Tìm hiểu một số bệnh lý cơ - xương khớp thường gặp và cách phòng tránh
Các bệnh Cơ – Xương – Khớp rất phổ biến trên thế giới và cũng đang có xu hướng gia tăng nhanh ở Việt Nam. Cơ – Xương – Khớp là một nhóm bệnh thường gặp nhất trong mọi nhóm bệnh, có nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh phức tạp, diễn tiến kéo dài liên quan đến nhiều bệnh lý nội ngoại khoa. Bài viết dưới đây sẽ giúp quý độc giả hiểu về các bệnh lý cơ xương khớp thường gặp để theo dõi, phòng ngừa và cách điều trị hiệu quả, giúp người bệnh giảm bớt đau đớn và nhanh chóng hòa nhịp với cuộc sống hàng ngày.
Tìm hiểu về các bệnh lý cơ – xương – khớp
Hệ thống cơ xương đóng vai trò quan trọng để tạo ra bộ khung cho cơ thể. Bệnh cơ xương khớp là tình trạng bị suy yếu chức năng của các khớp, dây chằng, cơ bắp, thần kinh, gân và xương sống. Điều này có thể dẫn đến đau và làm giảm khả năng di chuyển, người bệnh có thể gặp khó khăn trong các hoạt động hàng ngày. Tổn thương cơ xương khớp để lại di chứng, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
Bệnh cơ xương khớp là bệnh của hệ thống các cơ, xương và khớp
Một số bệnh cơ – xương khớp thường gặp
Bệnh lý cơ – xương khớp rất đa dạng với hơn 200 loại khác nhau, trong đó được chia thành hai nhóm chính:
- Nhóm 1: nhóm cơ xương khớp do chấn thương như tai nạn giao thông; tai nạn khi tập luyện thể thao; tai nạn trong lao động, sinh hoạt…
- Nhóm 2: cơ xương khớp không do chấn thương. Bao gồm bệnh về xương khớp như bệnh hệ thống (lupus ban đỏ hệ thống, viêm đa cơ, viêm da cơ, xơ cứng bì, viêm thấp khớp); bệnh khớp tinh thể hay gọi là bệnh gout; bệnh cột sống dính khớp; viêm khớp phản ứng; các loại bệnh thoái hóa xương khớp, viêm gân, u xương,…
Bệnh cơ xương khớp gặp ở nhiều đối tượng và độ tuổi khác nhau
Trong đó có một số bệnh lý cơ – xương – khớp như sau:
- Viêm khớp: thường xuất hiện tại gối, cổ tay, ngón tay, háng… biểu hiện là tình trạng sưng đau.
- Thoái hóa khớp, cột sống: Xảy ra do sự bào mòn sụn khớp, đĩa đệm, lượng dịch nhầy suy giảm khiến khớp bị đau, cứng, khô khớp và cột sống.
- Thoát vị đĩa đệm: Thường xảy ra ở vị trí đốt sống cổ và vùng cột sống thắt lưng, bệnh thường gây chèn ép, ảnh hưởng đến các dây thần kinh, dễ dẫn đến teo cơ, yếu liệt.
- Viêm khớp dạng thấp: Là bệnh tự miễn xảy ra ở nhiều khớp gây sưng, đau, cứng khớp. Bệnh thường mang tính chất đối xứng 2 bên có thể ảnh hưởng đến tim, phổi, mạch máu…
- Đau dây thần kinh tọa: Hiện tượng đau từ vùng thắt lưng kéo xuống đến bàn chân xảy ra khi dây thần kinh tọa bị tổn thương.
- Loãng xương: Là tình trạng xương bị giảm mật độ trở nên xốp, dễ giòn, gãy gây đau nhức toàn thân và dễ hình thành các bệnh lý xương khớp khác.
- Bệnh vẹo cột sống: là tình trạng các đốt sống bị cong sang một bên hoặc xoay phức tạp làm ảnh hưởng đến diện mạo, dáng đi của bạn và gây ra một số bệnh về cột sống.
- Bệnh Gout: là một loại viêm khớp đột ngột gây sưng đỏ và đau ở các khớp. Bệnh xảy ra khi axit uric tích tụ trong máu gây ra tình trạng viêm ở khớp.
- Gai cột sống là bệnh lý do đĩa sụn và xương của người bệnh bị thoái hóa làm mặt xương khớp nhọn, xuất hiện gai mọc ra, chèn ép các dây chằng quanh khớp và dây thần kinh gây đau xương ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể người bệnh.
- Bệnh cơ xương khớp do chấn thương: Tai nạn trong luyện tập thể dục thể thao, vận động, di chuyển hằng ngày có thể tác động tới hệ cơ xương khớp, gây đau nhức. Chấn thương có thể gây biểu hiện nhẹ như đau không đặc hiệu do căng cơ đến những biểu hiện nghiêm trọng như dập cơ, bong gân hoặc đứt gân, đứt dây chằng hoặc gãy xương…
Phương pháp phòng tránh
Các bệnh xương khớp thường rất khó để điều trị dứt điểm, đôi khi người bệnh phải can thiệp phẫu thuật hoặc sống chung với bệnh đến hết đời. Vì vậy, mỗi chúng ta cần nắm vững những biện pháp phòng tránh trước khi các triệu chứng của bệnh xương khớp phát sinh. Có một số biện pháp có thể áp dụng như sau:
- Chế độ dinh dưỡng: Mỗi người cần thường xuyên bổ sung các loại thực phẩm giàu canxi như sữa và các chế phẩm từ sữa, các loại hải sản như cá tôm và các loại hạt, rau củ.
- Chế độ vận động: Thực hiện các bài tập thể dục nhẹ nhàng như yoga, chạy bộ, đi bộ mỗi ngày để tăng cường sự dẻo dai của cơ thể và cơ xương khớp. Phần lớn những người béo phì, thừa cân, ít vận động sẽ có nguy cơ mắc các bệnh lý về xương khớp rất cao.
- Tư thế làm việc: Khi ngồi làm việc quá lâu, bạn cần ngồi đúng tư thế và thường xuyên thay đổi tư thế, tránh ngồi hoặc đứng quá lâu và hạn chế làm việc nặng, quá sức.
Bổ sung dinh dưỡng phù hợp để phòng tránh bệnh cơ xương khớp
Thực phẩm nào tốt cho bệnh lý cơ xương khớp?
Một số thực phẩm có thể hỗ trợ và phòng ngừa bệnh xương khớp như:
- Trứng: ngoài lượng vitamin và khoáng chất dồi dào thì trong trứng còn chứa các axit amin thiết yếu giúp xương chắc khỏe. Đặc biệt, lòng đỏ trứng chứa một lượng canxi đáng kể.
- Cá: các loại cá béo (cá mòi, cá hồi, cá ngừ) và cá da trơn (cá trê, cá basa, cá lăng) rất hoàn hảo để tăng cường sức khỏe xương vì chúng chứa khá nhiều canxi và vitamin D.
- Sữa đậu nành: đậu nành cũng có chứa một lượng canxi dồi dào và cơ thể bạn sẽ hấp thụ dễ dàng hơn nhờ hàm lượng phytoestrogen có trong đậu nành.
- Hành: hàm lượng canxi cao cùng các chất chống oxy trong hành còn giúp ngăn ngừa thoái hóa xương và nguy cơ loãng xương đáng kể.
- Sữa chua: sữa chua cung cấp một lượng đáng kể vitamin D và canxi. Một phần sữa chua không béo có thể cung cấp đến 30% canxi.
Hy vọng bài viết ở trên đã giúp các bạn giải đáp những thắc mắc về các bệnh cơ xương khớp thường gặp cũng như giúp gia đình bạn chăm sóc sức khỏe xương khớp tốt hơn.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.