Bệnh mãn tính là gì? Các bệnh mãn tính thường gặp
Bệnh mãn tính là những bệnh kéo dài dai dẳng, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Với sự gia tăng đáng kể trong những năm gần đây, việc hiểu rõ về bệnh mãn tính và các loại bệnh thường gặp là điều cần thiết để có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả. Vậy bệnh mãn tính là gì và có những loại bệnh mãn tính nào phổ biến hiện nay?
Bệnh mãn tính là gì?
Bệnh mãn tính hay còn gọi bệnh lý nền mạn tính, là tình trạng bệnh tồn tại và tiến triển dần theo thời gian dài từ 6 tháng trở lên, thường khái niệm này đề cập đến các bệnh không có khả năng lây nhiễm từ người này sang người khác.
Những bệnh này thường có thể được kiểm soát bằng cách sử dụng thuốc, thay đổi lối sống và chăm sóc sức khỏe mỗi ngày. Một số bệnh cần được điều trị và theo dõi suốt đời.
Tổng hợp danh sách các bệnh mãn tính thường gặp
Hen suyễn
- Bệnh hen suyễn hay còn gọi bệnh hen phế quản, là một bệnh lý mạn tính liên quan đến hệ hô hấp. Khi xuất hiện cơn hen suyễn, tình trạng lớp niêm mạc của ống phế quản sẽ sưng, phù nề, dẫn đến chít hẹp đường dẫn khí, đôi khi bội nhiễm vi khuẩn và dễ bị kích ứng. Sự co thắt thu hẹp đường dẫn khí khiến giảm lưu lượng không khí ra vào phổi.
- Người bệnh có các triệu chứng thở khò khè, khó thở, tức ngực, ho vào lúc đêm hoặc buổi sáng sớm.
Bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính COPD
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (Chronic obstructive pulmonary disease – COPD) là một bệnh viêm phổi mạn tính, tình trạng viêm niêm mạc đường thở mạn tính do luồng khí bị tắc nghẽn ở phổi. COPD có thể đe dọa tính mạng, gây khó thở, suy hô hấp và tử vong.
Bệnh tiểu đường
- Tiểu đường (hay còn gọi là đái tháo đường) là một bệnh mạn tính xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất đủ insulin (insulin là một loại hormone điều chỉnh giảm lượng đường trong máu) hoặc khi cơ thể không thể sử dụng hiệu quả insulin.
- Tăng nồng độ đường trong máu là một dấu hiệu phổ biến của bệnh và khi không kiểm soát được theo thời gian sẽ dẫn đến tổn thương nghiêm trọng đến nhiều hệ thống của cơ thể, đặc biệt là các dây thần kinh và mạch máu.
Bệnh huyết áp
- Huyết áp (HA) là áp lực máu lên thành động mạch, được tạo ra do sự co bóp của tim và sức cản của động mạch và đo lường bằng mmHg.
- Tăng huyết áp hay còn gọi là cao huyết áp xảy ra khi áp lực máu lên các thành động mạch cao hơn so với bình thường, ngưỡng cao của huyết áp là khi chỉ số huyết áp đo được ở mức bằng hoặc vượt mức 140/90 mmHg ở người trưởng thành theo tiêu chuẩn chẩn đoán JNC VII.
Viêm khớp
- Viêm khớp là một bệnh lý về khớp, tình trạng người bệnh sẽ bị sưng, đau ở một hoặc nhiều khớp trên cơ thể. Những vị trí khớp thường bị viêm là khớp đầu gối, khớp háng, khớp vai, khớp cổ tay, khớp cổ,…
- Đây là một bệnh lý thường gặp ở độ tuổi trưởng thành, viêm khớp gây ảnh hưởng lớn đến khả năng vận động của khớp, khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt và thực hiện các công việc hàng ngày.
Loãng xương
- Loãng xương hay còn gọi là bệnh giòn xương hoặc xốp xương, là tình trạng rối loạn chuyển hóa của mô xương dẫn đến mật độ xương ngày càng giảm, nguyên nhân là do quá trình tái tạo xương chậm lại nhưng lại tăng nhanh quá trình huỷ xương, làm tăng nguy cơ gãy xương. Bệnh thường gặp ở người già và phụ nữ mãn kinh.
- Dấu hiệu thường gặp bệnh loãng xương như đau nhức đầu xương; đau ở thắt lưng, cột sống, xương chậu, xương hông, đầu gối; lưng còng, đau lưng, dáng đứng khom xuống hoặc có thể bị gãy xương.
Ung thư
- Ung thư là một trong các bệnh mãn tính thường gặp, bệnh xảy ra khi có tế bào không bình thường xuất hiện, phát triển mất kiểm soát và chúng có thể di căn khắp cơ thể.
- Các bệnh lý ung thư thường xảy ra gồm ung thư gan, ung thư máu, ung thư cổ tử cung, ung thư tuyến tụy, ung thư trực tràng, ung thư vú, ung thư xương,..Bệnh ở giai đoạn sớm không có biểu hiện rõ ràng và khó nhận biết, do đó người bệnh thường phát hiện một cách vô tình hoặc nhận biết bệnh ở giai đoạn muộn. Ung thư là một trong những nguyên nhân trong nhóm bệnh không lây nhiễm gây tử vong hàng đầu thế giới.
Bệnh tim
Một số bệnh tim mạch mãn tính thường gặp như suy tim, bệnh mạch vành. Bệnh cần phải điều trị thường xuyên và liên tục để ngăn chặn biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tử vong.
Bệnh thận
- Bệnh thận mãn tính (suy thận mãn tính) là tình trạng chức năng thận bị suy giảm hoặc ngừng hoạt động, không thể đào thải các chất độc và dịch thừa ra khỏi máu. Càng lớn tuổi chức năng thận càng suy giảm theo thời gian, nguy cơ mắc bệnh càng cao.
- Hiện chưa có phương pháp nào chữa khỏi bệnh hoàn toàn, bệnh nhân cần điều trị thuốc lâu dài hoặc chạy thận nhân tạo và nếu không được quản lý bệnh tốt thì dễ gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Bệnh Crohn
- Bệnh Crohn hay còn gọi là viêm ruột mãn tính, đặc trưng bởi tình trạng đau bụng và tiêu chảy kéo dài nghiêm trọng. Người mắc phải bệnh này thường bị suy dinh dưỡng, sụt cân nhanh do không hấp thu được chất dinh dưỡng.
- Tình trạng bệnh nặng và kéo dài khiến cơ thể người bệnh đau đớn, suy nhược cơ thể nặng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Biện pháp sống an toàn với bệnh mãn tính
Điều trị bệnh mãn tính là quá trình lâu dài và hầu như không thể chữa khỏi hoàn toàn, tuy nhiên người bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát, làm giảm triệu chứng bệnh và sống chung an toàn với bệnh mạn tính.
Chủ động cập nhật thông tin và kiến thức về bệnh mãn tính mà mình đang mắc phải để giảm cảm giác lo lắng, sợ hãi và giữ tinh thần lạc quan.
Điều trị bệnh đúng cách theo chỉ định của bác sĩ, dược sĩ không tự ý dùng thuốc, ngưng sử dụng thuốc khi thấy triệu chứng bệnh giảm, lưu ý thời gian tái khám định kỳ.
Chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường các loại rau quả tươi để bổ sung các vitamin, muối khoáng cần thiết, bổ sung chất xơ, hạn chế chất béo động vật,…
Lối sống khoa học nâng cao sức khỏe là biện pháp chăm sóc sức khỏe hiệu quả cho người bệnh mãn tính. Luyện tập thể thao đều đặn hàng ngày, ngủ đủ giấc và nâng cao chất lượng giấc ngủ, hạn chế thức khuya.
Tâm lý đóng vai trò rất quan trọng, vì vậy hãy luôn sống vui vẻ thoải mái sẽ giúp bạn đẩy lùi bệnh tật.
Hầu hết bệnh mãn tính không thể chữa khỏi hoàn toàn, tuy nhiên bệnh có thể được kiểm soát và sống an toàn với bệnh nếu điều trị, chăm sóc đúng cách. Hãy chủ động bảo vệ sức khỏe mỗi ngày.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Bạn có thể xem thêm: