Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Gai đen là gì? Những điều cần biết về gai đen
Bệnh gai đen là bệnh về da liễu thường gặp ở người bị tiểu đường và người béo phì. Biểu hiện của bệnh gai đen là việc tăng sắc tố da và mọc u nhú, gai da, sừng hóa ở những vùng da bị bệnh, khi sờ vào cảm giác mượt như nhung. Tổn thương da, tập trung chủ yếu tại các vùng da có hố, nếp gấp của cơ thể như quanh cổ, hố nách, bẹn. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về Gai đen là gì? Những điều cần biết về gai đen qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Chứng gai đen là một rối loạn gây những thay đổi bất thường về sắc tố da, tạo nên những vệt màu nâu nhạt đến đen xuất hiện trên cơ thể ở những vị trí nếp gấp điển hình như cổ, nách, háng và chân ngực.
Bệnh gai đen thường xảy ra ở người bị béo phì hoặc mắc bệnh tiểu đường. Trường hợp những trẻ em bị bệnh gai đen sẽ có nguy cơ bị tiểu đường tuýp 2 cao hơn so với những trẻ bình thường không mắc bệnh.
Bệnh gai đen có thể được xem là một dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư ở một số cơ quan nội tạng như dạ dày, đại tràng và gan (trường hợp hiếm gặp)
Triệu chứng
- Thể trạng có thể biểu hiện thừa cân, béo phì
- Da vùng tổn thương dày, trường hợp nặng có thể bị toàn thân
- Vị trí thường gặp là các nếp gấp như: nách, cổ, bẹn, bộ phận sinh dục…
- Tăng sắc tố: vùng da tổn thương có thể có màu nâu, nâu xám hoặc màu đen
- Khi sờ tay vào vùng tổn thương có thể thấy có cảm giác như sờ vào giấy nhám
- Khi tình trạng bệnh nặng hơn các nếp da rõ, dày da, bề mặt trở nên thô ráp và xù xì hơn
- Lòng bàn bàn chân cũng có thể dày trong trường hợp bệnh lan tỏa
- Các thể lâm sàng:
- Thể di truyền lành tính: Đây là thể bệnh không có sự kết hợp với các bệnh nội tiết khác, thương tổn thường xuất hiện từ lứa tuổi nhỏ, với lứa tuổi trưởng thành bệnh thường xuất hiện ở người thừa cân, béo phì
- Thể lành tính: Thể này có thể kết hợp với nhiều bệnh lý và hội chứng khác nhau, trong đó hiện tượng không đáp ứng với insulin của tổ chức là phổ biến nhất
- Thể giả gai đen: Bệnh hay gặp ở người thừa cân béo phì, bệnh sẽ thuyên giảm khi giảm cân khi giảm cân
- Thể do thuốc: Một số thuốc như axit nicotinic, fusidic, stilboestrol có thể gây các triệu chứng của bệnh hoặc làm nặng bệnh hơn
- Thể kết hợp với u ác tính: Thường là các adenocarcinoma, thương tổn thường nặng và lan tỏa, tăng sắc tố xảy ra nhanh và dễ nhận thấy hơn, tổn thương có thể xuất hiện ở cả vùng niêm mạc. Việc điều trị bệnh sẽ khó khăn hơn các thể khác, điều trị cần loại bỏ nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân
Bệnh gai đen xảy ra do những nguyên nhân sau:
- Tình trạng đề kháng insulin: Phần lớn các trường hợp mắc bệnh gai đen cũng sẽ dẫn đến hậu quả là tình trạng đề kháng insulin, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2
- Rối loạn nội tiết: Bệnh thường xảy ra ở những người có tình trạng rối loạn nội tiết do các nguyên nhân như u nang buồng trứng, suy chức năng tuyến giáp hoặc các rối loạn của tuyến thượng thận
- Thuốc: Bệnh gai đen có thể là hậu quả của việc sử dụng một số loại thuốc như thuốc ngừa thai, prednisone, thuốc chứa corticosteroid hoặc một số chất bổ sung như niacin liều cao (vitamin B3)
- Ung thư: Trong một số trường hợp hiếm gặp, bệnh gai đen có thể xuất hiện do khối u hạch lympho hoặc khi khối u bắt đầu phát triển trong cơ quan, ví dụ như dạ dày, đại tràng hoặc gan.
Đối tượng nguy cơ
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị bệnh gai đen?
- Béo phì: Béo phì làm tăng tình trạng kháng insulin, là một trong những nguyên nhân mắc bệnh gai đen. Càng thừa cân nguy cơ mắc bệnh càng tăng
- Tiền sử gia đình: Một số dạng bệnh gai đen có thể mang tính di truyền trong gia đình
- Chủng tộc: Người Châu Phi, Caribe, Nam hoặc Trung Mỹ, người Mỹ bản địa;
Chẩn đoán bệnh gai đen
Dấu hiệu duy nhất của bệnh là sự biến đổi về da, đồng thời có thể có các tình trạng sức khoẻ kèm theo gợi ý nguyên nhân bệnh (suy giáp, tiểu đường, ung thư…). Chính vì vậy bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh gai đen thông qua hỏi bệnh sử và khám sức khoẻ.
Phòng ngừa bệnh
Để phòng ngừa bệnh gai đen, chúng ta có thể điều trị và kiểm soát các yếu tố nguy cơ của bệnh.
- Béo phì: kiểm soát cân nặng, chế độ ăn uống lành mạnh và tập luyện thể dục thể thao hợp lý sẽ giúp cải thiện tình trạng đề kháng insulin, từ đó sẽ góp phần phòng ngừa bệnh gai đen
- Điều trị các tình trạng sức khỏe liên quan đến bệnh gai đen, ví dụ như điều trị suy giáp
- Tránh và hạn chế sử dụng các loại thuốc, chất bổ sung có thể làm nặng tình trạng bệnh hoặc tăng nguy cơ mắc bệnh như thuốc ngừa thai, prednisone, corticosteroid, chất bổ sung (niacin liều cao…)
Điều trị như thế nào?
Điều trị bệnh gai đen được thực hiện bằng cách:
- Chế độ tập luyện và chế độ ăn giảm calo, và giảm trọng lượng cơ thể đóng vai trò quan trọng trong điều trị bệnh
- Thuốc bôi tại chỗ và dưỡng ẩm da
- Thuốc toàn thân cũng có thể được chỉ định trong một số trường hợp
- Điều trị các bệnh phối hợp đặc biệt trong trường hợp bệnh kết hợp với u ác tính
Điều trị cụ thể bao gồm:
- Tại chỗ: sử dụng các thuốc bôi chứa Retinoids hoặc thuốc chứa thành phần bạt sừng bong vảy như mỡ salicylic acid 3-5%
- Calcipotriol có tác dụng kìm hãm sự nhân lên của các tế bào sừng giúp giảm tình trạng da sần sùi
- Toàn thân: Acitretin đường uống là thuốc được khuyến cáo sử dụng. Thuốc có nhiều tác dụng phụ nên cần thăm khám cẩn thận và kê đơn bởi bác sĩ
- Laser CO2: Đây là thủ thuật có tác dụng loại bỏ tổ chức đối với những thương tổn dày không cải thiện bằng được bằng các thuốc bôi.
- Điều trị các bệnh phối hợp: bệnh tiểu đường, cắt bỏ các khối u
Trên đây là một số chia sẻ về Gai đen và những điều cần biết về gai đen. Hi vọng nó sẽ giúp ích cho bạn và gia đình. Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào như da dày hơn bình thường, sắc tố da tăng lên khiến da có màu sạm hoặc thậm chí chuyển thành màu đen, vùng da bị gai đen, hoặc có mùi hoặc gây ngứa, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn.