Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Hội chứng đường hầm xương quay là gì? Những điều cần biết về hội chứng đường hầm xương quay
Hội chứng đường hầm xương quay là tình trạng chèn ép dây thần kinh quay ở đầu gần cẳng tay. Các triệu chứng bao gồm đau cẳng tay và khuỷu. Bài viết sau sẽ cung cấp thông tin những điều cần biết về hội chứng đường hầm xương quay
Tổng quan chung hội chứng đường hầm xương quay
Hội chứng đường hầm xương quay (Radial tunnel syndrome) đề cập đến một tình trạng hiếm gặp đó là thần kinh gian cốt sau bị chèn ép khi đi qua đường hầm quay.
Hội chứng đường hầm xương quay sẽ dẫn đến triệu chứng đau mà không có rối loạn cảm giác hay vận động kèm theo. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, thần kinh gian cốt bị nén, gây tổn thương các sợi myelin của thần kinh gian cốt sau dẫn đến yếu các nhóm cơ duỗi cổ tay.
Triệu chứng hội chứng đường hầm xương quay
Các triệu chứng của hội chứng đường hầm xương quay bao gồm đau nhói ở mặt mu cẳng tay và mặt bên khớp khuỷu. Đau tăng lên khi cố duỗi cổ tay, các ngón tay và ngửa cẳng tay. Hiếm gặp mất cảm giác do thần kinh quay chủ yếu là thần kinh vận động ở vùng cẳng tay. Bệnh này đôi khi bị nhầm lẫn với bệnh lý khuỷu tay ở người chơi quần vợt (viêm điểm bám gân lồi cầu ngoài xương cánh tay ). Khi yếu các cơ duỗi là biểu hiện chính, tình trạng này được coi như liệt dây thần kinh gian cốt sau cánh tay.
Nguyên nhân hội chứng đường hầm xương quay
Dây thần kinh quay (bắt nguồn từ đám rối cánh tay), khi chạy đến rãnh nhị đầu ngoài sẽ phân làm hai nhánh nông và sâu, nhánh sâu là dây thần kinh gian cốt sau. Đường hầm xương quay được định nghĩa là một khoảng trống kích thước 5cm ở mặt sau cẳng tay, kéo dài từ khớp lồi cầu quay đến đầu gần của cơ ngửa. Khi dây thần kinh quay đi ở khu vực đường hầm quay, được bao quanh bởi cơ và dây chằng, bất cứ yếu tố nào gây áp lực sẽ dẫn đến tình trạng chèn ép dẫn đến hội chứng đường hầm xương quay.
Các hoạt động có thể gây ảnh hưởng bao gồm:
- Lặp đi lặp lại một số chuyển động nhất định như đánh máy, sử dụng tua vít.
- Liên tục đưa tay thực hiện động tác kéo và đẩy.
- Chấn thương trực tiếp mạnh vào mặt ngoài khuỷu và cẳng tay.
- Uốn cong cẳng tay quá mức.
Đối tượng nguy cơ hội chứng đường hầm xương quay
Hội chứng đường hầm xương quay phổ biến nhất ở những người trong độ tuổi từ 30 đến 50. Phụ nữ có khả năng mắc tình trạng này cao hơn nam giới.
Một số yếu tố nguy cơ khác có thể khiến bạn có nguy cơ mắc hội chứng đường hầm xương quay cao hơn, bao gồm:
- Cổ tay và cánh tay yếu, kém linh hoạt;
- Không khởi động trước khi chơi thể thao;
- Đái tháo đường;
- Suy chức năng tuyến giáp;
- Các khối u hoặc nang ở cánh tay;
- Sưng hoặc chảy dịch ở cách tay;
- Viêm dây thần kinh quay.
Chẩn đoán hội chứng đường hầm xương quay
Không có xét nghiệm hình ảnh chính thức nào có thể chẩn đoán hội chứng đường hầm xương quay, điều này khiến việc chẩn đoán tình trạng này trở nên khó khăn. Mặc dù vậy, bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm như X-quang, MRI hoặc đo điện cơ để có thể loại trừ các chẩn đoán khác.
MRI cũng rất hữu ích trong việc đánh giá vị trí thường gặp của hội chứng đường hầm xương quay, xác định các nguyên nhân khác có thể gây chèn ép như khối u, u nang, hoặc cal xương bất thường.
Tuy nhiên như đã đề cập, các xét nghiệm chủ yếu là để loại trừ các chẩn đoán khác. Vì trong hầu hết trường hợp hội chứng đường hầm xương quay, hình ảnh học tiên tiến như MRI thường có kết quả âm tính.
Phòng ngừa bệnh hội chứng đường hầm xương quay
Để phòng ngừa hội chứng đường hầm xương quay, bạn nên:
- Hạn chế các hoạt động liên tục của vùng cổ tay, cẳng tay.
- Hạn chế khiêng, kéo, đẩy các vật nặng.
- Nếu thời gian làm việc (như với máy tính) kéo dài, bạn nên nghỉ ngơi giữa các khoảng làm việc.
- Tránh chấn thương vùng khuỷu và cẳng tay.
- Tránh uốn cong cẳng tay quá mức.
Điều trị hội chứng đường hầm xương quay như thế nào?
Việc điều trị hội chứng đường hầm xương quay ban đầu không cần phẫu thuật, bao gồm thay đổi lối sống, dùng thuốc chống viêm và nẹp có thể tháo rời. Các điều trị có thể bao gồm:
- Dùng thuốc chống viêm không kê đơn.
- Tiêm steroid để giảm viêm và giảm áp lực lên thần kinh nếu cần thiết.
- Đẹp nẹp cổ tay và/hoặc khuỷu tay để giảm cử động và kích thích thần kinh quay.
Bạn cũng có thể tham khảo các bài tập vật lý trị liệu có thể giúp ích bao gồm:
- Kéo giãn cổ tay;
- Căng giãn cơ cổ tay;
- Ngửa cổ tay.
Nếu việc điều trị bảo tồn không mang lại hiệu quả, phẫu thuật giải nén và giảm áp lực có thể được chỉ định.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.