Bệnh mạch vành: Triệu chứng, đối tượng nguy cơ và cách phòng ngừa
Việc xác định đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch vành đóng vai trò quan trọng trong việc tầm soát, phòng ngừa và điều trị sớm bệnh lý này. Nhóm người có nguy cơ cao bao gồm những người có tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch, người cao tuổi, nam giới, người hút thuốc lá, người béo phì, người ít vận động, người bị tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu,…
Triệu chứng của bệnh mạch vành
Bệnh mạch vành hay còn gọi là suy động mạch vành, thiếu máu tim cục bộ,… đều do động mạch nuôi tim bị xơ vữa, co hẹp ảnh hưởng đến lượng máu nuôi tim. Triệu chứng bệnh mạch vành, đặc biệt là giai đoạn đầu rất khó phát hiện vì không đặc trưng, dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý thông thường khác.
Bệnh mạch vành, một bệnh lý tim mạch nguy hiểm
Song nếu biết lắng nghe dấu hiệu cơ thể, bạn hoàn toàn có thể nhận ra bản thân có đang bị bệnh mạch vành hay không thông qua 6 triệu chứng điển hình sau:
Đau thắt ngực
Đau thắt ngực do bệnh mạch vành có đặc điểm sau: cơn đau đến đột ngột và dữ dội, khởi phát và tập trung ở ngực trái với cảm giác như bị bóp chặt, đè nặng. Dần dần đau ngực sẽ lan rộng ra cổ, vai, lưng, cánh tay trái.
Đau thắt ngực do bệnh mạch vành thường kéo dài khoảng vài phút rồi thuyên giảm. Tuy nhiên cần cẩn thận nếu cơn đau kéo dài hơn 15 phút và mức độ đau nặng dần thì có thể đây là biến chứng nhồi máu cơ tim nguy hiểm.
Cơn đau thắt ngực đến đột ngột và dữ dội
Đau thắt ngực là triệu chứng bệnh mạch vành điển hình. Triệu chứng đau thắt ngực này được chia thành 2 dạng:
Dạng ổn định
Dạng này phổ biến hơn ở người mắc bệnh mạch vành, cơn đau thường xuất hiện khi người bệnh gặp cú sốc tâm lý, khi vận động quá sức hoặc thời tiết lạnh làm co mạch máu,… Với những cơn đau thắt ngực này, sử dụng thuốc giãn mạch kết hợp với nghỉ ngơi sẽ giúp đẩy lùi nhanh chóng.
Dạng không ổn định
Dạng đau thắt ngực này ít gặp hơn và cũng nguy hiểm hơn. Nó có thể xuất hiện bất cứ khi nào, kể cả lúc người bệnh ngủ hay nghỉ ngơi mà không có dấu hiệu báo trước. Cần cẩn thận trước nguy cơ nhồi máu cơ tim không được phát hiện và xử lý sớm.
Khó thở
Mạch máu nuôi tim bị hẹp, lưu lượng máu nuôi giảm và cơ tim không được nuôi dưỡng tốt bị ảnh hưởng đến chức năng co bóp, lưu thông máu. Phổi là cơ quan bị ảnh hưởng đầu tiên, khi máu bị ứ đọng ở phổi, chức năng hô hấp suy giảm, người bệnh cảm thấy khó thở, thở không ra hơi, thở gấp,…
Người bệnh mạch vành cảm thấy khó thở, thở không ra hơi
Triệu chứng này tăng dần khi căng thẳng hoặc hoạt động gắng sức. Ngoài khó thở, người bệnh thường cảm thấy tay chân rã rời, mất năng lượng, không thể làm việc hay cử động. Tần suất cơn khó thở càng dày, xuất hiện cả khi làm công việc đơn giản hàng ngày nghĩa là bệnh mạch vành của bạn đang tiến triển sang biến chứng suy tim.
Chóng mặt, mệt mỏi
Giống như hai triệu chứng bệnh mạch vành trên, người bệnh cũng có cảm giác mệt mỏi, chóng mặt thường xuyên hoặc chỉ khi hoạt động gắng sức. Cảm giác mệt mỏi thường đi kèm với choáng váng, chóng mặt do tuần hoàn máu kém, máu nuôi lên não bị thiếu hụt gây ra.
Cùng với đó, hệ thần kinh giao cảm là một trong những nơi chịu ảnh hưởng đầu tiên khi máu nuôi lên não giảm. Hệ quả là chứng đổ mồ hôi lạnh, thường xuất hiện với cơn đau ngực và khó thở.
Rối loạn tiêu hóa
Nhiều người cho rằng đây không phải là triệu chứng của bệnh mạch vành và thường nhầm lẫn với các bệnh lý tiêu hóa thường gặp, song thực tế rất nhiều bệnh nhân mạch vành cho biết họ thường xuyên bị đầy bụng, buồn nôn, ợ nóng,… Triệu chứng thường xuất hiện sau khi ăn no, nhất là bữa ăn có nhiều chất béo chất đạm hoặc vận động ngay sau khi ăn.
Rối loạn nhịp tim
Tình trạng rối loạn nhịp tim do bệnh mạch vành khá giống với cảm giác khi quá vui mừng hoặc lo lắng, người bệnh có thể nghe rõ tiếng tim đập mạnh và nhanh từng nhịp, cùng với đó là cảm giác run rẩy, bồn chồn, hồi hộp, đánh trống ngực.
Nếu bệnh mạch vành xuất hiện những triệu chứng trên, cần kiểm tra bệnh đã biến chứng sang rung thất, nhịp nhanh thất hay chưa. Đây là 2 dạng rối loạn nhịp tim vô cùng nguy hiểm, có thể khiến người bệnh ngừng thở và tử vong trong vài phút.
Khó chịu ở nửa thân trên
Triệu chứng này thường gặp hơn ở phụ nữ và người cùng mắc bệnh tiểu đường, cảm giác rất khó chịu ở ngực và nửa thân trên. Triệu chứng nóng, tê, ngứa ran, nặng ngực, cánh tay, hàm, vai,… đôi khi còn rõ ràng hơn cơn đau thắt ngực điển hình.
Khó chịu nửa thân trên ở phụ nữ
Triệu chứng bệnh mạch vành ở mỗi bệnh nhân có thể khác nhau. Đôi khi các triệu chứng xuất hiện nhiều, rõ ràng nhưng đôi khi triệu chứng mờ nhạt khiến người bệnh khó phát hiện. Song nếu lắng nghe cơ thể, phát hiện những dấu hiệu nghi ngờ trên, hãy sớm tới bệnh viện kiểm tra và điều trị. Điều này giúp ngăn ngừa một cơn nhồi máu cơ tim xảy ra gây những biến chứng nặng nề.
Các đối tượng nguy cơ bị bệnh mạch vành
Một vài yếu tố nguy cơ bệnh mạch vành có thể thay đổi được, số khác thì không. Cụ thể, các yếu tố nguy cơ bệnh mạch vành có thể thay đổi được bao gồm:
- Thừa cân hoặc béo phì
- Bệnh tiểu đường
- Huyết áp cao và cholesterol cao
- Thường xuyên căng thẳng
- Ít hoạt động thể chất
- Người có tiền sử hút thuốc hoặc hít phải khói thuốc
- Người có chế độ ăn uống không lành mạnh, bao gồm nhiều thực phẩm có nhiều chất béo bão hòa, muối và đường.
Các yếu tố nguy cơ bệnh mạch vành không thể thay đổi được bao gồm:
- Tuổi cao, đặc biệt là trên 65 tuổi.
- Tiền sử gia đình, đặc biệt nếu có người thân bị bệnh tim khi còn trẻ.
- Giới tính: Nam giới dưới 70 tuổi có nguy cơ bị đau tim cao hơn và mắc bệnh sớm hơn so với nữ giới.
- Chủng tộc: Người Mỹ gốc Phi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người thuộc các chủng tộc khác vì họ thường có huyết áp cao hơn. Người châu Á và gốc Tây Ban Nha có tỷ lệ béo phì và tiểu đường cao hơn, do đó cũng có nhiều nguy cơ mắc bệnh tim.
Người cao tuổi là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh mạch vành cao
Biện pháp phòng ngừa bệnh mạch vành
- Thay đổi lối sống là một trong những yêu cầu quan trọng khi điều trị bệnh động mạch vành.
- Nếu bạn hút thuốc, hãy bỏ thuốc lá.
- Ăn ít thực phẩm chế biến sẵn và chuyển sang chế độ ăn ít chất béo bão hòa, ít mặn và ít đường. Kiểm soát lượng đường trong máu nếu bạn mắc bệnh tiểu đường.
Chế độ ăn hợp lý là cách phòng bệnh mạch vành
- Tập thể dục thường xuyên dưới sự tư vấn của bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe nhằm chọn đúng loại hình hoạt động phù hợp.
Thay đổi lối sống là nền tảng cho việc điều trị bệnh mạch vành. Tuy nhiên, nếu những thay đổi này không đủ để kiểm soát bệnh, thuốc và các phương pháp can thiệp có thể được bác sĩ chỉ định tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân. Một số loại thuốc được kê đơn cho người bệnh động mạch vành bao gồm: aspirin, thuốc giúp giảm cholesterol, thuốc chẹn beta, thuốc chẹn canxi, ranolazine, thuốc gây ức chế hệ renin- angiotensin.
Ngoài ra, còn có những cách phổ biến khác để điều trị bệnh mạch vành nặng hơn, bao gồm nong mạch bằng bóng, đặt stent và phẫu thuật bắc cầu động mạch vành. Tất cả những phương pháp điều trị này đều tăng cường cung cấp máu cho tim của bạn, nhưng không thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh mạch vành.
Kết luận
Việc phòng ngừa và quản lý bệnh mạch vành là một hành trình dài nhưng đầy ý nghĩa để bảo vệ sức khỏe tim mạch của bạn. Bằng cách duy trì lối sống lành mạnh, bạn có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh này. Hãy bắt đầu từ những thay đổi nhỏ như ăn uống cân đối, tăng cường vận động, và tránh xa các yếu tố nguy hại như thuốc lá và rượu bia. Đặc biệt, đừng quên thăm khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện và điều trị kịp thời các vấn đề liên quan đến tim mạch.