Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Chuyển dạ đình trệ là gì? Những điều cần biết về chuyển dạ đình trệ
Chuyển dạ đình trệ là một nỗi ám ảnh của sản phụ trong quá trình chuyển dạ, có thể mang đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về Chuyển dạ đình trệ là gì? qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Chuyển dạ đình trệ hay còn gọi là chuyển dạ ngưng tiến triển được hiểu là sự kéo dài thời gian chuyển dạ. Thời gian chuyển dạ vượt quá thời gian thai nhi được chỉ định ra đời, kèm theo đó là nhiều biến chứng đối với thai phụ và em bé.
Đối với thai nhi, tăng tỷ lệ suy thai, ngạt thai, chết thai do bị thiếu oxy. Trẻ có thể bị di chứng do sang chấn sọ não. Tăng tỷ lệ sử dụng kẹp hoặc giác hút chân không để lấy thai. Nguy cơ nhiễm trùng huyết. Ngoài ra còn có một số biến chứng ảnh hưởng đến em bé suốt đời như bại não, bệnh não thiếu oxy do thiếu máu cục bộ và rối loạn co giật. Đối với mẹ sẽ có nguy cơ bị vỡ tử cung, băng huyết. Nguy cơ dễ bị mắc các chấn thương trong quá trình sinh nở của mẹ như: rách cổ tử cung, rách thành âm đạo, nhiễm trùng hậu sản.
Triệu chứng
Các dấu hiệu của chuyển dạ đình trệ:
- Pha tiềm tàng kéo dài quá 8 giờ, pha tích cực kéo dài quá 7 giờ.
- Khám thấy độ lọt của ngôi không tiến triển.
- Xuất hiện các dấu hiệu chồng khớp sọ, bướu huyết thanh.
- Đường mở cổ tử cung cắt sang bên phải đường báo động trên biểu đồ chuyển dạ.
- Cổ tử cung ngừng tiến triển luôn là dấu hiệu của chuyển dạ đình trệ.
- Suy thai, cơn co tử cung mau (trên 5 cơn trong 10 phút), có vòng Bandl.
Chú ý: Không phải trường hợp chuyển dạ đình trệ nào cũng có đủ các dấu hiệu trên.
Nguyên nhân
Chuyển dạ đình trệ là một cuộc sinh khó không được phát hiện sớm. Tuy nhiên, dựa trên mặt biểu hiện có thể chia thành 2 nguyên nhân chính:
Chuyển dạ đình trệ do mẹ bầu
- Chuyển dạ đình trệ do người mẹ có khiếm khuyết ở khung xương chậu tử cung bất thường khiến thai nhi không nằm lọt xuống vị trí phù hợp và làm quá trình chuyển dạ mất nhiều thời gian.
- Những mẹ bầu có tiền sử bị bệnh lao, bại liệt hay chấn thương để lại di chứng ở khu vực sinh sản đều có nguy cơ chuyển dạ đình trệ rất cao.
Tình trạng thành tử cung co bóp không đồng nhất, người mẹ bị bệnh u xơ tử cung, u nang buồng trứng đều ngăn cản quá trình chuyển dạ khi sinh nở.
Chuyển dạ đình trệ do thai nhi
- Nguyên nhân chuyển dạ đình trệ do thai nhi có các bất thường ngôi thai ở các vị trí trán, mông, mặt, vai,….và không thể tự di chuyển về phía xương chậu.
- Thai nhi bất thường như bị não úng thủy, bụng cóc,…cũng là nguyên nhân làm quá trình chuyển dạ đình trệ.
- Cân nặng thai nhi vượt mức 3,5kg thì khả năng các mẹ chuyển dạ sẽ lâu hơn và sinh con khó khăn hơn, bên cạnh đó khi thai nhi có dây rốn khá ngắn cũng sẽ phát sinh chuyển dạ đình trệ hoặc chuyển dạ kéo dài hơn.
Đối tượng nguy cơ
Đối tượng nguy cơ chuyển dạ kéo dài là:
- Mẹ bầu bị béo phì thường có kích thước thai nhi lớn hơn bình thường, nhất là đi kèm với cao huyết áp hoặc tiểu đường thai kỳ khiến sức khỏe thể chất của mẹ yếu hơn. Béo phì cũng khiến mỡ tích tụ nhiều hơn quanh khu vực âm đạo, khả năng giãn nở kém nên quá trình chuyển dạ cũng diễn ra chậm hơn.
- Không chỉ mẹ bầu béo phì mà những mẹ quá gầy, dinh dưỡng kém trong thai kỳ cũng thường có thời gian chuyển dạ lâu hơn bình thường. Hơn nữa những mẹ này cũng dễ gặp biến chứng sản khoa hơn, hãy chú ý hơn đến chế độ dinh dưỡng và chăm sóc cơ thể.
- Độ tuổi sinh con tốt nhất của phụ nữ là từ 20 – 30 tuổi, việc mang thai lần đầu khi trên 35 tuổi thường khiến mẹ gặp phải nhiều vấn đề về sức khỏe. Trong đó nguy cơ chuyển dạ kéo dài hay sinh khó cũng cao hơn.
Chẩn đoán
Chẩn đoán chuyển dạ đình trệ
Dựa vào biểu đồ chuyển dạ:
- Đường mở cổ tử cung sang phía phải của đường báo động (sớm) hoặc cắt đường hành động (muộn).
- Cơn co tử cung với tần số 3 cơn/10 phút mà sau 4 giờ không có tiến triển về độ lọt.
Dựa vào lâm sàng:
- Đầu có hiện tượng chồng xương, bướu huyết thanh
- Thường kèm suy thai
- Người mẹ có biểu hiện mất nước, toan hóa (nước tiểu có acetone). Lượng nước tiểu theo dõi trong 4 giờ được dưới 100ml.
- Tùy thuộc chuyển dạ xuất hiện sớm hay muộn mà sẽ thấy tử cung kéo dài, vòng thắt xuất hiện, bàng quang căng, đại tràng phình.
Phòng ngừa bệnh
Trong quá trình mang thai, mẹ bầu có thể áp dụng những phương pháp dưới đây để hạn chế nguy cơ chuyển dạ kéo dài và các biến chứng do chuyển dạ kéo dài gây ra:
- Tránh cảm xúc lo âu, căng thẳng vì nếu mẹ bầu luôn giữ một tinh thần vui vẻ, thoải mái, tích cực sẽ giúp mẹ bầu duy trì một thai kỳ khỏe mạnh;
- Tạo dựng một lối sống lành mạnh, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn, vận động thể dục một cách nhẹ nhàng theo lời khuyên của bác sĩ;
- Thăm khám thai sản theo lịch hẹn định kỳ: các mẹ cần ghi nhớ các mốc khám thai quan trọng đồng thời đi khám đều đặn nhằm phát hiện sớm các bất thường và rủi ro khi mang thai. Từ đó giúp điều chỉnh kịp thời bằng cách thay đổi thói quen sinh hoạt, chế độ ăn sao cho hợp lý và can thiệp các biện pháp y khoa nếu cần thiết.
Điều trị như thế nào?
Nếu có dấu hiệu chuyển dạ sinh con và đến bệnh viện để được bác sĩ theo dõi tình trạng thì các bác sĩ sẽ có cách can thiệp phù hợp nếu ca sinh nở của mẹ bầu được chẩn đoán là chuyển dạ đình trệ.
Theo dõi thời gian từ lúc bắt đầu có dấu hiệu chuyển dạ đồng thời cảm nhận các cơn co thắt và nhịp tim thai đang diễn ra trong bụng.
Bác sĩ sau khi xem xét tình trạng mẹ bầu, nếu chưa đến thời điểm sinh thì mẹ vẫn ăn uống, nghỉ ngơi và vận động hợp lý.
Nếu trường hợp của mẹ là chuyển dạ tích cực thì ngay lập tức, bác sĩ sẽ hỗ trợ mẹ bằng các phương pháp giục sinh an toàn để thai nhi có đủ điều kiện sinh thường.
Nếu trường hợp của mẹ đặc biệt, ngôi thai nghịch hoặc tử cung bất thường thì bác sĩ sẽ tiến hành phương pháp mổ lấy thai để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.