Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Loạn dưỡng móng là gì? Những điều cần biết về loạn dưỡng móng
Loạn dưỡng móng khiến cho các móng tay, móng chân bị dày lên, sần sùi, khô ráp. Màu của móng trở nên vàng xỉn hoặc thâm đen. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu những điều cần biết về loạn dưỡng móng qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Loạn dưỡng móng dùng để chỉ chung nhóm bệnh có những bất thường trên bề mặt phiến móng hoặc bị hư móng. Các rối loạn về móng là tình trạng thường gặp, được nhiều người quan tâm. Việc chẩn đoán và trị liệu nhóm bệnh này rất hóc búa, thường gây nản lòng bệnh nhân, và cả thầy thuốc nữa. Vì có rất nhiều nguyên nhân liên quan, việc tìm và giải quyết chúng không dễ dàng, mặt khác, các thuốc uống và thoa rất khó ngấm hết được vào tổ chức sừng cứng của móng.
Ngoài những bất thường về màu sắc có màu xanh, màu vàng, màu nâu đen, màu trắng, móng có thể bất thường về hình dáng như móng hình cái muỗng, móng quặp như mỏ diều hâu… bất thường trên bề mặt của phiến móng như móng gợn sóng, móng có những chỗ lõm lỗ chỗ, móng dày, móng mỏng; bất thường về cách phát triển (móng chọc thịt), hoặc tình trạng hư móng như: xước móng, tách móng (ly móng), hoặc cũng có những trường hợp bị rụng móng…
Triệu chứng bệnh loạn dưỡng móng
Loạn dưỡng móng biểu hiện từ những dấu hiệu bất thường trong hình dạng và kết cấu của móng, bao gồm:
- Móng trở nên thô ráp, dày lên hay dễ gãy.
- Một số móng bị biến dạng, có hình dáng bất thường.
- Trên móng có những rãnh dọc, sần sùi và móng bị tách ra.
- Móng không còn bóng và có thể chuyển sang màu trắng đục, xám.
Nguyên nhân
Nguyên nhân chính xác của bệnh chưa được biết rõ. Bệnh được cho là do rối loạn các yếu tố bên trong cơ thể, đặc biệt là do rối loạn chuyển hóa của da và móng.
Cụm từ “loạn dưỡng” cũng mang ý nghĩa dị tật hoặc có vấn đề trong quá trình hình thành. Do đó, loạn dưỡng móng có nghĩa là móng tay hoặc móng chân gặp “trục trặc” trong khi hình thành, do nhiều lý do như:
- Chấn thương ở móng: Bong hay bật móng, dập ngón tay/chân hay bất kỳ chấn thương nào ở móng đều có thể gây ra tổn thương, đau đớn. Khi đó, bạn phải điều trị các tổn thương ở móng trước khi tìm cách để móng phục hồi lại như ban đầu.
- Nhiễm nấm: Loạn dưỡng móng thường xuyên xảy ra do nhiễm nấm ở bất kỳ phần nào của móng, kể cả giường móng hay đĩa móng. Thông thường, móng bị nhiễm nấm sẽ đổi màu, trở nên giòn, dễ gãy hơn.
- Bệnh vảy nến: Một bệnh ngoài da nhưng có khả năng gây ra những thay đổi ở móng do tổn thương hình thành ở bên dưới giường móng. Tình trạng này rất khó điều trị, một số người phải loại bỏ móng tay để giải quyết trực tiếp các vấn đề ở giường móng.
Đối tượng nguy cơ
Bệnh thường thấy ở những người làm nghề bán nước giải khát, đầu bếp, rửa xe, chăn nuôi…, những người thường xuyên tiếp xúc với nước.
Chẩn đoán
Bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán dựa vào các dấu hiệu và triệu chứng trên các móng của bạn. Họ cũng có thể xem xét tiền sử bệnh và đặt những câu hỏi liên quan để hiểu rõ hơn về tình trạng của bạn.
Nếu nghi ngờ có nguyên nhân tiềm ẩn gây ra tình trạng này, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện một vài xét nghiệm bổ sung.
Phòng ngừa bệnh
Để phòng bệnh có thể áp dụng một số biện pháp sau đây:
- Nếu có thể nên thay đổi việc làm hoặc mang bao tay khi làm việc để tránh móng bị ướt.
- Hạn chế tiếp xúc với nước có chất tẩy rửa như xà bông, nước rửa chén, đá lạnh, đồ đông lạnh, các loại hóa chất có tác dụng ăn mòn da và móng như acid, thuốc tẩy…
- Chỉ tiếp xúc với nước khi cần thiết như tắm gội, không nên rửa tay chân thường xuyên khi không cần thiết, vì như thế tạo môi trường ẩm ướt cho nấm phát triển trở lại.
- Để móng được khỏe, đẹp, ngoài việc ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, nếu có điều kiện, nên xoa lên móng những loại kem dưỡng móng, các loại dầu mè, dầu ô liu…
- Với những người có thói quen đi sơn móng, làm móng, tốt nhất là nên trang bị một bộ dụng cụ làm móng riêng để tránh lây nhiễm các bệnh nhiễm trùng.
Điều trị như thế nào?
Hiện nay, không có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh loạn dưỡng móng. Bác sĩ có thể chỉ định một số sản phẩm làm mềm móng như: Cream vitamin E, physiogel, lacticare… Ngày bôi nhiều lần, quan trọng nhất là sau tắm và sau rửa tay, chân.
Để chống viêm thì có thể bôi một trong các chế phẩm có chứa corticoid hoạt phổ mạnh như: Dermovate, temproson, gentrison, diproson… Bôi ngày 2 lần trong 1-2 tuần.
Nếu có nhiễm trùng thì phải sử dụng một đợt kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa da liễu.