Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Đau khớp là gì? Những điều cần biết về đau khớp
Đau mỏi xương khớp không chỉ là căn bệnh ở người cao tuổi, trung niên mà ngày càng có dấu hiệu trẻ hóa. Thực tế, bệnh xảy ra ở cả những thanh niên trẻ tuổi, gây ra nhiều đau đớn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về Đau khớp là gì? qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Khớp là nơi các xương tiếp xúc với nhau để hình thành hệ thống xương tổng thể. Bộ phận này nối giữa hai hay nhiều xương, hỗ trợ cơ thể thực hiện những chuyển động thường ngày.
Đau khớp là tình trạng khớp trên cơ thể bị tổn thương, gây ra cảm giác đau nhức, khó chịu. Đau nhức xương khớp là hiện tượng rất phổ biến, thường xuyên xảy ra đối với các bệnh nhân có tiền sử bệnh khớp.
Nguyên nhân đau khớp gối đôi khi là biểu hiện của bệnh lý toàn thân hoặc chấn thương ở một vùng nào đó. Bệnh đau nhức xương khớp có thể chỉ ảnh hưởng đến một khớp hoặc cũng có thể ảnh hưởng đến nhiều khớp khác nhau gây nên tình trạng đau nhức xương khớp toàn thân.
Triệu chứng
Khi bị đau nhức xương khớp toàn thân, người bệnh sẽ cảm thấy đau mỏi xương, cơ, khớp và gân. Cơn đau nhức càng đau hơn mỗi khi vận động hoặc chạm vào vị trí đó. Thông thường, bệnh nhân sẽ cảm nhận rõ cơn đau ở các vị trí như: bắp tay, chân, tay, cổ chân hoặc tay, cổ, vai, hoặc lưng…
Nguyên nhân
Nguyên nhân đau nhức xương khớp rất đa dạng nhưng có thể chia thành hai nhóm chính là:
- Do môi trường và lối sống: Không gian, điều kiện sống và chế độ ăn uống, sinh hoạt mỗi ngày có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe xương khớp. Cụ thể:
-
- Thời tiết thay đổi đột ngột: Nhiệt độ, áp suất không khí, độ ẩm… thay đổi bất thường (nhất là khi trời lạnh, áp suất khí quyển tăng, độ ẩm thấp) có thể khiến cơ xương khớp co – giãn mạnh, dịch nhầy trong bao hoạt dịch đặc lại, dẫn tới cảm giác đau nhói, khô khớp.
-
- Ngồi nhiều, ít vận động: Đây là nguyên nhân gây ra đau xương khớp ở người trẻ, phổ biến ở nhóm người làm công việc văn phòng. Khi ngồi liên tục nhiều giờ liền ở một tư thế, toàn bộ trọng lượng cơ thể dồn lên phần hông, xương chậu khiến cột sống bị khô cứng, đối mặt với nguy cơ thoái hóa, thoát vị đĩa đệm, gai cột sống, đau thần kinh tọa…
-
- Vận động sai tư thế: Tuy rèn luyện thể chất giúp cơ thể khỏe mạnh hơn nhưng nếu tập luyện sai tư thế thì sẽ phản tác dụng, gây ra đau cơ xương khớp. Ngoài ra, còn một số tư thế xấu, ảnh hưởng đến hệ xương khớp là ngồi gù lưng, ngồi bắt chéo chân, đứng còng lưng…
-
- Chế độ dinh dưỡng nghèo nàn: Khi chế độ ăn uống hàng ngày thiếu chất xơ, axit béo Omega-3 (dẫn đến thiếu hụt các loại axit kháng viêm quan trọng như Axit Arachidonic) nhưng lại nhiều muối, nhiều đường, bạn có thể đối mặt với nguy cơ thiếu Canxi (vì đường, muối làm gián đoạn quá trình hấp thu Canxi). Từ đó ảnh hưởng không tốt đến cơ xương khớp sau này, với dấu hiệu đau nhức xương khớp ngày càng rõ rệt.
-
- Lạm dụng rượu bia và chất kích thích: Những loại chất kích thích, đồ có cồn sẽ tác động không tốt đến quá trình trao đổi chất bên trong cơ thể (nhất là chuyển hóa và hấp thụ Canxi) nên xương khớp trở nên yếu hơn, dễ đau nhức.
-
- Thừa cân, béo phì: Cấu trúc xương khớp của mỗi người chỉ có khả năng chịu tải một mức trọng lượng nhất định. Vậy nên, người bị thừa cân, béo phì (với trọng lượng cơ thể vượt mức cho phép) sẽ có nguy cơ đau nhức xương khớp toàn thân cao hơn.
-
- Thường xuyên mang giày cao gót: Khi mang giày cao gót, phần lớn trọng lượng cơ thể dồn về mũi chân nên bạn thường cảm thấy đau nhức mũi chân. Về lâu dài, khớp cổ chân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn đến viêm xương khớp mãn tính và khung xương chậu cũng có nguy cơ lệch sang một bên.
-
- Thường xuyên căng thẳng/stress: Tâm lý là một trong các yếu tố tác động rất lớn đến sức khỏe xương khớp. Một số người trẻ thường xuyên rơi vào tình trạng căng thẳng kéo dài thì không chỉ mệt mỏi, thiếu sức sống mà xương khớp còn dễ mỏi, đau nhức.
- Do bệnh lý: Đau nhức xương khớp có thể là triệu chứng cảnh báo của các bệnh lý nguy hiểm sau:
- Thoái hóa cột sống: Thoái hóa cột sống là một loại bệnh mãn tính với biểu hiện phổ biến nhất là viêm xương khớp tại khu vực cột sống, gây đau nhức âm ỉ, yếu hoặc tê bì chân tay, cứng cơ lưng và cổ hay vai gáy… Cơn đau do thoái hóa cột sống có thể xuất hiện đột ngột rồi biến mất hoặc kéo dài liên tục trong vài giờ (hay vài ngày) và có thể diễn tiến nghiêm trọng nếu điều trị không kịp thời.
- Thoái hóa khớp: Thoái hóa khớp là một trong những nguyên nhân đau nhức xương khớp thường gặp, xảy ra khi sụn khớp bị bào mòn, không thể che phủ toàn bộ đầu xương khiến các xương cọ xát với nhau khi vận động khớp, gây đau nhức, viêm sưng… Mức độ đau thường tăng lên khi vận động và giảm đi khi nghỉ ngơi; đặc biệt khi thời tiết thay đổi (nhất là khi trời lạnh), cơn đau nhức sẽ trở nên dữ dội.
- Viêm khớp dạng thấp: Bệnh viêm khớp dạng thấp cũng là một loại bệnh khớp mãn tính, thường vì hệ thống miễn dịch của cơ thể bị rối loạn gây ra. Triệu chứng nhận biết bệnh là các cơn đau khớp, cứng khớp, viêm sưng tại khớp thường xuyên, khiến việc đi lại, sinh hoạt trở nên khó khăn. Đáng quan ngại hơn là viêm khớp dạng thấp nếu không chữa kịp thời thì có thể gây teo cơ, biến dạng khớp.
- Thoát vị đĩa đệm: Thoát vị đĩa đệm là một trong các bệnh lý xương khớp thường gặp với triệu chứng đau nhức xương khớp (phần lớn ở cột sống cổ và cột sống thắt lưng) âm ỉ. Tình trạng xảy ra khi đĩa đệm bị thoát vị, khiến nhân nhầy trong bao xơ (bị rách hoặc nứt) thoát ra ngoài, chèn ép vào ống sống và các rễ dây thần kinh, gây đau nhức xương âm ỉ.
- Loãng xương: Đây là căn bệnh gây ra đau xương khớp người già phổ biến. Khi bị loãng xương, người bệnh có thể dễ dàng cảm nhận các cơn đau nhức (được mô tả là cơn đau trong xương) tại các đầu xương hoặc đau mỏi dọc theo xương. Về lâu dài, nếu không được chữa trị, xương sẽ suy yếu dần, giòn và rất dễ bị gãy.
- Lao xương khớp: Người bị lao khớp (do vi khuẩn lao Mycobacterium Tuberculosis gây ra) có thể thấy đau nhức vì khớp sưng to (nhưng không nóng đỏ), khiến việc đi lại khá khó khăn, khó cúi hay gập người, chân không co duỗi được… Bệnh tiến triển chậm và các triệu chứng nhận biết ban đầu khá mờ nhạt nên rất khó phát hiện, nhưng khi trở nặng lại dẫn đến vô số biến chứng nghiêm trọng như liệt chi, xẹp đốt sống, dị tật về xương…
- Bệnh gout: Đau nhức xương khớp toàn thân cũng có thể là biểu hiện của bệnh gout, xuất phát từ sự rối loạn chuyển hóa purin trong thận. Điều này khiến thận không thể lọc axit uric từ máu, dần tích tụ lại và tạo thành các tinh thể, tập trung ở khớp gây đau và viêm sưng. Cơn đau nhức xương khớp vào ban đêm là nhiều nhất, với cường độ đau ngày càng tăng, chưa kể kèm theo triệu chứng nhức đầu, sốt cao, mệt mỏi…
- Viêm khớp nhiễm trùng: Đây là tình trạng nhiễm trùng bên trong khớp do vi khuẩn, virus, nấm hoặc các loại vi trùng khác gây nên. Những tác nhân này có thể thâm nhập vào khớp qua chấn thương xuyên thấu qua khớp hoặc theo dòng máu từ bộ phận khác của cơ thể. Viêm khớp nhiễm trùng thường xảy ra khớp gối, đôi khi cũng xảy ra ở khớp vai, khớp cổ tay, khớp mắt cá chân.
Đối tượng nguy cơ
Thoái hóa khớp là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra nhiều cơn đau khớp ở người cao tuổi.
Mặc dù phổ biến hơn ở những người trẻ tuổi (từ 30 – 40 tuổi) nhưng bệnh viêm khớp dạng thấp cũng có thể bắt đầu muộn hơn, xuất hiện ở đối tượng sau 60 tuổi.
Những người trên 55 tuổi bị cứng khớp vai và hông, cơn đau thường nặng hơn vào buổi sáng có thể bị đau đa cơ. Nhận biết chứng đau đa cơ do thấp khớp rất quan trọng vì điều trị bệnh có thể giúp ngăn ngừa các vấn đề khác.
Bệnh gout ở người lớn tuổi có xu hướng ảnh hưởng đến các khớp gối, khớp cổ chân, khớp bàn ngón cái …gây đau nhức khớp và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Chẩn đoán
Bác sĩ khám sức khỏe và sẽ hỏi bạn một loạt câu hỏi về chứng đau khớp. Từ đó có thể loại trừ được những nguyên nhân tiềm ẩn. Để xác định tổn thương khớp liên quan đến đau khớp, chụp X-quang khớp có thể là việc cần thiết.
Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu để sàng lọc các rối loạn tự miễn dịch nếu nghi ngờ có nguyên nhân khác. Các bác sĩ cũng yêu cầu xét nghiệm tốc độ máu lắng để đo mức độ viêm trong cơ thể hoặc công thức máu toàn bộ.
Phòng ngừa bệnh
Đau khớp là căn bệnh phổ biến nhưng có thể phòng tránh được nhờ tuân thủ các lưu ý sau:
- Tập thể dục thường xuyên
- Quản lý cân nặng phù hợp với chiều cao
- Có thể sử dụng châm cứu giảm đau cho viêm khớp
- Có chế độ ăn uống lành mạnh
- Bổ sung các dưỡng chất tốt cho xương khớp bằng cả thức ăn lẫn thực phẩm chức năng
Điều trị như thế nào?
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau là gì và tình trạng đau nhức ra sao, bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị từ những cách trị đau khớp cụ thể bên dưới:
- Dùng thuốc giảm đau: Đối với cơn đau khớp từ vừa đến nặng kèm theo sưng, thuốc chống viêm không steroid (NSAID) kê đơn hoặc không kê đơn có thể giúp giảm đáng kể cảm giác đau nhức. Khi sử dụng loại thuốc này, người bệnh cần tuân thủ đúng liều lượng và cách dùng mà bác sĩ hướng dẫn để tránh tác dụng phụ như đau dạ dày, trữ nước gây phù nề, tổn thương gan và thận…
- Tiêm giảm đau: Đối với những trường hợp không thấy được hiệu quả từ việc uống thuốc, bác sĩ có thể tiêm thuốc thuốc giảm đau trực tiếp vào khớp. Nhưng cũng như thuốc uống, tiêm giảm đau chỉ giúp xoa dịu cơn đau tạm thời và cũng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ đối với cơ thể.
- Bổ sung dưỡng chất chuyên biệt: Nghiên cứu khoa học đã chứng minh, bổ sung các dưỡng chất chuyên biệt như Collagen Type II không biến tính, Collagen Peptide, Turmeric Root, Eggshell Membrane có thể hỗ trợ giảm đau khớp và cải thiện chức năng khớp hiệu quả dài lâu.
- Vật lý trị liệu: Mục đích tập vật lý trị liệu cùng chuyên gia là để tăng cường sức mạnh các cơ xung quanh khớp, ổn định khớp và cải thiện phạm vi chuyển động của khớp. Các chuyên gia sẽ đưa ra các bài tập và kỹ thuật trị liệu thích hợp với tình trạng của mỗi người để đạt được kết quả giảm đau, tăng cường chức năng khớp tốt nhất.
- Phẫu thuật: Phẫu thuật là cách chữa bệnh đau khớp tiến triển do thoái hóa khớp nặng (sụn và xương dưới sụn bị phá hủy nghiêm trọng), không còn đáp ứng với các biện pháp điều trị bảo tồn (uống thuốc, vật lý trị liệu). Bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật thay toàn bộ khớp hoặc phẫu thuật bán phần dựa trên phạm vi và mức độ hư hại của khớp. Dĩ nhiên, biện pháp này có thể để lại biến chứng và cũng không chắc giải quyết hoàn toàn vấn đề của khớp (kể cả khớp khác).
Cùng với phác đồ chữa trị chuyên sâu của bác sĩ, bản thân người bị đau khớp nên chủ động giảm đau khớp tại nhà bằng các phương pháp đơn giản như:
- Chườm nóng hoặc lạnh 2 lần mỗi ngày, mỗi lần khoảng 15 phút.
- Băng nẹp khớp để cố định khớp khi chuyển động.
- Giảm cân để loại bỏ bớt áp lực lên khớp nếu bị thừa cân.
- Tập thể dục đều đặn hàng ngày với bộ môn đạp xe hoặc bơi lội – hai hoạt động được cho là tốt nhất vì vừa cho phép khớp vận động vừa không làm ảnh hưởng đến khớp.
- Tránh các hoạt động mạnh để khớp có thời gian nghỉ ngơi và giảm áp lực lên khớp.
- Xây dựng thực đơn ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, chú trọng nhóm thực phẩm giàu omega 3, vitamin C, vitamin D, vitamin E…
Lưu ý: Trường hợp đau khớp do bệnh lý khác như ung thư, loãng máu… bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị riêng.
Bài viết trên đã cho bạn những thông tin về viêm khớp. Hi vọng, sẽ có ích cho việc chăm sóc sức khỏe gia đình bạn.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.