Bệnh thương hàn: nguyên nhân và biện pháp phòng tránh
Bệnh thương hàn do vi khuẩn Salmonella Typhi gây ra, có thể dẫn đến các triệu chứng như sốt cao, đau đầu, mệt mỏi, và thậm chí là tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Để hiểu rõ hơn về các nguyên nhân mắc bệnh thương hàn và biện pháp phòng tránh hiệu quả, bài viết này sẽ cung cấp một cái nhìn tổng quan và sâu sắc, giúp bạn bảo vệ bản thân và gia đình khỏi nguy cơ này.
Bệnh thương hàn là gì?
Thương hàn là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Salmonella typhi gây ra. Bệnh khởi phát đột ngột với sốt cao kéo dài, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, mạch chậm, táo bón hoặc tiêu chảy và ho khan. Tuy nhiên, cũng có trường hợp nhẹ hoặc không triệu chứng. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng vi khuẩn xâm nhập cơ thể người cảm thụ, trung bình từ 8 – 14 ngày. Bệnh thường xảy ra vào mùa hè (khoảng từ tháng 6 đến tháng 9).
Bệnh thương hàn gây mệt mỏi, chán ăn
Biểu hiện thương hàn
Triệu chứng lâm sàng
Ở thể điển hình, bệnh diễn biến như sau:
- Thời kỳ ủ bệnh: dao động 3-21 ngày (trung bình từ 7-14 ngày) và thường không có triệu chứng gì đặc biệt.
- Thời kỳ khởi phát: Thường diễn biến từ từ với các biểu hiện:
- Sốt tăng dần từng ngày, thường tăng về buổi chiều trong 5-7 ngày đầu của bệnh.
- Nhức đầu kèm theo mệt mỏi, chán ăn, đau cơ các chi, mất ngủ.
- Đau bụng, buồn nôn, nôn, táo bón
- Chảy máu cam, thường chỉ gặp ở trẻ em.
- Ho khan, đau bụng, tức ngực ít gặp hơn.
- Thời kỳ toàn phát: từ tuần thứ 2 và kéo dài 2 – 3 tuần.
- Sốt là triệu chứng quan trọng nhất, sốt cao liên tục 39 – 40oC kèm theo nhức đầu và mệt mỏi. Rét run từng cơn và đổ mồ hôi chỉ gặp 1/3 trường hợp.
- Mạch nhiệt phân ly: ngày nay rất hiếm gặp.
- Dấu hiệu nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân nặng: môi khô, má đỏ, lưỡi bẩn, hơi thở hôi; bệnh nhân không tỉnh táo rồi dần chuyển thành hôn mê.
- Đi ngoài phân lỏng (5-6 lần/ngày), mùi khẳn; trướng bụng, đầy hơi, đau nhẹ lan khắp bụng; gan to, lách to gặp 30 – 50% các trường hợp.
- Lưỡi có màu trắng bẩn, cạnh lưỡi và đầu lưỡi đỏ (dấu hiệu lưỡi quay)
- Loét vòm hầu họng.
- Hồng ban: gặp 30% số trường hợp, xuất hiện vào ngày thứ 7 đến ngày thứ 10 của bệnh, đường kính 2-4mm; vị trí thường gặp ở bụng, ngực, hông; và mất sau 2-3 ngày.
- Khám tim, phổi: thấy các dấu hiệu suy tim, viêm phổi
- Thời kỳ lui bệnh:
- Nếu không có biến chứng, bệnh sẽ chuyển sang thời kỳ lui bệnh vào tuần thứ 3 – 4. Bệnh nhân sẽ hạ sốt, các triệu chứng từ từ thuyên giảm, và dần phục hồi.
- Thương hàn ở trẻ dưới 5 tuổi thường không điển hình, hay gặp tiêu chảy, nôn mửa, ít khi táo bón, sốt cao gây co giật toàn thân.
- Đối với trẻ dưới 1 tuổi, bệnh cảnh thương hàn rất nặng, có tỷ lệ tử vong và biến chứng cao. Ngoài ra, ở bệnh nhân có cơ địa suy giảm miễn dịch như: dị dạng đường mật, tiểu đường, sốt rét,… cũng thường có bệnh cảnh nặng
Nếu không được điều trị, các biến chứng thường xuất hiện vào tuần thứ 3–4 của bệnh. Biến chứng thương hàn ở đường tiêu hoá:
- Chảy máu đường tiêu hóa: do tổn thương tại đoạn cuối ruột non, có thể gặp ở 15% số bệnh nhân.
- Thủng ruột: chiếm 3% các trường hợp, thường xảy ra vào tuần thứ 3-4 của bệnh
- Biến chứng gan mật: hay gặp là viêm túi mật và viêm gan
- Các biến chứng khác: như viêm đại tràng, viêm ruột thừa, liệt ruột, viêm tụy xuất huyết …
- Các biến chứng tim mạch: truỵ tim mạch, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, viêm tắc động mạch, tĩnh mạch, viêm nội tâm mạc …
- Các biến chứng của hệ thần kinh
- Hay gặp nhất là tình trạng rối loạn ý thức từ ngủ gà đến hôn mê.
- Viêm não: có dấu hiệu rối loạn ý thức, rối loạn thân nhiệt … tiên lượng thường nặng.
- Viêm màng não, viêm não tủy, viêm tủy cắt ngang, viêm dây thần kinh sọ … ít gặp hơn.
- Biến chứng đường tiết niệu: Viêm cầu thận, hội chứng thận nhiễm mỡ.
- Biến chứng nhiễm trùng khu trú: có thể gặp ở hầu hết các cơ quan như viêm phổi, viêm họng, viêm đài bể thận, viêm bàng quang, viêm xương,….
Triệu chứng bệnh thương hàn
Nguyên nhân gây bệnh thương hàn
Tác nhân:
- Tên tác nhân gây bệnh: Trực khuẩn thương hàn (Salmonella typhi) và phó Thương hàn (Salmonella paratyphi A, B).
- Hình thái:
- Salmonella là trực khuẩn gram âm, có lông, di động, không sinh nha bào
- Trực khuẩn có 03 loại kháng nguyên chính là O, H, Vi.
- Khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài:
- Có thể tồn tại trong nước 2 – 3 tuần, trong phân 2 – 3 tháng. Trong nước đá có thể sống được 2 – 3 tháng.
- Bị huỷ bởi nhiệt độ: 50 độ C trong vòng 1 giờ hoặc 100 độ C trong vòng 5 phút.
- Trực khuẩn Salmonella bị diệt bởi các chất sát khuẩn thường dùng.
Bệnh thương hàn thường xảy ra ở những nơi có điều kiện vệ sinh kém, đặc biệt là ở những nơi mà có tình hình vệ sinh nguồn nước, vệ sinh an toàn thực phẩm, nhà tiêu, hệ thống thoát nước không đạt tiêu chuẩn vệ sinh.
Phương thức lây truyền:
- Do ăn phải thực phẩm, uống nước bị nhiễm khuẩn không được nấu chín. Đây là đường lây quan trọng và thường gây dịch lớn.
- Do tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, người mang vi khuẩn qua chất thải, chân, tay, đồ dùng bị nhiễm khuẩn,… Đường lây này thường gây dịch nhỏ, tản phát.
Nguồn truyền bệnh:
- Người bệnh: là nguồn bệnh quan trọng. Một số tài liệu cho rằng, người bệnh có thể lây cho người khác ngay trong thời kỳ ủ bệnh.
- Người khỏi bệnh mang vi khuẩn: sau khi hết các triệu chứng lâm sàng, đa số người khỏi bệnh vẫn đào thải vi khuẩn ra môi trường bên ngoài trong 2 – 3 tuần. Khoảng 2% – 20% người bệnh vẫn có thể thải vi khuẩn ra môi trường 2 đến 3 tháng sau khi hết các triệu chứng lâm sàng.
- Người lành mang khuẩn: là những người bị nhiễm khuẩn nhưng không có triệu chứng lâm sàng. Trong bệnh thương hàn, vai trò của người lành mang khuẩn là không rõ ràng.
Những đối tượng dễ phơi nhiễm với vi khuẩn thương hàn gồm có: người đi du lịch ở vùng đang có dịch lưu hành, người làm trong phòng xét nghiệm, người tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân thương hàn hoặc người lành mang trùng mạn tính (ví dụ: người trong cùng gia đình, nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân thương hàn…).
Như vậy, bệnh thương hàn không phải là bệnh hiếm gặp, chủ yếu liên quan đến môi trường khí hậu và thói quen sinh hoạt. Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh là tiêm phòng vacxin và duy trì nếp sống lành mạnh, đảm bảo vệ sinh.