Bệnh hạch tuyến giáp và những điều cần biết
Tuyến giáp là một tuyến nội tiết nhỏ hình con bướm nằm ở cổ, phía dưới thanh quản. Cấu tạo tuyến giáp gồm có 2 thùy (thùy phải, thùy trái) và eo giáp. Nó sản xuất hormone thyroxine (còn gọi là T4) và triiodothyronine (còn gọi là T3). Những hormone này đóng vai trò quan trọng trong một số chức năng của cơ thể: Trao đổi chất, thân nhiệt, mạch, tâm trạng, tiêu hóa,…
Hạch bạch huyết hay thường gọi tắt là hạch, là tổ chức lympho phân bố rộng khắp cơ thể. Hạch có thể nằm nông dưới da như hạch nách, hạch bẹn, hoặc nằm sâu trong cơ thể, điển hình là hạch ổ bụng. Bình thường ít khi sờ thấy hạch, nhưng nếu hạch có kích thước lớn thì có thể sờ được dưới da. Hạch bạch huyết tham gia vào hệ miễn dịch của cơ thể, hạch có chức năng chống lại sự xâm nhập của các tác nhân ngoại lai, từ đó chống lại nhiễm trùng cũng như các bệnh lý khác trong cơ thể.
Bệnh hạch tuyến giáp là gì?
Hạch tuyến giáp là các hạch bạch huyết xuất hiện ở vùng cổ lân cận tuyến giáp. Sự phát triển của hạch báo động tình trạng bất thường của cơ thể. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nổi hạch tuyến giáp và cũng không ngoại trừ trường hợp ung thư tuyến giáp di căn hạch cổ.
Tình trạng sưng, nóng, phù nề đỏ của các hạch vùng cổ có thể là biểu hiện của các bệnh lý lành tính hay ác tính như:
- Viêm nhiễm vùng đầu, mặt, cổ; viêm họng, nhiễm siêu vi.
- Hạch lao.
- U lành tính: u nang giáp móng, u bã, u mỡ,…
- U lympho ác tính: u lympho Hodgkin, u lympho không Hodgkin.
- Ung thư tuyến giáp di căn hạch cổ.
- Ung thư từ các cơ quan khác di căn hạch cổ: ung thư phổi di căn hạch cổ, ung thư vú di căn hạch cổ, ung thư thực quản di căn hạch cổ,…
Dấu hiệu nhận biết
Tùy theo vị trí và nguyên nhân gây xuất hiện hạch tuyến giáp mà đặc điểm của chúng sẽ có sự thay đổi. Tuy nhiên dấu hiệu hạch tuyến giáp vẫn sẽ có những đặc điểm chung nhất, trong đó phải kể tới:
- Hạch nổi thành khối, sưng bằng hạt đậu hoặc lớn hơn một chút, có thể nhìn hoặc sờ thấy.
- Khối hạch nổi sưng, mềm hoặc dai.
- Khối sưng có thể đau hoặc không đau khi sờ vào.
- Hạch ở cổ xuất hiện đột ngột hoặc tăng dần về kích thước, kéo dài 2 – 4 tuần.
Khi hạch tuyến giáp xuất hiện có thể kèm theo các hiện tượng:
- Đổ mồ hôi và sốt về đêm.
- Có triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp trên như đau họng, sổ mũi,…Bị đau răng.
- Cơ thể bị suy nhược và giảm cân nặng đột ngột.
Nguyên nhân gây bệnh hạch tuyến giáp
Thực tế có nhiều nguyên nhân hạch tuyến giáp xuất hiện như:
- Do viêm nhiễm đường hô hấp: Hạch nổi ở cổ có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đang mắc bệnh viêm họng, viêm loét amidan, viêm tuyến nước bọt, viêm nướu răng. Hạch vùng cổ sẽ sưng, đau.
- Do cơ địa: Hạch ở cổ cũng có thể xuất hiện ở những người có sức khỏe kém, gầy yếu. Trong trường hợp này, hạch thường nhỏ, dễ di động, không đau và có độ chắc. Sau một thời gian xuất hiện, hạch có thể tự lặn mà không cần điều trị. Đặc biệt ở trẻ em dưới 12 tuổi, đang trong độ tuổi phát triển, hàng rào bảo vệ cơ thể phải hoạt động tối đa để bảo vệ trẻ trước tác nhân gây bệnh. Khi trẻ bị bệnh như nhiễm siêu vi, có thể hạch toàn thân bị phì đại, tự xẹp khi trẻ hết bệnh.
- Do bị bệnh lao hạch: ở cổ sẽ xuất hiện một loạt hạch lớn hơn 1cm, kích thước không đều, không gây đau, các hạch này có thể dính chùm với nhau. Kèm theo biểu hiện sốt, sụt cân cùng các tổn thương ở màng phổi thì rất có thể bạn đã bị lao hạch.
- Hạch xuất hiện do mắc bệnh bạch cầu cấp: Khi mắc căn bệnh này, người bệnh sẽ có các hạch mềm, to, dễ di động, xuất hiện ở nhiều vùng khác nhau, trong đó có vùng cổ. Đi kèm với đó là nhiều triệu chứng khác nhau như chảy máu dưới da, lách to, thiếu máu, tổn thương niêm mạc miệng.
- Ung thư: ung thư hạch hay các bệnh ung thư khác như ung thư tuyến giáp, ung thư vòm họng… cũng có thể làm xuất hiện hạch nổi ở cổ. Đặc điểm của hạch này thường cứng, giai đoạn đầu di động và to lên rất nhanh, sau đó, hạch sẽ dính và không di động nữa, khác hoàn toàn với hạch do các bệnh lành tính gây ra là có kích thước nhỏ, ít lớn lên theo thời gian, dễ di động.
Vì vậy, khi phát hiện ra hạch cổ nổi bất thường, người bệnh không nên chủ quan mà cần đến gặp nhân viên y tế để được khám và chẩn đoán bệnh kịp thời.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.