Bệnh cúm: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách phòng ngừa
Cúm là một loại bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus cúm (Influenza virus) gây ra, thường có các triệu chứng như sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Bệnh cúm nguy hiểm vì tốc độ lây lan nhanh và có thể gây ra các đợt dịch bệnh khác nhau như đại dịch, dịch, dịch nhỏ địa phương và các trường hợp tản phát.
Theo Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm có khoảng 5-10% người lớn và 20-30% trẻ em trên toàn cầu bị nhiễm cúm. Điều này dẫn đến khoảng nửa triệu người tử vong mỗi năm do những vấn đề sức khỏe liên quan đến bệnh cúm.
Dấu hiệu của bệnh cúm
Cúm có khả năng gây ra các triệu chứng từ nhẹ tới nặng. Triệu chứng thường gặp đầu tiên là sốt cao từ 39 đến 41 độ C (trẻ em thường sẽ sốt cao hơn so với người lớn), 1 số triệu chứng khác:
- Ớn lạnh, đổ mồ hôi
- Ho, đau họng, sổ mũi hoặc nghẹt mũi
- Đau cơ, đau khớp, nhức đầu và kiệt sức
- Trong một số trường hợp, đặc biệt ở trẻ em, có thể gặp buồn nôn, ói mửa và tiêu chảy
Các triệu chứng này có thể kéo dài hơn một tuần, và mức độ nghiêm trọng của chúng phụ thuộc vào sức khỏe tổng thể và hệ miễn dịch của từng người.
Bệnh cúm có khả năng lây nhiễm rất cao và lan truyền nhanh, có thể gây ra dịch và đại dịch. Bệnh lây lan chủ yếu qua hai đường:
- Lây qua dịch tiết đường hô hấp: Triệu chứng phổ biến của người nhiễm cúm là ho và hắt xì. Khi hoặc hắt xì, người bệnh phát tán virus ra ngoài qua các giọt bắn từ tuyến nước bọt, lan ra trong không khí với phạm vi 2m. Do đó, người khỏe mạnh khi tiếp xúc gần, trò chuyện trực tiếp với người bệnh có nguy cơ cao nhiễm bệnh.
- Lây qua bề mặt tiếp xúc: Khi người bệnh ho hoặc hắt xì, các dịch tiết có thể bắn ra và bám vào các bề mặt xung quanh. Nếu chạm vào các bề mặt này và sau đó chạm tay vào mũi, miệng có nguy cơ cao bị virus xâm nhập và gây bệnh.
Nguyên nhân gây ra bệnh cúm
Virus cúm (Influenza virus) là nguyên nhân gây bệnh cúm ở người bằng cách tấn công vào hệ hô hấp, bao gồm mũi, cổ họng và phổi. Virus này có thể tồn tại trong không khí và xâm nhập vào cơ thể khi chúng ta tiếp xúc với mắt, mũi, hoặc miệng bằng tay.
Ở Việt Nam, bệnh cúm thường do 3 chủng virus A, B và C gây ra, trong đó chủng A và B là phổ biến nhất ở người.
Biện pháp phòng ngừa bệnh cúm
Để phòng ngừa cúm hiệu quả, nên tuân thủ các biện pháp sau:
- Tiêm phòng vaccine hàng năm là biện pháp tối ưu nhằm ngăn ngừa cúm. Do virus cúm thay đổi liên tục, mỗi năm có vaccine mới được phát triển dựa trên nghiên cứu về độ nguy hiểm của virus.
- Duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh: Bao gồm vệ sinh cá nhân sạch sẽ, che miệng khi hắt hơi, rửa tay bằng xà phòng, và vệ sinh mũi họng bằng nước muối thường xuyên.
- Giữ ấm cơ thể, ăn uống lành mạnh và đầy đủ dinh dưỡng, kết hợp với việc luyện tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức đề kháng.
- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với những người mắc cúm hoặc có triệu chứng, trừ khi thật sự cần thiết.
Lưu ý: không tự ý sử dụng thuốc kháng virus như Tamiflu mà phải tuân thủ hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ. Khi có triệu chứng như ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, nên đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Nếu bạn xuất hiện các triệu chứng của cúm, hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tránh để bệnh tiến triển nặng hơn.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.