Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Hẹp động mạch chi dưới là gì? Những điều cần biết về hẹp động mạch chi dưới
Hẹp động mạch chi dưới (còn gọi là bệnh động mạch ngoại biên chi dưới) là một tình trạng phổ biến trong đó các động mạch bị thu hẹp làm giảm lưu lượng máu đến chân. Trong bệnh hẹp động mạch chi dưới, chân không nhận đủ lượng máu từ tim để theo kịp nhu cầu của cơ thể. Điều này có thể gây đau chân khi đi lại và các triệu chứng khác. Bài viết sau sẽ cung cấp thông tin những điều cần biết về hẹp động mạch chi dưới.
Tổng quan chung hẹp động mạch chi dưới
Bệnh động mạch chi dưới còn được gọi là bệnh động mạch ngoại biên, xảy ra khi mảng xơ vữa hình thành trong lòng động mạch chi dưới, làm tắc nghẽn dòng máu. Mảng xơ vữa bao gồm chất béo, cholesterol, canxi và các chất khác trong máu. Khi những mảng bám này tích tụ thì sẽ chặn hoàn toàn hoặc một phần, thu hẹp lòng động mạch, hạn chế lưu lượng máu đến mô ở chân cũng như các bộ phận khác của cơ thể. Điều này đôi khi được gọi là xơ cứng động mạch hoặc xơ vữa động mạch.
Chính vì dòng máu lưu thông kém nên người bệnh có thể bị đau chân và làm tăng nguy cơ tiến triển các vết loét hở, nhiễm trùng da. Nếu không điều trị, bệnh động mạch chi dưới diễn tiến nặng dần có thể khiến các mô chân hoại tử, đôi khi phải cắt cụt chi.
Triệu chứng hẹp động mạch chi dưới
Bệnh động mạch chi dưới thường chỉ ảnh hưởng đến một bên chân. Triệu chứng phổ biến và đáng chú ý nhất là đau chân sau khi đi bộ một quãng đường ngắn (độ dài quãng đường là khác nhau ở mỗi người nhưng nhìn chung không xa), triệu chứng này được gọi là đau chân cách hồi.
Nguyên nhân gây ra chi dưới bị đau khi đi bộ là do lưu lượng máu và oxy không đủ đến tổ chức cơ chi dưới trong quá trình hoạt động thể chất. Cơn đau có xu hướng xảy ra ở cùng một vùng của chân, chẳng hạn như bắp chân, bất cứ khi nào người bệnh đi bộ và giảm đau sau khi nghỉ ngơi vài phút. Khi bắt đầu đi lại, cơn đau có xu hướng xuất hiện trở lại ở khoảng cách tương đương với quãng đường đã đi bộ.
Ngoài ra, các dấu hiệu của bệnh động mạch chi dưới còn bao gồm:
- Xuất hiện các vết loét trên chân hoặc bàn chân. Đôi khi các tổn thương này khởi phát từ một chấn thương hoặc vết xước nhỏ.
- Lưu thông máu kém ở chân có thể dẫn đến da khô, nứt nẻ.
- Các vết cắt nhỏ và da bị nứt không nhận đủ lưu lượng máu để tái tạo, vi khuẩn có thể xâm nhập vào chúng và gây nhiễm trùng. Nếu vết loét bị nhiễm trùng và không được điều trị, mô có thể chết. Tình trạng này, được gọi là hoại tử, xảy ra khi một động mạch bị tắc nghẽn ngăn cản mô chân nhận đủ máu và oxy. Một chân bị hoại tử nghiêm trọng có thể phải cắt cụt nếu điều trị phẫu thuật và thuốc không giúp khôi phục lưu lượng máu hiệu quả. Các dấu hiệu của hoại tử chi bao gồm da đổi màu, có mùi hôi và chảy mủ do nhiễm trùng.
Nguyên nhân
Hẹp động mạch chi dưới thường do sự tích tụ các mảng bám chứa cholesterol trên thành động mạch. Quá trình này được gọi là xơ vữa động mạch. Nó làm giảm lưu lượng máu đi qua động mạch.
Xơ vữa động mạch ảnh hưởng đến các động mạch khắp cơ thể. Khi nó xảy ra ở các động mạch cung cấp máu cho các chi sẽ gây ra bệnh động mạch ngoại biên.
Các nguyên nhân ít gặp hơn của hẹp động mạch chi dưới, bao gồm:
- Viêm mạch máu;
- Chấn thương;
- Tiếp xúc với tia xạ.
Đối tượng nguy cơ
- Bệnh động mạch chi dưới thường do hút thuốc lá, béo phì và tình trạng dinh dưỡng kém. Những người có mức cholesterol trong máu cao do yếu tố di truyền hoặc chế độ ăn nhiều chất béo thì có thể gây tắc nghẽn động mạch. Bên cạnh đó, lối sống ít vận động cũng làm tăng nguy cơ, vì lưu lượng máu lưu thông kém hơn. Vì vậy, việc tập thể dục thường xuyên đã được chứng minh là cải thiện lưu lượng máu và sức khỏe động mạch.
- Tăng huyết áp là một yếu tố nguy cơ khác. Huyết áp cao làm tổn thương các thành động mạch, khiến chúng dễ bị tắc nghẽn và thu hẹp.
- Những bệnh nhân đái tháo đường cũng có nhiều khả năng diễn tiến tới bệnh động mạch chi dưới vì dễ hình thành các mảng xơ vữa gây tắc nghẽn động mạch.
Chẩn đoán
Sau khi kiểm tra và xem xét bệnh sử, bác sĩ có thể yêu cầu một trong các xét nghiệm sau để tìm những dấu hiệu của sự tắc nghẽn trong động mạch chi dưới.
- Siêu âm Doppler động mạch
Siêu âm Doppler màu sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh làm nổi bật lưu lượng máu trong động mạch chi dưới. Công cụ này phát hiện và đánh giá bất kỳ tắc nghẽn nào gây ra bởi sự tích tụ mảng bám.
Trong quá trình siêu âm, bác sĩ đặt một thiết bị cầm tay (đầu dò) lên da, truyền sóng âm thanh tạo ra hình ảnh của các mạch máu ở chân trên màn hình. Quá trình này có thể kéo dài từ 30 đến 60 phút và không gây ra bất kỳ đau đớn nào. Sau đó, người bệnh hoàn toàn có thể trở lại các hoạt động thường ngày của mình.
- Đo huyết áp tứ chi
Bác sĩ có thể đo huyết áp ở đùi, bắp chân và bàn chân cũng như huyết áp ở cánh tay. Huyết áp thấp có thể là dấu hiệu của tắc nghẽn động mạch với lưu lượng máu không đủ.
- Chụp cắt lớp vi tính
Trong quá trình chụp cắt lớp vi tính, công nghệ tia X được sử dụng để khảo sát nhiều cấu trúc bên trong cơ thể. Trước khi chụp, người bệnh được tiêm tĩnh mạch một liều chất cản quang, đi qua các mạch máu và làm nổi bật bất kỳ sự tắc nghẽn nào trong các động mạch chi dưới.
- Chụp mạch máu
Trong chụp mạch máu, tia X cũng được sử dụng để xác định xem mảng bám có làm tắc nghẽn mạch máu hay không. Trong quá trình thực hiện, người bệnh được gây tê tại chỗ, bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ trên da gần bẹn, đưa một ống thông vào và dẫn theo động mạch đùi. Bác sĩ tiếp tục di chuyển ống thông đến khu vực ở chân để kiểm tra và tiêm thuốc cản quang làm nổi bật lòng mạch máu, phát hiện tình trạng hẹp, giãn rộng hoặc tắc nghẽn lòng mạch.
Phòng ngừa hẹp động mạch chi dưới
Cách tốt nhất để ngăn ngừa đau chân do bệnh động mạch ngoại biên là duy trì lối sống lành mạnh. Điều đó có nghĩa là:
- Ngừng hút thuốc lá;
- Kiểm soát đường huyết;
- Ăn thực phẩm ít chất béo bão hòa;
- Tập thể dục thường xuyên, nhưng hãy thảo luận với bác sĩ của bạn về loại hình và cường độ tập luyện tốt nhất cho bạn;
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh;
- Quản lý huyết áp và mỡ máu.
Điều trị hẹp động mạch chi dưới như thế nào?
- Bác sĩ có thể kê toa Aspirin hoặc các loại thuốc chống kết tập tiểu cầu tương tự khác để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng do hẹp động mạch chi dưới và bệnh xơ vữa động mạch liên quan.
- Có thể cần dùng thuốc để giảm mỡ máu.
- Nếu bạn đang hút thuốc lá, hãy bỏ nó. Nói chuyện với bác sĩ về những cách giúp bạn cai thuốc lá.
- Có thể cần phẫu thuật để bắc cầu các động mạch bị tắc.
Một chương trình tập thể dục có giám sát được khuyến cáo cho những người bị đau do lưu lượng máu đến cơ quá ít để cải thiện tình trạng chức năng, chất lượng cuộc sống và giảm các triệu chứng ở chân.