Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Hội chứng mông chết là gì? Những điều cần biết về hội chứng mông chết
Nếu ngồi một chỗ quá lâu, không đứng dậy đi lại thường xuyên, bạn có thể gặp phải hội chứng ‘mông chết’, khi cơ mông rơi vào trạng thái tê liệt. Hội chứng “mông chết” (Dead Butt Syndrome – DBS) là tình trạng các cơ mông không thể phản ứng hay hoạt động như bình thường, không thực hiện được chức năng hỗ trợ xương chậu và giữ cho cơ thể đứng thẳng. Bài viết sau sẽ cung cấp thông tin những điều cần biết về hội chứng mông chết.
Tổng quan chung hội chứng mông chết
Hội chứng mông chết là tên thường gọi của bệnh viêm gân cơ mông, một tình trạng thường gặp ở những người ngồi nhiều, lười vận động. Hội chứng mông chết xuất hiện khi một trong ba khối cơ lớn ở vùng mông bị suy giảm chức năng, phổ biến nhất là cơ mông lớn. Bệnh viêm gân cơ mông cũng có thể xuất hiện ở những người vận động nhiều nhưng không sử dụng đến các cơ vùng mông, thậm chí một vận động viên chạy marathon cũng không thể hoàn toàn chắc chắn sẽ tránh được hội chứng mông chết. “Chết” trong hội chứng mông chết có nghĩa là sự mất hoặc suy giảm chức năng của các cơ vùng mông do không được sử dụng đến.
Theo nhiều nghiên cứu và ý nghĩa của các chuyên gia, việc ngồi lâu tại một vị trí được xem như một yếu tố nguy cơ của nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau như béo phì, bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh lý ác tính, … vì thế, khi được chẩn đoán mắc bệnh viêm gân cơ mông, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám toàn diện và đưa ra các biện pháp điều trị hợp lý.
Triệu chứng hội chứng mông chết
- Cảm giác tê tê hoặc hơi đau ở mông nhưng khi đứng dậy di chuyển hay thực hiện một số động tác kéo giãn nhẹ có thể khiến các cơ nhanh chóng hoạt động trở lại.
- Các biểu hiện nghiêm trọng hơn có thể là cảm giác đau và cứng ở những khu vực khác: ở một hoặc cả hai hông, vùng lưng dưới và đầu gối. Cảm giác đau lan xuống chân, giống như đau thần kinh tọa.
- Cơ mông và cơ gập hông cũng có thể bị ảnh hưởng. Nếu một bên hông bị ảnh hưởng nặng nề, cảm giác đau có thể xuất hiện khi bạn nằm nghiêng về bên đó.
- Hội chứng mông chết cũng có thể dẫn đến viêm bao hoạt dịch hông (một túi chứa đầy chất lỏng giống như thạch, có vai trò giống miếng đệm giúp giảm sự cọ xát giữa xương và mô mềm) gây đau và sưng tấy xung quanh vùng bị ảnh hưởng.
- Đau ở cẳng chân.
- Đau ở hông và lưng.
- Bạn thay đổi sải chân bình thường khi đi bộ hoặc chạy để giảm đau nhưng lại gây căng thẳng cho đầu gối, mắt cá chân và bàn chân vì chúng chưa quen với việc này, do đó cảm giác đau nhức vùng mông có thể xảy ra.
Hoặc bạn cũng có thể kiểm tra xem mình có rơi vào hội chứng này bằng cách:
- Nâng một chân lên phía trước, đầu gối gấp khi đang đứng và quan sát: Nếu nếp mông bên chân co thấp hơn nếp mông chân còn lại thì chứng tỏ cơ mông ngoài ở bên chân co bị yếu.
- Quan sát đường cong ở lưng: Cột sống vùng thắt lưng thường cong chữ S tự nhiên nhưng nếu cong quá mức có thể là dấu hiệu cho thấy cơ hông thắt chặt, co kéo cột sống.
Nguyên nhân hội chứng mông chết
- Nguyên nhân hàng đầu của Hội chứng mông chết là do thời gian ngồi quá lâu khiến cho cơ gấp quanh hông bị siết chặt và ngắn lại, vì thế cơ mông phải dài ra để bù lại. Ngồi quá lâu cũng gây hạn chế quá trình lưu thông máu, khiến mông đột nhiên “đãng trí”, dẫn đến đau hông, đau lưng dưới và các vấn đề với mắt cá chân.
- Nếu cơ gấp hông không được kéo căng, đi bộ nhanh cũng có thể là nguyên nhân gây hội chứng mông chết. Tình trạng cơ hông bị siết chặt và cơ mông dài ra cũng có thể gây viêm gân cơ mông. Hơn nữa, cơ mông vốn có cấu tạo mảnh và nhỏ, các gân hỗ trợ cũng dễ bị tổn thương vì thế chấn thương cũng dễ dàng xảy ra.
- Có một bất ngờ là những người chạy nhiều, tập các động tác cho vùng đùi trước và sau với cường độ cao (như squat…) cũng có nguy cơ mắc DBS cao hơn. Lý do nhóm người này hoạt động vùng cơ đùi quá nhiều và lãng quên cơ vùng mông.
- Việc chạy bộ hay tập luyện quá sức trong thời gian dài và ở cùng một vị trí cũng có thể gây áp lực căng thẳng lên các cơ và gân. Các vận động viên và vũ công ba lê cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với những người khác.
Đối tượng nguy cơ
Tình trạng này xảy ra khi các nhóm cơ ở vùng mông không được sử dụng trong khoảng thời gian khá dài. Các đối tượng nguy cơ mắc bệnh lý này bao gồm:
- Người lười vận động, một phần từ tính chất công việc, nhân viên văn phòng là đối tượng có nguy cơ lớn mắc phải.
- Vận động viên chạy marathon
- Những người tích cực tập luyện cơ vùng đùi như squat.
Chẩn đoán
Trong đời sống hằng ngày, nếu gặp các biểu hiện của hội chứng DBS khi ngồi làm việc, đi bộ, leo cầu thang, bạn hãy đi khám bác sĩ. Các bác sĩ khoa Chẩn đoán hình ảnh, y học thể thao hay cơ xương khớp đều có thể đánh giá các triệu chứng và đưa ra hướng điều trị phù hợp.
Thông qua việc xem xét các triệu chứng, tìm hiểu về lối sống, tiền sử bệnh lý và kiểm tra các khu vực bị đau và cứng, bác sĩ có thể đưa ra phương pháp chữa hội chứng mông chết phù hợp. Bạn cũng có thể được yêu cầu đi lại, duỗi chân hoặc thực hiện một số cử động. Bác sĩ Chẩn đoán Hình ảnh cũng có thể chỉ định thực hiện chụp X-quang hoặc MRI để loại trừ các vấn đề tiềm ẩn khác.
Phòng ngừa hội chứng mông chết
Hội chứng mông chết hay viêm gân cơ mông là hội chứng có thể phòng tránh nếu tuân thủ theo các biện pháp sau:
- Tạo các khoảng nghỉ giữa giờ trong lúc làm việc
- Đi lại vòng quanh hoặc đứng lên trong phòng làm việc
- Không ngồi nhiều tại một vị trí quá 45 phút. Nên đặt đồng hồ nhắc nhở thời điểm cần thư giãn và nghỉ ngơi
- Thực hiện các động tác kéo giãn cơ đơn giản ngay tại nơi làm việc, rủ đồng nghiệp cùng tham gia để tạo thêm nhiều hứng thú và niềm vui khi luyện tập
- Lựa chọn leo cầu thang thay vì đi thang máy khi di chuyển giữa các tầng trong mức giới hạn sức khỏe cho phép
- Lựa chọn để được đứng trong những tình huống hằng ngày như xếp hàng đợi mua đồ ăn, thay cho ngồi ghế để đợi.
Điều trị hội chứng mông chết như thế nào?
Phương pháp điều trị mông chết áp dụng cho cả vận động viên và người bình thường bao gồm:
Với vận động viên:
- Tạm ngưng tập thể dục, thể thao, nghỉ ngơi, chườm lạnh, nén chỗ đau bằng cách quấn đầu gối hoặc lưng bị đau (làm theo hướng dẫn của bác sĩ để thực hiện đúng cách), giữ chân cao bằng các sản phẩm hỗ trợ.
- Với những vận động viên chạy cự ly và đạp xe nên kéo giãn cơ trước và sau khi tập thể dục, cần đặc biệt chú ý đến việc kéo căng cơ hông.
- Trường hợp chấn thương nặng, vật lý trị liệu và liệu pháp xoa bóp có thể cần thiết.
- Nếu tổn thương cơ và gân ở mức độ nghiêm trọng, có thể cần phải thực hiện siêu âm, chụp MRI và tuân theo hướng điều trị của bác sĩ.
Với người làm công việc văn phòng:
- Vận động thường xuyên là cách tốt nhất để ngăn ngừa hội chứng mông chết và duy trì sức khỏe ổn định. Cứ sau khoảng 1 tiếng ngồi làm việc, bạn nên dành 10 phút nghỉ giải lao, đứng lên, vươn vai và đi lại để kích hoạt và giữ cho cơ mông không bị chìm vào giấc ngủ.
- Cần ghi nhớ việc liên tục vận động cả 3 loại cơ mông: cơ mông lớn (gluteal maximus), cơ mông nhỡ (gluteal medius) và cơ mông bé (gluteal minimus). Những bài tập có thể tác động đến nhóm cơ này là squat, lunge hoặc ngồi xổm nâng tạ (deadlifts).