Bệnh viêm não có nguy hiểm không?
Bệnh viêm não là tình trạng các mô não bị viêm gây rối loạn chức năng thần kinh trung ương. Nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh viêm não là do nhiễm phải virus và nguy cơ biến chứng do viêm não gây ra là rất lớn. Vậy dấu hiệu bệnh viêm não, mức độ nguy hiểm và biện pháp phòng tránh như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn tìm hiểu kĩ hơn về căn bệnh này.
Dấu hiệu của bệnh viêm não
Dấu hiệu trong trường hợp viêm não thể nhẹ gồm:
Trong những trường hợp nặng hơn bệnh nhân có thể có sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương bao gồm:
- Nhức đầu dữ dội
- Buồn nôn và nôn mửa
- Cứng cổ
- Lú lẫn
- Mất định hướng
- Thay đổi nhân cách
- Co giật
- Rối loạn nghe nói
- Ảo giác
- Mất trí nhớ
- Đờ đẫn
- Hôn mê
Ở trẻ nhỏ, các dấu hiệu trên không điển hình và khó phát hiện tuy nhiên vẫn có một số dấu hiệu quan trọng giúp định hướng chẩn đoán. Các dấu hiệu này bao gồm:
- Nôn mửa
- Thóp phồng (nếu còn thóp)
- Khóc không thể dỗ nín hoặc khóc tăng lên khi trẻ được bồng lên hoặc làm thay đổi tư thế
- Gồng cứng người
Vì viêm não có thể xuất hiện sau hoặc đi kèm với các chứng nhiễm virus nên đôi khi có những triệu chứng đặc trưng của các bênh này trước khi có viêm não. Tuy vậy, viêm não thường xuất hiện mà không có triệu chứng báo trước nào cả.
Nhức đầu dữ dội là một trong những dấu hiệu mắc bệnh viêm não
Mức độ nguy hiểm của bệnh viêm não
Có thể nói viêm não do virus gây ra là căn bệnh vô cùng nguy hiểm bởi vì:
- Nguy cơ di chứng nặng nề và tỷ lệ tử vong cao: nếu không được cấp cứu kịp thời, viêm não có thể khiến bệnh nhân bị tổn thương tế bào não nghiêm trọng, phù não, mất trí nhớ, động kinh, mất chức năng vận động, thay đổi nhân cách,… nặng hơn là bại não, liệt tay chân và liệt nửa người, liệt thần kinh sọ não, tâm thần, chậm phát triển trí tuệ, điếc, hôn mê, viêm màng não,… nguy cơ tử vong rất lớn;
- Viêm não cấp có tốc độ diễn tiến nhanh, mất nhiều thời gian điều trị: đặc biệt bệnh nhân là trẻ nhỏ thì diễn biến viêm não cấp rất nhanh, triệu chứng bệnh khó nhận biết gây chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị. Thêm vào đó quá trình điều trị viêm não lại lâu (từ 1 – 3 tuần), khả năng phục hồi chậm và ngay cả khi trẻ đã được xuất viện thì cũng cần mất một thời gian lâu sau não bộ mới hoàn toàn hồi phục;
- Chưa có thuốc điều trị đặc hiệu: do tác nhân gây viêm não thường là những siêu vi trùng, virus gây nên còn các thuốc điều trị hiện có chỉ có hiệu quả với một vài loại virus, không thể tiêu diệt được tất cả. Vì vậy phương pháp chữa viêm não hiện tại chủ yếu là khắc phục triệu chứng và cải thiện chức năng não bộ, thể chất cho người bệnh. Hiện mới chỉ có vắc xin viêm não Nhật Bản giúp phòng ngừa Arbovirus, còn đối với tác nhân gây bệnh là các loại virus khác (virus đường ruột) thì chưa có biện pháp phòng ngừa. Ngoài ra viêm não còn có khả năng là biến chứng của quai bị, thủy đậu, sởi,… nên rất khó để lường trước.
Phương pháp phòng tránh bệnh
Những lý do này đủ để cho chúng ta thấy rằng bệnh viêm não nguy hiểm như thế nào. Vì vậy mỗi người và đặc biệt là những gia đình có trẻ nhỏ nên thực hiện các cách phòng ngừa căn bệnh này thông qua những phương pháp sau:
- Tiêm phòng viêm não Nhật Bản và các bệnh lý nhiễm trùng (sởi, thủy đậu, quai bị) đầy đủ cho trẻ theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế;
- Tránh vui chơi ngoài trời vào thời điểm bình minh hoặc hoàng hôn vì đây là lúc hoạt động mạnh nhất của loài muỗi;
- Mắc màn khi đi ngủ, dùng thuốc xịt muỗi, mặc quần áo dài che phủ để tránh bị muỗi đốt;
- Vệ sinh sạch sẽ môi trường sống, khơi thông cống rãnh, làm sạch và đậy kín các vật dụng dùng để chứa nước để hạn chế muỗi đẻ trứng và sinh sôi.
Diệt muỗi và tránh bị muỗi đốt là một biện pháp ngăn ngừa mắc bệnh viêm não
Có thể thấy rằng não bộ là cơ quan quan trọng của hệ thần kinh trung ương, giữ vai trò điều khiển mọi tư duy và hoạt động sống trong cơ thể. Nếu não bộ bị tổn thương thì sức khỏe thể chất và tinh thần của người bệnh đều bị ảnh hưởng, vì vậy nếu thấy bản thân hoặc con trẻ có những triệu chứng cảnh báo nguy cơ viêm não thì nên nhập viện ngay để tiến hành thăm khám, điều trị càng sớm càng tốt.
Hi vọng với những chia sẻ trên giúp các bạn hiểu thêm về bệnh viêm não.