Bánh tráng trộn bao nhiêu calo? Ăn nhiều có béo không?
Bánh tráng trộn là món ăn vặt được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, việc ăn nhiều bánh tráng trộn có thể ảnh hưởng đến cân nặng và sức khỏe. Vậy bánh tráng trộn bao nhiêu calo và ăn nhiều có mập không? Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Bánh tráng trộn bao nhiêu calo?
Bánh tráng trộn thường bao gồm nhiều nguyên liệu như bánh tráng, trứng cút, khô bò, xoài xanh, đậu phộng, hành phi và các loại gia vị khác. Mỗi thành phần đều đóng góp lượng calo nhất định.
Vậy bánh tráng trộn bao nhiêu calo? Trung bình, một phần bánh tráng trộn khoảng 100g chứa khoảng 300 – 500 calo. Lượng calo còn tùy vào lượng nguyên liệu và cách chế biến của từng người. Ví dụ một bịch bánh tráng trộn sẽ thường gồm:
- Bánh tráng: Khoảng 50-70 calo.
- Trứng cút: Mỗi quả chứa khoảng 14 calo.
- Khô bò: Khoảng 100-150 calo.
- Xoài xanh: 30 calo.
- Đậu phộng rang: 100 calo.
- Ruốc: 5 calo.
- Tắc: 26 calo
- Hành phi: 10 calo:
- Gia vị: Dầu, muối, sa tế… cũng đóng góp không nhỏ vào tổng lượng calo.
Ăn bánh tráng trộn có mập không?
Một người trưởng thành thường cần tiêu hao khoảng 1.800 – 2.000 calo mỗi ngày để duy trì sức khỏe. Khi ăn một bịch bánh tráng trộn 100g, bạn đã nạp vào cơ thể khoảng 500 calo. Điều này có nghĩa là một bịch bánh tráng trộn chiếm gần 1/3 lượng calo cần thiết cho một bữa ăn bình thường (khoảng 600 – 667 calo).
Ngoài việc chứa nhiều calo, bánh tráng trộn còn có hàm lượng chất béo và tinh bột cao, nhưng lại thiếu chất xơ. Nếu bạn ăn quá nhiều món này cơ thể sẽ bị dư thừa chất béo và tinh bột. Hơn nữa, loại dầu thường dùng trong bánh tráng trộn chứa nhiều axit béo no, một loại chất béo bão hòa gây tích tụ mỡ thừa.
Tuy nhiên, nếu ăn bánh tráng trộn với lượng vừa phải và kết hợp với chế độ ăn uống, tập luyện hợp lý, bạn vẫn có thể thưởng thức món ăn này mà không lo về việc tăng cân.
Tác hại khi ăn bánh tráng trộn quá nhiều
Ngoài việc làm tăng cân, việc ăn quá nhiều bánh tráng trộn còn tiềm ẩn nhiều tác hại khác cho sức khỏe:
- Tăng nguy cơ béo phì: Lượng calo cao, đặc biệt từ dầu mỡ và gia vị, dễ dẫn đến thừa cân, béo phì nếu không kiểm soát.
- Gây đầy bụng, khó tiêu: Dầu và gia vị có thể làm cho dạ dày khó tiêu hóa.
- Gây mụn: Các thành phần cay nóng, dầu mỡ trong bánh tráng trộn có thể làm da bị kích ứng, gây mụn. Đặc biệt với những người có cơ địa nhạy cảm.
- Ảnh hưởng đến tiêu hóa: Bánh tráng khô kết hợp với gia vị mạnh có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày, dễ gây viêm loét dạ dày. Nếu bạn ăn nhiều, không uống đủ nước thì có thể dẫn đến tình trạng táo bón.
- Ngộ độc thực phẩm: Món ăn này thường không có nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng và không đảm bảo vệ sinh nên dễ dẫn đến nguy cơ ngộ độc.
Lưu ý quan trọng khi ăn bánh tráng trộn
Để thưởng thức món bánh tráng trộn mà không lo lắng về sức khỏe hay cân nặng, bạn nên lưu ý một số điểm sau:
- Hạn chế số lần ăn và lượng bánh tráng trộn tiêu thụ trong mỗi lần. Chỉ nên ăn món ăn vặt này khoảng 1 – 2 lần/tuần.
- Tránh ăn vào buổi tối vì đây là thời điểm cơ thể tiêu thụ năng lượng chậm lại. Do đó ăn bánh tráng trộn vào buổi tối dễ gây tích tụ mỡ thừa.
- Tự làm bánh tráng trộn tại nhà để đảm bảo nguyên liệu sạch và an toàn để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn hoặc ngộ độc thực phẩm.
- Sau khi ăn, bạn nên duy trì vận động nhẹ nhàng để giúp cơ thể tiêu hao năng lượng.
- Nên uống nhiều nước sau khi ăn bánh tráng trộn.
- Kết hợp với các loại rau củ, trái cây có chứa nhiều vitamin C và chất xơ.
Cách chế biến bánh tráng trộn không gây tăng cân
Dưới đây là cách làm bánh tráng trộn đơn giản tại nhà mà bạn có thể tham khảo:
Chuẩn bị nguyên liệu:
- Bánh tráng nhỏ: 2 miếng
- Tắc: 2 trái
- Rau răm: 15g
- Trứng cút: 1 quả
- Quả xoài xanh: 20g
- Khô bò: 10g
- Đậu phộng rang: 10g
- Hành lá: 15g
- Hành phi: 3g
- Gia vị: muối, đường, nước tương, sa tế, giấm, ớt…
Cách làm bánh tráng trộn:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Vắt tắc, loại bỏ vỏ và hạt.
- Đậu phộng rang và bóc vỏ.
- Xoài gọt vỏ rồi bào thành sợi.
- Hành lá và hành tím rửa sạch, thái nhỏ và phi cho thơm.
- Bánh tráng cắt thành sợi nhỏ vừa ăn.
- Luộc trứng cút, bóc vỏ.
Bước 2: Pha nước sốt trộn bánh tráng
- Trộn giấm ăn, nước tương và đường vào một chén và khuấy đều.
- Xay nhỏ tỏi và ớt, sau đó cho vào chén, tiếp tục khuấy đều.
- Thêm nước sốt me và sa tế vào để tăng hương vị.
Bước 3: Trộn bánh tráng
- Trộn nhẹ bánh tráng với một chút mỡ hành để làm mềm.
- Thêm nước tắc và nước sốt đã pha vào, tiếp tục trộn đều.
- Cho xoài và rau răm vào, trộn thêm khoảng 30 giây nữa.
- Rắc đậu phộng rang, hành lá, khô bò lên trên.
- Cuối cùng, đặt trứng cút lên trên cùng là hoàn thành.
Sau khi đã giải đáp bánh tráng trộn bao nhiêu calo, hy vọng bạn sẽ có thể điều chỉnh khẩu phần ăn hàng ngày một cách hợp lý. Với những cách chế biến lành mạnh hơn, bạn hoàn toàn có thể thưởng thức bánh tráng trộn mà không lo bị béo.