Bệnh khớp – Bệnh văn phòng thường gặp.
Trước đây, khớp chỉ được biết đến là căn bệnh của riêng người cao tuổi. Thế nhưng hiện nay, nhiều thống kê cho thấy, tỉ lệ người bị mắc các bệnh về khớp bao gồm khô khớp, thoái hóa khớp, thoái hóa cột sống… ở độ tuổi dưới 40 đã đạt tới 30%. Đây con số đáng báo động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của lực lượng lao động nòng cốt trong xã hội nói chung và giới văn phòng nói riêng.
Vì sao dân văn phòng dễ bị khớp?
Có nhiều nguyên nhân nhưng dễ nhận thấy nhất là do những người làm việc ở văn phòng thường ngồi một chỗ, ít vận động, ít thay đổi tư thế trong thời gian dài… do đó, nguy cơ dễ mắc phải các bệnh lý về khớp như: đau vai gáy, mỏi cổ, thoái hóa, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, đau thắt lưng, … là rất cao.
Chưa kể, việc ngồi ở tư thế gò bó 8-10 tiếng/ngày ở văn phòng, sử dụng máy tính thường xuyên về lâu dài khiến cơ bắp bị co cứng do phải giữ tư thế cho cơ thể, tăng tải trọng lên cột sống, đặc biệt vùng cổ hay thắt lưng. Thêm vào đó, thời gian cho vận động, tập thể dục hạn chế khiến các đốt sống không được vận động hợp lý, lâu ngày dẫn đến khô khớp, thoái hóa khớp với biểu hiện ban đầu là nhức mỏi, cứng cổ, khó quay phải, trái hay thay đổi tư thế. Tình trạng tăng cân quá mức, mỡ thừa tích tụ ở vùng bụng khiến lực đè lên ổ khớp ngày một lớn cũng dẫn đến tình trạng nặng hơn các bệnh về khớp.
Ngoài ra, việc thường xuyên ở trong phòng kín, ít phải ra ngoài nên khả năng hấp thu ánh nắng mặt trời, hấp thu vitamin D là rất hạn chế hoặc không đầy đủ.
Mặt khác, cũng vì chế độ ăn uống của dân văn phòng đôi khi rất tạm bợ, qua loa nên thường bị thiếu hụt dinh dưỡng, thiếu canxi nghiêm trọng khiến hệ xương của những người làm việc văn phòng rất dễ bị tổn thương, ảnh hưởng.
Ngăn ngừa bệnh khớp cho dân văn phòng bằng cách nào?
Để phòng tránh và điều trị kịp thời các bệnh về khớp, những người làm việc văn phòng cần hết sức chú ý đến chế độ ăn uống, sinh hoạt, vận động và làm việc mỗi ngày của mình. Thường xuyên thay đổi tư thế làm việc, tránh ngồi liên tục nhiều giờ liền, mỗi tiếng ngồi làm việc nên đứng dậy đi lại 2-3 phút để thư giãn xương khớp.
Ăn một chế độ ăn ít dầu mỡ, ít đường, ít các chất cồn và chất kích thích để phòng tránh nguy cơ tăng cân, béo phì (yếu tố nguy cơ mắc thoái hóa khớp cao)