Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Mộng du là gì? Những điều cần biết về mộng du
Người bị mộng du có thể di chuyển và thậm chí là lái xe như thể họ đang thức. Điều này có thể khiến bạn và những người khác sợ hãi. Điều trị cho người bị mộng du là rất cần thiết trước khi có những nguy hiểm tiềm ẩn. Vậy mộng du là gì? Chúng ta cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan chung
Mộng du hay còn gọi là somnambulism. Mộng du được biết đến như một rối loạn giấc ngủ. Người bị mộng du có thể đi khi đang ngủ, hay thực hiện một số hành động thông thường như: ăn uống, mặc quần áo, lái xe,…
Cơn mộng du thường xuất hiện khoảng một đến hai giờ sau khi ngủ và chúng thường kéo dài trong khoảng 30 phút. Người bị mộng du sẽ có nét mặt trống rỗng và đôi mắt mở, điều này có thể khiến cho nhiều người thấy sợ hãi hoặc lo lắng. Những người này rất khó đánh thức, tuy nhiên khi thức giấc họ có thể không nhớ những điều mà mình làm đêm hôm trước.
Triệu chứng
Một số dấu hiệu của bệnh mộng du bao gồm:
- Thực hiện các hành động phức tạp trong khi ngủ: Người bệnh có thể đi dạo, ăn uống, thậm chí lái xe hoặc thực hiện các hành động khác trong khi vẫn đang ngủ.
- Cuộc nói chuyện trong lúc ngủ: Người mộng du có thể nói chuyện với người khác trong khi vẫn đang ngủ. Các cuộc hội thoại có thể không mạch lạc và khó hiểu.
- Hoạt động với mắt mở: Người mộng du thường mở mắt và có thể trông như họ đang thức nhưng thực tế là vẫn còn ngủ.
- Không nhớ gì sau khi thức dậy: Những người mắc bệnh mộng du cho biết, họ thường không có bất kỳ ký ức nào về những gì bản thân đã làm trong lúc ngủ.
Nguyên nhân
Nguyên nhân chính xác của mộng du chưa được hiểu rõ, mặc dù các nghiên cứu cho thấy trẻ nhỏ thường dễ bị mộng du hơn do não bộ của trẻ còn đang trong quá trình trưởng thành.
Những nguyên nhân đã được biết đến của hiện tượng mộng du:
- Tình trạng lo âu, mệt mỏi, mất ngủ, hoảng sợ ban đêm, ngủ không có giờ giấc, sốt, ốm đau triền miên, thiếu magiê, trào ngược thực quản, sử dụng một số thuốc điều trị bệnh tâm thần, thuốc an thần, là những nguyên nhân có thể gây ra tình trạng mộng du.
- Khi đi ngủ bàng quang đầy nước tiểu, ngủ ở môi trường lạ, nơi ngủ ồn ào, có quá nhiều ánh sáng, người ngủ bị stress… cũng có thể dẫn đến tình trạng mộng du.
- Ở người lớn, tình trạng này có thể liên quan tới rối loạn tâm thần, phản ứng với thuốc, người uống nhiều rượu, có xảy ra những cơn động kinh cục bộ.
- Ở người già có thể là biểu hiện của bệnh não như thiếu máu não thoáng qua, các bệnh mạch máu não…
Đối tượng nguy cơ
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mộng du bao gồm:
- Di truyền: Mộng du xuất hiện giữa những người trong gia đình. Bạn sẽ có khả năng bị mộng du nếu cha hoặc mẹ bạn có tiền căn mộng du.
- Tuổi: Mộng du thường xảy ra ở trẻ em hơn người lớn, và bệnh khởi phát ở người lớn có thể liên quan đến tình trạng bệnh lý có sẵn.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán mộng du, bác sĩ thường dựa trên thông tin từ người bệnh hoặc người chăm sóc về các biểu hiện khi ngủ. Ngoài ra, bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về tiền sử bệnh lý của bản thân, bao gồm tất cả những vấn đề về giấc ngủ hoặc các vấn đề sức khỏe khác để có thể chẩn đoán chính xác.
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng yêu cầu người bệnh ghi chép chi tiết về thói quen ngủ của mình trong một khoảng thời gian nhất định, ví dụ như thời gian đi ngủ, thức dậy, số lần tỉnh giấc trong đêm và bất kỳ biểu hiện lạ nào khi ngủ. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh nằm ngủ ở phòng kiểm tra có máy cảm biến để ghi lại thông tin về hành vi ngủ, bao gồm nhịp tim, hoạt động não, chuyển động mắt, chuyển động cơ và hô hấp…
Cần lưu ý rằng không có xét nghiệm cụ thể nào để chẩn đoán mộng du. Thay vào đó, những chẩn đoán về tình trạng bệnh thường dựa trên mô tả của người bệnh về biểu hiện khi ngủ cùng với việc loại trừ nguyên nhân khác có thể gây ra các biểu hiện này.
Phòng ngừa bệnh
Hiện nay, chưa có cách cụ thể để phòng ngừa mộng du. Tuy nhiên bạn vẫn có thể áp dụng một số cách để hạn chế nguy cơ gặp phải tình trạng này và làm giảm mức độ nghiêm trọng của các cơn mộng du.
- Luyện tập thể dục thể thao để giảm căng thẳng: Căng thẳng và mệt mỏi là những yếu tố làm tăng nguy cơ bị mộng du. Do đó, bạn có thể thử thực hiện các hoạt động giảm căng thẳng như tập yoga, thiền hoặc tập thể dục thể thao… để thư giãn.
- Duy trì môi trường ngủ yên tĩnh và thoải mái: Đảm bảo phòng ngủ yên tĩnh, tối và thoải mái có thể giúp bạn cải thiện chất lượng giấc ngủ, từ đó hạn chế gặp chứng mộng du. Đặc biệt, bạn cần lưu ý loại bỏ các yếu tố làm tăng nguy cơ bị gián đoạn giấc ngủ như ánh sáng, tiếng ồn…
- Duy trì một lịch trình ngủ đều đặn: Đi ngủ và thức dậy điều độ, cùng một thời gian mỗi ngày, kể cả vào cuối tuần có thể giúp bạn cải thiện chất lượng giấc ngủ và giảm nguy cơ bị mộng du.
- Tránh đồ uống chứa cồn và chất kích thích: Caffeine, cồn và các chất kích thích khác có thể làm gián đoạn giấc ngủ và tăng nguy cơ mắc mộng du. Do đó, để phòng ngừa bị mộng du, bạn cần hạn chế dùng các loại đồ uống có cồn, chất kích thích.
- Điều trị các vấn đề sức khỏe khác: Nếu bạn gặp bất kỳ vấn đề sức khỏe nào khác có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ như chứng ngưng thở khi ngủ hoặc mất ngủ thì cần đi thăm khám để được tư vấn về phương pháp điều trị phù hợp.
Mặc dù những cách trên không thể giúp phòng ngừa tình trạng bệnh tuyệt đối nhưng có thể hỗ trợ làm giảm nguy cơ và hạn chế mức độ nghiêm trọng của các cơn mộng du.
Điều trị như thế nào?
Những trường hợp bắt đầu ở tuổi trưởng thành cần hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa tâm thần nếu bị mộng du thường xuyên, tự gây hại cho bản thân hoặc tấn công người khác…
- Để an toàn cho người bệnh, nên để họ ngủ ở tầng trệt, trong phòng không có đồ đạc có thể gây hại, cửa phòng và cửa sổ được cài then.
- Nên để chuông ở cửa ra vào để báo thức cho người khác khi bệnh nhân mở cửa.
Khi đó cần đưa bệnh nhân trở lại giường ngủ và không nên cố gắng đánh thức người đang mộng du vì có thể làm họ bị kích động, để người bệnh ngủ đủ thời gian và có giờ giấc. - Trong một số trường hợp có thể sử dụng thuốc an thần nhóm benzodiazepin, thuốc chống trầm cảm
3 vòng. Nếu bị các bệnh lý khác như động kinh, rối loạn tâm thần cần điều trị các bệnh lý đó. - Riêng đối với trẻ em, khi bị mộng du cần dịu dàng đưa trẻ trở lại phòng ngủ. Trước hết đưa trẻ vào nhà vệ sinh vì có thể trẻ đi tìm chỗ vệ sinh, sau đó đưa trẻ về giường. Mộng du có thể kết thúc ngay khi trẻ nằm lên giường. Đừng trông đợi trẻ thức tỉnh khi trở lại giấc ngủ bình thường.
- Bảo vệ trẻ khỏi các tai nạn, mặc dù hiếm nhưng trẻ có thể bị tai nạn, nhất là lúc trẻ đi ra ngoài, có thể bị tai nạn giao thông, bị chó cắn, lạc đường. Vì thế cần khóa cửa, không để trẻ ngủ ở giường hẹp. Giúp trẻ tránh mệt mỏi, kiệt sức vì mệt mỏi, thiếu ngủ có thể làm tăng mộng du.
- Nếu trẻ cần được đánh thức sớm vào buổi sáng thì phải đi ngủ sớm hơn vào tối hôm trước. Cố gắng đánh thức đúng giờ đề phòng mộng du: Nếu con bạn thường bị mộng du, ghi chép thời gian từ lúc trẻ ngủ đến lúc bắt đầu mộng du. Sau đó đánh thức trẻ 15 phút trước khi trẻ bắt đầu mộng du, giữ cho trẻ thức 5 phút. Làm như vậy 7 đêm liền. Nếu trẻ bị mộng du lại thì luyện tập tiếp 7 đêm nữa.
Người bị mộng du cần phải được theo dõi và hỗ trợ bởi người thân để tránh hậu quả có thể xảy ra trong khi họ không tự chủ về hành vi.
Hi vọng với những chia sẻ trên giúp các bạn hiểu hơn về mộng du.