Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Hội chứng Mallory-Weiss là gì? Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị hội chứng mallory-weiss
Hội chứng Mallory Weiss đặc trưng bởi xuất huyết tiêu hóa cấp tính do vết rách niêm mạc tại thực quản hoặc gần dạ dày hay kết hợp cả hai do áp lực ổ bụng tăng mạnh và đột ngột.
Tổng quan chung
Hội chứng Mallory là viết tắt của hội chứng Mallory weiss (vết rách ở dạ dày thực quản) là vết rách ở lớp niêm mạc của thực quản, thường xảy ra ở nơi giao giữa thực quản và dạ dày. Hội chứng Mallory là bệnh không lây truyền cho người khác và thường tự khỏi trong khoảng 10 ngày mà không cần các điều trị đặc biệt nào. Tuy nhiên một số trường hợp có thể để lại các biến chứng như chảy máu nghiêm trọng không cầm hoặc không có biện pháp xử lý kịp thời bệnh nhân có thể tử vong.
Vết rách Mallory Weiss là 1 vết rách dài ở thực quản hoặc dạ dày. Nguyên nhân thường gặp nhiều nhất là buồn nôn và nôn sau khi uống nhiều rượu. Những vết rách này là những đường phát sinh với một lực co thắt của sự nôn ói. Có một số lí do lý giải tại sao vết rách Mallory Weiss có thể xảy ra trong nôn ói. Bình thường trong quá trình nôn, thành ống tiêu hóa co thắt theo nhiều hướng khác nhau. Điều này đẩy thức ăn ngược ống tiêu hóa – từ ruột non, vào dạ dày, thực quản và lên tới cuống họng và khoang miệng. Đó là một quá trình rất mạnh mẽ và thành ống tiêu hóa phải chịu rất nhiều áp lực. Ngoài ra còn có thể gặp do ho, hắt hơi mạnh, hoặc là sau xoa bóp tim ngoài lồng ngực, lên cơn động kinh.
Vết rách dạ dày thực quản gây ra tình trạng bệnh lý xuất huyết tiêu hóa biểu hiện bằng nôn máu tươi hay tiêu phân đen do tăng áp lực ổ bụng đột ngột. Biểu hiện của một trường hợp điển hình là nôn ra máu tươi hay dịch nôn nâu đen sau khi nôn ói liên tục. Hầu hết các trường hợp nôn ra máu mức độ nhẹ tới trung bình. Hiếm khi xảy ra xuất huyết tiêu hóa nặng.
Hầu hết các trường hợp chảy máu đều tự dừng lại mà không có bất kỳ điều trị gì. Tái phát cũng ít xảy ra. Chỉ có một số nhỏ bệnh nhân có thể có mất máu đáng kể, do đó đòi hỏi phải truyền máu, hoặc gây ra sốc. Ngoài ra cũng có nguy cơ gây ra thiếu máu cơ tim cục bộ, dẫn đến đau tim.
Triệu chứng
Hội chứng Mallory weiss có thể gây ra những triệu chứng sau:
- Nôn ra máu: Đây là biểu hiện thường gặp nhất. Ban đầu, chất nôn thường không lẫn máu nhưng sau đó, bệnh nhân sẽ nôn ra máu có màu đỏ tươi vì không lẫn các enzyme và acid dạ dày. Những trường hợp nôn ra máu có thể từ mức nhẹ đến trung bình và hiếm khi xảy ra tình trạng xuất huyết tiêu hóa nghiêm trọng.
- Đi ngoài phân đen: Người bệnh cũng có thể gặp phải triệu chứng này nhưng thường ít gặp hơn biểu hiện nôn ra máu. Nguyên nhân là do máu từ vết rách dạ dày, thực quản chảy xuống ống tiêu hóa và đại tràng. Trong trường hợp bệnh nhân chảy nhiều máu, nhu động ruột tăng cao sẽ khiến cho máu chảy nhanh xuống đại tràng. Do vậy, phân của người bệnh có màu đỏ tươi.
- Ngoài ra, người bệnh còn có thể gặp phải một số triệu chứng như đau vùng xương ức, đau bụng, ăn không tiêu, nhịp tim nhanh, tụt huyết áp, ngất, thậm chí sốc vì mất nhiều máu.
Nguyên nhân
Các nguyên nhân thông thường gây hội chứng mallory weiss gồm:
- Nôn dữ dội và kéo dài làm cho cơ vòng thực quản trên không được nghỉ ngơi.
- Ho kéo dài;
- Chấn thương ở ngực hoặc bụng;
- Bị viêm dạ dày.
Đối tượng nguy cơ
Đây là căn bệnh có thể xảy ra ở nhiều đối tượng khác nhau. Tuy nhiên, những trường hợp dưới đây sẽ có nguy cơ cao hơn:
Bệnh nhân bị thoát vị khe thực quản.
- Trường hợp uống quá nhiều bia rượu. Nếu đã từng bị bệnh và không loại bỏ thói quen này thì cũng có nguy cơ tái phát bệnh rất cao.
- Dùng một số chất gây buồn nôn và nôn cực mạnh.
- Bệnh nhân mắc viêm hay tắc nghẽn dạ dày, tắc ruột.
- Các trường hợp mắc viêm thực quản.
- Bệnh nhân mắc viêm gan.
- Người mắc phải một số bệnh về đường mật.
- Bệnh nhân suy thận.
- Người bị rối loạn ăn uống.
- Bệnh nhân bị rối loạn đông máu, dùng các loại thuốc gây ảnh hưởng đến đông máu, có thể kể đến như aspirin hay warfarin.
- Phụ nữ mang thai bị nghén nặng. Trên thực tế, phụ nữ bị mắc hội chứng này rất ít khi bị xuất huyết nặng. Tuy nhiên, một số trường hợp bị tăng áp lực tĩnh mạch cửa hay rối loạn đông máu thì có thể xảy ra xuất huyết nghiêm trọng, thậm chí gây ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh.
- Các trường hợp bị tăng áp lực nội sọ.
Chẩn đoán
Các biện pháp chẩn đoán Hội chứng mallory weiss
- Hỏi bệnh: có thể nghĩ đến hội chứng này khi bệnh nhân xuất hiện nôn ra máu từng đợt tiếp diễn kèm theo trình trạng nôn nhiều sau khi uống rượu. Tuy nhiên cần chú ý rằng có khoảng 30% số trường hợp khởi phát tăng áp lực ổ bụng không kèm với nôn ói.
- Nội soi thực quản-dạ dày: Nội soi giúp loại trừ nguyên nhân xuất huyết tiêu hóa khác, ngoài ra còn giúp đánh giá tổn thương và mức độ xuất huyết. Thường qua nội soi thực quản-dạ dày sẽ phát hiện một hoặc nhiều chỗ rách niêm mạc vùng chỗ nối dạ dày-thực quản và vùng lân cận.
- Ở phụ nữ có thai, hội chứng này cũng hay gặp nhưng ít có khả năng xuất huyết nặng do huyết áp thấp và mất nước. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân có tăng áp lực tĩnh mạch cửa hay rối loạn đông máu có thể dẫn đến tình trạng xuất huyết tiêu hóa nặng đe dọa tính mạng (nôn gây rách niêm mạc dù nhỏ nhưng sẽ dẫn đến xuất huyết nặng và choáng mất máu). Ngoài ra, cũng hay gặp thoát vị khe hoành kèm theo trên những bệnh nhân này.
Phòng ngừa bệnh
Phòng ngừa Hội chứng mallory weiss
- Điều trị các bệnh nhân có yếu tố nguy cơ như thoát vị khe thực quản, các yếu tố nguy cơ khác
- Hạn chế sử dụng rượu bia đặc biệt người đã từng có vết rách dạ dày thực quản để tránh tái phát
Tóm lại không có biện pháp phòng ngừa cụ thể trong nhiều trường hợp bởi vì vết rách tự xuất hiện mà không có dấu hiệu báo trước.
Điều trị như thế nào?
- Phần lớn bệnh nhân mắc hội chứng Mallory không bị giãn tĩnh mạch thực quản thì có thể tự cầm máu. Nếu người bệnh không thể tự cầm máu, bác sĩ có thể tiến hành kẹp clip vùng chảy máu bằng nội soi. Nếu biện pháp này không mang lại tác dụng, bác sĩ có thể chỉ định can thiệp nội mạch. Thông thường rất ít trường hợp bệnh nhân cần điều trị bằng phương pháp ngoại khoa.
- Không có thuốc điều trị đặc hiệu cho vết rách vùng niêm mạc dạ dày. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể được chỉ định sử dụng các loại thuốc giúp giảm axit trong dạ dày, các loại thuốc chống nôn,…
- Bên cạnh đó, nếu đang dùng các loại thuốc có nguy cơ làm loãng máu, làm tăng nguy cơ chảy máu,… bệnh nhân cần dừng ngay lập tức. Lưu ý, những trường hợp dùng những loại thuốc có nguy cơ kể trên để điều trị bệnh mạn tính thì cần dùng dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ.
- Về chế độ ăn uống: Người bệnh cần ăn uống đầy đủ dưỡng chất, ăn nhiều sắt để bổ sung lại lượng máu đã mất cho cơ thể. Trong trường hợp người bệnh mắc viêm dạ dày thì cần tránh các loại đồ ăn có tính cay, chua và không nên ăn khi món ăn còn quá nóng.
- Phẫu thuật: Thông thường, những vết rách này có thể tự lành trong vài ngày, do đó rất ít khi phải dùng đến phương pháp phẫu thuật. Tuy nhiên, với các trường hợp chảy máu nghiêm trọng, người bệnh cần thực thực hiện phẫu thuật vết rách để cầm máu hoặc thực hiện đốt điện, YAG laser hay liệu pháp xơ hóa để hạn chế tình trạng chảy máu nghiêm trọng.
Cần liên hệ với bác sĩ nếu xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc hội chứng Mallory-Weiss, qua đánh giá bác sĩ sẽ có hướng xử trí tốt nhất dành cho bạn. Khi thấy nôn ra máu hoặc phân có máu lượng nhiều, cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.