Bệnh Crohn là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và những điều cần lưu ý
Theo như thống kê, bệnh Crohn đang ngày càng gia tăng trên toàn thế giới. Căn bệnh này không chỉ gây ra các triệu chứng khó chịu mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vậy, làm thế nào để phát hiện sớm và điều trị hiệu quả bệnh Crohn? Câu trả lời sẽ có trong bài viết sau.
Bệnh Crohn là gì?
Bệnh Crohn còn được gọi là bệnh viêm ruột mạn tính từng vùng. Biểu hiện chủ yếu là gây loét thành trong của ruột non và đại tràng. Hơn nữa, bệnh Crohn gây tổn thương ở cả ruột già, ruột non, thậm chí còn có khả năng gây ảnh hưởng đến bất kỳ phần nào của đường tiêu hóa từ miệng đến đại tràng và hậu môn. Khi mắc bệnh Crohn, người bệnh thường mệt mỏi, đai bụng, suy nhược cơ thể, sút cân nhanh, thậm chí biến chứng nặng có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh.
Bệnh Crohn chưa có thuốc đặc trị, nhưng các liệu pháp có thể giúp làm giảm đáng kể các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh, thậm chí mang lại sự thuyên giảm lâu dài và giúp chữa lành chứng viêm. Với việc điều trị, nhiều người bệnh có thể hoạt động tốt.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh Crohn
Hiện nay vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác dẫn đến bệnh viêm ruột từng vùng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tin rằng bệnh viêm ruột từng vùng có mối liên hệ với một vài các yếu tố sau:
- Chế độ dinh dưỡng: Chế độ dinh dưỡng thiếu chất và kém vệ sinh có thể tạo điều kiện cho bệnh phát triển.
- Hệ miễn dịch: Nếu hệ miễn dịch bị suy yếu, virus hoặc vi khuẩn sẽ có cơ hội tấn công đường ruột.
- Gene di truyền: Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nguy cơ mắc bệnh Crohn sẽ tăng cao nếu người thân trong gia đình bạn đã mắc phải tình trạng này.
Triệu chứng thường gặp của bệnh Crohn
Triệu chứng lâm sàng bệnh Crohn
Triệu chứng bệnh Crohn thường xuất hiện xen kẽ giữa giai đoạn bùng phát và ổn định. Dựa vào các biểu hiện thất thường của cơ thể để nhận biết tình trạng bệnh của mình.
Triệu chứng bệnh Crohn gồm:
- Tình trạng bất thường hệ tiêu hóa như đầy bụng, đau quặn bụng, tiêu chảy hoặc tiêu chảy có máu, mót rặn và đau vùng hậu môn
- Suy nhược cơ thể, sốt toàn thân, gầy và sút cân. Với người bệnh có triệu chứng sốt cao, khả năng gặp các tình trạng viêm ruột có áp xe
- Có một số các triệu chứng khác như viêm khớp dạng thấp, viêm mống mắt, loãng xương, viêm cột sống dính khớp và các tình trạng rối loạn nội tiết.
Triệu chứng cận lâm sàng bệnh Crohn
Triệu chứng cận lâm sàng của bệnh Crohn nằm ở tình trạng phân và máu. Đối với tế bào máu, người bệnh có tốc độ máu lắng (ESR) tăng và protein phản ứng (CRP) tăng. Người bệnh cũng có thể xuất hiện một số hiện tượng như giảm albumin máu, giảm sắt và B12 huyết thanh, rối loạn điện giải. Trong trường hợp người bệnh bị giảm hấp thu, phân sẽ bị lẫn bạch cầu và máu.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh Crohn
Nguy cơ mắc bệnh Crohn có thể gia tăng nếu bạn:
- Hút thuốc lá
- Nghiện rượu bia
- Không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
- Sống ở vùng có nguồn nước bị ô nhiễm
- Có người thân trong gia đình đã từng bị bệnh Crohn.
Biến chứng của bệnh Crohn
Bệnh Crohn có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:
- Áp xe: Những khối u chứa đầy mủ do tình trạng nhiễm trùng được hình thành trong đường tiêu hóa.
- Nứt hậu môn: Những vết rách nhỏ ở hậu môn gây đau, ngứa và chảy máu.
- Tắc ruột: Tắc nghẽn ở ruột già hoặc ruột non là tình trạng cần phải phẫu thuật để có thể giải quyết tắc nghẽn.
- Ung thư đại trực tràng: Bệnh viêm ruột mạn tính làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.
- Suy dinh dưỡng: Tình trạng tiêu chảy, đau bụng kéo dài khiến bạn chán ăn hoặc khiến ruột khó hấp thu đủ các chất dinh dưỡng. Tình trạng thiếu máu thường xảy ra do thiếu sắt hoặc vitamin B12 do căn bệnh này gây ra.
- Loét: Viêm mãn tính có thể dẫn đến những vết loét ở bất cứ đâu trong đường tiêu hóa của bạn.
- Rối loạn đông máu: Bệnh làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch và động mạch.
Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn phát hiện bất kỳ triệu chứng nào của bệnh Crohn. Việc chẩn đoán sớm sẽ giúp bạn kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng nghiêm trọng xảy ra.
Đối tượng nào nguy cơ cao mắc bệnh Crohn
Những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh Crohn là những nhóm đối tượng sau:
- Người có người thân từng bị bệnh Crohn
- Người dùng nhiều thuốc kháng sinh, thuốc tránh thai hoặc thuốc chống viêm không steroid
- Những người có chế độ ăn nhiều chất béo xấu
- Đối tượng hút thuốc lá thường xuyên
- Người thuộc nhóm tuổi từ 20 – 30 tuổi
Trên thực tế, bệnh có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào, thuộc mọi độ tuổi. Bệnh bắt đầu từ tình trạng viêm ruột do vi khuẩn gây ra. Do đó, hệ thống miễn dịch tốt là chìa khóa giúp phòng ngừa bệnh viêm ruột mạn tính từng vùng tối ưu. Ngược lại, nguy cơ mắc bệnh của người có hệ miễn dịch kém sẽ cao hơn người khác bởi vì cơ thể không có đủ khả năng chống lại vi khuẩn gây bệnh xâm nhập.
Một số lưu ý dành cho bệnh nhân Crohn
Khi bị bệnh Crohn, người bệnh cần phải điều chỉnh lại chế độ ăn uống và sinh hoạt để có thể giúp hỗ trợ điều trị bệnh cũng như giúp ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng.
Điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt
Xây dựng chế độ dinh dưỡng đầy đủ trong mỗi bữa ăn, nên ăn nhiều trái cây, rau xanh và hạn chế đồ ăn khó tiêu hóa như đồ cay nóng, chiên rán đồng thời tránh xa rượu bia và các chất kích thích.
- Thay vì ăn 2-3 bữa chính trong ngày, bạn hãy chia nhỏ các bữa ăn để giúp giảm tải gánh nặng cho đường tiêu hóa
- Uống đủ nước mỗi ngày bởi vì nước có vai trò quan trọng đối với sự hoạt động của hệ tiêu hóa nói riêng và sức khỏe tổng thể nói chung
- Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên để giúp tăng cường sức đề kháng, nâng cao hệ miễn dịch và giúp khống chế bệnh tốt hơn
- Giữ tinh thần lạc quan, thoải mái, tránh tình trạng căng thẳng kéo dài. Cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi để giúp đảm bảo sức khỏe và tinh thần tốt nhất.
Những thực phẩm cần hạn chế
Bệnh nhân Crohn nên hạn chế một loại số thực phẩm sau:
- Sữa: Bệnh nhân Crohn thường gặp phải tình trạng tiêu chảy, chướng bụng đầy hơi nên cần phải loại bỏ sữa và các chế phẩm từ sữa
- Thực phẩm có chứa nhiều chất béo: Bệnh nhân Crohn tiêu hóa và hấp thụ chất béo rất khó khăn, vì thế hãy hạn chế dùng các loại thực phẩm nhiều chất béo như bơ, đồ chiên rán,… bởi chúng còn có thể khiến tình trạng tiêu chảy trở nên nặng hơn
- Chất xơ: Trên thực tế, chất xơ tốt cho hệ tiêu hóa, tuy nhiên với bệnh nhân Crohn, thực phẩm giàu chất xơ có thể khiến cho tình trạng tiêu chảy của bệnh nhân trở nặng hơn.
Bệnh Crohn là một loại viêm ruột mãn tính với triệu chứng như đau bụng và tiêu chảy. Nguyên nhân chưa rõ ràng nhưng có thể liên quan đến di truyền và hệ miễn dịch. Hiểu rõ các triệu chứng và những điều cần lưu ý sẽ giúp cho bạn quản lý bệnh hiệu quả hơn. Tham khảo bài viết trên để có cái nhìn tổng quan và chăm sóc sức khỏe tốt hơn khi mắc bệnh Crohn.