Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Co giật là gì? Những điều cần biết về co giật
Co giật là triệu chứng nhất thời xảy ra do sự bất thường ở não bộ làm kích thích nhóm tế bào thần kinh vỏ não cùng một lúc gây phóng điện đột ngột, không thể kiểm soát kịp gây ra những cơn co giật. Có nhiều nguyên nhân gây nên triệu chứng co giật. Vậy các bệnh lý co giật gồm những loại nào? Bài viết sẽ giúp bạn đọc tìm ra câu trả lời.
Co giật là triệu chứng nhất thời xảy ra do sự bất thường ở não bộ
Tổng quan chung
Co giật là một rối loạn thần kinh thường gặp ở trẻ em, tần suất 3 – 5%. Co giật không phải là một bệnh mà chỉ là triệu chứng của một bệnh lý thần kinh nào đó cần được khảo sát kỹ nhằm có kế hoạch điều trị thích hợp.
Co giật được định nghĩa là rối loạn chức năng não kịch phát không tự ý, có thể có biểu hiện gồm giảm hay mất tri giác, hoạt động vận động bất thường, rối loạn hành vi, rối loạn cảm giác, rối loạn hệ thần kinh tự chủ.
Triệu chứng
Các triệu chứng co giật thường rất dễ phát hiện:
- Thiếu tỉnh táo
- Mất ý thức
- Mắt đảo ngược
- Mặt chuyển sang đỏ hoặc tái xanh
- Thay đổi nhịp thở, kiểu thở
- Co cứng tay, chân hoặc toàn bộ cơ thể
- Cánh tay, chân, cơ thể hoặc đầu co giật
- Không kiểm soát được hành vi
- Không phản ứng với các tác nhân từ bên ngoài
Những triệu chứng này thường kéo dài từ vài giây đến vài phút hoặc hơn. Một vài trẻ có thể cáu kỉnh sau cơn co giật do sốt và một số khác sẽ chìm vào giấc ngủ sâu kéo dài khoảng 1 tiếng đồng hồ.
Nguyên nhân
Co giật có nguyên nhân thúc đẩy
Có sốt:
- Nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương: viêm não, viêm màng não, sốt rét thể não, áp-xe não.
- Co giật trong lỵ, viêm dạ dày ruột.
- Khác: sốt co giật trong các bệnh nhiễm trùng như viêm tai giữa, viêm phổi, nhiễm trùng tiểu, nhiễm trùng hô hấp trên.
Không sốt:
- Nguyên nhân tại hệ thần kinh trung ương:
- Chấn thương sọ não.
- Xuất huyết não-màng não: thiếu vitamin K, rối loạn đông máu, vỡ dị dạng mạch máu não.
- Thiếu oxy não.
- U não.
- Nguyên nhân ngoài hệ thần kinh trung ương:
- Rối loạn chuyển hóa: tăng hay hạ đường huyết, thiếu vitamin B1, B6.
- Rối loạn điện giải: tăng hay giảm Na+, giảm Ca++, giảm Mg++ máu.
- Ngộ độc: phospho hữu cơ, thuốc diệt chuột, kháng histamin.
- Tăng huyết áp.
Co giật không có nguyên nhân thúc đẩy:
Cơn co giật tái phát và không có nguyên nhân thúc đẩy thì có thể hướng đến nguyên nhân co giật là do động kinh.
Đối tượng nguy cơ
Ai cũng có nguy cơ mắc phải chứng co giật, có thể quan tâm đến một số đối tượng sau:
- Người có tiền sử mắc bệnh động kinh
- Người từng bị chấn thương đầu
- Người hay bị hạ Canxi máu, hạ đường huyết,…
Chẩn đoán
Bác sĩ sẽ hỏi thăm về tiền sử bệnh và các triệu chứng biểu hiện và cho người bệnh làm những xét nghiệm cần thiết bao gồm:
- Xét nghiệm máu và nước tiểu để kiểm tra nhiễm trùng não hoặc sự hiện diện của các chất độc hại trong não bộ
- Xem xét EEG (điện não đồ) để kiểm tra hoạt động trong não
- Sử dụng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp MRI (cộng hưởng từ) hoặc CT não (chụp cắt lớp vi tính sọ não)
Phòng ngừa tái phát bệnh
Người bệnh nên lưu ý một số điều sau đây để chăm sóc bản thân, phòng ngừa co giật tái phát như:
- Nếu người bệnh có tiền sử bệnh co giật cần tuân thủ uống thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, không tự ý bỏ liều hoặc ngừng thuốc.
- Ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi trong các bữa ăn hàng ngày.
- Bổ sung các loại thực phẩm giàu protein, canxi như: thịt nạc, tôm, cua, cá, trứng…
- Hạn chế uống rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích khác.
- Ngủ đúng giờ, đủ giấc, tránh căng thẳng mệt mỏi.
- Tập thể dục thể thao thường xuyên phù hợp với tình trạng sức khỏe giúp tăng cường sức đề kháng, thư giãn tinh thần.
- Với trẻ nhỏ có tiền sử co giật do sốt cao, cần hạ nhiệt độ cho trẻ khi sốt.
Điều trị như thế nào?
Điều trị cắt cơn
Chủ yếu là dùng thuốc, các thuốc diazepam, phenytoin hoặc phenobarbital là các lựa chọn hàng đầu để cắt cơn co giật.
Điều trị nguyên nhân
Thuốc:
- Truyền Glucose hoặc Natri clorid: đối với các trường hợp rối loạn đường huyết, điện giải.
- Thuốc chống động kinh: cho các trường hợp động kinh
- Kháng sinh: đối với các trường hợp Nhiễm trùng thần kinh trung ương
- Thuốc an thần: dành cho các trường hợp hysteria, rối loạn thần kinh thực vật
Phẫu thuật: Thường áp dụng cho u não, xuất huyết não gây tăng áp nội sọ, não úng thủy…
Các phương pháp khác:
- Chế độ ăn ceton dành cho người bị động kinh
- Thiền: đặc biệt hiệu quả đối với người bị co giật do Rối loạn thần kinh thực vật, Hysteria
Co giật xảy ra có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau bao gồm rất nhiều biến thể, trong đó phổ biến nhất là co giật toàn thân. Để phòng tránh những biến chứng nghiêm trọng do co giật gây ra nên đưa người bệnh đến trung tâm y tế hoặc bệnh viện gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.