Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Bệnh Buerger là gì? Những điều cần biết về bệnh Buerger
Bệnh Buerger còn được gọi là bệnh viêm thuyên tắc mạch máu, là bệnh lý thường gặp ở các mạch máu nhỏ và vừa ở bàn tay và bàn chân. Bệnh Buerger có đặc điểm là sự phối hợp của phản ứng viêm và cục máu đông trong lòng mạch máu khiến lưu lượng máu nuôi chi bị suy giảm, dẫn đến tổn thương và hủy hoại mô, sau cùng là nhiễm trùng và hoại tử. Bài viết sau sẽ cung cấp thông tin những điều cần biết về bệnh Buerger.
Tổng quan chung bệnh Buerger
Buerger thuộc bệnh lý thuộc về mạch máu, cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng viêm các mạch máu ở chân và tay, đặc biệt vùng bàn tay bàn chân.
Bệnh Buerger gây hẹp, tắc nghẽn các mạch máu dẫn tới sự giảm lưu thông máu đến bàn tay bàn chân, gây nên các triệu chứng đau, lâu ngày mất nuôi dưỡng và thậm chí bị hoại tử chi. Tình trạng này có thể xảy ra liên tiếp trên một đoạn mạch hoặc ngắt quãng thành nhiều đoạn mạch khác nhau, nên sẽ có những đoạn mạch tổn thương xen kẽ giữa những đoạn mạch bình thường.
Bệnh hay xảy ra ở động mạch gan bàn chân và tĩnh mạch tận vùng bàn chân hay dưới cẳng chân, có khi là động mạch ở tay, cổ tay.
Căn bệnh Buerger xảy ra chủ yếu ở các quốc gia thuộc Đông Nam Á, Ấn Độ hay Trung Đông, nhất là Bangladesh.
Bệnh thường gặp ở lứa tuổi từ 19 – 55 tuổi và tỷ lệ xảy ra ở nam giới cao hơn nhiều so với nữ giới.
Triệu chứng bệnh Buerger
- Bệnh xảy ra do sự viêm tổn thương mạch máu dẫn tới không lưu thông tuần hoàn máu đến tay chân được. Do đó, ở những giai đoạn đầu của bệnh, bệnh nhân thường có cảm giác thấy lạnh, sưng bàn tay bàn chân, đỏ, sau đó dần tái nhợt rồi chuyển dần sang xanh đến tím nhạt do máu bị ứ tắc lại ở vùng thấp của các chi.
- Đau là biểu hiện thường gặp và cũng là triệu chứng chính của bệnh do sự tắc nghẽn gây ra. Có thể xuất hiện cơn đau cách hồi ở chân khi bệnh nhân di chuyển, vận động, đặc biệt là khi đi bộ, nhưng nghỉ ngơi thì hết đau.
- Khi bệnh tiến triển nặng, bệnh nhân sẽ bị đau ngay cả khi nghỉ ngơi, đau tăng vào ban đêm.
- Có thể thấy ngứa râm ran ở bàn tay bàn chân, ngứa tăng khi trời lạnh.
- Bệnh kéo dài, vùng thấp của chi bị mất dần sự nuôi dưỡng dẫn tới tê bì, đau như bị kim châm, dần dần bị loạn dưỡng teo cơ, rối loạn cảm giác thậm chí là mất cảm giác, tím đen rồi loét, nhiễm trùng, hoại tử mô không phục hồi thậm chí có thể gây nhiễm trùng huyết, nguy hiểm đến tính mạng.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây bệnh Buerger đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, qua các nghiên cứu thực tế từ số liệu các ca lâm sàng, người ta chỉ ra rằng bệnh Buerger chủ yếu xảy ra ở những người hút thuốc lá. Trong thuốc lá có chứa hàm lượng lớn chất nicotin mà bệnh Buerger lại là một bệnh tự miễn được kích hoạt bởi chính nicotin có trong thuốc lá.
Theo cơ chế bảo vệ cơ thể của chúng ta, khi bị các tác nhân bên ngoài xâm nhập và gây hại, cơ thể sẽ tiết ra các kháng thể để tiêu diệt, chống lại tác nhân có hại. Tuy nhiên, trong các bệnh lý về miễn dịch, cơ thể lại sản xuất ra kháng thể để tấn công chính các tế bào của mình. Do đó, ở những người bệnh Buerger, càng hút thuốc lá thì bệnh càng diễn biến xấu, trở nên tồi tệ hơn.
Đối tượng nguy cơ
- Yếu tố nguy cơ lớn nhất đối với bệnh Buerger là hút thuốc lá, sử dụng xì gà và thuốc lá nhai hoặc sử dụng bất kỳ sản phẩm thuốc lá nào. Ở những quốc gia có ít người hút thuốc lá thì bệnh Buerger rất hiếm. Trong số 100.000 người ở Mỹ thì chỉ có từ 12 đến 20 người mắc bệnh này. Các quốc gia khác sử dụng nhiều thuốc lá hơn có nhiều trường hợp mắc bệnh Buerger hơn. Tỷ lệ mắc bệnh Buerger cao nhất ở các khu vực Địa Trung Hải, Trung Đông và Châu Á, nơi phổ biến hút thuốc lá.
- Sử dụng cần sa trong thời gian dài cũng làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về mạch máu tương tự như bệnh Buerger.
- Các yếu tố nguy cơ khác:
- Nam giới dưới 45 tuổi.
- Nhiễm trùng nướu răng lâu dài.
Chẩn đoán bệnh Buerger
Bác sĩ sẽ hỏi về triệu chứng và dấu hiệu, thăm khám tình trạng tay chân và chỉ định một số xét nghiệm để hướng đến chẩn đoán và phân biệt bệnh Buerger với những bệnh lý khác. Các xét nghiệm này có thể bao gồm:
- Xét nghiệm máu: Có thể giúp loại trừ bệnh xơ cứng bì, lupus, các rối loạn đông máu, đái tháo đường…
- Dấu hiệu Allen: Bệnh nhân nắm chặt bàn tay. Bác sĩ dùng bàn tay mình siết chặt cổ tay người bệnh. Sau đó, bệnh nhân mở lòng bàn tay và bác sĩ cũng buông tay mình khỏi cổ tay bệnh nhân. Dựa trên thời gian phục hồi màu sắc ở bàn tay bệnh nhân, sơ bộ có thể đánh giá lưu lượng của các mạch máu. Máu đến bàn tay một cách chậm chạp là dấu hiệu gợi ý cho bệnh Buerger.
- Siêu âm Doppler mạch máu để có những đánh giá ban đầu về tình trạng mạch máu tay chân của người bệnh.
- Chụp động mạch: còn gọi là chụp mạch máu, giúp thầy thuốc hiểu rõ tình trạng của các động mạch. Bác sĩ tiêm cản quang vào động mạch sau đó chụp X-quang hoặc dùng các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác như chụp cắt lớp vi tính đa lát cắt (MSCT), chụp động mạch xóa nền kỹ thuật số (DSA). Các chỗ tắc nghẽn trong lòng động mạch sẽ được phát hiện ngay.
Phòng ngừa bệnh Buerger
Có nhiều biện pháp có thể giúp giảm nhẹ triệu chứng cho những bệnh nhân bệnh Buerger. Bao gồm:
- Mặc ấm và tránh nơi lạnh vì nhiệt độ thấp có thể làm cho các triệu chứng nặng hơn.
- Đi giày dép vừa vặn để giúp ngăn ngừa chấn thương. Không đi chân đất.
- Tập thể dục nhẹ nhàng có thể giúp cải thiện sự lưu thông máu ở tay và chân.
- Massage nhẹ nhàng và làm ấm cũng có thể giúp tăng cường lưu thông máu trong cơ thể.
- Tránh ngồi hoặc đứng ở một vị trí trong thời gian dài.
- Tránh mặc quần áo bó sát.
- Điều trị đơn giản và quan trọng nhất của bệnh Buerger là ngừng hút thuốc lá. Thậm chí hút một điếu thuốc một ngày cũng làm bệnh diễn biến nặng hơn. Phản ứng viêm sẽ ngừng lại khi ngừng hút thuốc. Đa số bệnh nhân bỏ được thuốc lá kịp thời sẽ tránh được nguy cơ bị cắt cụt chi về sau này.
Điều trị bệnh Buerger như thế nào?
Không có cách nào chữa khỏi hẳn bệnh Buerger. Vì vậy, mục đích của điều trị là ngăn chặn căn bệnh tiến triển thêm và kiểm soát các triệu chứng. Các biện pháp sau đây có thể là hữu ích:
- Ngưng hút thuốc lá
Ngừng hút thuốc là cách điều trị duy nhất được biết là có hiệu quả. Bệnh Buerger có thể trở nên ”yên lặng” khi bỏ thuốc lá. Ngoài ra còn có một số bằng chứng từ các nghiên cứu gợi ý rằng bệnh nhân nên tránh khói thuốc lá (hút thuốc thụ động).
- Thuốc
Với bệnh nhân Buerger thì bất cứ nhiễm trùng da bàn tay và bàn chân nào cũng cần được điều trị kịp thời bằng thuốc kháng sinh. Nhiễm trùng da có thể xảy ra do loét da hoặc sau một chấn thương nhỏ.
Thuốc giảm đau bao gồm các loại thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs), hoặc đôi khi là các loại thuốc mạnh hơn như thuốc chứa codein có thể được sử dụng khi cần thiết.
- Phẫu thuật
Việc phẫu thuật nhằm thay thế các động mạch bị tắc thường rất khó thực hiện. Tuy nhiên, các kỹ thuật mới nhằm khai thông động mạch riêng lẻ ở các ngón tay hoặc ngón chân cho thấy có nhiều triển vọng.
Nếu người bệnh tiếp tục hút thuốc, sự tắc nghẽn mạch máu sẽ nghiêm trọng hơn. Loét và hoại tử sẽ hình thành và tiến triển, đòi hỏi phải phẫu thuật để cắt bỏ ngón tay hoặc ngón chân. Một số người cần phải cắt cụt cao hơn (ví dụ, toàn bộ bàn chân, hoặc cẳng chân).
Phẫu thuật cũng có thể được chỉ định để kiểm soát cơn đau ở một số bệnh nhân. Việc cắt dây thần kinh chi phối các khu vực bị ảnh hưởng (surgical sympathectomy, phẫu thuật cắt thần kinh giao cảm) có thể giúp kiểm soát cơn đau. Kỹ thuật này vẫn chưa thành công lắm nên một phương pháp khác – cắt các dây thần kinh xung quanh các động mạch nuôi dưỡng các ngón tay hoặc ngón chân – đã được phát triển.