Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Bệnh thận do đái tháo đường là gì? Những điều bạn cần biết
Tổng quan chung về bệnh thận do đái tháo đường
Đái tháo đường hay còn gọi là tiểu đường, là bệnh rối loạn chuyển hóa đặc trưng với biểu hiện lượng đường ở trong máu luôn ở mức cao hơn so với bình thường do cơ thể thiếu hụt về tiết insulin hoặc đề kháng với insulin hoặc cả 2, dẫn đến rối loạn quan trọng về chuyển hóa đường, đạm, mỡ, chất khoáng.
Bệnh thận đái tháo đường là biến chứng mạch máu nhỏ, tổn thương chính nằm ở cầu thận (cầu thận là nơi mà máu được lọc qua để tạo thành nước tiểu, các chất được lọc qua cầu thận gồm nước, các chất điện giải như natri, kali, các chất thải trong quá trình chuyển hóa như ure, acid uric, một số thuốc, chất đạm hoặc các chất có trong khối phân tử lớn sẽ được giữ lại trong máu, bình thường không có đạm trong nước tiểu.)
Tại Hoa Kỳ, trung bình cứ 3 người mắc đái tháo đường thì có 1 người có bệnh thận đái tháo đường.
Triệu chứng bện h thận do đái tháo đường
Bệnh thận do đái tháo đường ở giai đoạn đầu thường không rõ, một số trường hợp người bệnh sẽ thấy huyết áp tăng, cơ thể mệt mỏi hoặc sưng nhẹ bàn chân. Phần lớn, người bệnh chỉ phát hiện sau khi xét nghiệm nước tiểu tìm vi đạm niệu (microalbumin) hoặc siêu âm bụng thấy thận to.
Khi bệnh thận do đái tháo đường nặng hơn, có thể gây ra các triệu chứng như:
• Huyết áp tăng cao
• Nước tiểu sủi bọt
• Tiểu nhiều lần trong đêm
• Ngứa ngáy, da xanh xao, người mệt mỏi
• Phù mặt.
• Phù bàn chân, cẳng chân
• Thường xuyên bị tụt đường huyết, buồn nôn, chán ăn.
Nguyên nhân gây bệnh thận do đái tháo đường
Nguyên nhân chính gây bệnh thận do đái tháo đường là sự tăng cao lượng đường trong máu kéo dài, dẫn đến tổn thương cầu thận và mạch máu nhỏ.
Đối tượng nguy cơ dẫn đến bệnh thận do đái tháo đường
Các yếu tố khác có thể bao gồm:
- Thời gian mắc bệnh đái tháo đường kéo dài
- Lượng đường trong máu không được kiểm soát tốt
- Tăng huyết áp không kiểm soát tốt
- Rối loạn mỡ máu (cholesterol cao)
- Tuổi cao, béo phì, hút thuốc
- Tiền sử gia đình mắc bệnh đái tháo đường và bệnh thận
Chẩn đoán
Ngoài các dấu hiệu, triệu chứng và tiền sử bản thân, gia đình, có thể sử dụng một số kiểm tra sau:
- Kiểm tra máu: Để đánh giá tình trạng đường máu, mỡ máu, chức năng thận, điện giải (đặc biệt là kali máu).
- Kiểm tra nước tiểu: Để phát hiện sự xuất hiện của protein trong nước tiểu, là dấu hiệu sớm của bệnh lý thận.
- Chẩn đoán hình ảnh: Có thể sử dụng chụp XQ hệ tiết niệu, siêu âm hệ tiết niệu để phát hiện các bệnh lý mắc kèm (sỏi thận, viêm nhiễm hệ tiết niệu, khối u hệ tiết niệu…), những trường hợp khó hơn có thể sử dụng CT scanner, MRI (cộng hưởng từ) hệ tiết niệu.
- Sinh thiết thận: Thường sử dụng để xác định chính xác nguyên nhân gây tổn thương thận trong những trường hợp khó.
Cách phòng ngừa bệnh
Căn cứ vào nguyên nhân gây biến chứng bệnh thận đái tháo đường, chúng ta có thể phòng ngừa biến chứng thận bằng việc phối hợp một số các giải pháp dưới đây:
- Kiểm soát đường huyết: Duy trì chỉ số HbA1c dưới 7%, kiểm tra định kỳ để được bác sĩ tư vấn, điều chỉnh chế độ ăn uống, tập luyện cho phù hợp.
- Kiểm soát huyết áp thật tốt: Kiểm soát huyết áp ở mức dưới 130/80 mmHg.
- Giảm đạm trong khẩu phần ăn hằng ngày: Đảm bảo mức 0,8g đạm/kg cân nặng/ngày.
- Kiểm soát Lipid máu: Điều chỉnh cân nặng để đạt BMI dưới 25kg/m2 và giảm muối trong chế độ ăn xuống dưới 2.4g/ngày.
- Tăng cường vận động : Tối thiểu 150 phút/tuần để cải thiện chức năng của thận.
- Bỏ hút thuốc lá.
- Giữ tâm trạng thoải mái, lạc quan, đẩy lùi căng thẳng, mệt mỏi,…
- Dùng thuốc điều trị các bệnh đi kèm cần hỏi ý kiến bác sĩ vì một số loại thuốc như kháng sinh, thuốc trị đau khớp,… có thể khiến bệnh thận nặng thêm.
- Chú ý tầm soát bệnh thận đái tháo đường ở mọi bệnh nhân đái tháo đường type 1 sau 5 năm chẩn đoán mắc bệnh và vào ngày chẩn đoán đối với đái tháo đường type 2. Việc này giúp bác sĩ kịp thời phát hiện biến chứng thận ở bệnh nhân đái tháo đường để có biện pháp điều trị kịp thời, hiệu quả.
Tóm lại bệnh thận đái tháo đường dễ dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm như suy thận hay thậm chí là tử vong. Vì vậy, bệnh nhân đái tháo đường nên chú trọng tầm soát bệnh thận và chủ động phòng ngừa biến chứng nguy hiểm này.
Điều trị đái tháo đường
Mục tiêu điều trị của bệnh nhân bệnh thận ĐTĐ
- HbA1c < 7%
- Huyết áp < 130/80 mmHg
- Kiểm soát cholesterol máu: LDL <100mg/dL (2,6mmol/L) nếu chưa có biến cố tim mạch
- Kiểm soát cân bằng Calci và Phospho trong máu để đảm bảo sức khỏe xương
- Giảm Protein trong nước tiểu.
Điều trị bệnh nhân mắc bệnh thận giai đoạn cuối
- Lọc thận: là cách để loại bỏ chất thải và dịch thừa ra khỏi cơ thể thay cho thận, có hai hình thức:
- Lọc máu chu kỳ: Thường thực hiện 3 lần/tuần, cần có hỗ trợ của máy móc và phải thực hiện tại các cơ sở y tế.
- Lọc màng bụng: Có thể thực hiện tại nhà.
- Ghép thận
- Kiểm soát triệu chứng để nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh