Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Đạm Niệu Là Gì? Triệu Chứng, Nguyên Nhân Và Cách Điều Trị Đạm Niệu
Đạm niệu, còn được gọi là protein niệu là loại bệnh liên quan đến hệ tiết niệu mà phần lớn do thận. Người bệnh cần điều trị bệnh ngay khi phát hiện, tránh tình trạng đạm niệu kéo dài sẽ là tăng cao nguy cơ bị suy thận mạn tính. Bài viết sau sẽ cung cấp những thông tin cần thiết về tình trạng đạm niệu.
Tổng quan chung đạm niệu
Đạm niệu là tình trạng protein xuất hiện bất thường trong nước tiểu, gây ra hiện tượng nước tiểu có nhiều bọt.
Protein này thường là albumin, một chất có trong huyết tương ở người, có vai trò ngăn chất lỏng đi ra ngoài mạch máu, đồng thời hỗ trợ duy trì sự ổn định của áp lực thẩm thấu keo. Bên cạnh đó, albumin cũng giúp liên kết và vận chuyển các chất trong cơ thể người.
Có thể xem albumin nói riêng và protein nói chung là chất quan trọng, giúp xây dựng mô cơ, chống nhiễm trùng. Tuy nhiên, protein phải ở trong máu để thực hiện chức năng của chúng. Khi protein bị lẫn vào bên trong nước tiểu thì đây là dấu hiệu cho thấy thận đang bị tổn thương và suy giảm chức năng.
Bệnh nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm có thể điều trị dứt điểm, nhưng người bệnh cũng cần ý thức duy trì sức khỏe thận ở mức ổn định bằng chế độ dinh dưỡng và lối sống phù hợp để phòng ngừa bệnh tái phát. Đối với đạm niệu kéo dài lâu ngày mà không được điều trị, tình trạng tổn thương ở thận sẽ nghiêm trọng hơn, không chỉ gây mất lượng protein đáng kể, mà lâu dần sẽ tăng cao nguy cơ bị suy thận mạn ở người.
Lượng protein trong nước tiểu của người khỏe mạnh là >150mg/ngày. Người bị đạm niệu sẽ có chỉ số protein lớn hơn 150mg/ngày. Cần lưu ý, nếu chỉ số này ở khoảng 3 – 3,5g/ngày thì đây là dấu hiệu của hội chứng thận hư.
Triệu chứng đạm niệu
Một số triệu chứng phổ biến của đạm niệu bao gồm:
- Nước tiểu có bọt: Điều này thường do lượng protein trong nước tiểu cao gây ra.
- Tăng tần suất đi tiểu bất thường
- Phù nề: Đặc biệt ở mặt, tay và chân. Điều này xảy ra khi cơ thể giữ lại nước do mất protein.
- Mệt mỏi: Do giảm chức năng thận và mất protein cần thiết cho cơ thể.
- Buồn nôn và ói mửa: Đặc biệt khi chức năng thận bị suy giảm nghiêm trọng.
- Chuột rút, thường xảy ra vào buổi tối.
Nguyên nhân đạm niệu
Nguyên nhân gây ra đạm niệu là sự tổn thương thận, ảnh hưởng đến chức năng lọc máu của thận. Những trường hợp này, người bệnh cần thực hiện điều trị theo chỉ định của bác sĩ ngay lập tức để ngăn ngừa bệnh ảnh hưởng đến thận nghiêm trọng hơn.
Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp lành tính, đạm niệu xuất hiện do thay đổi đột ngột từ cơ thể như vận động quá mức, sốt,… Tình trạng đạm niệu này là là tạm thời, có thể tự khỏi và không cần điều trị.
Những nguyên nhân gây ra đạm niệu bao gồm:
- Bệnh thận: Các bệnh như viêm cầu thận, thận hư, hoặc bệnh thận đa nang đều có thể dẫn đến đạm niệu.
- Tiểu đường: Đây là một nguyên nhân phổ biến của đạm niệu, đặc biệt là khi không kiểm soát được lượng đường trong máu.
- Cao huyết áp: Huyết áp cao có thể gây tổn thương các mạch máu trong thận, dẫn đến đạm niệu.
- Nhiễm trùng tiểu: Nhiễm trùng đường tiểu có thể làm tăng lượng protein trong nước tiểu.
- Mất nước: Đây là một nguyên nhân phổ biến và tạm thời của protein niệu. Khi cơ thể bị thiếu nước và lượng nước không được bù đủ, lượng dinh dưỡng đưa tới thận sẽ bị thiếu, điều này gây rối loạn tái hấp thu protein của thận, dẫn tới protein bị bài tiết qua nước tiểu, gây tình trạng protein niệu tạm thời.
- Sử dụng thuốc: Một số loại thuốc, chẳng hạn như NSAID, có thể gây đạm niệu khi sử dụng lâu dài.
Đối tượng nguy cơ đạm niệu
Đạm niệu có thể xảy ra ở mọi đối tượng thuộc bất kỳ độ tuổi nào. Tuy nhiên, một số nhóm đối tượng sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác. Những đối tượng dễ bị bệnh đạm niệu gồm:
- Người cao tuổi, trên 65 tuổi
- Người có từng bị các bệnh lý về thận
- Người có người thân trong gia đình bị bệnh thận hoặc có bệnh sử liên quan đến thận
- Người bệnh đái tháo đường có ảnh hưởng đến thận
- Người có bệnh lý hệ thống, có tổn thương thận( lupus ban đỏ)
- Người bệnh Tăng Huyết áp…
Yếu tố rủi ro tăng khả năng mắc bệnh
Yếu tố rủi ro tăng khả năng mắc bệnh đạm niệu cao nhất là các bệnh lý về thận hoặc bệnh đái tháo đường có ảnh hưởng đến thận.
Bởi vì đạm niệu được xem là một dấu hiệu của tình trạng tổn thương thận, những người có sức khỏe thận không ổn định, có bệnh sử về thận sẽ có rủi ro bị đạm niệu cao hơn những người khác.
Bên cạnh đó, những người có chế độ dinh dưỡng và lối sống không khoa học, tác động xấu đến thận như chế độ ăn quá mặn, nhiều muối, uống ít nước, có thói quen nhịn tiểu cũng có khả năng cao bị đạm niệu.
Chẩn đoán đạm niệu
Đối với tình trạng protein niệu, phương pháp chẩn đoán luôn được ưu tiên là xét nghiệm nước tiểu. Bác sĩ sẽ dùng một que có chứa hóa chất để nhúng vào bên trong mẫu nước tiểu. Nếu que đổi màu, điều này cho thấy chất thải tồn tại quá nhiều protein. Người bệnh đôi khi cần thực hiện xét nghiệm này nhiều lần để chẩn đoán thời gian tồn tại của protein.
Ngoài ra, nước tiểu cũng có thể được mang đi soi dưới kính hiển vi nhằm giúp phát hiện các vấn đề bất thường về thận, bao gồm: hồng cầu, bạch cầu, tinh thể, vi khuẩn… Một số xét nghiệm khác đối khi cũng được chỉ định, chẳng hạn như:
- Xét nghiệm máu: Đo các chỉ số chức năng thận và xác định nguyên nhân gây đạm niệu.
- Siêu âm thận: Giúp phát hiện các bất thường về cấu trúc thận
- Xét nghiệm hình ảnh: Chụp CT và siêu âm có thể giúp phát hiện sỏi thận, khối u hoặc một số vấn đề tắc nghẽn khác.
- Sinh thiết thận: Bác sĩ có thể lấy một mẫu mô thận nhỏ và mang đi kiểm tra dưới kính hiển vi, nhằm phát hiện các vấn đề bất thường.
Phòng ngừa đạm niệu
Chế độ sinh hoạt cho người bị đạm niệu tập trung vào việc cải thiện sức đề kháng của cơ thể. Việc ổn định sức khỏe cho toàn cơ thể sẽ đồng thời giúp ổn định sức khỏe thận, ngăn ngừa được khả năng bị tổn thương viêm nhiễm do vi khuẩn, virus.
Chế độ sinh hoạt mà người đạm niệu nên thực hiện:
- Tập thể dục đều đặn, tăng cường vận động trong ngày
- Thường xuyên kiểm tra lượng đường trong máu để hạn chế được rủi ro bị đai thái đường
- Ngưng sử dụng thuốc lá hoặc hạn chế tối đa tình trạng hút thuốc thụ động để bảo vệ sức khỏe thận
- Hạn chế tối đa việc tự ý sử dụng các loại thuốc chống viên, thuốc giảm đau mà không thông qua chỉ định của bác sĩ
Chế độ ăn uống cho người bị đạm niệu đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị bệnh. Dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp thận không bị tổn thương thêm, giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh và cuối cùng là góp phần cải thiện được sức khỏe thận, tăng khả năng lọc máu.
Chế độ ăn uống cho người bị đạm niệu là:
- Hạn chế ăn các loại thực phẩm quá giàu chất đạm, protein
- Hạn chế lượng muối nạp vào cơ thể. Tuy nhiên, những người có bệnh sử hạ huyết áp cần tham khảo qua ý kiến của bác sĩ về lượng muối tối đa cần nạp vào cơ thể trong một ngày
- Ăn nhiều chất xơ để cân bằng lượng đường trong máu và giảm cholesterol
Điều trị đạm niệu như thế nào?
Phương pháp điều trị đạm niệu sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh. Căn nguyên và mức độ nghiêm trọng của bệnh là yếu tố chính để bác sĩ thiết lập phác đồ điều trị đạm niệu.
Và cần lưu ý rằng, bệnh đạm niệu nói riêng và các bệnh lý về thận nói chung sẽ cần điều trị theo chỉ định bác sĩ kết hợp với chế độ dinh dưỡng và thói quen sinh hoạt hằng ngày. Điều này giúp cải thiện được chức năng thận và ổn định sức khỏe thận dài lâu. Mục đích của chế độ dinh dưỡng phù hợp không chỉ giúp thúc đẩy quá trình điều trị bệnh mà còn giảm thiểu nguy cơ tái bệnh tối ưu.
Một số phương pháp điều trị đạm niệu phổ biến là:
- Đạm niệu do tổn thương thận: Bệnh chủ yếu điều trị nội khoa bằng thuốc, kết hợp với sự thay đổi chế độ ăn uống phù hợp để cải thiện sức khỏe thận.
- Đạm niệu do đái tháo đường thì cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, đồng thời kiểm soát lượng đường trong máu. Yếu tố dinh dưỡng vẫn là một điều quan trọng trong phác đồ điều trị
- Đạm niệu chức năng lành tính thì có thể không cần điều trị, bệnh có thể tự hết mà không cần can thiệp thuốc.
Kết luận
Đạm niệu không chỉ là một triệu chứng nhỏ mà có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng hơn liên quan đến thận và hệ thống miễn dịch. Việc nhận biết sớm và điều trị kịp thời là rất quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng. Hãy luôn theo dõi sức khỏe của mình và tìm kiếm sự tư vấn từ các chuyên gia y tế khi có bất kỳ triệu chứng nào liên quan đến đạm niệu.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.