Bệnh herpes môi: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Herpes môi là căn bệnh do virus herpes simplex (HSV) gây ra, khiến người mắc phải khó chịu và gây mất thẩm mỹ. Thường dễ nhận thấy với những mụn nước li ti và rất dễ lây lan nếu không phát hiện và chữa trị kịp thời. Sau đây, hãy cùng Pharmacity điểm qua các triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị kịp thời nhé!
Triệu chứng của bệnh herpes môi
Bệnh herpes không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Việc nhận biết sớm các triệu chứng của bệnh là vô cùng quan trọng để có thể điều trị kịp thời và hiệu quả.
Dấu hiệu đầu tiên thường là cảm giác ngứa ran, nóng rát hoặc râm ran trên môi, có thể kéo dài từ vài giờ đến vài ngày. Sau đó, các mụn nước nhỏ li ti màu đỏ, chứa đầy dịch bắt đầu xuất hiện trên viền môi hoặc xung quanh miệng, đôi khi lan sang mũi, má hoặc bên trong miệng. Mụn có thể mọc thành từng cụm hoặc riêng lẻ, vỡ ra sau 1 – 2 ngày và để lại các vết loét nông, rỉ nước và đóng mài.
Một số triệu chứng khác như:
- Sốt nhẹ
- Đau cơ
- Đau họng
- Đau đầu
- Sưng hạch bạch huyết
- Chảy nước dãi (ở trẻ nhỏ)
Một số dấu hiệu thường gặp của bệnh môi bị herpes
Nguyên nhân bị herpes môi
Herpes môi nguyên nhân chủ yếu do Virus herpes simplex (HSV) là thủ phạm chính gây ra bệnh. Với chủng HSV-1 là nguyên nhân của hơn 80% gây ra herpes ở môi (mụn rộp miệng) và viêm miệng đơn giản (lở miệng), còn HSV-2 thường gây bệnh herpes sinh dục.
Nguyên nhân bị herpes môi – virus có thể lây lan khi tiếp xúc với người nhiễm bệnh thông qua các hoạt động như hôn, dùng chung mỹ phẩm, ăn uống chung, quan hệ bằng miệng,… Đặc biệt khi quan hệ không an toàn làm tăng nguy cơ gây những bệnh khác về tình dục như: Mụn cóc sinh dục, lậu, giang mai…
Khi bị nhiễm virus herpes, không thể loại bỏ hoàn toàn chúng ra khỏi cơ thể, có nghĩa là bệnh có thể tái phát sau khi đã được điều trị. Cần lưu ý một số yếu tố làm tăng khả năng tái phát bệnh, bao gồm:
- Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, đặc biệt ở vùng môi.
- Căng thẳng hoặc mệt mỏi.
- Nhiễm các bệnh khác, chẳng hạn như cảm cúm.
- Dị ứng thực phẩm.
- Điều trị các bệnh về răng miệng hoặc tổn thương vùng môi, nướu.
- Suy giảm hệ miễn dịch.
- Phẫu thuật thẩm mỹ như xóa sẹo hoặc làm mịn da bằng tia laser.
- Mang thai/hormone thay đổi ở nữ giới do diễn ra chu kỳ kinh nguyệt.
Virus herpes simplex (HSV) là thủ phạm chính gây ra bệnh herpes ở môi
Bệnh herpes môi có nguy hiểm không?
Mặc dù bệnh herpes không đe dọa đến tính mạng, nó có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt, đối với trẻ hệ miễn dịch còn yếu nên dễ bị biến chứng hơn người lớn, những người mắc bệnh về da khiến họ dễ bị tổn thương và nhiễm trùng do virus herpes hơn. Hay người có hệ miễn dịch suy yếu (như người bị ung thư hoặc nhiễm HIV), khó chống lại virus, khiến chúng dễ lây lan và gây biến chứng.
Bạn cần đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt nếu gặp các dấu hiệu sau:
- Mụn ở môi không lành sau 2 tuần.
- Có các triệu chứng nặng như sốt cao hoặc kéo dài, khó thở, khó nuốt.
- Mắt đỏ và kích ứng (có thể kèm chảy dịch) là dấu hiệu của biến chứng herpes mắt, có thể dẫn đến giảm thị lực.
- Herpes môi tái phát thường xuyên hơn 6 lần mỗi năm, nên đi khám bác sĩ để được điều trị bằng thuốc ức chế virus.
- Người đang trị ung thư, mắc bệnh về da hoặc những bệnh gây suy giảm hệ thống miễn dịch (HIV/AIDS).
Bệnh herpes môi không đe dọa đến tính mạng nhưng có nhiều biến chứng
Các phương pháp điều trị bệnh herpes môi
Nắm được các phương pháp điều trị bệnh là điều vô cùng quan trọng, hạn chế tình trạng lây lan và các biến chứng, cụ thể:
Thuốc trị dạng mỡ, kem bôi
Thuốc mỡ kháng virus giúp kiểm soát đau và thúc đẩy chữa lành mụn nước ở môi, các loại thuốc phổ biến gồm:
- Penciclovir (Denavir): Thuốc kê đơn, ức chế virus, giảm thời gian và mức độ nghiêm trọng của triệu chứng.
- Acyclovir (Zovirax): Thuốc kê đơn, có dạng kem và viên, chống virus, bôi 5 lần/ngày trong 5 ngày từ khi xuất hiện dấu hiệu đầu tiên.
Ngoài ra, còn có một số kem bôi không kê đơn, nhằm giảm các triệu chứng của bệnh, cụ thể như sau:
- Docosanol (Abreva): Giảm đau và ngứa bằng cách tê liệt các dây thần kinh cảm giác quanh mụn nước.
- Lysine: Axit amin giúp rút ngắn thời gian bùng phát herpes, có sẵn dưới dạng thực phẩm chức năng và trong một số thực phẩm như thịt, cá, trứng và sản phẩm từ sữa.
Thuốc trị dạng mỡ, kem bôi giúp kiểm soát cơn đau
Thuốc trị herpes môi dạng uống
Thuốc kháng virus đường uống là một lựa chọn điều trị bệnh phổ biến, có tác dụng ức chế sự phát triển của virus herpes trong cơ thể. Nhằm làm giảm thời gian bùng phát và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, một số loại thuốc như:
- Acyclovir (Zovirax): Đây là thuốc được sử dụng phổ biến nhất, liều lượng và thời gian sử dụng thuốc sẽ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh.
- Valacyclovir (Valtrex): Đây là một loại thuốc tương tự như acyclovir, nhưng có hiệu quả cao hơn và ít tác dụng phụ hơn.
- Famciclovir (Famvir): Thuốc khác có tác dụng tương tự như acyclovir và valacyclovir, có sẵn dưới dạng viên nang.
Cách chữa herpes môi tại nhà an toàn
Mặc dù không thể chữa khỏi hoàn toàn herpes, bạn có thể áp dụng một số biện pháp tại nhà để giảm nhẹ triệu chứng và thúc đẩy quá trình lành bệnh:
- Chườm lạnh: Sử dụng túi chườm đá hoặc khăn lạnh bọc trong vải mềm rồi chườm lên vùng da bị ảnh hưởng trong 20 phút mỗi lần, 3 – 4 lần mỗi ngày, nhằm giảm đau, sưng tấy và ngứa rát hiệu quả.
- Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn: Ibuprofen (Advil, Motrin) hoặc acetaminophen (Tylenol) có thể giúp giảm đau và hạ sốt. Lưu ý: Không sử dụng aspirin cho trẻ em dưới 18 tuổi vì nguy cơ mắc hội chứng Reye.
- Chăm sóc vùng da bị ảnh hưởng: Giữ cho vùng da bị herpes luôn sạch sẽ và khô ráo, không được cắn, nặn hoặc chà xát vào các vết loét, có thể tăng nguy cơ nhiễm trùng. Sử dụng kem dưỡng môi mềm mại, không mùi để giữ ẩm cho môi, tránh các sản phẩm có nhiều hương liệu.
- Bổ sung dinh dưỡng: Uống nhiều nước để tránh mất nước, ăn thức ăn mềm, dễ nuốt để giảm bớt khó chịu khi ăn uống, bổ sung thêm vitamin C và kẽm. “Bị herpes môi kiêng ăn gì?” cũng cần được lưu ý, mọi người nên tránh các loại sản phẩm cay, nóng, chua, chứa cồn và caffeine,…
- Các biện pháp khắc phục khác:
- Dùng nước súc miệng pha loãng với baking soda (1/2 muỗng cà phê baking soda trong 1 cốc nước ấm) để làm dịu cơn đau rát trong miệng.
- Thoa gel nha đam lên vùng da bị ảnh hưởng để giảm viêm và kích ứng.
- Sử dụng trà thảo mộc như trà hoa cúc hoặc trà xanh để súc miệng hoặc uống.
Cách chữa herpes môi tại nhà an toàn
Những biện pháp giúp phòng ngừa bệnh herpes môi
Để ngăn ngừa bệnh hoặc bị lây nhiễm, tái phát, mọi người cần lưu ý những biện pháp phòng tránh như sau:
- Tránh hôn hoặc tiếp xúc trực tiếp khi có vết loét ở miệng.
- Tránh tiếp xúc ánh sáng mặt trời quá lâu, đặc biệt từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều; sử dụng son dưỡng môi và đeo khẩu trang.
- Tránh tiếp xúc với người có mụn rộp, nếu cần chạm vào, hãy dùng găng tay và rửa tay sau đó.
- Không dùng chung khăn tắm, dao cạo râu, bàn chải đánh răng hoặc đồ dùng cá nhân khác.
- Giữ tay sạch sẽ, đặc biệt trước khi chạm vào người khác, nhất là trẻ sơ sinh.
- Dùng bao cao su hoặc màng chắn miệng trong quá trình quan hệ giữa cả hai.
Những biện pháp giúp phòng ngừa bệnh herpes ở môi
Qua những thông tin trên, chắc hẳn đã giúp mọi người hiểu về herpes môi cũng như những nguyên nhân chính gây bệnh. Bên cạnh đó, cần nắm vững các cách chữa bệnh cũng như điều trị tại nhà, nhưng nếu không thấy thuyên giảm, bạn nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.