Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Hội chứng loét trực tràng đơn độc là gì? Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị hội chứng loét trực tràng đơn độc
Hội chứng loét trực tràng đơn độc là một rối loạn hiếm gặp liên quan đến những cảm giác khó chịu khi đại tiện và đôi khi đi tiêu có máu, chất nhầy. Nguyên nhân là do những tổn thương thiếu máu cục bộ hoặc do sa niêm mạc trực tràng ra ngoài. Chẩn đoán bệnh lý này là dựa trên lâm sàng và xác nhận bằng nội soi kèm sinh thiết.
Tổng quan chung
Hội chứng loét trực tràng đơn độc là một rối loạn lành tính hiếm gặp với tỷ lệ hiện mắc hàng năm ước tính là 1/100000 người. Bệnh xảy ra phổ biến nhất vào khoảng năm 30 tuổi ở nam giới và năm 40 tuổi ở nữ giới nhưng cả nam giới và nữ giới đều có tỷ lệ mắc bệnh như nhau. Bên cạnh đó, một số trường hợp được ghi nhận mắc bệnh ở trẻ em và người cao tuổi.
Tên gọi “loét trực tràng đơn độc” là cách gọi theo hình ảnh vết loét được quan sát thấy ở 40% bệnh nhân. Vị trí của vết loét đơn độc trên trực tràng thường ở thành trước của ống hậu môn trực tràng, cách hậu môn khoảng 7-10 cm.
Tuy nhiên, vùng loét có thể gần hậu môn hơn, sâu hơn bên trong hoặc ở thành bên hoặc thành sau trực tràng. Số bệnh nhân còn lại có các dạng tổn thương khác nhau về hình dạng và kích thước, bao gồm niêm mạc ruột phù nề, xung huyết cho đến tổn thương đa polyp trên diện rộng. Do đó, tên “đơn độc” có thể gây hiểu nhầm vì có thể có nhiều hơn một vết loét; đồng thời, bệnh nhân cũng có các tổn thương quan sát được trên niêm mạc mà chưa diễn tiến tới loét thực sự.
Nguyên nhân cơ bản của viêm loét trực tràng đơn độc được cho là có liên quan đến thói quen rặn quá nhiều khi đại tiện. Do cơ thắt hậu môn hoạt động quá mức trong quá trình đại tiện khiến người bệnh phải cố gắng tống phân ra ngoài nhiều hơn, càng dẫn đến tăng áp lực trong ổ bụng và trong trực tràng. Hệ quả là gây tổn thương niêm mạc. Lớp niêm mạc ruột bị chèn ép lặp đi lặp lại, thiếu máu nuôi tại chỗ có thể khiến mô bị sưng nề, hoại tử và tạo thành các vết loét. Các yếu tố thúc đẩy đến loét trực tràng khác là vừa do các chấn thương ma sát lặp đi lặp lại và vừa do tình trạng phân khô, cứng chắc cũng có thể góp phần.
Triệu chứng
Các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng loét trực tràng đơn độc bao gồm:
- Táo bón
- Chảy máu từ trực tràng
- Đi tiểu kèm chất nhầy
- Khó khăn hay đau đớn khi đi tiêu
- Cảm giác đi phân không hoàn toàn
- Đau hoặc cảm giác đầy bụng trong vùng chậu
- Đau vùng quanh hậu môn – trực tràng
Tuy nhiên, một số người bị hội chứng loét trực tràng đơn độc có thể không có triệu chứng.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra hội chứng loét trực tràng đơn độc không phải lúc nào cũng rõ ràng. Các bác sĩ tin rằng căng thẳng hoặc chấn thương trực tràng có thể tạo nên viêm loét trực tràng.
Ví dụ về các tình huống có thể gây tổn thương trực tràng bao gồm:
- Táo bón hoặc phân bị nén chặt
- Nhu động ruột kém
- Sa trực tràng, xảy ra khi trực tràng nhô ra khỏi hậu môn
- Co thắt thiếu sự phối hợp của các cơ ở sàn khung chậu làm chậm lưu lượng máu đến trực tràng
- Nỗ lực để loại bỏ phân bị nén chặt bằng tay
- Lồng ruột, xảy ra khi một phần của ruột trượt bên trong một phần khác
Đối tượng nguy cơ
Theo các chuyên gia, tình trạng sức khỏe này có thể ảnh hưởng mọi người trong mọi lứa tuổi. Thường xảy ra ở những người bị táo bón kinh niên.
Chẩn đoán
Các bác sĩ sẽ chẩn đoán bằng những thông tin thu thập được từ việc:
- Nội soi đại tràng sigma hoặc nội soi đại trực tràng (tức nội soi toàn bộ khung đại tràng). Khi làm xét nghiệm này, bác sĩ sẽ chèn một ống mềm được trang bị kính vào trực tràng để kiểm tra trực tràng và một phần đại tràng. Nếu phát hiện có tổn thương, bác sĩ có thể lấy mẫu mô (sinh thiết) để xét nghiệm;
- Siêu âm: Kỹ thuật hình ảnh này sử dụng sóng âm để tạo ra hình ảnh. Bác sĩ có thể đề nghị siêu âm để phân biệt hội chứng loét trực tràng đơn độc với các tình trạng khác;
- Xét nghiệm hình ảnh: Bác sĩ có thể đề nghị bạn thực hiện xét nghiệm hình ảnh, chẳng hạn như chụp đại tràng cản quang. Xét nghiệm này cho phép bác sĩ quan sát trực tràng. Khi làm thủ thuật này, bác sĩ chèn một miếng mềm làm bằng barium vào trực tràng, sau đó miếng barium sẽ được thải khi bạn đi tiêu. Bác sĩ sẽ soi miếng barium trên tia X và đưa ra kết quả;
- Chụp cộng hưởng từ: Xét nghiệm này được thực hiện trên một máy chụp cộng hưởng từ (MRI) và cung cấp một hình ảnh 3 chiều của trực tràng.
Phòng ngừa bệnh
Các lối sống và biện pháp tại nhà sau đây có thể giúp bạn phòng ngừa mắc hội chứng loét trực tràng đơn độc:
- Tăng lượng chất xơ trong chế độ ăn uống. Chất xơ tăng khối cho phân và khối lớn sẽ giúp đẩy chất thải trong ruột ra dễ dàng với cử động ruột. Cố gắng ăn ít nhất 20 đến 35g chất xơ mỗi ngày. Nhãn dinh dưỡng trên bao bì thực phẩm liệt kê lượng chất xơ trong khẩu phần ăn. Các nguồn tốt có chất xơ là rau củ quả và ngũ cốc nguyên hạt. Ăn trái cây và rau còn vỏ và ăn toàn bộ trái cây và rau thay vì uống nước ép;
- Thử thuốc nhuận tràng và thuốc làm mềm phân. Một số thuốc nhuận tràng sẽ giúp hấp thụ nước trong ruột và làm cho các phân cứng hơn, giúp kích hoạt ruột co bóp và đẩy phân. Tuy nhiên, bạn nên uống thuốc với nhiều nước nếu không có thể gây tắc nghẽn. Thuốc giúp trộn nước vào phân và làm cho bạn dễ đi tiêu hơn;
- Uống nước đủ nước cả ngày. Uống đủ nước và các dịch khác giúp giữ cho cử động ruột của bạn mềm mại và dễ đi tiêu. Bạn có thể thêm nước chanh vào nước cho dễ uống hoặc thử các loại đồ uống không chứa cacbon và không chứa caffeine khác. Nước ép mận có thể hữu ích vì nó có tác dụng nhuận tràng tự nhiên.
Điều trị như thế nào?
Điều trị hội chứng loét trực tràng đơn độc tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các biểu hiện lâm sàng. Những bệnh nhân có các dấu hiệu và triệu chứng mức độ nhẹ có thể tự thuyên giảm thông qua các biện pháp tích cực thay đổi lối sống. Ngược lại, các bệnh nhân có những dấu hiệu và triệu chứng nghiêm trọng hơn sẽ cần phải điều trị nội khoa hoặc đôi khi có chỉ định phẫu thuật.
Điều trị không dùng thuốc bao gồm:
- Thay đổi chế độ ăn uống để giảm táo bón, người bệnh có thể được chỉ dẫn về việc tăng lượng chất xơ trong mỗi bữa ăn hàng ngày.
- Liệu pháp hành vi khi đi đại tiện nếu người bệnh thường có cảm giác căng thẳng khi vào nhà vệ sinh. Các liệu pháp này sẽ giúp bản thân học cách thư giãn các cơ vùng chậu khi đi tiêu, nhận biết hoạt động này là thói quen cần phải thực hiện hàng ngày.
Điều trị dùng thuốc:
Chủ yếu là các phương pháp điều trị như steroid tại chỗ, thụt sulfasalazine và onabotulinumtoxinA (Botox) có thể giúp giảm bớt các triệu chứng loét trực tràng. Tuy nhiên, những phương pháp điều trị này không phải là luôn hiệu quả với tất cả mọi người và một số phương pháp vẫn đang được thử nghiệm.
Các can thiệp phẫu thuật được áp dụng trong điều trị hội chứng loét trực tràng đơn độc:
- Phẫu thuật cắt niêm mạc trực tràng: khi người bệnh bị sa trực tràng gây ra các triệu chứng.
- Phẫu thuật cắt bỏ trực tràng: khi các triệu chứng của người bệnh không cải thiện được với các phương pháp điều trị khác. Lúc này, bác sĩ phẫu thuật sẽ kết nối đại tràng với một lỗ mở trên thành bụng, gọi là hậu môn nhân tạo, để người bệnh đi tiêu ra ngoài.
Tóm lại, loét trực tràng đơn độc là một rối loạn mãn tính, lành tính xuất hiện từ tuổi thanh niên, thường liên quan đến thói quen đại tiện bất thường hoặc do căng thẳng. Mặc dù tổn thương của bệnh thường khu trú tại chỗ, bệnh có thể tự thuyên giảm nếu biết cách điều chỉnh, nếu không tích cực từ đầu, tổn thương niêm mạc ruột có thể lan rộng, đòi hỏi phải can thiệp phẫu thuật hay ít nhất gây ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.