Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Hẹp động mạch thận là gì? Những điều cần biết về hẹp động mạch thận
Hẹp động mạch thận là bệnh lý do thu hẹp của một hoặc nhiều động mạch mang máu đến thận (động mạch thận). Hậu quả gây ra là thận bị giảm tưới máu, có thể làm tăng huyết áp và tổn thương nhu mô thận.
Tổng quan chung
Hẹp động mạch thận là gì?
Hẹp động mạch thận là sự thu hẹp của một hoặc nhiều động mạch mang máu đến thận (động mạch thận). Thận cần lượng máu đầy đủ để giúp lọc bỏ chất thải và chất lỏng dư thừa. Khi các động mạch bị thu hẹp sẽ dẫn đến sự thiếu hụt lượng máu giàu oxy đến thận. Lưu lượng máu giảm có thể làm tăng huyết áp trong toàn bộ cơ thể (huyết áp hệ thống) và làm tổn thương nhu mô thận.
Tình trạng này có thể gây cao huyết áp thận. Nếu tất cả động mạch thận bị tắc nghẽn sẽ dẫn đến nhiều bệnh nghiêm trọng bao gồm cả suy thận.
Triệu chứng
Hẹp động mạch thận có thể không có dấu hiệu hoặc triệu chứng nào cho đến khi bệnh tiến triển nặng đi. Hầu hết những người bị hẹp động mạch thận không có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng mà người bệnh có thể nhận ra được. Đôi khi chỉ được phát hiện tình cờ trong quá trình xét nghiệm vì đi khám bệnh khác. Bác sĩ cũng có thể nghi ngờ nếu người bệnh có:
- Huyết áp cao bắt đầu đột ngột hoặc xấu đi mà không rõ nguyên nhân
- Huyết áp cao bắt đầu trước 30 tuổi hoặc sau 50 tuổi
Tăng huyết áp là dấu hiệu thường gặp của hẹp động mạch thận
Khi hẹp động mạch thận tiến triển, các dấu hiệu và triệu chứng khác có thể bao gồm:
- Huyết áp cao khó điều trị
- Chẩn đoán hẹp động mạch thận bằng cách nghe âm thổi ở bụng khi máu chảy qua động mạch hẹp, có thể gây ra tiếng thổi; có thể đặt một ống nghe ở mặt trước hoặc phía bên của bụng để nghe được âm thanh này
- Nồng độ protein trong nước tiểu tăng hoặc các dấu hiệu khác của chức năng thận bất thường
- Chức năng thận xấu đi trong quá trình điều trị huyết áp cao
- Quá tải chất lỏng và người bệnh có phù
- Suy tim kháng trị
Các biến chứng có thể có của hẹp động mạch thận bao gồm:
- Huyết áp cao
- Suy thận, người bệnh cần phải điều trị bằng lọc máu hoặc ghép thận
- Phù ở chân, gây sưng mắt cá chân hoặc bàn chân
- Khó thở do chất lỏng tích tụ đột ngột trong phổi gây ra phù phổi cấp
Nguyên nhân gây ra hẹp động mạch thận là gì?
Nguyên nhân chính gây hẹp động mạch thận bao gồm:
- Xơ vữa động mạch: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất, do sự tích tụ của mảng xơ vữa trong lòng động mạch.
- Loạn sản xơ cơ: Một tình trạng hiếm gặp, ảnh hưởng đến các thành phần cấu trúc của động mạch thận.
- Viêm động mạch: Viêm nhiễm hoặc các bệnh tự miễn dịch có thể gây viêm động mạch thận.
- Tổn thương hoặc chấn thương: Các tổn thương do phẫu thuật hoặc tai nạn cũng có thể dẫn đến hẹp động mạch thận.
Đối tượng nguy cơ
Hầu hết các trường hợp hẹp động mạch thận là do xơ vữa động mạch. Các yếu tố nguy cơ gây xơ vữa động mạch của thận cũng giống như đối với chứng xơ vữa động mạch ở bất cứ nơi nào khác trong cơ thể, bao gồm:
- Lão hóa
- Huyết áp cao
- Cholesterol cao
- Bệnh tiểu đường
- Béo phì
- Hút thuốc và sử dụng thuốc lá ở các dạng khác
- Tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch sớm
- Ít tập thể dục
Hẹp động mạch thận được chẩn đoán như thế nào?
-
Chụp động mạch thận:
Chụp động mạch thận là xét nghiệm tốt nhất để phát hiện mức độ hẹp của động mạch thận. Tuy nhiên, chụp mạch không phải là xét nghiệm chính và chỉ được thực hiện cho những bệnh nhân có bằng chứng hẹp động mạch bằng xét nghiệm không xâm lấn khác như siêu âm, CTscan hoặc MRI.
Các xét nghiệm hình ảnh ít xâm lấn khác được sử dụng phổ biến nhất là:
-
Chụp mạch cộng hưởng từ (MRA)
Chụp mạch cộng hưởng từ (MRA) tương tự như chụp cộng hưởng từ (MRI). Thuốc cản quang được tiêm vào máu qua tĩnh mạch ở cánh tay. Sau đó động mạch thận sẽ được chụp lại và phân tích. Độ chính xác của xét nghiệm này là tương đối cao.
-
Chụp CT mạch máu
Chụp CT mạch máu cũng được thực hiện bằng cách tiêm thuốc cản quang vào máu và chụp ảnh động mạch thận. Phương pháp cần thận trọng dùng ở những bệnh nhân bị suy thận.
-
Siêu âm Doppler
Đây là xét nghiệm hình ảnh ít xâm lấn nhất để đánh giá tình trạng hẹp của động mạch thận. Được thực hiện tương tự như siêu âm thông thường bằng cách đặt một đầu dò trên bụng để hình dung dòng chảy qua các động mạch thận và cũng để đo kích thước ở chỗ hẹp. Độ chính xác của nó tương tự như các thử nghiệm khác ở trên.
Tuy nhiên ưu điểm của nó là có thể đo kích thước của sự thu hẹp cũng như dòng chảy qua chỗ hẹp. Nhược điểm của xét nghiệm là tốn nhiều thời gian và có thể mất đến vài giờ để hoàn thành. Kết quả và độ chính xác của xét nghiệm cũng phụ thuộc rất nhiều vào chuyên môn và kinh nghiệm của kỹ thuật viên siêu âm.
Phòng ngừa bệnh Hẹp động mạch thận
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh. Khi cân nặng tăng, huyết áp cũng vậy, do đó nếu thừa cân, thậm chí giảm 4,5kg có thể giúp giảm huyết áp.
- Hạn chế muối trong chế độ ăn uống do muối và thức ăn mặn khiến cơ thể giữ nước. Điều này có thể làm tăng thể tích máu và dẫn tới làm tăng huyết áp.
- Tăng cường tập thể dục. Hoạt động thể chất một cách thường xuyên có thể giúp giảm cân, giảm nguy cơ mắc bệnh tim, giảm cholesterol và giảm huyết áp. Kiểm tra với bác sĩ trước khi bắt đầu kế hoạch tập thể dục, đặc biệt là nếu người bệnh đã bị huyết áp cao và chưa bao giờ tập thể dục trong quá khứ.
- Giảm căng thẳng. Căng thẳng có thể làm tăng huyết áp tạm thời, tuy nhiên, sự gia tăng này khác nhau, tùy thuộc vào mức độ căng thẳng phải đối mặt và cách cơ thể người bệnh phản ứng với nó.
- Uống rượu hoặc đồ uống chứa caffein ở mức độ vừa phải
- Không hút thuốc lá. Thuốc lá làm tổn thương thành mạch máu và tăng tốc độ quá trình xơ cứng động mạch. Nếu hút thuốc, hãy xin hỗ trợ từ bác sĩ để giúp bỏ thuốc lá.
Điều trị hẹp động mạch thận như thế nào?
Điều trị hẹp động mạch thận bao gồm thay đổi lối sống, dùng thuốc, điều trị nội khoa và phẫu thuật nhằm mục đích: ngăn chặn hẹp động mạch thận tiến triển nặng; điều trị suy thận mạn; giảm tắc nghẽn động mạch thận.
- Thay đổi lối sống: nhằm cải thiện các mạch máu khỏe mạnh khắp cơ thể, trong đó có động mạch thận. Cách tốt nhất là tập thể dục để duy trì cơ thể khỏe mạnh, cân đối. Lựa chọn thực phẩm lành mạnh hợp lý. Những người hút thuốc nên bỏ thuốc lá, thuốc lào để bảo vệ thận và cơ quan nội tạng.
- Dùng thuốc: Các loại thuốc hạ huyết áp, thuốc chống đông máu, và thuốc làm giảm cholesterol.
- Điều trị nội khoa: thuốc có thể dùng là các thuốc hạ áp huyết, thuốc ức chế men chuyển angiotensin, thuốc chẹn thụ thể angiotensin… có hiệu quả trong việc làm chậm sự tiến triển của bệnh thận; thuốc lợi tiểu; thuốc chẹn beta, thuốc chẹn kênh calci, thuốc hạ huyết áp khác. Thuốc làm giảm cholesterol để ngăn ngừa mảng bám tích tụ trong động mạch; thuốc aspirin, giúp máu lưu thông dễ dàng hơn trong các động mạch.
- Phẫu thuật: nong mạch vành là một thủ thuật dùng ống thông đưa vào động mạch thận, thường là ở háng. Một quả bóng nhỏ ở đầu ống thông được thổi phồng để san bằng các mảng bám vào thành động mạch. Đặt ống stent bên trong động mạch để cải thiện sự lưu thông máu.
Hẹp động mạch thận là một bệnh lý nguy hiểm có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như suy thận và tăng huyết áp. Việc nhận biết sớm các triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh là rất quan trọng để có biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời. Duy trì lối sống lành mạnh, kiểm tra sức khỏe định kỳ và tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ sẽ giúp bạn quản lý tốt bệnh lý này và nâng cao chất lượng cuộc sống. Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nào của hẹp động mạch thận, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.