Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Đau xương chậu là gì? Những điều cần biết về đau xương chậu
Đau xương chậu là tình trạng đau nhức ở xương chậu và phần thấp nhất của bụng, dưới rốn. Cơn đau phát sinh do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên phần lớn là do các vấn đề sức khỏe cần được điều trị y tế. Tùy thuộc vào tình trạng, người bệnh có thể bị đau nhói hoặc đau âm ỉ ở bên trái, bên phải hoặc cả hai bên vùng chậu. Bài viết sau sẽ cung cấp thông tin những điều cần biết về đau xương chậu.
Tổng quan chung đau xương chậu
Đau vùng xương chậu là cơn đau xảy ra ở phần thấp nhất của bụng, thường xảy ra ở phụ nữ, có thể liên quan đến cơ quan sinh dục, hệ tiết niệu, hệ thống tiêu hóa, hoặc từ các cơ xương.
Bệnh tuy không nguy hiểm nhưng lại tác động khá nhiều tới cuộc sống sinh hoạt bình thường của người bệnh, người bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi khó chịu, khó vận động.
Triệu chứng đau xương chậu
Thông thường, cơn đau xảy ra ở phần thấp nhất của bụng, giữa xương hông. Cơn đau có thể buốt nhói, liên tục, hoặc giống như chuột rút (như triệu chứng chuột rút trong chu kỳ kinh nguyệt) và đôi khi còn tăng dần cường độ đau hoặc xảy ra theo từng đợt. Bạn có thể bị đau đột ngột và dữ dội, hoặc đau âm ỉ nhưng liên tục, hoặc cả hai. Thông thường, cơn đau thường xuất hiện theo chu kỳ, xảy ra cùng với chu kỳ kinh nguyệt hoặc trong quá trình rụng trứng.
Vùng xương chậu có thể cảm thấy đau khi chạm vào. Cơn đau có thể kèm theo sốt, buồn nôn, hoặc nôn mửa. Nếu đột nhiên xuất hiện một cơn đau vùng chậu nghiêm trọng, bạn có thể cần đến sự trợ giúp y tế hoặc cấp cứu. Hãy đảm bảo bác sĩ sẽ kiểm tra và khám vùng chậu của bạn.
Nguyên nhân đau xương chậu
Một số nguyên nhân phổ biến gây đau vùng chậu, bao gồm:
- Viêm ruột thừa: Nếu bạn bị đau nhói ở phần dưới bên phải của bụng, bị nôn và sốt, đó có thể là viêm ruột thừa. Nếu xuất hiện những triệu chứng này, bạn cần khẩn trương đến phòng cấp cứu. Tình trạng viêm ruột thừa cần được phẫu thuật kịp thời. Nếu bệnh để lâu, nó có thể lây nhiễm bệnh tới các bộ phận khác bên trong cơ thể bạn. Điều này có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng.
- Hội chứng ruột kích thích (Irritable bowel syndrome – IBS): Bạn có bị đau bụng, chuột rút, đầy hơi, và tiêu chảy hoặc táo bón liên tục? Bạn nên nói chuyện với bác sĩ để tìm ra vấn đề. Nó có thể là IBS, đôi khi được gọi là co thắt đại tràng. Các bác sĩ không chắc chắn về nguyên nhân gây hội chứng ruột kích thích. Thay đổi chế độ ăn uống, kiểm soát tâm trạng, tránh lo âu và sử dụng thuốc nhằm điều trị các triệu chứng do IBS gây ra.
Ở nữ giới, tình trạng bị đau xương chậu có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý như:
- Phụ nữ chửa thai ngoài tử cung: Khi phôi thai “làm tổ” vào bên ngoài tử cung (thường xảy ra trong các ống dẫn trứng) và bắt đầu phát triển tại đó. Triệu chứng của thai ngoài tử cung là đau, co thắt vùng xương chậu (đặc biệt ở một bên), xuất hiện máu âm đạo, buồn nôn, chóng mặt. Chửa ngoài tử cung là trường hợp cấp cứu khẩn cấp đe dọa đến tính mạng nên cần phải được phát hiện và xử lý ngay lập tức.
- Đến kỳ kinh nguyệt: Mỗi khi đến kỳ kinh, nhiều chị em xuất hiện tình trạng đau xương chậu nhưng chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn. Để giảm cơn đau, chị em có thể áp dụng phương pháp chườm ấm, xoa bụng thường xuyên và xây dựng một chế độ ăn uống, nghỉ ngơi phù hợp.
- U nang buồng trứng: U nang buồng trứng là các túi chứa chất lỏng bên trong hoặc trên bề mặt buồng trứng. Hầu hết, u nang buồng trứng vô hại, thường không có triệu chứng và có thể biến mất trong vòng vài tháng. Tuy nhiên, u nang buồng trứng cũng có thể làm chị em xuất hiện các biểu hiện: đau xương chậu, đau bụng, đau đớn khi giao hợp hoặc gây buồn nôn, nôn mửa.
- U xơ tử cung: Khối u xơ tử cung mọc trên hoặc trong thành tử cung, thường gặp ở phụ nữ độ tuổi 30 – 40 tuổi. Khối u xơ đa phần đều không gây ra vấn đề nghiêm trọng, nhưng khi nó phát triển to sẽ gây chèn ép và tạo áp lực ở bụng dẫn đến đau thắt lưng, đau vùng xương chậu, có thể gây đau đớn khi quan hệ tình dục hoặc khó khăn khi mang thai.
- Dấu hiệu mang thai: Đau xương chậu có thể dấu hiệu mang thai ở mẹ bầu. Cơn đau có thể xuất hiện phía trước hoặc phía sau xương chậu, đau lan ra khu vực xung quanh như hông, đùi… Có cơn đau nhưng không phát hiện bệnh lý nào khác gây ra.
- Sa cơ quan vùng chậu: Các cơ và dây chằng nâng đỡ bị suy yếu, khiến các cơ quan như tử cung, bàng quang, trực tràng bị trượt khỏi vị trí ban đầu và sa xuống. Các triệu chứng thường gặp có thể là: cảm giác đau, căng tức, nặng ở vùng bụng dưới (vùng xương chậu), sưng âm đạo, có khối lồi ra bên ngoài âm đạo, tiểu không kiểm soát hoặc khó tiểu, đại tiện, bất tiện trong đi lại hay ngồi, xuất hiện chảy máu, tiết dịch âm đạo khi không trong kỳ kinh nguyệt.
Ở nam giới, nguyên nhân gây đau xương chậu có thể do một số bệnh lý phổ biến sau:
- Viêm tuyến tiền liệt: Dấu hiệu cảnh báo viêm tuyến tiền liệt: đau rát khi đi tiểu, khó tiểu (tiểu nhỏ giọt, ngập ngừng) và có thể tiểu nhiều về đêm, nước tiểu đục và có thể kèm máu, đau bụng, bẹn và lưng dưới, cảm giác đau cả khu vực đáy chậu (giữa bìu, trực tràng), đau dương vật, tinh hoàn và cả khi xuất tinh.
- Phì đại tuyến tiền liệt: Tình trạng tăng sinh lành tính một thực thể mô bệnh lý đặc hiệu làm cho tuyến tiền liệt to ra bất thường gây tắc đường tiết niệu dưới do gây chèn ép niệu đạo, yếu bàng quang. Đau vùng xương chậu ở nam giới, tiểu nhiều trong đêm, bí tiểu, rặn tiểu, cảm giác mót tiểu và tia nước tiểu yếu hoặc ngắt quãng là những triệu chứng của bệnh mà nam giới cần chú ý.
Đối tượng nguy cơ
Các yếu tố làm tăng nguy cơ đau xương chậu sẽ khác nhau tùy thuộc nguyên nhân, có thể bao gồm:
- Quan hệ tình dục không an toàn.
- Tuổi tác gia tăng có liên quan đến tăng nguy cơ phì đại tuyến tiền liệt ở nam hay sa cơ quan vùng chậu ở nữ giới.
- Giới tính có liên quan đến tăng nguy cơ nhiễm trùng tiết niệu ở nữ hoặc sỏi thận ở nam.
- Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có nguy cơ thai ngoài tử cung hoặc sảy thai.
- Mang thai cũng làm tăng nguy cơ đau vùng xương chậu.
- Chấn thương lưng hoặc xương chậu, mức độ căng thẳng cũng có liên quan đến đau vùng xương chậu.
Chẩn đoán
Việc chẩn đoán chính xác căn nguyên gây bệnh sẽ giúp bác sĩ đưa ra được các phác đồ điều trị hợp lý, mang lại hiệu quả cao. Qua đó, mọi người cần lưu ý chủ động tới các cơ sở, phòng khám chuyên khoa thăm khám nếu có các biểu hiện nghi ngờ.
- Khám lâm sàng: Khai thác các thông tin về tiền sử, bệnh sử của bệnh nhân, kiểm tra phần bụng và xem xét các biểu hiện trên khung xương chậu sẽ giúp bác sĩ nắm được vị trí và mức độ tổn thương ban đầu.
- Khám cận lâm sàng: Thông qua các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh và các xét nghiệm thường quy sẽ giúp bác sĩ loại trừ được các yếu tố nghi ngờ và đưa ra chẩn đoán bệnh chính xác. Một số các kỹ thuật chẩn đoán được Bác sĩ chỉ định:
- Siêu âm vùng chậu: Đây là kỹ thuật giúp quan sát hình ảnh nhanh nhất về các cơ quan và cấu trúc vùng chậu ở người, phát hiện xem có vấn đề bệnh lý bất thường hay không: tử cung, cổ tử cung, âm đạo, ống dẫn trứng và buồng trứng (nữ giới); tuyến tiền liệt, túi tinh và bàng quang (nam giới).
- Chụp MRI: Hình ảnh chụp MRI vùng xương chậu giúp bác sĩ nhìn thấy được xương, các cơ quan, mạch máu, cơ quan sinh sản tại vùng chậu xem có gì bất thường gây nên tình trạng đau tại vị trí này hay không.
- Soi bàng quang: Kỹ thuật này giúp bác sĩ thăm khám bên trong bàng quang và đường tiết niệu, từ đó phát hiện nguyên nhân gây triệu chứng đau vùng xương chậu cho người bệnh.
- Xét nghiệm công thức máu: Xét nghiệm này sẽ kiểm tra số lượng hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu, giúp đánh giá tình trạng viêm nhiễm của cơ thể và sức khỏe người bệnh. Khi cơ thể có bị viêm nhiễm, bạch cầu và tiểu cầu sẽ tăng lên.
- Xét nghiệm nước tiểu: Xét nghiệm nước tiểu giúp phát hiện xem cơ thể của bệnh nhân có bị nhiễm trùng đường niệu hay không. Việc nhiễm trùng đường tiết niệu, tình trạng bệnh lý ở bàng quang cũng gây đau vùng xương chậu.
- Xét nghiệm Pap smear: Xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung giúp sàng lọc ung thư cổ tử cung và phát hiện bất thường tại cổ tử cung ở nữ giới.
Phòng ngừa đau xương chậu
Không phải lúc nào cũng đề phòng được tình trạng đau xương chậu. Việc quan trọng là bạn không thể tự chẩn đoán nguyên nhân gây đau xương chậu của mình, nên cần thiết nhận biết sớm các triệu chứng và đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp, tránh các biến chứng nguy hiểm.
Một vài nguyên nhân có thể đề phòng được như bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, hãy thực hiện quan hệ tình dục an toàn bằng cách sử dụng bao cao su để phòng ngừa bệnh lậu và chlamydia.
Điều trị đau xương chậu như thế nào?
Tùy vào các nguyên nhân gây đau xương chậu khác nhau, các bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Trong quá trình điều trị, người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt theo sự chỉ dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý chữa trị hay thay đổi liều lượng thuốc (nhất là phụ nữ có thai và cho con bú).
Điều trị nội khoa
Tùy thuộc vào từng triệu chứng đi kèm và nguyên nhân gây bệnh khác nhau mà bác sĩ sẽ đưa ra các phác đồ điều trị riêng, cụ thể:
- Thuốc giảm đau: Acetaminophen là thuốc có tác dụng giảm đau, giúp kiểm soát khá tốt các cơn đau vùng chậu. Với một số trường hợp đau quá nặng vùng xương chậu, bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc giảm đau NSAIDs (Ibuprofen, Meloxicam…)
- Thuốc kháng sinh: Biseptol, Ciprofloxacin,… sẽ được bác sĩ cân nhắc chỉ định cho các bệnh nhân bị đau vùng xương chậu do viêm, nhiễm trùng.
*Lưu ý: Khi dùng thuốc, bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm ngặt theo sự chỉ định của bác sĩ, tránh bỏ thuốc hoặc sử dụng quá liều dẫn tới tác dụng không mong muốn cho người bệnh.
Bên cạnh sử dụng biện pháp điều trị y tế, bạn có thể áp dụng một số phương pháp khắc phục tại nhà để giảm bớt cảm giác đau như:
- Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn, ví dụ như ibuprofen
- Áp túi chườm nhiệt lên khu vực xương chậu
- Chăm chỉ thực hiện những bài tập thể dục nhẹ nhàng
Việc kiểm soát tình trạng đau xương chậu tương đối đơn giản nếu bạn biết rõ nguyên nhân gây bệnh. Nếu cơn đau trở nên nghiêm trọng theo thời gian hoặc không cải thiện, bạn nên đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.