Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Bướu hoạt dịch cổ tay là gì? Những điều cần biết về bướu hoạt dịch cổ tay
Bướu hoạt dịch cổ tay, hay còn gọi là u bao hoạt dịch cổ tay, là một tình trạng phổ biến gây ra sự khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của nhiều người. Hiểu rõ về bệnh này sẽ giúp bạn có biện pháp phòng ngừa và điều trị hiệu quả.
Tổng quan chung
Bướu bao hoạt dịch cổ tay là gì?
Bao khớp gồm có 2 lớp là màng hoạt dịch và màng xơ. Màng hoạt dịch bao phủ mặt trong của bao khớp và cùng với các mặt của khớp tạo nên ổ khớp. Màng hoạt dịch tiết ra chất dịch dính chặt gọi là hoạt dịch có tác dụng cung cấp chất dinh dưỡng cho các mô bên trong ổ khớp và bôi trơn bề mặt khớp, giúp duy trì tính bền vững của khớp.
Khi áp lực bên trong bao khớp tăng lên có thể gây ra các thay đổi như thoát vị bao hoạt dịch ra ngoài ổ khớp. Tình trạng này gọi là Bướu bao hoạt dịch, thường ở chính giữa khớp và to ra tại vị trí lỏng lẻo của bao khớp.
Bướu hoạt dịch cổ tay là các khối u lành tính phát triển từ bao hoạt dịch ở khớp cổ tay. Chúng chứa đầy dịch hoạt dịch, một chất lỏng nhớt giúp bôi trơn khớp. Mặc dù không gây nguy hiểm đến tính mạng, bướu hoạt dịch cổ tay có thể gây ra đau đớn và hạn chế vận động nếu không được xử lý kịp thời.
Bướu hoạt dịch cổ tay xuất phát từ bao gân hoặc bao khớp, thường thấy ở mặt lưng cổ tay. Tuy nhiên, bướu bao hoạt dịch cổ tay cũng có thể thấy ở nhiều vị trí khác như mặt lòng cổ tay, bên trụ hay bên quay. Bệnh nhân phát hiện nang bao hoạt dịch khi thấy một khối lồi lên ở tư thể gấp cổ tay tối đa. Khối này không đau và nếu kích thước nhỏ hơn 2cm thì có thể biến mất khi cổ tay duỗi thẳng. Một số bướu bao hoạt dịch cổ tay có thể tự biến mất mà không cần điều trị gì.
Triệu chứng bướu hoạt dịch cổ tay
Triệu chứng của bướu hoạt dịch cổ tay bao gồm:
- Khối u xuất hiện ở cổ tay: Một hoặc nhiều khối u mềm, có thể nhìn thấy rõ dưới da.
- Đau đớn: Đau ở vùng cổ tay, đặc biệt khi cử động hoặc áp lực lên khối u.
- Hạn chế vận động: Khó khăn trong việc cử động cổ tay hoặc cầm nắm đồ vật.
- Sưng và cứng cổ tay: Sưng quanh khớp cổ tay, cảm giác cứng và không linh hoạt.
Kích thước bướu không phải là yếu tố gây ra triệu chứng đau của bệnh nhân, vì có những bướu tuy nhỏ không nổi lên da nhưng lại gây đau nhiều hơn các bướu lớn. Những tình huống này thường khó khăn để chẩn đoán và dễ nhầm với một viêm khớp dẫn đến điều trị sai hướng.
Nguyên nhân
Cho đến nay vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân gây ra bướu hoạt dịch cổ tay. Tuy nhiên, tình trạng lỏng lẻo bao khớp hay các yếu tố kích thích màng hoạt dịch tăng tiết sẽ làm dịch khớp thoát ra ngoài dẫn đến hiện tượng thoát vị bao hoạt dịch mà biểu hiện lâm sàng là khối nhô lên vùng cổ tay. Bướu hoạt dịch cổ tay có thể hình thành do cử động khớp cổ tay nhiều như:
- Chơi thể thao cần dùng sức mạnh cổ tay (bóng chuyền, bóng rổ,…) mà không khởi động kỹ.
- Chấn động cổ tay lặp đi lặp lại ở những người nội trợ làm giãn bao khớp.
- Tiền sử chấn thương cổ tay dẫn đến bong gân cổ tay.
- Viêm khớp: Các tình trạng viêm khớp mạn tính.
Yếu tố nguy cơ
Những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh bao gồm:
- Vận động viên: Đặc biệt là những người chơi các môn thể thao sử dụng cổ tay nhiều như tennis, cầu lông.
- Người lao động tay chân: Những người làm việc liên quan đến nâng, kéo, hoặc đẩy vật nặng.
- Người làm việc văn phòng: Người thường xuyên sử dụng máy tính và chuột.
- Người từng bị chấn thương: Những người từng bị chấn thương ở cổ tay hoặc có tiền sử thoái hóa khớp cổ tay, bong gân cổ tay, viêm khớp dạng thấp, bị gút.
- Người già (trên 65 tuổi).
Chẩn đoán
Bác sĩ sẽ chẩn đoán dựa vào triệu chứng lâm sàng, khi cần thiết bác sĩ sẽ cần can thiệp thêm các hình thức khác.
Chẩn đoán hình ảnh
- Chụp phim X – quang để loại trừ gãy xương, u xương.
- Siêu âm khớp cổ tay để phân biệt nang hoạt dịch với các khối u mô mềm khác như u mỡ, bướu bã.
- Với những nang hoạt dịch nhỏ không nhìn thấy hay sờ thấy được thì cần phải chỉ định chụp MRI để chẩn đoán xác định.
Phòng ngừa bệnh
Phương pháp dự phòng bướu hoạt dịch cổ tay
Để giảm nguy cơ mắc bướu hoạt dịch cổ tay, bạn cần lưu ý những vấn đề sau:
- Hạn chế chấn thương vùng cổ tay bằng cách khởi động kỹ trước khi chơi, dùng băng chun hoặc bó cổ tay trong khi chơi thể thao
- Tập các bài tập vận động cổ tay nhẹ nhàng, giúp tăng cường sức mạnh và sự linh hoạt của khớp.
- Thực hiện các bài tập giãn cơ: Giúp tăng cường độ linh hoạt và sức mạnh của cơ và khớp.
- Sử dụng thiết bị hỗ trợ: Như băng đai cổ tay khi tham gia các hoạt động có nguy cơ cao.
- Nghỉ ngơi khi cổ tay bị đau nhức, tránh vận động quá mức.
- Giữ cổ tay ở vị trí trung hòa khi làm việc hoặc sử dụng các thiết bị điện tử.
- Ăn uống khoa học, đầy đủ chất dinh dưỡng và duy trì mức cân nặng ổn định.
- Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các bệnh lý có thể dẫn đến nang bao hoạt dịch cổ tay như viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp.
- Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ để điều trị các bệnh lý nền.
Điều trị như thế nào?
Bướu hoạt dịch cổ tay tuy lành tính nhưng có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động khớp cổ tay cũng như thẩm mỹ. Điều trị bướu hoạt dịch cổ tay cũng tuỳ thuộc vào mức độ ảnh hưởng của nang lên sinh hoạt hằng ngày. Các biện pháp điều trị bao gồm:
- Theo dõi và không xử trí gì đối với những bướu hoạt dịch không gây phiền phức hay ảnh hưởng gì tới sinh hoạt của người bệnh.
- Bất động khớp cổ tay, cử động khớp cổ tay nhiều có thể làm thoát vị bao hoạt dịch nhiều hơn, tăng kích thước của bướu nên dùng nẹp cố định cổ tay để hạn chế vận động. Bất động cổ tay sẽ giúp giảm đau hiệu quả nhất là với những bướu gây chèn ép thần kinh.
- Chọc hút dịch trong bướu nếu bướu hoạt dịch lớn gây đau hay hạn chế vận động khớp cổ tay. Tuy nhiên, bướu hoạt dịch cổ tay có thể tái phát sau một thời gian ngắn. Khi đó, phương pháp phẫu thuật sẽ được xem xét.
Nếu không đáp ứng với các phương pháp trên thì điều trị bướu hoạt dịch cổ tay chủ yếu là phẫu thuật cắt bỏ nang và phục hồi cấu trúc bao khớp bằng cách khâu lại phần cuống thông với khớp. Sau phẫu thuật cần cố định khớp cổ tay ít nhất 2 – 3 tuần mới có thể cử động trở lại. Tuy nhiên, với bản chất lành tính, không ảnh hưởng tới sức khoẻ và tỷ lệ tái phát cao nên chỉ định phẫu thuật của nang hoạt dịch chỉ khi nang chèn ép thần kinh hoặc gây mất thẩm mỹ.
Bướu hoạt dịch cổ tay là một tình trạng phổ biến nhưng có thể được quản lý hiệu quả nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Việc duy trì lối sống lành mạnh, thực hiện các bài tập giãn cơ, và sử dụng kỹ thuật đúng trong hoạt động hàng ngày là cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh. Nếu bạn gặp phải các triệu chứng như đau hoặc sưng ở cổ tay, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời. Chúc bạn luôn khỏe mạnh và năng động!