Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Bại não là gì? Những điều cần biết về bại não
Bại não là một tình trạng bệnh lý về thần kinh nặng nề do não bộ bị tổn thương, bệnh để lại di chứng suốt đời, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vậy bệnh bại não có nguyên nhân do đâu? Biểu hiện và thể bệnh như thế nào?
Tổng quan chung
Bại não là gì?
Bại não là thuật ngữ chỉ một nhóm tình trạng bệnh lý gây nên bởi tình trạng tổn thương não bộ không tiến triển theo thời gian, gây nên bởi các nguyên nhân trước sinh, trong và sau sinh cho đến dưới 5 tuổi. Bại não gây ra tình trạng đa tàn tật về vận động, tinh thần, giác quan và hành vi… để lại hậu quả nặng nề cho chính bản thân trẻ, gia đình mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế, xã hội
Do một hoặc nhiều phần của não bộ bị tổn thương, người bệnh không thể vận động các phần cơ một cách bình thường. Ngoài ảnh hưởng đến vận động, nhiều trường hợp trẻ bị bại não còn kèm theo các tình trạng tàn tật khác cần phải được điều trị như:
- Chậm phát triển trí tuệ
- Rối loạn khả năng học tập
- Động kinh
- Thay đổi hành vi
- Những vấn đề về thị giác, thính giác và ngôn ngữ.
Tỷ lệ bại não khoảng 2/1000 trẻ mới sinh, bệnh có tỷ lệ mắc ở trẻ trai cao hơn trẻ gái (1.35/1).
Triệu chứng
Tùy theo từng mức độ nặng nhẹ mà bệnh có các dấu hiệu và triệu chứng thay đổi khác nhau, ở mỗi trẻ theo thời gian, triệu chứng của bệnh có thể nặng hơn hoặc giảm bớt. Tuy nhiên sự tiến triển còn tùy thuộc vào phần nào của não bộ bị tổn thương, một số triệu chứng thường gặp của bệnh đó là:
- Trương lực cơ quá cứng: Nghĩa là cơ thể trẻ cứng đờ, tay chân hoạt động không linh hoạt, gây khó khăn trong việc bế hoặc tắm rửa.
- Trương lực cơ quá mềm: Có biểu hiện là người trẻ mềm nhão, trẻ có tư thế đầu rũ xuống và không ngẩng lên được.
- Trẻ không phối hợp vận động và thiếu sự cân bằng.
- Chân tay run rẩy, hay có những chuyển động bất thường.
- Trẻ cử động chậm chạp, các động tác gần như múa.
- Chậm linh hoạt trong các mốc kỹ năng vận động, như lẫy, bò, ngồi, giữ đầu cổ, chạy nhảy,…
- Đi lại gặp nhiều khó khăn, như là dáng đi khom người, đi bằng ngón chân, dáng đi không đối xứng.
- Trẻ gặp vấn đề với việc nuốt hoặc chảy dãi quá mức.
- Gặp nhiều khó khăn trong việc bú mẹ hoặc ăn uống.
- Chậm nói giao tiếp gặp khó khăn.
- Không tiếp thu trong học tập.
- Không có kỹ năng trong những hoạt động cần có sự linh hoạt.
- Co giật.
Nguyên nhân
Xác định các nguyên nhân gây bệnh giúp phát hiện sớm, sàng lọc và phòng ngừa. Nhờ đó giúp hạn chế tối đa tình trạng bại não. Theo bác sĩ chuyên khoa sự phát triển bất thường hoặc quá trình phát triển dẫn tới não bị tổn thương là những nguyên nhân dẫn tới bệnh lý này.
Các tổn thương có thể diễn ra trước, trong và sau khi sinh. Tuy nhiên nó cũng có thể xuất hiện ở thời điểm suốt 1 năm đầu đời. Các chuyên gia đã tổng hợp và đánh giá các nguyên nhân gây bệnh theo từng thời điểm bao gồm: Nhóm trước sinh, trong khi sinh và sau sinh.
Trước sinh
- Trẻ sinh ra nhẹ cân, dưới 2500 gram.
- Trẻ sinh non, thiếu tháng, thường dưới 36 tuần.
- Người mẹ bị nhiễm trùng bào thai trước khi sinh.
- Mẹ bầu lạm dụng thuốc hoặc mắc các chấn thương.
- Mẹ bầu bị bệnh động kinh, cường giáp hoặc các vấn đề liên quan tới tiền sản giật.
- Mẹ bầu mang đa thai hoặc bị chảy máu ở thời điểm tam cá nguyệt thứ 3.
Trong lúc sinh
- Khi sinh mẹ có quá trình chuyển dạ khó khăn, kéo dài.
- Mẹ bầu bị sang chấn lúc sinh, vỡ ối sớm.
- Các trường hợp mắc chứng rối loạn nhịp tim và thiếu oxy não.
Sau khi sinh
Các nguyên nhân chính dẫn tới căn bệnh bại não ở trẻ có thể xuất phát từ những nguyên nhân sau đây:
- Do tình trạng thiếu oxy.
- Do bệnh lý viêm màng não hoặc viêm não.
- Do mắc các bệnh lý liên quan tới rối loạn đông máu.
- Do bị chấn thương vùng đầu hoặc nồng độ bilirubin máu quá cao.
Đối tượng nguy cơ
Các trẻ có bất thường cấu trúc hệ thần kinh cũng làm tăng nguy cơ trẻ bị bại não.
- Mẹ bị bệnh: Bệnh tuyến giáp, đái tháo đường thai kỳ, nhiễm độc thai nghén, tiền sản giật….
- Di truyền: Yếu tố gia đình.
- Dùng thuốc không hỏi ý kiến của bác sĩ khi mang thai, tiếp xúc với các hóa chất độc hại khi mang thai.
Chẩn đoán
Bác sĩ sẽ chẩn đoán bại não bằng cách:
- Hỏi bệnh sử toàn diện
- Khám, đánh giá các triệu chứng
- Kiểm tra về tâm thần kinh.
Một số xét nghiệm được chỉ định thêm, bao gồm:
- Điện não đồ: được sử dụng để đánh giá hoạt động điện của não. Xét nghiệm này được chỉ định khi con bạn có dấu hiệu co giật, động kinh.
- Cộng hưởng từ (MRI) não: MRI là kĩ thuật sử dụng năng lượng nam châm và sóng radio để tạo ra những hình ảnh của não. Nó có thể nhận diện được những bất thường hay tổn thương trong não.
- CT scan não: xét nghiệm này tạo ra những hình ảnh cắt ngang, rõ nét về não. Nó cũng phát hiện những tổn thương trong não.
- Siêu âm: Đây là một phương pháp khá nhanh và rẻ tiền. Siêu âm sử dụng sóng âm tần số cao để tạo ra những hình ảnh cơ bản về não của trẻ.
- Xét nghiệm máu: một số trường hợp được xét nghiệm máu để tìm những rối loạn đông máu.
Nếu bác sĩ của bạn khẳng định là bại não, họ có thể gửi đến các chuyên gia về thần kinh học. Những chuyên gia này có thể khám những vấn đề thần kinh chuyên sâu hơn, ví dụ:
- Giảm hay mất thị lực, chẳng hạn như mờ một hoặc hai mắt.
- Điếc.
- Chậm nói.
- Thiểu năng trí tuệ.
- Rối loạn chuyển động.
Hầu hết những trẻ sinh ra bị bại não nhưng chúng có thể không có triệu chứng cho đến nhiều tháng hay nhiều năm sau đó. Các triệu chứng thường xuất hiện trước khi trẻ đạt 3 – 4 tuổi.
Phòng ngừa bệnh
Hầu hết các trường hợp bại não đã xảy ra thì sẽ không thể ngăn chặn hay đảo ngược lại, nhưng bạn có thể thực hiện các hướng dẫn dưới đây để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh bại não cho trẻ. Nếu bạn đang mang thai hoặc dự định có thai, bạn có thể thực hiện các bước sau để giữ sức khỏe và giảm thiểu các biến chứng khi mang thai:
- Mẹ nên được tiêm phòng các mũi trước khi mang thai. Tiêm vắc-xin chống lại các bệnh như rubella là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh bại não trước khi mang thai, do ngăn ngừa nhiễm trùng gây tổn thương não của thai nhi.
- Chăm sóc bản thân. Càng khỏe mạnh khi mang thai, bạn càng ít có khả năng bị nhiễm trùng dẫn đến bại não.
- Thăm khám sức khỏe thai sản định kỳ và liên tục tại các cơ sở y tế. Thăm khám thường xuyên với bác sĩ khi mang thai là cách tốt để giảm thiểu rủi ro cho sức khỏe của cả bạn và thai nhi như ngăn ngừa sinh non, nhẹ cân và nhiễm trùng.
- Chăm sóc trẻ an toàn. Ngăn ngừa chấn thương đầu bằng cách sử dụng ghế ngồi chuyên dụng cho trẻ ở trê ôtô, đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp hoặc xe máy, sử dụng rào chắn an toàn trên giường và thường xuyên giám sát, theo dõi trẻ.
- Không sử dụng rượu, thuốc lá và các chất kích thích bất hợp pháp. Những chất này đã được chứng minh có liên quan đến tăng nguy cơ bại não ở thai nhi.
Điều trị như thế nào?
Tùy vào mức độ tổn thương não, bại não ở trẻ sẽ có cách điều trị khác nhau như châm cứu, ghép tế bào gốc… với mục đích chung là khắc phục các triệu chứng và đưa trẻ hòa nhập với xã hội. Tuy nhiên, nhìn chung các phương pháp hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ bị bại não là cách điều trị được đánh giá cao về hiệu quả mang lại và được sử dụng phổ biến nhất. Thời gian điều trị bại não thường sẽ kéo dài và áp dụng nhiều phương pháp điều trị khác nhau, không chỉ thực hiện tại bệnh viện mà còn yêu cầu người bệnh phải thường xuyên tập luyện tại nhà.
Một số cách điều trị bại não có thể được sử dụng gồm:
- Điều trị hỗ trợ: Tập vật lý trị liệu, giúp trẻ đi bộ thường xuyên hơn, hỗ trợ xe lăn, sử dụng các loại đạp để cố định khớp, sử dụng máy trợ thính, đeo kính hỗ trợ thị lực… nhằm giúp trẻ mắc bệnh dễ hòa nhập với xã hội.
- Điều trị bằng thuốc: Thuốc chống co giật, giãn cơ là loại thuốc thường được sử dụng nhằm hạn chế các biến chứng nặng nề có thể được gây ra do bệnh.
- Phẫu thuật: Phương pháp này thường dùng trong cải thiện các biến chứng của bại não như tình trạng căng cơ, xương biến dạng… Đối với các trường hợp đau nhức dữ dội, co cứng, bác sĩ có thể cân nhắc thực hiện phẫu thuật cắt dây thần kinh để giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh, nên chúng ta hãy hết sức cẩn thận trong quá trình mang thai, cũng như sau khi sinh con và thường xuyên chú ý đến các biểu hiện của trẻ, nếu có bất thường phải đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán sớm và có phương pháp điều trị kịp thời.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.