Bạo lực gia đình có thể gây ra những bệnh tâm lý nào?
Bạo lực gia đình là hành vi được sử dụng để gây tổn thương, khủng bố, thao túng hoặc giành quyền kiểm soát một thành viên trong gia đình. Bạo lực gia đình vẫn đang hiện diện trong cuộc sống và ngày càng trở nên phức tạp hơn với nhiều hình thức khác nhau. Bạo lực gia đình làm tan vỡ hạnh phúc gia đình, gây đến nỗi đau đớn về thể xác và tinh thần cho những người trong gia đình. Vậy bạo lực gia đình có thể gây ra những bệnh tâm lý nào? Hãy cùng tìm hiểu ở bài viết dưới đây.
Bạo lực gia đình là gì?
Bạo lực gia đình là những hành vi mang tính bạo lực xảy ra giữa những người thân trong gia đình, gây ra sự tổn thương về thể chất, tinh thần và nhân phẩm cho nạn nhân và những thành viên khác.
Bạo lực gia đình có thể được thực hiện bởi bất kỳ thành viên nào trong gia đình, chẳng hạn như cha mẹ, con cái, anh chị em, họ hàng…
Bất kỳ ai cũng có thể là nạn nhân của sự lạm dụng, bạo lực, bất kể tuổi tác, chủng tộc, giới tính, khuynh hướng tình dục, giai cấp hay tín ngưỡng.
Bạo lực với phụ nữ và bạo lực với trẻ em trong gia đình là hai trường hợp phổ biến và thường xuyên xảy ra. Trong đó, bạo lực với trẻ em được coi như một hình thức ngược đãi trẻ em, bởi trẻ tiếp xúc và chứng kiến cảnh bạo lực giữa cha mẹ, chịu sự trừng phạt của người lớn, đồng thời còn có những nguy cơ như bỏ giam, tra tấn, xâm hại tình dục, tâm lý.
Các nhóm bạo lực gia đình
Hiện nay, bạo lực gia đình được chia thành các nhóm với biểu hiện hoàn toàn khác nhau.
- Bạo lực thể chất
Bạo lực về thể chất là dạng bạo hành thường gặp nhất. Dạng bạo lực này đặc trưng bởi hành vi cố ý làm tổn thương đến thể chất hoặc xâm hại tính mạng của những thành viên trong gia đình. Bạo lực thể chất có thể xảy ra ở mối quan hệ vợ chồng, bố mẹ – con cái hoặc con cháu với ông bà. Mặc dù không có con số chính xác nhưng thời gian gần đây đã xuất hiện không ít vụ việc trẻ bị bạo hành nghiêm trọng dẫn đến tử vong. Bạo lực về thể chất dễ nhận biết hơn so với những dạng bạo hành khác. Bởi trên cơ thể của nạn nhân sẽ xuất hiện các vết thương tích như vết bầm, vết máu,… Hơn nữa, với những hành vi bạo lực, nạn nhân có thể cảm nhận được nỗi đau một cách rất rõ ràng.
- Bạo lực tinh thần
Bạo lực tinh thần trái ngược với bạo lực về thể chất. Đối với dạng bạo hành này, người bạo hành hầu như không có các hành vi gây tổn thương thể chất cho nạn nhân mà thay vào đó sử dụng lời nói. Những lời nói nặng nề, mạt sát và đay nghiến sẽ khiến cho nạn nhân bị tổn thương. Tổn thương tâm lý không được thể hiện rõ như những vết thương ngoài da thịt. Chỉ có nạn nhân mới có thể thấu hiểu được nỗi đau, sự ngột ngạt và mệt mỏi bản thân đang phải đối mặt.
- Bạo lực về tài chính
Bạo lực về tài chính/ bạo lực kinh tế là một trong những dạng bạo hành gia đình thường gặp. Dạng bạo hành này đặc trưng bởi hành vi kiểm soát, ép buộc và chiếm đoạt thu nhập mặc dù đối phương không đồng ý. Ngoài ra, bạo lực về tài chính còn bao gồm các hành vi chi tiêu phung phí, hủy hoại tài sản chung hoặc tài sản riêng của những thành viên khác.
Những bệnh tâm lý ở nạn nhân bị bạo lực gia đình
Những tổn thương tâm lý ở phụ nữ khi bị chồng bạo hành có thể kể đến như:
- Rối loạn cảm xúc với những dấu hiệu, biểu hiện như: Căng thẳng, lo lắng, hốt hoảng, suy nghĩ không tập trung, dễ bị xúc động, hay khóc, không thấy hạnh phúc, khó khăn trong khi đưa ra các quyết định, làm việc chậm chạp, không có hứng thú với các công việc hằng ngày.
- Buồn chán, cảm giác vô dụng và có ý nghĩa muốn kết thúc cuộc sống
- Những nạn nhân bị bạo lực gia đình có xu hướng sử dụng chất gây nghiện, rượu và ma tuý, có nhiều ý nghĩ tự hại, tự sát
- Bị trầm cảm, lo âu
- Cảm giác xấu hổ, tội lỗi, ám ảnh, rối loạn hoảng sợ
- Thiếu lòng tự trọng
- Gặp các rối loạn ngủ, ăn uống, giảm các hoạt động thể chất
- Có những hành vi tình dục không an toàn
Những tổn thương tâm lý ở trẻ em khi bị bạo hành :
- Trẻ em thường xuyên gặp phải những cơn ác mộng
- Tỏ ra nhút nhát hoặc hung hăng quá mức
- Có những hành vi như: đái dầm, mút tay
- Có xu hướng bắt chước các hành vi bạo lực của người lớn
- Học tập: giảm sút, thiếu động lực học tập
- Có những hành vi lệch chuẩn, gây hấn
- Dễ rơi vào trạng thái lo âu, trầm cảm
Mối liên hệ giữa bạo lực gia đình và các vấn đề tâm lý
Những sang chấn tâm lý gây ra bởi bạo hành gia đình không giống như các dấu hiệu thực thể, đó không phải là những vết bầm, vết cắt. Vì vậy, rất khó trong việc nhận biết để có những can thiệp và điều trị phù hợp. Tuy nhiên, việc bạo hành có thể để lại những vết sẹo rất sâu trong tâm lý của nạn nhân. Do phụ nữ rất dễ là đối tượng bị bạo hành, nên các sang chấn về tâm lý thường xảy ra.
Những người bị bạo hành gia đình thường có những thay đổi trong tâm lý và hành vi như sau:
- Tâm trạng bối rối lo âu, e sợ dai dẳng.
- Tâm trí luôn trong trạng thái cảnh giác cao độ, vì vậy họ thường khó thư giãn và dễ rối loạn giấc ngủ.
- Cảm giác tuyệt vọng, bơ vơ, không nơi nương tựa do họ tin rằng mình sẽ không bao giờ thoát khỏi sự kiểm soát của kẻ bạo hành.
- Quá sợ hãi vì không thể bảo vệ bản thân và con cái họ. Những nạn nhân này có xu hướng từ chối sự giúp đỡ từ gia đình, họ hàng và bạn bè.
- Bất lực trong việc đưa ra quyết định hoặc tự bảo vệ bản thân do tâm trí họ đã bị nỗi sợ chiếm đóng hoàn toàn.
- Luôn tin rằng bản thân đáng bị bạo hành.
- Luôn tin rằng phải có người chịu trách nhiệm về hành động bạo hành.
- Trong tâm trí họ luôn có sự hồi tưởng, suy nghĩ, ký ức về việc bị bạo hành. Ngoài ra, họ rất hay gặp ác mộng về việc bị bạo hành.
- Có những phản ứng về cảm xúc gợi nhớ lại những kí ức bị bạo hành.
Cách phòng ngừa và chống bạo lực gia đình
Đối với nạn nhân
Nạn nhân bị bạo lực gia đình cần:
- Trang bị cho bản thân các kỹ năng để ứng phó với hành vi bạo lực.
- Chủ động tìm sự giúp đỡ từ hàng xóm và chính quyền khi bạo hành thường xuyên.
- Khi đối phương nóng giận, cách tốt nhất là im lặng để tránh mâu thuẫn xảy ra. Đối phương có thể nói những lời vô lý và nhục mạ nhưng việc tranh cãi ở thời điểm này không phải là giải pháp phù hợp, vì vậy, hãy tự bảo vệ bản thân bằng cách giữ im lặng và lựa chọn lời nói phù hợp.
- Ghi lại tất cả bằng chứng bạo hành của đối phương để sử dụng khi cần thiết.
Đối với các tổ chức xã hội
- Tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức của mọi người về phòng, chống bạo lực gia đình.
- Phổ cập kiến thức về luật bảo vệ gia đình và bình đẳng giới để xóa bỏ hoàn toàn những tư tưởng lạc hậu.
- Làm tốt công tác hóa giải xung đột, mâu thuẫn để tránh dẫn đến bạo lực và rạn nứt.
- Đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa, quan tâm hơn đến hoàn cảnh của mỗi gia đình.
- Ngoài ra, cần can thiệp ngay khi xuất hiện bạo hành.
- Xử phạt nghiêm những người có hành vi bạo lực gia đình để làm gương cho những người khác.