Bệnh sùi mào gà lây truyền qua đường nào?
Bệnh sùi mào gà là một trong những căn bệnh xã hội nguy hiểm, có sự lây lan nhanh nếu không biết cách phòng tránh. Nếu không phát hiện, điều trị kịp thời, bệnh có thể gây nhiều biến chứng khó lường. Vì vậy, nắm được những biểu hiện lâm sàng của bệnh sùi mào gà sẽ giúp phát hiện bệnh sớm.
Dấu hiệu nhận biết sùi mào gà
Khi virus xuất hiện trong cơ thể, chúng sẽ ẩn náu tại lớp biểu mô thuộc tầng dưới cùng của da và không gây triệu chứng. Thời gian ủ bệnh kéo dài 2 – 9 tháng và triệu chứng của nam giới và nữ giới có sự khác nhau. Thông thường, nam giới có triệu chứng sùi mào gà sớm hơn nữ giới.
- Biểu hiện ở nam giới
- Giai đoạn đầu: Cơ quan sinh dục và da xung quanh khu vực bao quy đầu, nếp gấp bẹn,… bị nổi các nốt sùi mềm, có màu hồng nhạt, hơi nhô cao và xuất hiện đơn độc. Các nốt sùi này không gây khó chịu hoặc ngứa nên rất khó nhận biết;
- Giai đoạn sau: Các nốt sùi phát triển và tập trung thành các mảng có đường kính khoảng vài centimet. Các mảng có hình thức giống với mào gà hoặc súp lơ, chạm vào có cảm giác mềm và hơi ẩm ướt. Vì bên trong các mảng có dịch nên nếu ấn mạnh sẽ làm chảy dịch ra ngoài. Một số trường hợp nốt sùi có thể phát triển to bằng nắm tay, có máu, dịch bốc mùi khó chịu.
Biểu hiện sùi mào gà ở nam
- Biểu hiện ở nữ giới
Vì cơ quan sinh dục của phụ nữ có kết cấu khá phức tạp nên bệnh sùi mào gà phát triển khá thầm lặng mà không có triệu chứng rõ ràng. Đến khi rõ triệu chứng và đi khám thì thường bệnh đã phát triển tới giai đoạn muộn.
Thông thường, sau khoảng 3 tuần khi quan hệ tình dục với người mắc sùi mào gà, vùng kín của nữ giới sẽ xuất hiện các nốt sùi có màu hồng nhạt, có dịch bên trong và dễ chảy máu. Những nốt sùi có thể xuất hiện trên môi lớn, môi bé, âm đạo và tử cung mà không gây triệu chứng khó chịu cho bệnh nhân. Nếu quan hệ tình dục hoặc cọ xát, va chạm thì nốt sùi có thể bị vỡ, gây chảy máu và có thể gây nhiễm trùng.
Biểu hiện sùi mào gà ở nữ
Ngoài cơ quan sinh dục nam, nữ, các nốt sùi mào gà còn có thể xuất hiện trên miệng, lưỡi và hậu môn của bệnh nhân. Bên cạnh đó, người bệnh còn có thể xuất hiện các triệu chứng khác như mệt mỏi, chán ăn, đau rát khi quan hệ tình dục,…
Khi thấy mình có biểu hiện của bệnh sùi mào gà, người bệnh nên đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa uy tín để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị thích hợp. Việc này giúp tránh gặp phải những biến chứng nghiêm trọng của bệnh. Ngoài ra, để giảm nguy cơ mắc phải căn bệnh này, tiêm vắc-xin HPV là một lựa chọn hợp lý. Vắc-xin HPV giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh sùi mào gà và nhiều bệnh lý khác do virus HPV gây ra.
Bệnh sùi mào gà lây qua đường nào
Các chủng virus gây sùi mào gà này chủ yếu được lây lan qua 3 con đường, gồm:
- Xùi mào gà lây qua đường tình dục: Việc quan hệ tình dục không an toàn như không sử dụng các biện pháp phòng tránh (dùng bao cao su, thuốc tránh thai, tính chu kỳ kinh nguyệt) hay quan hệ với nhiều người là nguyên nhân khiến 90% trường hợp mắc sùi mào gà.Bên cạnh đó, việc quan hệ bằng miệng, quan hệ qua đường hậu môn cũng có khả năng bị lây nhiễm HPV từ bạn tình qua tinh dịch, nước bọt, dịch tiết âm đạo, hậu môn.
- Đường lây truyền từ mẹ sang con: Phụ nữ mang thai có virus HPV trong cơ thể thì nguy cơ virus xâm nhập vào cơ thể là rất cao như qua dây rốn, nước ối hay lúc sinh do tiếp xúc với cơ quan sinh dục của mẹ, thậm chí là từ sữa mẹ trong quá trình cho bú.
- Đường lây truyền qua tiếp xúc với người bệnh: Khi cơ thể người bệnh bị nhiễm virus HPV thì mọi chất thải như nước bọt, dịch tiết âm đạo, vết thương hở, đồ dùng sinh hoạt hàng ngày,… đều tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh. Khi đó, những người có sức đề kháng kém, thường xuyên tiếp xúc với người bệnh chính là đối tượng tiềm ẩn nguy cơ mắc sùi mào gà cao nhất.
Trong hầu hết các trường hợp, HPV sẽ tự biến mất trong vòng hai năm mà không gặp vấn đề gì về sức khỏe. Nhưng khi HPV không biến mất, nó có thể gây ra các vấn đề sức khỏe như mụn cóc sinh dục và ung thư.
Đường lây truyền sùi mào gà
Các biện pháp phòng ngừa
Để tự phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm sùi mào gà cho bản thân và bạn đời, nam giới và nữ giới có thể áp dụng các biện pháp như:
- Quan hệ tình dục an toàn bằng cách sử dụng bao cao su và vệ sinh sạch sẽ trước và sau khi quan hệ.
- Đi khám phụ khoa định kỳ để phát hiện sớm các bệnh lý của cơ thể, từ đó đưa ra hướng khắc phục, điều trị kịp thời.
- Nữ giới trong độ tuổi từ 9-26 tuổi nên đi tiêm vắc xin ngừa virus HPV để chủ động bảo vệ bản thân khỏi ung thư cổ tử cung, sùi mào gà và các bệnh lý phụ khoa khác có liên quan đến virus HPV. Tốt nhất nữ giới nên tiêm sớm, trước 26 tuổi để đạt được hiệu lực bảo vệ tốt nhất.
- Đời sống tình dục chung thủy, một vợ một chồng, hạn chế quan hệ cùng lúc với quá nhiều người.
- Khi phát hiện bản thân mắc sùi mào gà thì nên trao đổi thẳng thắn với bạn tình để đi khám, phát hiện và điều trị kịp thời.
- Điều trị sớm triệt để các bệnh lý phụ khoa, lây qua đường tình dục ngay khi phát hiện.
- Đi khám và điều trị triệt để các bệnh lý phụ khoa trước khi mang thai.
Kết luận
Mặc dù không được xếp vào các căn bệnh xã hội thế kỷ như giang mai hay HIV/AIDS nhưng sùi mào gà hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị triệt để nên khả năng tái nhiễm, tiến triển thành ung thư là rất cao. Chính vì thế, tiêm phòng HPV từ sớm và có đời sống tình dục lành mạnh là biện pháp hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe và ngăn ngừa mức độ lây lan của bệnh.