc ngủ ngon và phòng tránh được những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Nguyên nhân mất người ở cao tuổi
Dưới đây là những nguyên nhân gây mất ngủ ở người già phổ biến
Nguyên nhân mất ngủ nguyên phát
Mất ngủ nguyên phát thường xảy ra do sự suy giảm chức năng cùng với yếu tố tuổi tác, không liên quan đến bệnh lý tâm thần hoặc thực thể.
Càng lớn tuổi, các cơ quan trong cơ thể càng lão hóa và giảm khả năng thực hiện chức năng so với khi còn trẻ. Sự suy giảm này có thể thấy rõ ở các tế bào thần kinh. Hậu quả là gây ra tình trạng mất ngủ, khó ngủ.
Rối loạn giấc ngủ thứ phát (bệnh lý)
Cùng với sự lão hóa của cơ thể, người cao tuổi thường dễ mắc phải các bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, viêm khớp, tiểu đường, tim mạch,… Các bệnh này gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ làm khởi phát hoặc gia tăng tình trạng rối loạn giấc ngủ. Trong đó, các cơn đau nhức, khó chịu do bệnh xương khớp là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến khó ngủ, mất ngủ, ngủ không sâu giấc… ở người cao tuổi.
Ngoài ra các bệnh lý khác cũng dẫn đến mất ngủ, khó ngủ làm ảnh hưởng tới sức khỏe người cao tuổi như:
- Viêm phế quản mạn tính gây ho kéo dài, hen suyễn
- Các bệnh về đường tiêu hóa, điển hình là đau dạ dày, viêm đại tràng, đầy bụng khó tiêu…
- Bệnh thận
- Bệnh tiểu đường
Một nghiên cứu ở Singapore đã chứng minh rằng những người có vấn đề giấc ngủ thường có bệnh lý đi kèm như Parkinson, Alzheimer, đau mạn tính, bệnh về tim mạch, thần kinh, tiêu hóa, hô hấp, rối loạn đi tiểu…
Bên cạnh đó, trầm cảm, lo lắng hay sa sút trí tuệ cũng là những yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ rối loạn giấc ngủ, đặc biệt là chứng mất ngủ.
Một số loại thuốc điều trị có thể gây ra tình trạng mất ngủ ở người lớn tuổi, ví dụ như:
- Các loại thuốc lợi tiểu dùng trong phác đồ điều trị bệnh tăng nhãn áp hoặc tăng huyết áp.
- Thuốc kháng cholinergic dùng trong phác đồ điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
- Thuốc làm hạ huyết áp ở người bị tăng huyết áp.
- Thuốc kháng viêm Corticosteroid dùng trong phác đồ điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp.
- Các loại thuốc chống trầm cảm có thể được bác sĩ chỉ định cho người mắc chứng rối loạn lo âu.
- Thuốc Levodopa dùng trong phác đồ điều trị bệnh Parkinson.
- Thuốc Adrenergic dùng cho trường hợp khẩn cấp như tim ngừng đập hoặc người bệnh đột ngột lên cơn hen suyễn.
Nguyên nhân khác
Các yếu tố nguy cơ khác có thể gây ra tình trạng mất ngủ ở người già bao gồm:
- Yếu tố môi trường: Thông thường, giấc ngủ ở người cao tuổi dễ bị ảnh hưởng bởi sự tác động từ môi trường như ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm ánh sáng, không gian phòng ngủ chật hẹp, ẩm thấp…
- Chế độ sinh hoạt: Chế độ sinh hoạt kém khoa học như lạm dụng bia rượu, cà phê, trà, thuốc lá, ăn uống không đúng giờ, hay thức khuya… có thể khiến người cao tuổi thường xuyên bị khó ngủ, mất ngủ.
Triệu chứng mất ngủ ở người cao tuổi
Dưới đây là một số triệu chứng mất ngủ ở người cao tuổi thường gặp, bao gồm:
- Khó ngủ, khó đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu giấc và ngủ ít.
- Không cảm thấy buồn ngủ vào ban đêm hoặc cảm thấy buồn ngủ nhưng không ngủ được.
- Không ngủ được suốt đêm, thức giấc nhiều lần trong đêm.
- Trằn trọc gần đến sáng mới có thể ngủ được.
- Gặp khó khăn trong quá trình duy trì giấc ngủ ổn định.
- Ngủ dậy sớm hơn bình thường.
- Chất lượng giấc ngủ không đảm bảo.
Thông thường, tình trạng mất ngủ bao gồm mất ngủ thoáng qua (xảy ra không thường xuyên), mất ngủ cấp tính (kéo dài dưới 4 tuần) và mất ngủ mãn tính (kéo dài hơn 4 tuần). Trong đó, mất ngủ thoáng qua và cấp tính thường xảy ra ở những đối tượng không có tiền sử mắc bệnh mạn tính tiềm ẩn nguy cơ gây mất ngủ hoặc chưa từng bị rối loạn giấc ngủ trước đó. Bệnh mất ngủ ở người lớn tuổi thoáng qua hoặc cấp tính nếu không được cải thiện kịp thời có thể dẫn đến tình trạng mất ngủ mạn tính và khi đó, việc điều trị sẽ khó khăn hơn.
Ảnh hưởng của giấc ngủ đối với người cao tuổi
Tình trạng mất ngủ ở người già nếu không sớm được cải thiện có thể gây ra nhiều hậu quả ảnh hưởng đến chất lượng sống, làm tăng nặng các bệnh lý nền sẵn có, thậm chí đe dọa tính mạng. Dưới đây là một số ảnh hưởng đến sức khỏe ở người cao tuổi do tình trạng mất ngủ gây ra:
- Thường xuyên uể oải, mệt mỏi, mất tập trung, luôn trong trạng thái lờ đờ vào ban ngày.
- Hệ miễn dịch suy yếu khiến cơ thể dễ bị tấn công bởi virus, vi khuẩn gây bệnh.
- Gia tăng nguy cơ bị tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, tiểu đường, nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
- Tạo nên những cơn buồn ngủ mất kiểm soát vào ban ngày.
- Gây thiếu hụt năng lượng, khiến người bệnh ăn uống không kiểm soát dẫn đến nguy cơ bị thừa cân, béo phì.
- Làm tăng nặng các bệnh lý nền sẵn có, gây khó điều trị, nguy hiểm sức khỏe.
- Kéo dài tình trạng mất ngủ ở người lớn tuổi có thể gây ra hiện tượng ảo giác, rối loạn nhận thức.
Tóm lại, tình trạng mất ngủ có thể do nhiều nguyên nhân gây ra và gây ảnh hướng lớn đến sức khỏe của người cao tuổi. Vì vậy cần thăm khám sớm, tìm hiểu chính xác nguyên nhân gây mất ngủ là yếu tố quan trọng giúp người lớn tuổi có thể khắc phục tình trạng mất ngủ một cách hiệu quả.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.