Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Block nhĩ thất là gì? Những điều cần biết về block nhĩ thất
Block nhĩ thất (Atrioventricular Block – AV block) được định nghĩa là sự gián đoạn trong việc truyền xung từ tâm nhĩ đến tâm thất. Vậy triệu chứng, nguyên nhân và phòng ngừa bệnh ra sao, chúng ta cùng tham khảo bài viết đây nhé.
Tổng quan chung
Hệ thống xung điện dẫn truyền từ tâm nhĩ tới tâm thất có vai trò điều khiển nhịp tim của chúng ta. Ở một người khỏe mạnh, nhịp tim trung bình sẽ đạt khoảng 60 – 90 nhịp/phút. Nhưng khi hệ thống xung điện dẫn truyền từ tâm nhĩ tới tâm thất bị tắc nghẽn sẽ gây ra bệnh block nhĩ thất, trong đó có thể chỉ là tắc nghẽn một phần hoặc tắc nghẽn hoàn toàn.
Cấp độ của bệnh sẽ được phân loại dựa trên mức độ tắc nghẽn:
Block nhĩ thất cấp độ 1
Là trường hợp tình trạng tắc nghẽn xuất hiện ở nút nhĩ thất. Đa số những bệnh nhân trong trường hợp này đều không có triệu chứng rõ ràng. Phần lớn họ chỉ phát hiện ra bệnh khi đi thăm khám sức khỏe định kỳ, khi thực hiện đo điện tâm đồ hoặc bệnh nhân được thăm khám tổng quát khi phải nhập viện vì một lý do nào đó.
Nếu thời gian block lớn hơn 0,3 giây và nhịp tim của người bệnh dưới 60 nhịp trong một phút thì bệnh nhân có thể xuất hiện một số triệu chứng như chóng mặt, hay khó thở khi làm việc gắng sức. Ở giai đoạn này, bệnh không quá nguy hiểm, chỉ cần theo dõi, không cần điều trị. Đôi khi, Block nhĩ thất cấp 1 có thể tiến triển thành các dạng block khác và dẫn tới biến chứng nghiêm trọng.
Block nhĩ thất cấp độ 2
Ở cấp độ 2, những triệu chứng của bệnh bắt đầu rõ ràng hơn. Do sự tắc nghẽn đường dẫn truyền từ tâm nhĩ đến tâm thất, người bệnh có thể bị rối loạn nhịp tim nhẹ, chóng mặt, đau ngực, cảm thấy mệt mỏi, thậm chí có thể bị ngất xỉu.
Block nhĩ thất độ 3
Ở giai đoạn này, tình trạng tắc nghẽn đã tiến triển tới mức tắc nghẽn hoàn toàn. Nghĩa là hệ thống xung điện xung điện từ tâm nhĩ xuống tâm thất bị gián đoạn một phần hay hoàn toàn. Điều này khiến cho nhịp tim của người bệnh thường rất chậm và không đều, có sự phân ly nhĩ thất.
Cấp độ 3 là cấp độ vô cùng nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng của người bệnh nếu không được can thiệp điều trị kịp thời.
Triệu chứng
Các triệu chứng của AV block tương tự như hội chứng suy nút xoang. Bao gồm đánh trống ngực, hụt nhịp, chóng mặt, choáng váng, ngất (mất ý thức), mệt mỏi và suy nhược, thậm chí là đau thắt ngực.
Block nhĩ thất thường không có triệu chứng và dễ gặp ở vận động viên, thanh thiếu niên, thanh niên và những người có dây thần kinh phế vị hoạt động mạnh. Các triệu chứng của block nhĩ thất độ 3 dữ dội hơn do nhịp tim chậm. Bất kỳ triệu chứng ngất hoặc đau ngực nào đều cần được thăm khám và kiểm tra khẩn cấp.
Biến chứng nguy hiểm của block nhĩ thất là:
- Suy tim
- Rối loạn nhịp tim
- Đau tim
- Có thể diễn biến thành ngừng tim đột ngột.
Nguyên nhân
Đối với block nhĩ thất cấp I hay block nhĩ thất độ 1, nguyên nhân do:
- Tập luyện thể thao.
- Nhồi máu cơ tim thành dưới.
- Phẫu thuật thay van hai lá, sửa van 2 lá.
- Viêm cơ tim.
- Do thuốc như chẹn bêta, thuốc chẹn kênh calci, digoxin, amiodarone.
Đối với block nhĩ thất cấp II hay block nhĩ thất độ 2, nguyên nhân do:
- Nhồi máu cơ tim thành dưới.
- Xơ hóa vô căn của hệ thống dẫn truyền trong bệnh Lenegre hoặc bệnh Lev.
- Phẫu thuật sửa chữa van hai lá.
- Viêm cơ tim, bệnh Lyme.
- Bệnh tự miễn (lupus ban đỏ, xơ cứng toàn thân).
- Tăng kali máu.
- Các loại thuốc: thuốc chẹn bêta, thuốc chẹn kênh calci, digoxin, amiodarone.
Đối với block nhĩ thất cấp III hay block nhĩ thất hoàn toàn, nguyên nhân do:
- Những nguyên nhân đều giống nhau như block nhĩ thất (AV) cấp II
- Các bệnh nguyên quan trọng nhất là: Nhồi máu cơ tim thành dưới; thuốc chẹn kênh calci, chẹn beta, digoxin; bệnh Lenegre hoặc bệnh Lev gây thoái hóa hệ thống dẫn truyền gây block nhĩ thất cấp III.
Đối tượng nguy cơ
Tất cả các loại block nhĩ thất xảy ra thường xuyên hơn ở những người trên 70 tuổi, đặc biệt là ở những người bị bệnh tim cấu trúc.
Chẩn đoán
Trước tiên, bác sĩ tim mạch sẽ xem xét bệnh sử và tiền sử sức khỏe gia đình, chế độ ăn uống và mức độ của các triệu chứng.
Trong quá trình khám sức khỏe, bác sĩ tim mạch sẽ lắng nghe nhịp tim hoặc kiểm tra các dấu hiệu suy tim, chẳng hạn như tích tụ chất lỏng ở bàn chân, mắt cá chân và chân.
Các xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán block nhĩ thất chính xác hơn: Điện tâm đồ, theo dõi Holter, siêu âm tim, xét nghiệm điện sinh lý, kiểm tra gắng sức khi vận động.
Phát hiện sớm block nhĩ thất thông qua các dấu hiệu cảnh báo và chẩn đoán chính xác bằng các xét nghiệm là yếu tố quan trọng giúp việc điều trị đạt hiệu quả tốt nhất.
Phòng ngừa bệnh
Để phòng ngừa bệnh block nhĩ thất, các bạn có thể tham khảo một số phương pháp sau:
- Có chế độ tập luyện thể dục thể thao khoa học.
- Nên tái khám sức khỏe định kỳ và nếu gặp một trong các triệu chứng sau nên đi thăm khám bác sĩ (đau tức ngực, hụt hơi, hạ huyết áp…) để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
- Có chế độ nghỉ ngơi hợp lý tránh làm việc quá sức.
Điều trị như thế nào?
Với block nhĩ thất cấp I hoặc block nhĩ thất cấp II Mobitz I thường không cần điều trị gì đặc hiệu. Với các block nhĩ thất độ cao (Mobitz II, hoặc cấp III) dai dẳng thường phải cấy máy tạo nhịp tim.
Thuốc
Dùng trong trường hợp cấp cứu, đặc biệt khi bệnh nhân có ngất hoặc xỉu. Thuốc thường chỉ có tác dụng tạm thời để chờ cấy máy tạo nhịp hoặc trong giai đoạn cấp của một số bệnh chờ khi hồi phục.
- Atropin là thuốc nên thử dùng đầu tiên, ống 1/4mg x 4 ống tiêm tĩnh mạch, nếu có tác dụng (tần số tim tăng) tiếp tục tiêm hoặc truyền tĩnh mạch.
- Dopamin truyền tĩnh mạch với liều bắt đầu 5mcg/kg/phút ở những bệnh nhân có kèm huyết áp thấp.
- Adrenalin truyền tĩnh mạch liều 1 – 2mcg/phút nếu bệnh nhân trong tình trạng rất trầm trọng.
- Isoproterenol hydrochloride (Isuprel), truyền tĩnh mạch liều khởi đầu 2 mcg/kg/phút, có thể tăng dần liều tới 10mcg/kg/phút tùy theo đáp ứng của bệnh nhân hoặc viên 2mg ngày uống 4-6 viên.
Tạo nhịp tạm thời: Máy tạo nhịp qua da (hai điện cực áp thành ngực) rất có hiệu quả nhưng gây đau đớn. Đây là máy xách tay lưu động, thường gắn với hệ thống phá rung cấp cứu. Những bệnh nhân ngất cần đặt ngay tạo nhịp tạm thời trong lúc vận chuyển đến bệnh viện.
Cấp cứu: dùng máy tạo nhịp áp thành qua da trong lúc chờ tiến hành đặt máy tạo nhịp tạm thời qua đường tĩnh mạch.
Tạo nhịp tạm thời qua đường tĩnh mạch là giải pháp cấp cứu tối ưu cho những trường hợp nhịp chậm có triệu chứng nặng nề.
Chỉ định cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn
Máy tạo nhịp 2 buồng tim (DDD, DDDR) là lựa chọn tối ưu cho điều trị. Máy tạo nhịp một buồng thất (Wl, WIR) phù hợp nhất với bloc nhĩ – thất cấp III mà có rung nhĩ.
Chỉ định tạo nhịp tim vĩnh viễn cho bệnh nhân bị block nhĩ thất mắc phải không do nhồi máu cơ tim.
Hi vọng những chia sẻ ở bài viết trên sẽ giúp các bạn hiểu hơn về Block nhĩ thất.