Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Đau cách hồi là gì? Những điều cần biết về đau cách hồi
Đau cách hồi hay còn gọi là đau cách hồi ở chân hoặc đau từng cơn. Đây là cơn đau được mô tả với cảm giác co rút, thắt chặt, đau nhức, rất khó chịu, xảy ra sau khi người bệnh hoạt động hay đi lại. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về đau cách hồi qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Đau cách hồi hay còn gọi là đau cách hồi ở chân hoặc đau từng cơn. Đây là cơn đau được mô tả với cảm giác co rút, thắt chặt, đau nhức, rất khó chịu, xảy ra sau khi người bệnh hoạt động hay đi lại.
Đau cách hồi thường là một triệu chứng của bệnh động mạch ngoại biên, trong đó các động mạch cung cấp máu cho chân tay bị thu hẹp, dẫn đến tình trạng thiếu máu đến các chi và gây ra các cơn đau. Thông thường, cơ bắp chân là vùng bị đau cách hồi nhiều nhất. Ngoài ra, bàn chân, đùi và mông cũng có thể bị đau. Ban đầu, cơn đau chỉ xuất hiện khi vận động và dần nặng hơn, tuy nhiên cũng có người bị đau ngay cả khi đang nghỉ ngơi.
Triệu chứng
Mức độ đau và cảm giác khó chịu cách hồi của mỗi người không giống nhau, người đau ít, người đau nhiều, có người chỉ cảm giác chân mỏi nhiều khi đi lại một quãng đường ngắn. Người bệnh có thể đau hông, đùi, cẳng chân hoặc bàn chân, đau riêng rẽ hoặc phối hợp tùy thuộc vào vị trí động mạch bị hẹp. Nếu lòng mạch hẹp nhiều và tuần hoàn bàng hệ (mạch máu tham gia vào cấp máu cho phần sau động mạch bị hẹp) ít hoặc không có, người bệnh đau cả khi nghỉ ngơi, chân có thể bị hoại tử, đôi khi phải cắt cụt để bảo toàn tính mạng, nặng hơn nữa người bệnh có thể tử vong.
- Đau cách hồi bắp chân – Là vị trí đau hay gặp nhất. Người bệnh cảm thấy đau như bị chuột rút vùng bắp chân khi đi lại và giảm đi khi nghỉ. Đau kiểu chuột rút ở 2/3 trên bắp chân thường do hẹp động mạch đùi nông, ngược lại đau 1/3 dưới thường là do bệnh lý động mạch khoeo.
- Đau cách hồi động mạch chủ bụng – Người bệnh bị hẹp động mạch chủ bụng thường hay phàn nàn đau hông, háng, bắp đùi. Cảm giác đau có thể giống như bị thương. Người bệnh cũng có cảm giác yếu mỏi cơ vùng hông lưng hoặc bắp đùi khi đi lại. Một dấu hiệu thường hay bị bỏ qua là những vết thương ở lưng, đùi thường chậm lành do mạch máu nuôi dưỡng kém.
- Đau cách hồi bắp đùi – Đau cách hồi ở bắp đùi là do hẹp động mạch đùi chung trong khi đó đau ở phần thấp hơn thường do hẹp động mạch chày hoặc động mạch mác.
Những dấu hiệu khác:
- Động mạch phía sau chỗ hẹp có hiện tượng nảy yếu khi bắt mạch.
- Chân lạnh, da láng bóng, rụng lông và móng chân đổi màu.
- Phía dưới đoạn động mạch bị hẹp, huyết áp thấp hoặc có thể không đo được.
- Siêu âm mạch máu giúp xác định vị trí tổn thương và lượng giá mức độ nặng của bệnh.
- Cộng hưởng từ hạt nhân hay chụp cắt lớp đa dãy là những xét nghiệm có giá trị giúp chẩn đoán xác định, đánh giá mức độ nặng và định hướng điều trị.
Nguyên nhân
Khi có tuổi, các mạch máu có thể bị tắc do quá trình gọi là xơ vữa mạch hay xơ cứng mạch. Mảng xơ vữa có thể hình thành ở động mạch gồm cholesterol, canxi và mô xơ. Khi mảng xơ vữa đóng ở thành mạch nhiều hơn sẽ khiến động mạch càng hẹp và cứng làm cho dòng máu đến chân giảm đi, tình trạng này còn được gọi là bệnh động mạch ngoại biên.
Đối tượng nguy cơ
Những nguy cơ gây ra đau cách hồi cũng tương tự những nguy cơ của bệnh xơ vữa động mạch. Những nguy cơ này bao gồm:
- Hút thuốc
- Nồng độ cholesterol cao
- Cao huyết áp
- Béo phì
- Trên 70 tuổi
- Trên 50 tuổi nếu bạn bị tiểu đường và hút thuốc
- Gia đình có người bệnh xơ vữa động mạch hoặc bệnh động mạch ngoại biên.
Chẩn đoán
Bác sĩ sẽ chẩn đoán đau cách hồi bằng cách khám lâm sàng triệu chứng và làm xét nghiệm. Bác sĩ sẽ thực hiện kiểm tra mạch máu với thủ thuật siêu âm Doppler để tìm ra dòng tuần hoàn của máu. Nếu kiểm tra cho thấy sự tuần hoàn giảm, bác sĩ sẽ tiến hành chụp mạch máu để xem tình trạng bệnh như thế nào trước khi quyết định cần phẫu thuật hay không.
Phòng ngừa bệnh
Thay đổi lối sống là một trong những yếu tố quan trọng không những trong điều trị mà còn trong phòng ngừa bệnh:
- Không hút thuốc tránh nguy cơ và làm nặng thêm bệnh động mạch ngoại vi, tránh hít phải khói thuốc tự động.
- Luyện tập: nhiều người lo lắng về việc tập luyện có gây ra đau cách hồi hay không. Trên thực tế, luyện tập đúng cách giúp cơ sử dụng oxy hiệu quả hơn, tăng khoảng cách đi bộ mà không đau.
- Kiểm soát tốt mức cholesterol trong máu và huyết áp. Ngoài việc dùng thuốc điều chỉnh mỡ trong máu theo đơn của bác sĩ, thực hiện chế độ ăn ít chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa (chất béo động vật, phủ tạng động vật, đồ ăn chiên, rán xào, đồ ăn chế biến sẵn, lòng đỏ trứng,..); tăng cường hoa quả, rau xanh.
- Kiểm soát tốt mức đường trong máu (nếu có đái tháo đường).
- Tránh sử dụng một số thuốc gây co thắt mạch, như các thuốc chống sung huyết và điều trị cảm cúm có chứa pseudoephedrine.
- Hạn chế tối đa những tổn thương ở chân. Giảm dòng máu làm tăng nguy cơ biến chứng khi có tổn thương chân. Không đi giày quá chật, đi loại giày mềm, vừa vặn giúp bảo vệ chân khi hoạt động, làm việc không bị tổn thương.
- Giữ chân mức thấp hơn tim giúp cải thiện tuần hoàn ở chân.
- Duy trì cân nặng hợp lý, tránh thừa cân, béo phì.
Điều trị như thế nào?
Đầu tiên để cải thiện cơn đau cách hồi thì bệnh nhân phải loại bỏ các yếu tố nguy cơ như sau:
- Giảm cholesterol máu: Cụ thể LDL cholesterol điều chỉnh xuống dưới 100 mg/dL bằng cách thay đổi lối sống, chế độ ăn kết hợp với thuốc hạ lipid máu theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Ngừng hút thuốc lá, kiểm soát đường huyết, huyết áp chặt chẽ không chỉ giúp giảm cơn đau cách hồi mà còn giảm nguy cơ mắc bệnh mạch vành.
Người bệnh có cơn đau cách hồi cần tập thể dục phục hồi chức năng nhằm giảm triệu chứng đau cách hồi: Chọn một địa điểm thuận lợi hoặc chạy trên thảm 45-60 phút trong 3 ngày mỗi tuần, kéo dài ít nhất 3 tháng. Nếu có điều kiện nên chạy dưới sự giám sát của nhân viên y tế ở mỗi giai đoạn tập luyện.
-
- Điều trị nội khoa: Sử dụng các thuốc chống tắc mạch theo chỉ định của bác sĩ có thể cải thiện một phần triệu chứng, giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ do nguyên nhân tim mạch.
- Điều trị ngoại khoa (phẫu thuật):
- Can thiệp thông mạch qua da: Chỉ định ít xâm lấn và ít nguy cơ hơn phẫu thuật. Một vết chọc nhỏ qua da sẽ đưa một dây dẫn có bóng vào nơi động mạch bị hẹp, bóng nong được đưa đến chỗ hẹp của động mạch và bơm lên làm rộng lòng mạch giúp dòng máu đi qua dễ dàng hơn. Một số trường hợp stent sẽ được đặt vào lòng mạch để tránh hẹp trở lại.
- Phẫu thuật tái thông mạch là phẫu thuật dùng đoạn mạch của cơ thể để nối chỗ hẹp giúp dòng máu chảy qua. Phẫu thuật này tốt nhất là chỉ định cho bệnh nhân sức khỏe tốt dưới 70 tuổi và không bị tiểu đường.
Bài viết trên đã cho bạn những thông tin bổ ích về Đau cách hồi. Hi vọng, sẽ có ích cho việc chăm sóc sức khỏe gia đình bạn.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.