Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Giãn dây chằng là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp phòng ngừa
Trong quá trình vận động, chơi thể thao rất dễ xảy ra tình trạng giãn dây chằng. Nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như: viêm, đứt dây chằng,… từ đó gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt. Để hiểu rõ hơn về giãn dây chằng và các phương pháp chữa trị, bạn có thể theo dõi bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Giãn dây chằng là gì?
Giãn dây chằng là hiện tượng dây chằng bị kéo căng quá mức do tác động bởi nhiều yếu tố, thường là do bị ép đột ngột, khiến cho các khớp di chuyển ra ngoài phạm vi bình thường. Tình trạng này thường xảy ra ở khớp gối, khớp vai và đặc biệt phổ biến ở mắt cá chân (chủ yếu là mặt ngoài).
Nhiều người hay nhầm lẫn tình trạng này với căng cơ. Sự khác biệt giữa giãn dây chằng và căng cơ là vị trí của dây chằng. Khi giãn dây chằng, dải cơ bị tổn thương nằm ở vị trí nối với hai xương. Căng cơ lại dải mô bị tổn thương ở vị trí gắn cơ với xương.
Một số trường hợp, giãn dây chằng nghiêm trọng và gãy xương có triệu chứng tương tự nhau, cần được các chuyên gia y tế và các thiết bị chẩn đoán hình ảnh hỗ trợ mới có thể nhận diện đúng.
Giãn dây chằng thường ít gặp ở trẻ nhỏ. Bởi trẻ có vùng mô mềm hơn ở các đầu xương nên dây chằng ở khu vực này thường rất dẻo dai.
Triệu chứng
Khi dây chằng bị giãn sẽ xuất hiện các triệu chứng sau:
-
Đau nhức:
Người bị tổn thương dây chằng sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi khi phải gánh chịu những cơn đau nhức. Tùy theo mức độ tổn thương của dây chằng mà cơn đau có thể thoáng qua hoặc kéo dài âm ỉ. Đặc biệt, khi thời tiết chuyển lạnh, ẩm ướt thì cơn đau sẽ trở nên dữ dội và nhức mỏi nhiều hơn. Do đó lúc quay người, đứng lên ngồi xuống đột ngột hoặc khuân vác đồ, thì cảm giác đau nhức sẽ gây ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt.
-
Sưng, đỏ và tím bầm:
Khi dây chằng bị kéo căng quá mức thì các vùng tổn thương xung quanh dây chằng đó sẽ sưng tấy. Đồng thời, do máu tập trung lại nhiều nên vùng tổn thương sẽ bị nóng và đỏ lên. Sau một thời gian, vùng da tại đó sẽ chuyển thành tím bầm.
-
Khớp bị căng cứng:
Khi dây chằng bị kéo căng quá mức, bạn sẽ bị căng cứng khớp. Để vận động lại bình thường thì bạn phải xoa bóp khớp vài phút. Nếu dây chằng bị đứt thì việc đi lại sẽ trở nên khó khăn do khớp xương bị lỏng lẻo.
Các triệu chứng trên đều giống với triệu chứng của các bệnh lý liên quan đến xương khớp. Do đó, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và đưa ra biện pháp xử lý kịp thời.
Nguyên nhân
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng dây chằng bị giãn. Một số nguyên nhân chính có thể kể đến như:
-
Làm việc sai tư thế, vận động mạnh
Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng giãn dây chằng lưng. Dây chằng rất dễ bị tổn thương, kéo giãn khi làm việc sai tư thế, lao động quá sức trong thời gian dài.
-
Chấn thương vùng lưng
Dây chằng vùng lưng cũng có thể bị kéo giãn trong các trường hợp như va đập, ngã hoặc bị tai nạn. Nguy hiểm hơn, nhiều trường hợp còn bị đứt dây chằng, việc điều trị bắt buộc phải mổ để nối lại, phục hồi hoạt động cho vùng lưng.
-
Tuổi tác
Cũng như các bộ phận khác, dây chằng sẽ bị lão hóa theo thời gian. Do đó, tuổi càng cao thì nguy cơ bị giãn dây chằng cũng càng cao. Khi bị giãn dây chằng, việc điều trị cũng khó khăn hơn ở người cao tuổi.
-
Mang thai
Phụ nữ mang thai cũng có nguy cơ bị giãn dây chằng lưng hơn người bình thường khác do vùng lưng phải chịu thêm lực từ thai nhi.
Đối tượng nguy cơ
Giãn dây chằng phổ biến với mọi đối tượng:
- Những người độ tuổi trung niên.
- Phụ nữ mang thai cũng có nguy cơ bị giãn dây chằng
- Người bị chấn thương do tai nạn
- Người vận động quá sức hoặc sai tư thế, ví dụ như khi làm việc, mang vác vật nặng, chơi thể thao,..
Chẩn đoán
Trước khi đưa ra phương án điều trị cụ thể, bác sĩ chấn thương chỉnh hình sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá tình trạng giãn dây chằng bằng các biện pháp:
Thăm khám lâm sàng
Bác sĩ sẽ xem xét bệnh sử, khám sức khỏe xương khớp tổng quát bằng cách nắn chỉnh, các nghiệm pháp áp lực để đánh giá tình trạng dây chằng bị chấn thương, số dây chằng bị tổn thương, kiểm tra độ sưng, phạm vi chuyển động và độ ổn định của khớp…
Thăm khám cận lâm sàng
- Các bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình hoặc y học thể thao sẽ chỉ định chụp X-quang để dự phòng trường hợp người bệnh bị gãy xương.
- Tùy thuộc vào tình trạng chấn thương, người bệnh có thể được chỉ định các phương pháp chẩn đoán hình ảnh chuyên sâu như siêu âm khớp, chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) để đánh giá thêm những tổn thương thần kinh, phần mềm.
Phòng ngừa bệnh
Việc chữa trị, phục hồi các vấn đề liên quan đến dây chằng thường mất nhiều thời gian và khả năng tái phát cao. Nên chú ý biện pháp an toàn để tránh chấn thương với một số lưu ý sau:
- Cẩn thận khi di chuyển với đường gồ ghề, trơn trượt
- Cẩn thận khi tham gia giao thông
- Khởi động đúng – đủ và sử dụng các thiết bị bảo hộ khi chơi thể thao
- Thường xuyên luyện tập thể dục để nâng cao sức khỏe
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng
Điều trị như thế nào?
Điều trị giãn dây chằng cần xem xét nguyên nhân chính gây nên tình trạng này, bao gồm nâng cao sức khỏe của cơ xương khớp từ bên trong và tác động từ bên ngoài.
Vật lý trị liệu
Các bài tập vật lý trị liệu có khả năng giúp ngăn ngừa sự hình thành mô sẹo bất thường, hạn chế tình trạng cứng khớp, khôi phục các cơ tổn thương. Tuy nhiên, người bệnh cần được bác sĩ chuyên khoa trực tiếp thăm khám, hướng dẫn bài tập dựa trên thể trạng và tình trạng chấn thương, không nên tự ý tập tại nhà hoặc tập theo các hướng dẫn trên internet để tránh làm tổn thương thêm trầm trọng.
Đồng thời người bệnh có thể được giảm đau thông qua các kỹ thuật vận động khớp, xoa bóp mô mềm, điện trị liệu, thả lỏng hoặc tăng cường tập luyện vùng bị thương bằng các bài tập và kỹ thuật được chỉ định riêng.
Thời gian tập vật lý trị liệu và thời gian cần thiết để phục hồi hoàn toàn sau khi bị giãn dây chằng phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương và tốc độ chữa lành của từng người. Thông thường, một người bị giãn dây chằng mắt cá chân ở mức độ trung bình có thể cần từ 3-6 tuần tập vật lý trị liệu sẽ có thể đi lại bình thường. Với người bị giãn dây chằng ở mức độ nghiêm trọng có thể mất 8-12 tháng để dây chằng lành lại hoàn toàn và cần phải thật thận trọng để tránh tái phát chấn thương.
Thuốc
- Paracetamol thuộc nhóm thuốc thông thường, có thể giúp giảm đau khi bị giãn dây chằng không cần bác sĩ kê đơn. Người bệnh nên dùng 4-6 tiếng/lần, dùng trong vài ngày để cảm thấy dễ chịu hơn.
- Nếu cơn đau vẫn còn nghiêm trọng khi đã dùng thuốc, người bệnh nên báo với bác sĩ để được kê đơn thuốc giảm đau mạnh hơn như Codeine. Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có thể giảm đau, hạn chế tình trạng viêm nhiễm, sưng tấy… và cũng cần được bác sĩ chỉ định.
- Thuốc giảm đau chống viêm dạng thoa cũng có tác dụng tốt như thuốc viên trong điều trị giãn dây chằng và ít gây tác dụng phụ.
Giãn dây chằng gây ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Nếu không khắc phục sớm, tình trạng này có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm như: viêm khớp, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa khớp. Do đó, khi phát hiện các triệu chứng đau nhức, sưng đỏ, căng cứng khớp bạn nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để được điều trị kịp thời. Đồng thời, bạn không nên tự chữa trị bằng các phương pháp dân gian, vì có thể làm mức độ tổn thương trở nên nặng hơn.