Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Dị vật trong tai là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
Dị vật ở trong tai là tình trạng một vật bị mắc kẹt trong ống tai (một ống dẫn từ màng nhĩ ra bên ngoài). Các dị vật phổ biến thường gặp là bông gạc, côn trùng (gián, ruồi, kiến), thực phẩm (đậu hoặc hạt), đồ chơi nhỏ, hạt,… Bạn thường nhận thức được nếu có dị vật trong tai nhưng trẻ nhỏ thì có thể không nhận thức được. Vậy dị vật trong tai là gì? Chúng ta cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan chung
Dị vật trong tai là tình trạng một số vật thể lạ bên ngoài mắc vào ống tai ngoài gây cảm giác khó chịu, tổn thương ống tai bởi các tác nhân như: côn trùng, các vật thể nhỏ, bông gòn hay các loại hạt,… Những tình trạng này thường xuất hiện ở trẻ nhỏ nhiều hơn người lớn. Bởi vì sự thiếu hiểu biết của trẻ nhỏ dẫn đến việc đưa vật thể lạ vào trong tai.
Triệu chứng
Dù là vì nguyên nhân nào đi nữa, thì khi có dị vật mắc vào tai cũng có các triệu chứng như sau:
- Đau tai: Trong trường hợp dị vật hoặc côn trùng gây tổn thương, áp lực lên màng nhĩ, người bệnh sẽ thấy bị đau trong tai.
- Giảm thính lực: Khi có dị vật xâm nhập vào tai chặn mất đường đi của âm thanh vào màng nhĩ, người bệnh sẽ khó nhận biết được âm thanh, bị giảm khả năng nghe, thậm chí bị ù tai hoặc mất đi thính lực.
- Trường hợp dị vật là côn trùng và còn sống sẽ gây ra cảm giác nhột trong tai và ù tai.
- Cảm giác ngứa, khó chịu thậm chí chảy máu từ tai ra là một dấu hiệu.
- Người bệnh cũng sẽ bị các triệu chứng như chóng mặt và thậm chí buồn nôn trong giai đoạn này.
Nguyên nhân
Có rất nhiều nguyên nhân khiến dị vật chui vào bên trong tai của bạn. Nhưng những nguyên nhân phổ biến thường gặp như: Côn trùng, các loại hạt nhỏ, đồ chơi của trẻ,…
- Nguyên nhân đầu tiên: có thể xuất phát từ sự tò mò của trẻ nhỏ. Các bé thường đưa các vật thể lạ vào trong tai của mình như các loại hạt, đồ chơi nhỏ.
- Nguyên nhân thứ 2 có thể xuất phát trong quá trình chúng ta ngủ. Khi đó những loại côn trùng như kiến, muỗi có thể chui vào bên trong.
- Nguyên nhân thứ 3 có thể là do trong quá trình ngoáy tai với bông gòn. Trong khi ngoáy một số phần bông gòn sót lại và mắc vào bên trong tai.
Đối tượng nguy cơ
Dị vật ở trong tai là tình trạng tương đối phổ biến. Trẻ em và người bị rối loạn tâm thần có nguy cơ cao mắc tình trạng này.
Chẩn đoán
- Đa số các dị vật đều có thể thấy được khi có ánh sáng tốt và các dụng cụ khám tai mũi họng. Bạn sẽ được khám toàn diện cả 2 tai, mũi và họng. Vì một người hoàn toàn có thể có nhiều dị vật tại nhiều nơi. Nhất là ở trẻ em.
- Thỉnh thoảng, dị vật được phát hiện khi tình cờ chụp X–quang vì một lý do khác. Nhưng nên nhớ rằng, có nhiều loại dị vật không thể thấy được khi chụp X-quang như là thức ăn, mảnh gỗ hay miếng nhựa.
- Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể nội soi tai để kiểm tra. Nội soi tai giúp nhìn rõ hơn tình trạng của màng nhĩ hay đánh giá viêm nhiễm bên trong.
Phòng ngừa bệnh
Để tránh các trường hợp dị vật vào tai gây những ảnh hưởng nghiêm trọng đến tai cũng như các hoạt động trong cuộc sống, cần lưu ý các điều sau:
- Ở trẻ em, tránh cho trẻ tiếp xúc với các đồ chơi, vật thể nhỏ, dễ cầm và đưa vào tai cũng như miệng.
- Tránh sử dụng các vật thể hoặc tăm bông quá mềm hoặc quá lớn so với tai bởi vì những vật thể này có thể bị mắc lại trong tai.
- Sử dụng màn chống muỗi và côn trùng để hạn chế muỗi, kiến và các côn trùng khác bay vào tai khi ngủ. Tránh cả việc ngủ dưới đất, tạo điều kiện thuận lợi cho côn trùng đi vào tai.
Điều trị như thế nào?
Xử lý dị vật ở trong tai phụ thuộc vào loại dị vật và độ sâu của dị vật ở trong tai.
- Bạn không nên cố gắng loại bỏ các dị vật bằng một cây tăm bông hay bất kỳ công cụ nào vì nó có thể đẩy các vật vào sâu bên trong tai và làm tổn thương ống tai.
- Nếu nhìn thấy dị vật rõ ràng và có thể lấy ra dễ dàng bằng nhíp, bạn có thể nhẹ nhàng loại bỏ nó. Dị vật nhỏ đôi khi có thể rơi ra với sự giúp đỡ của lực hấp dẫn nếu bạn nghiêng đầu về bên phía bị ảnh hưởng.
- Nếu dị vật là côn trùng, bạn không bao giờ đẩy ngón tay vào trong tai vì côn trùng có thể chích hoặc cắn. Bạn có thể quay đầu lại để tai bị ảnh hưởng quay sang mặt phải. Sau đó, bạn cố gắng thả nổi côn trùng ra bằng cách đổ dầu khoáng, dầu ô liu hoặc dầu em bé vào tai. Điều này sẽ bóp nghẹt côn trùng. Bác sĩ sau đó có thể loại bỏ các côn trùng bằng nước sạch để đưa chúng ra khỏi ống tai. Phương pháp này không nên sử dụng cho trẻ nhỏ vì ống tai hoặc màng nhĩ có thể bị thủng.
Hi vọng những chia sẻ trên giúp các bạn hiểu hơn về dị vật trong tai.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.