Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Sa dạ dày: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị
Bệnh lý sa dạ dày là một chứng bệnh không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về Sa dạ dày qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Dạ dày (hay còn được biết đến với tên gọi quen thuộc là bao tử) là nơi chứa thức ăn sau khi nuốt qua thực quản và trước khi đi vào hệ thống ruột. Đây là cơ quan lớn nhất của hệ thống ống tiêu hóa, có nhiệm vụ chứa thức ăn, nghiền nát, chuyển hóa một phần các thức ăn thành chất dinh dưỡng chuẩn bị quá trình hấp thu đi nuôi cơ thể. Dạ dày khi khỏe mạnh sẽ giúp hệ miễn dịch của cơ thể khỏe mạnh. Nhờ đó, chúng ta sẽ có sức khỏe tốt.
Sa dạ dày là hiện tượng dạ dày không nằm đúng vị trí của nó. Đây là một trong những chứng bệnh sa nội tạng rất thường gặp. Bình thường, dạ dày nằm chủ yếu ở phần xương sườn thứ 11 bên trái, một phần khác nằm ở phần bụng trên. Khi mắc chứng bệnh này, dạ dày sa dài đến mào chậu, gây khó khăn cho việc có bóp và tiêu hóa.
Triệu chứng
Người bị chứng sa dạ dày thường có biểu hiện:
- Gầy ốm
- Ăn uống kém
- Bụng đầy trướng, khó chịu. Khi ăn cơm xong, cảm giác đầy trướng càng nặng hơn, có thể kèm theo đau bụng, ợ hơi, chóng mặt, mệt mỏi và đại tiện khô.
- Nếu đứng, bạn có thể nhận thấy bụng trên phẳng, bụng dưới phình to và cơ bụng giãn ra.
Về lâu dài, sa dạ dày khiến sức khỏe người bệnh ngày càng suy kiệt, khả năng lao động giảm, tinh thần căng thẳng.
Nguyên nhân
Sa dạ dày do nhiều nguyên nhân gây ra. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là thói quen ăn và vận động của người bệnh, cụ thể như sau:
- Người bệnh đang bị suy nhược cơ thể có thể dẫn tới khí huyết hư tổn, nguyên khí chưa được khôi phục, ăn uống kém thì có thể dẫn đến đau dạ dày trước sau đó dễ bị sa dạ dày.
- Ăn uống không điều độ cũng là 1 trong những nguyên nhân dẫn đến sa dạ dày.
- Sau khi ăn no thì vận động quá sức. Người có tiền sử đau dạ dày trước đó nhưng không hạn chế việc vận động sau ăn no làm cho trương lực dạ dày và chức năng của dạ dày bị yếu đi, gây sa dạ dày
- Người suy nghĩ nhiều, tinh thần không ổn định hoặc cơ thể luôn ở tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, ăn uống không điều độ trong thời gian dài làm cho tỳ vị hư yếu cũng gây sa dạ dày.
- Sa dạ dày còn có thể do việc giảm cân quá nhanh và đột ngột.
- Phụ nữ sinh đẻ nhiều cũng dễ bị sa dạ dày.
- Người luyện tập thể thao, lao động quá sức, thời gian nghỉ ngơi ít khiến dạ dày không có thời gian hồi phục cũng có thể gây sa dạ dày.
Đối tượng nguy cơ
Sa dạ dày có khả năng xảy ra ở hầu hết tất cả mọi đối tượng và lứa tuổi. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc sa dạ dày gồm:
- Chế độ sinh hoạt ăn uống không khoa học, lành mạnh.
- Người có thân hình ốm yếu, bụng dài và hẹp.
- Bị một số bệnh như: Lupus ban đỏ, viêm đường mật, viêm đa cơ, viêm tụy, viêm dạ dày, đau nửa đầu, chóng mặt, bệnh nội tiết tố chuyển hóa, có khối u trong dạ dày.
- Tác dụng của một số thuốc: Thuốc điều trị tăng huyết áp, thuốc chống co thắt, thuốc ức chế canxi.
Chẩn đoán
Chẩn đoán sa dạ dày bác sĩ xác định qua thăm khám lâm sàng, tình trạng bệnh sử cũng như lối sống của người bệnh.
Một vài xét nghiệm để chẩn đoán chính xác bệnh như: Siêu âm, chụp X-quang, MRI bụng cũng có thể được thực hiện để quan sát vị trí của dạ dày và đánh giá mức độ sa.
Phòng ngừa bệnh
Để phòng ngừa bệnh lý sa dạ dày, người bệnh cần tuân thủ những nguyên tắc sau:
- Sau khi ăn cần nghỉ ngơi, vận động nhẹ nhàng để máu dồn nhiều về dạ dày, giúp tiêu hóa thức ăn. Tránh vận động mạnh sau khi dùng bữa ít nhất 30 phút. Không tập luyện quá sức hoặc mang vác nặng lúc này, lượng thức ăn chưa kịp tiêu hóa có thể bị đẩy xuống phía dưới, làm dạ dày phải căng ra, lâu dần, tình trạng trên khiến dạ dày giãn ra và bị sa xuống.
- Xây dựng chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng cho người bị sa dạ dày:
- Tránh ăn các thực phẩm khó tiêu hóa.
- Nên cân bằng chất béo, tinh bột, đạm và chất xơ trong mỗi bữa ăn
- Nên chia nhỏ bữa ăn nhằm làm giảm triệu chứng đầy bụng, khó tiêu sau khi ăn.
- Nên ăn các món ăn được chế biến ở dạng lỏng, mềm và ít gia vị.
- Nên kiêng các thực phẩm có khả năng gây đầy bụng như bắp cải, nước ngọt có gas, cà phê, rượu, sữa,…
- Nên ăn chậm nhai kỹ
- Tránh ăn quá no.
- Thư giãn và bồi bổ sức khỏe vì cơ thể suy nhược, gầy yếu cũng là một lý do gây ra bệnh sa dạ dày; kiểm soát căng thẳng bằng cách làm việc vừa phải, dành thời gian nghỉ ngơi, tập yoga, bơi lội, đọc sách,…
- Nên ngủ trước 23 giờ và đảm bảo thời gian ngủ kéo dài ít nhất 6 giờ/ngày.
- Không nên giảm cân quá nhanh.
- Phụ nữ không nên sinh quá nhiều và khoảng cách giữa các lần sinh con không nên quá gần nhau.
- Nếu mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường, tiêu hóa cần được điều trị và theo dõi định kỳ.
Điều trị như thế nào?
Sa dạ dày có diễn biến chậm, có thể điều trị dứt điểm nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, nếu không được điều trị đúng cách có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm. Do đó, để đạt được hiệu quả tốt nhất, người bệnh nên thăm khám sớm và thực hiện tốt phác đồ điều trị theo tư vấn của bác sĩ.
Phụ thuộc vào mức độ và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Bên cạnh dùng thuốc điều trị sa dạ dày theo chỉ định, người bệnh cần thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt và những bài tập hỗ trợ.
Thuốc trị sa dạ dày: Để biết chính xác loại thuốc cần sử dụng, bệnh nhân nên đến cơ sở có uy tín để thăm khám để bác sĩ chỉ định. Sa dạ dày có thể sử dụng thuốc Đông – Tây kết hợp như sau:
- Mức độ nhẹ: Sử dụng thuốc tây để kiểm soát các triệu chứng khó chịu của bệnh. Đồng thời, châm cứu theo đông y.
- Mức độ nặng: Dùng thuốc hỗ trợ tiêu hóa, kiểm soát triệu chứng, tập vật lý trị liệu để giúp cơ thành bụng khỏe hơn nhằm đưa dạ dày về vị trí cũ. Kết hợp châm cứu để điều trị bệnh dứt điểm.
Thực hiện các bài tập phù hợp để phòng và điều trị bệnh: Dưới đây là 3 bài tập được đánh giá là tốt cho người bị sa dạ dày:
- Bài 1: Hai chân gấp gối, gót chân đặt sát mông, ưỡn người và chống hai chân lên, làm cho nửa thân người nâng lên. Bệnh nhân nên thực hiện 4 – 8 lần, mỗi lần 1 – 2 phút.
- Bài 2: Ở tư thế nằm ngửa, hay tay người bệnh để sau gáy, dùng sức cơ bụng để ngồi dậy rồi nằm xuống. Bệnh nhân nên thực hiện 4 – 8 lần.
- Bài 3: Nằm ngửa, duỗi thẳng 2 chân và 2 tay, dùng sức cơ bụng từ từ nâng 2 chân lên cao, tạo với nửa thân trên thành một góc 90 độ. Mỗi lần bệnh nhân duy trì trong khoảng 2 phút rồi đặt chân xuống; nên thực hiện 4 – 8 lần.
Điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt
Một số điều chỉnh về thói quen ăn uống và sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của sa dạ dày như:
- Ăn uống điều độ, không ăn quá no, không vận động hoặc làm việc nặng sau khi ăn.
- Hạn chế các thực phẩm khó tiêu, gây áp lực lên dạ dày như đồ ăn chiên nhiều dầu mỡ, đồ ăn chế biến sẵn, đồ ăn cay nóng…
- Nên ăn thực phẩm dạng lỏng, đã được nấu mềm để dạ dày dễ tiêu hóa như cháo, súp.
- Có thể chia thành các bữa ăn nhỏ để không gây áp lực quá nhiều lên dạ dày trong 1 bữa ăn.
- Ngủ đủ giấc (7-8 tiếng/ngày), ngủ trước 23h.
- Tránh căng thẳng và stress, cố gắng giữ tinh thần vui vẻ, thoải mái.
- Kiểm soát cân nặng ở mức hợp lý, tránh để tăng hoặc giảm cân đột ngột.
Bài thuốc chữa sa dạ dày tại nhà
Để làm giảm các triệu chứng khó chịu của bệnh sa dạ dày, bạn có thể tham khảo và áp dụng 1 trong bài thuốc chữa sa dạ dày tại nhà dưới đây:
- Bài thuốc chữa sa dạ dày từ cam thảo và củ sen: Chuẩn bị bạch thược 10g, cam thảo 3g, 2 quả táo và 200g củ sen. Cho cam thảo và bạch thược vào sắc với 300ml nước. Củ sen và táo đem ép lấy nước. Tiến hành trộn đều 2 loại nước sắc và nước ép với nhau rồi chia thành 2 lần. Uống hết trong ngày.
- Chữa sa dạ dày bằng mật ong và chuối: Chuẩn bị 2 quả chuối, 2 quả táo và 30ml mật ong. Cho táo và chuối xay nhuyễn rồi trộn đều với mật ong. Chia làm 2 lần ăn hết trong ngày.
- Cách chữa sa dạ dày từ rau cần và cà rốt: Ép 200g lá su hào, 400g cà rốt, 300g táo và 200g rau cần lấy nước uống. Khi uống pha thêm mật ong để dễ uống hơn.
Bài viết trên đã cho bạn những thông tin về Sa Dạ Dày. Hi vọng, sẽ có ích cho việc chăm sóc sức khỏe gia đình bạn.