Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Cúm A là gì? Những điều cần biết về cúm A
Dịch cúm A là một loại cúm mùa, có những triệu chứng tương tự như các loại cúm thông thường, nhưng có biến chứng nguy hiểm hơn nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Vậy chúng ta cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan chung
Cúm là một bệnh nhiễm virus cấp tính đường hô hấp. Virus cúm lây nhiễm ở người có thể được phân thành ba nhóm chính: A, B và C. Nhiễm cúm loại A có thể nghiêm trọng và gây ra đại dịch bệnh trên diện rộng, một số trường hợp nhẹ hơn, cúm có thể tự khỏi mà không có triệu chứng đáng kể, các trường hợp nghiêm trọng của cúm loại A có thể đe dọa đến tính mạng.
Cúm A thường xuất hiện nhiều hơn trong các dịch bệnh cúm mùa và gây ra các đại dịch vì virus cúm A có khả năng thay đổi và phân nhóm nhanh tạo ra các chủng mới từ mùa cúm này sang mùa cúm khác. Việc tiêm phòng cúm trong quá khứ sẽ không ngăn ngừa nhiễm trùng từ một chủng mới.
Các loại chim hoang dã là vật chủ tự nhiên của virus loại A, nên nó còn được gọi là cúm gia cầm. Virus cúm A có thể lây lan trên động vật và con người.
Hiện có rất nhiều chủng virus cúm A đang lưu hành trên toàn cầu, trong đó phổ biến nhất là các chủng A/H1N1, A/H5N1, A/H3N2, A/H7N9.
Triệu chứng
Các dấu hiệu của cúm A thường xuất hiện đột ngột và dễ nhận biết như ho, chảy mũi, nghẹt mũi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, hắt hơi, đau họng, đau nhức cơ thể. Đôi khi các triệu chứng này tự hết mà không cần điều trị đặc biệt. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng kéo dài nhiều ngày mà không cải thiện, bạn cần đến gặp ngay bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời tránh các biến chứng.
Bệnh nhân cúm A diễn biến nặng có thể gây nhiễm trùng tai, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, ho khan, sốt cao gây co giật, tức ngực, viêm phổi và gây nặng lên các vấn đề về tim mạch.
Rất khó phân biệt sốt do cúm A với sốt do nhiễm virus khác, nhưng các trường hợp sốt cao do cúm A thường kéo dài hơn. Đối với những người có hệ miễn dịch yếu như người lớn tuổi, trẻ em, phụ nữ có thai thì cần theo dõi kĩ vì trong một số trường hợp biến chứng của cúm A có thể gây tử vong.
Nguyên nhân cúm A
Dịch cúm A là một loại bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Khi một người bị nhiễm virus cúm A ho, hắt hơi hoặc nói chuyện, các giọt chứa virus có thể bay ra và lây nhiễm cho người khác qua việc hô thở hoặc tiếp xúc với các vật có chứa virus.
Ngoài ra, người có thể bị nhiễm cúm A khi:
- Sử dụng chung đồ dùng sinh hoạt với người bệnh (ly, chén, muỗng, khăn, quần áo,…) hoặc vô tình chạm vào các bề mặt trong nhà (nắm cửa, bàn, ghế,…) rồi chạm tay lên mũi, miệng.
- Tiếp xúc với động vật nhiễm cúm như lợn, ngựa, gia cầm,…
- Tiếp xúc trong môi trường đông người như trường học, công viên, nơi làm việc,… cung cấp điều kiện cho virus lây lan nhanh chóng.
Đối tượng nguy cơ mắc cúm A
Bất cứ ai cũng có thể lây nhiễm virus cúm khi vào mùa. Vậy nên, việc tìm hiểu cúm A là gì và cách phòng tránh như thế nào là điều vô cùng cần thiết. Trên thực tế, có những đối tượng dễ bị lây nhiễm loại virus này hơn. Đó là:
- Trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 5 tuổi, sức đề kháng chưa hoàn thiện.
- Người già, nhất là người trên 65 tuổi sức đề kháng kém.
- Phụ nữ trong giai đoạn mang thai.
- Những bệnh nhân đang bị suy giảm miễn dịch.
- Người thừa cân béo phì.
- Những người có bệnh lý mạn tính, khả năng đề kháng kém, dễ nhiễm bệnh (như: người bị HIV/AIDS, ung thư, bệnh hen, phổi mãn tính, tim mạch,…).
Chẩn đoán người mắc cúm A
Các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán cúm A thường là nuôi cấy virus, chẩn đoán huyết thanh học, xét nghiệm nhanh phát hiện kháng nguyên, phản ứng chuỗi men RT-PCR, miễn dịch huỳnh quang.
- RT-PCR: Đây là phương pháp khá chuẩn xác để kiểm tra và phân loại virus cúm. Đối với phương pháp này trong vòng 4-6 giờ cho kết quả chính xác nhất. Hiện tại thường dùng xét này để chẩn đoán nhiễm cúm .
- Miễn dịch huỳnh quang: Có hiệu quả thấp hơn RT-PCR nhưng cho kết quả nhanh chỉ sau vài giờ nhận mẫu bệnh phẩm.
- Xét nghiệm nhanh (RIDTs): Có kết quả sau 10-15 phút nhưng không chính xác như các loại xét nghiệm cúm khác, do đó khi xét nghiệm cho kết quả âm tính, người bệnh vẫn có thể bị cúm. Thêm nữa, hiệu suất xét nghiệm còn tùy thuộc vào độ tuổi, thời gian mắc bệnh và chủng virus.
- Phân lập virus: Tuy không phải xét nghiệm sàng lọc, nhưng trong thời gian bệnh cúm hoạt động nên thực hiện trên những mẫu bệnh phẩm có được, thường ít làm trên lâm sàng vì đòi hỏi phòng vi sinh hiện đại.
- Xét nghiệm huyết thanh: Phục vụ cho mục đích nghiên cứu, thường không phổ biến để phát hiện virus cúm ở người nhằm điều trị bệnh.
Độ nhạy và đặc hiệu của các xét nghiệm còn tùy thuộc vào phòng xét nghiệm, loại xét nghiệm sử dụng, loại bệnh phẩm và chất lượng bệnh phẩm. Bên cạnh các xét nghiệm đó, việc chẩn đoán bệnh còn dựa trên các dấu hiệu lâm sàng và đặc điểm dịch tễ học.
Phòng ngừa bệnh cúm A
Để phòng ngừa dịch cúm A, có nhiều biện pháp mà bạn có thể thực hiện, đặc biệt là đối với trẻ em và người lớn. Dưới đây là những biện pháp được khuyến nghị bởi Bộ Y tế:
- Kiểm tra và chẩn đoán: Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc cúm, hãy đến cơ sở y tế để được kiểm tra và chẩn đoán chính xác bệnh. Từ đó, có thể áp dụng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho những người xung quanh.
- Vệ sinh cá nhân cẩn thận: Hãy thường xuyên rửa tay bằng dung dịch cồn hoặc xà phòng tiệt trùng sau khi tiếp xúc với đồ vật hoặc khi đi đến nơi công cộng. Hạn chế tiếp xúc với người nghi mắc cúm và tránh tập trung nơi đông người trong mùa dịch.
- Vệ sinh nơi ở và nơi làm việc: Sử dụng dung dịch sát khuẩn để lau vệ sinh nơi ở và nơi làm việc. Hãy mở cửa sổ để có không gian thông thoáng.
- Tăng cường sức đề kháng: Thực hiện việc tập luyện thể dục, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và sinh hoạt hợp lý để tăng cường hệ miễn dịch.
- Tiêm vắc xin cúm: Hãy đảm bảo tiêm đủ và đúng lịch vắc xin cúm, đặc biệt là đối với những người có nguy cơ cao mắc cúm cần được tiêm phòng trước mùa dịch.
Điều trị như thế nào?
Trong một số trường hợp, các triệu chứng cúm A có thể tự khỏi khi được nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Tuy nhiên, tùy vào mức độ, tình trạng của bệnh nhân, bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng virus để chống lại nhiễm trùng như: Zanamivir (Relenza), Oseltamivir (Tamiflu), Peramivir (Rapivab).
Những loại thuốc này được dùng để làm giảm khả năng virus cúm lây lan từ tế bào này sang tế bào khác và làm chậm quá trình lây nhiễm của nó. Mặc dù hiệu quả, nhưng chúng có thể gây ra tác dụng phụ như buồn nôn và nôn. Nếu bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng này hoặc tình trạng sức khỏe trở nên xấu đi thì nên ngừng sử dụng thuốc.
Điều trị bằng thuốc không kê đơn cũng có thể làm giảm các triệu chứng cúm. Tuy nhiên bệnh nhân cần chú ý cung cấp đủ nước và dinh dưỡng để tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể.
Hi vọng những chia sẻ trên sẽ giúp các bạn hiểu hơn về cúm A.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.