Bệnh thủy đậu: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Bệnh thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút thủy đậu có tên Varicella virus gây ra. Bệnh lành tính và không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nếu không điều trị kịp thời có thể gây biến chứng ảnh hưởng sức khỏe. Vì vậy, không được chủ quan và hãy tìm hiểu kiến thức cơ bản về bệnh ngay.
Tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ từ 9 đến 12 tháng tuổi
Bệnh thủy đậu là gì?
Thủy đậu (hay còn gọi là trái rạ) là bệnh truyền nhiễm gây ra bởi vi rút thuộc họ Herpesviridae có tên khoa học là Varicella Zoster (VZV). Đây là bệnh có khả năng lây lan nhanh chóng, thủy đậu thường gặp ở cả nam và nữ mọi độ tuổi, đặc biệt là đối tượng trẻ em dưới 10 tuổi (độ tuổi mầm non và tiểu học).
Bệnh thủy đậu xảy ra quanh năm, tuy nhiên số lượng người mắc bệnh thường tăng cao trong thời điểm giao mùa (từ tháng 3 đến tháng 5) hàng năm. Giai đoạn giao mùa nhiệt độ thay đổi thất thường, tạo điều kiện cho vi rút gây bệnh tồn tại và phát triển, làm tăng nguy cơ bùng phát bệnh thủy đậu.
Bệnh lành tính và không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nếu không điều trị kịp thời có thể gây biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe.
Triệu chứng và các giai đoạn bệnh
Nhận biết dấu hiệu và các giai đoạn bệnh sẽ giúp cho quá trình điều trị hiệu quả hơn, hạn chế biến chứng nguy hiểm.
Dấu hiệu mắc bệnh thủy đậu qua từng giai đoạn
Từ khi tiếp xúc với vi rút gây bệnh, bệnh thủy đậu trải qua 4 giai đoạn phát triển, cụ thể:
- Giai đoạn ủ bệnh (khoảng 10 – 14 ngày sau khi tiếp xúc với vi rút gây bệnh): Người bị thủy đậu hầu như không xuất hiện bất kỳ biểu hiện bất thường nào, do đó rất khó nhận biết. Có thể bị lây nhiễm với người bị bệnh ngay cả khi chưa xuất hiện bóng nước trên da.
- Giai đoạn khởi phát: Bắt đầu xuất hiện các triệu chứng sốt nhẹ, sổ mũi, ho nhẹ, đau đầu, mệt mỏi và chán ăn, xuất hiện các nốt ban nhỏ và lan ra toàn thân. Các dấu hiệu bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh khác, cần quan sát và theo dõi sức khỏe.
- Giai đoạn toàn phát: Người bệnh thủy đậu bắt đầu sốt cao, trên nền các nốt ban đỏ là bóng nước hình tròn (đường kính 1 – 3mm) bắt đầu xuất hiện và lan ra toàn thân, tay chân. Những bóng nước này gây cảm giác rát, ngứa ngáy và khó chịu.
- Giai đoạn phục hồi: Sau 7 – 10 ngày phát bệnh, các bóng nước sẽ bị vỡ sau đó dần khô lại và đóng vảy. Quá trình vảy tiết lành cần đến 1 – 3 tuần, trong giai đoạn này cần vệ sinh các vết sẹo thủy đậu cẩn thận, tránh nhiễm trùng.
Bệnh thủy đậu có lây không?
Bệnh có nhiều con đường lây nhiễm và có khả năng gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm. Do vậy cần có kiến thức cơ bản về bệnh để có phương pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời.
Thủy đậu là bệnh rất dễ lây, có thể lây truyền trực tiếp từ người sang người thông qua đường hô hấp như dịch tiết hoặc giọt bắn từ khi nói chuyện, ho và hắt hơi,…. Ngoài ra, bệnh còn được lây truyền gián tiếp qua việc dùng chung đồ dùng sinh hoạt cá nhân như khăn mặt, bàn chải đánh răng,…
Thông thường, những người đã mắc phải bệnh thủy đậu rồi sẽ không bao giờ mắc lại nữa vì đây là bệnh miễn dịch 1 lần.
Phương pháp điều trị bệnh thủy đậu
Thủy đậu là bệnh lành tính và không có triệu chứng nặng, tuy nhiên tình trạng những mụn nước bị nhiễm trùng có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai.
Biến chứng của bệnh thủy đậu
- Nhiễm trùng, biến chứng thường gặp ở trẻ em.
- Viêm màng não, viêm não.
- Phụ nữ mang thai bị bị thủy đậu trong giai đoạn sắp sinh có thể lây nhiễm thủy đậu từ mẹ sang con (khi sinh), bé có thể bị khuyết tật hoặc tử vong.
Điều trị bệnh thủy đậu
Hiện nay, bệnh thủy đậu chưa có phương pháp đặc trị, người bệnh chủ yếu điều trị tại nhà và sử dụng các loại thuốc hỗ trợ điều trị triệu chứng như thuốc kháng vi rút, thuốc giảm đau, thuốc hạ sốt và bổ sung vitamin tăng cường sức khỏe. Lưu ý, dùng thuốc đúng cách, đúng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ.
Đối với các mụn nước, người bệnh có thể dùng thuốc chống ngứa và các loại thuốc bôi (thuốc tím) tại chổ để làm giảm cảm giác ngứa ngáy và khó chịu.
Những điều cần lưu ý:
- Người bệnh cần được cung cấp chế độ dinh dưỡng đầy đủ và đa dạng cho cơ thể nhằm tăng cường sức khỏe, giúp người bệnh nhanh hồi phục hơn.
- Trong quá trình điều trị, người bệnh cần chú ý mặc đồ rộng rãi, mềm mại để tránh gây tổn thương các bóng nước và vệ sinh thân thể đúng cách.
- Người bệnh cần được cách ly điều trị để tránh lây nhiễm bệnh sang cho người khác.
- Khi nhận thấy dấu hiệu biến chứng, hãy đến bệnh viện để được thăm khám và chữa trị kịp thời.
Bệnh thủy đậu là bệnh lý phổ biến và dễ điều trị, tuy nhiên vẫn tồn tại nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, nhất là trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai. Tiêm vắc xin thủy đậu là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh thủy đậu, vì vậy hãy tiêm chủng vắc xin thủy đậu đúng lịch cho trẻ từ 9 tháng hoặc 12 tháng tuổi trở lên để đảm bảo sức khỏe, phòng bệnh và hạn chế bùng phát dịch bệnh.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.