Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Đau cổ vai gáy là gì? Những điều cần biết về đau cổ vai gáy
Đau cổ vai gáy là bệnh phổ biến ở nhiều người, bệnh gây đau nhức và khó chịu cho người bị mắc phải. Bệnh mặc dù không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Cùng tìm hiểu về đau cổ vai gáy và các điều cần biết về bệnh lý này.
Tổng quan chung
Đau cổ vai gáy là tình trạng co cứng cơ vùng gáy, gây đau nhức, hạn chế tầm vận động khi quay cổ hoặc quay đầu. Các cơn đau thường diễn ra vào buổi sáng khi vừa ngủ dậy. Đây là căn bệnh liên quan đến hệ thống cơ xương khớp và các mạch máu ở vùng vai gáy.
Bệnh đau cổ vai gáy thường diễn ra một cách đột ngột, bất ngờ. Có khá nhiều trường hợp bệnh nhân sau khi ngủ dậy cảm thấy đau ở vùng cổ, vùng vai và vùng gáy. Vì vậy, dấu hiệu trước tiên bệnh nhân cảm nhận được chính là đau cơ ở vùng cổ, vùng gáy, vùng vai và phần lưng trên.
Lúc ban đầu, bệnh nhân sẽ có cảm giác đau ở mức độ nhẹ, đau mỏi ở vùng vai gáy và khó khăn trong việc vận động vùng cổ. Bệnh nhân chỉ có thể nghiêng sang trái hoặc phải mà không thể qua ra sau. Hiện tượng này diễn ra một cách ngẫu nhiên hoặc sau khi lao động nặng nhọc, mệt mỏi hoặc căng thẳng.
Triệu chứng đau cổ vai gáy
Triệu chứng đau mỏi vai gáy thường mang tính cơ học, điển hình phải kể đến gồm:
- Cảm giác khó chịu hoặc đau nhức nhẹ, có thể khu trú tại một điểm giữa cổ và vai hoặc lan tỏa khắp một vùng rộng hơn trên vai và/hoặc trên cổ.
- Cơn đau nhói có thể xuất hiện rồi biến mất, có thể lan xuống vai hoặc cánh tay, bàn tay.
- Cảm giác cứng vùng cổ vai gáy.
- Phạm vi chuyển động ở cổ và vai, khả năng quay đầu hoặc nhấc cánh tay bị hạn chế.
- Cảm giác đau ở cổ hoặc vai trở nên trầm trọng hơn khi ấn vào.
- Cảm giác ngứa ran, tê lan dần xuống vai, cánh tay và/hoặc bàn tay (đau mỏi vai gáy tê bì chân tay).
- Trong một số trường hợp, cơn đau cổ và đau vai có thể trở nên tồi tệ hơn khi thực hiện các hoạt động nhất định, chẳng hạn như quay đầu sang một bên, chơi thể thao, ngồi, ngủ…
Nguyên nhân đau cổ vai gáy
Tình trạng đau cổ vai gáy xuất phát từ nhiều nhóm nguyên nhân khác nhau như:
Thoát vị đĩa đệm cổ
Khi vòng xơ đĩa đệm cổ bị rách, lớp nhân nhầy bên trong sẽ bắt đầu rò rỉ ra ngoài, gây viêm rễ thần kinh. Nếu một đĩa đệm ở cột sống cổ dưới thoát vị, cơn đau ở vùng xương bả vai có thể đi kèm với đau cổ. Một số triệu chứng đi kèm thường gặp bao gồm:
- Ngứa ran vùng cổ vai gáy.
- Nóng rát vùng cổ vai gáy.
- Tê vùng cổ vai gáy.
Thoái hóa đốt sống cổ
Khi cột sống cổ bị thoái hóa theo tuổi tác, một hoặc nhiều lỗ liên hợp đốt sống (nơi các dây thần kinh cột sống thoát ra khỏi ống sống) có thể bị thu nhỏ. Từ đây, các dây thần kinh cột sống sẽ có nguy cơ bị thu hẹp hoặc viêm, gây ra những cơn đau khó chịu lan dần từ cổ xuống vai.
Căng cơ
Các cơ liên kết trên vùng cổ vai gáy khi bị kéo căng sẽ gây ra cảm giác cứng và đau đớn. Ngay cả khi hiện tượng căng cơ chỉ xảy ra ở một trong hai vùng, cơn đau vẫn có thể lan dần ra khu vực lân cận.
Viêm dây thần kinh cánh tay
Dây thần kinh cánh tay xuất phát từ vùng cổ dưới, đi qua vai và vùng lưng trên. Khi tình trạng viêm xảy ra, người bệnh sẽ có cảm giác đau nhói như điện giật. Mặc dù cơn đau do viêm này thường chỉ xuất hiện ở vai hoặc cánh tay một bên cơ thể nhưng cũng có thể lan đến cổ. Ngoài ra, một số triệu chứng đi kèm thường gặp là ngứa ran, tê, yếu vai, cánh tay, bàn tay…
Sai tư thế
Một số những thói quen về vận động sai tư thế có thể khiến bạn bị đau cổ vai gáy như:
- Ngủ trên gối quá cao hoặc chồng quá nhiều gối gây tình trạng đau cổ khi ngủ dậy.
- Ngồi trước máy tính hoặc điện thoại ở tư thế căng cổ về phía trước hoặc ngửa lên.
- Đột ngột giật cổ khi tập thể dục.
Đối tượng có nguy cơ bị đau cổ vai gáy
Thông thường, các đối tượng làm những ngành nghề sau đây hay có nguy cơ mắc đau cổ vai gáy:
Nhân viên văn phòng, công sở
Với tính chất công việc ngồi nhiều, nhân viên công sở đứng đầu trong nhóm dễ đau mỏi vai gáy. Theo một điều tra xã hội học, có đến 90,5% nhân viên văn phòng gặp các vấn đề cổ vai gáy.
Giáo viên
Do phải thường xuyên làm việc với cường độ cao, ngửa cổ lên bảng để giảng bài, nhiều thầy cô dễ gặp các triệu chứng như đau mỏi vai gáy, viêm khớp vai. Ngoài ra, nguy cơ mắc các bệnh cơ xương khớp khác như thoát vị đĩa đệm, đau thần kinh tọa.
Học sinh, sinh viên
Học sinh, sinh viên với thói quen ngồi sai tư thế trong sinh hoạt và học tập, ít vận động, mang cặp sách nặng, chế độ dinh dưỡng thiếu chất và tâm trạng lo âu mỗi khi đến kỳ kiểm tra, thi cử,.. là những nguyên nhân phổ biến gây ra triệu chứng đau mỏi vai gáy.
Tài xế đường dài
Nguyên nhân chính là do trong quá trình ngồi lái xe thời gian lâu, các dây thần kinh ở cổ bị chèn ép dẫn tới máu lưu thông kém, các cơ ở vùng cổ vai gáy bị cứng, gặp hạn chế khi xoay cổ.
Nông dân
Công việc của người nông dân chủ yếu khuân vác vật nặng trên vai, thường xuyên làm việc dưới nắng mưa, thời gian nghỉ ngơi ít. Do vậy, hệ thống cơ xương khớp đặc biệt là cổ vai gáy, đĩa đệm nguy cơ cao bị tổn thương, từ những bệnh nhẹ như đau mỏi vai gáy, đến thoái hóa đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm, viêm khớp vai.
Ngoài ra, bất cứ ai cũng có thể bị đau cổ vai gáy nếu vận động sai tư thế (đứng, ngồi, nằm,…).
Chẩn đoán đau cổ vai gáy
Đối với tình trạng đau vai gáy, bác sĩ sẽ tiến hành khám sức khỏe và xem xét tiền sử bệnh để nắm chính xác thời điểm cơn đau bắt đầu cũng như những triệu chứng cụ thể. bác sĩ cũng thường chỉ định thêm một số xét nghiệm sau để đưa ra kết luận chính xác nhất, bao gồm:
Chụp X-quang
Phương pháp này sẽ cho thấy khoảng cách giữa hai xương cột sống bị thu hẹp, từ đó giúp phát hiện một số bệnh lý phổ biến như viêm khớp, trượt đĩa đệm, hẹp ống sống, gãy xương, khối u…
Chụp MRI và CT
Chụp MRI là thủ thuật không xâm lấn giúp thu được hình ảnh chi tiết về các yếu tố như thần kinh, dây chằng, gân… Trong một số trường hợp, CT là phương pháp thay thế cho MRI.
Điện cơ đồ (EMG)
Phương pháp này thường được thực hiện để đo tốc độ dẫn truyền thần kinh, từ đó chẩn đoán các tình trạng đau cổ, vai, cánh tay hoặc hiện tượng tê, ngứa ran liên quan.
Phòng ngừa đau cổ vai gáy
- Cần xây dựng chế độ tập luyện thể dục thể thao thường xuyên với các bài tập phù hợp.
- Cần xây dựng chế độ làm việc, nghỉ ngơi phù hợp. Khi ngồi làm việc, học tập lâu cần xen kẽ vận động, nghỉ giải lao.
- Rèn luyện tư thế ngồi làm việc, học tập luôn giữ thẳng cổ, tránh cúi gập cổ quá lâu hoặc ngồi sai tư thế.
- Cần xây dựng chế độ ăn uống dinh dưỡng, lành mạnh, bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể ví dụ như canxi, kali, vitamin nhóm B, C, E,…
Điều trị đau cổ vai gáy như thế nào?
Có nhiều cách để điều trị đau cổ vai gáy, tùy thuộc vào mức độ của bệnh để có phương pháp điều trị thích hợp khi bị đau cổ vai gáy như:
- Khi bệnh mới ở giai đoạn đầu cần tránh cố gắng xoay đầu, xoay cổ, tạm dừng các môn thể thao hoặc động tác làm đau cổ nặng lên, khi đi ngủ, chườm ấm vùng cổ, chiếu đèn hồng ngoại hoặc xoa bóp nhẹ nhàng 10-15 phút, sau 2-3 ngày bệnh sẽ tự hết.
- Khi bệnh ở mức độ vừa, tức là mức độ kích thích dây thần kinh lớn hơn, các biểu hiện bị đau cổ vai gáy bên phải hoặc đau cổ vai gáy bên trái rõ ràng hơn cần phải dùng một số loại thuốc hỗ trợ như: thuốc giảm đau, chống viêm non-steroid thuốc giãn cơ và dùng miếng dán salonpas để giảm được triệu chứng vùng này.
- Ở mức độ bệnh nặng cần sử dụng các biện pháp tập phục hồi chức năng chuyên sâu kết hợp với thuốc giảm đau chống viêm NSAIDs, thuốc giãn cơ, thuốc giảm đau thần kinh. Đồng thời điều trị nguyên nhân (thoát vị đĩa đệm, thoái hóa khớp…).
Bệnh đau cổ vai gáy không phải là bệnh khó chữa, cần điều trị sớm. Hy vọng bài viết này cung cấp đủ các thông tin cần thiết đến bạn đọc về tình trạng đau cổ vai gáy để bạn có thể nhận biết và tìm ra các cách điều trị, phòng ngừa hiệu quả.